ĐI   " TẾT "

 

 

Vào mỗi dịp cuối năm, người Việt chúng ta thường có một tập tục tốt lành mà người Âu Mỹ không có, đó là đi "Tết ": con cháu "tết" ông bà, cha mẹ, họ hàng; học trò "tết" thầy, kẻ thọ ơn "tết" người ban ơn,người dưới "tết "người trên, hàng xóm "tết" nhau…Các bạn trẻ có thể cho rằng đó là một việc lỗi thời, việc của những bậc cha mẹ. Còn mình thì đi chơi cuối năm hay nhậu với nhau một bữa chắc "dzui " hơn? Thật ra, tập tục bao đời của dân tộc chúng ta vẫn hợp lý và đem lại niềm vui nhiều hơn bạn tưởng. Vui từ khi bắt đầu bàn tán, chuẩn bị, cho tới khi " tay xách nách mang ", vào cổng nhà người để "tết". Không vui sao được vì đó là hành vi tri ân; bạn biết đấy : được bày tỏ lòng biết ơn hay được lãnh nhận sự bày tỏ này, đều là niềm vui: với người cho cũng như người lãnh nhận.

 

"Cây có cội, nước có nguồn ". Có Tổ tiên, ông bà mới có cha, có mẹ, và có chúng ta. Từ khuôn mặt, hình dáng, tính tình, phong cách sống, thói quen…đều được các ngài truyền cho chúng ta qua nhiều thế hệ. Nhớ những ngày thơ ấu ông dẫn cháu đi chơi, giải thích bao chuyện và bao vật trên đời; nhớ ngày bà kể truyện đời xưa, để dành cho cháu "đồng quà tấm bánh ". Nhớ cha mẹ với công ơn sinh thành dưỡng dục, tần tảo sớm hôm nuôi ta khôn lớn nên người. Nhớ anh chị em  trong nhà đã bao lần "chị ngã em nâng ", sống với nhau "như thể tay chân " trong cùng một mái ấm. Nhớ cô, dì, chú, bác  của nội, ngoại hai bên đã bao bọc nâng đỡ chúng ta trong tình gia tộc. Nói sao cho hết ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và thân tộc. Có những bạn trẻ nhờ dịp tết nhất này mới gặp gỡ và biết mặt anh em họ mạc xa gần. Đi "tết " cũng là đi tạo tình thân, với họ hàng cũng như với những người quen, làm chúng ta được phong phú thêm trong tương quan giao hảo.

 

Ngoài xã hội, trước đây việc tết thầy cũng rất quan trọng. Thầy là người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ chúng ta nên người, gián tiếp giúp chúng ta được thành công trên đường đời, thành danh nơi xã hội. Rồi những ân nhân hỗ trợ, cứu giúp chúng ta trong cuộc sống, những bề trên đã chở che, nâng đỡ chúng ta. Và cả những láng giềng lúc"tối lửa tắt đèn" có nhau, sống trong tình đùm bọc chung lo cảnh "môi hở răng lạnh ". Trong cuộc đời, chúng ta như ở kế bên nhau, không ai có thể "nên thân" một mình, "thành danh" một mình và sống không cần người khác.

 

Vậy chúng ta hãy cùng nhau đi "tết " và …chúng ta "tết" gì ? Từ ngàn xưa, phong tục chúng ta vẫn dùng bánh chưng bánh dầy để nói lên tình tự dân tộc và tấm lòng hiếu thảo, nhắc nhớ việc Hoàng tử Lang Liêu con vua Hùng Vương thứ 6 đã tạo ra chiếc bánh chưng để tỏ lòng hiếu với cha. Có nhiều nơi vẫn biếu gạo nếp, gà qué, rượu trà, bánh mứt…Ngày nay, chúng ta không nhất thiết phải theo lệ cũ, dù nhiều nơi ở thôn quê vẫn giữ. Quà Tết miễn sao cho cụ thể, hợp với nhu cầu của người nhận và khả năng của người cho : có thể đó là món quà thực dụng trong cuộc sống hằng ngày ,hay vật mà người nhận mong có : một chậu cảnh cho ông, chiếc khăn ấm và hộp trầu cho bà, bộ quần áo thanh nhã cho cha, chiếc áo dài cho mẹ đi lễ… Quà tết đừng quá xoàng xĩnh nhưng cũng đừng quá  xa hoa. Và quan trọng nhất là phải "tết" với tấm lòng. Chúng ta đừng "tết " qua quýt cho có lệ, cũng đừng tết mà lòng không thoải mái như người học trò trong kho tàng truyện cổ Việt nam xưa. Truyện kể rằng trong một ngôi làng nổi tiếng là có nhiều người keo kiệt, trong đó có một Vị "kỹ " đến nỗi mọi người đều gọi là sư phụ và gửi con tới học để chúng biết sống "tiết kiệm " tối đa. Khi Tết gần đến, các học trò rủ nhau đi "tết " thầy. Anh trưởng tràng (trưởng lớp) đi đầu, 1 tay cầm chiếc bánh đa nướng sẵn, tay kia dắt 1 con gà trống bị cột dây ở chân, tới tết thầy. Thấy vậy, vị thầy hà tiện lên tiếng quở trách : anh là trưởng tràng mà sao hoang phí thế kia ? "Tết" cho ta cái bánh đa là đủ rồi, sao lại còn thêm con gà nữa ? người học trò cung kính trả lời "Bẩm thầy, con biếu thầy chiếc bánh đa nướng sẵn mong thầy tiết kiệm được thời giờ và công sức khỏi nướng để tỏ lòng hiếu kính, đồng thời để thầy ăn luôn. Còn những hạt mè và mẩu vụn rớt xuống đất thì phí lắm, con đã có con gà này thu dọn , rồi con dắt nó về nhà ạ ". Nghe vậy, thầy liền cho anh ngồi lên sập, rồi vừa vái vừa nói :"Con không phải là học trò hay trưởng tràng nữa, con thật đáng là… sư phụ của ta rồi ".
Chúng ta thật không mong gặp hay mong làm những "sư phụ " như thế trong cuộc đời, nhất là trong ba ngày tết, phải không bạn ?

 

Đối với những bạn trẻ ở nước ngoài, các bạn không quen đi " tết ", hoặc vướng bận công việc làm ăn, học hành ở xa. Các bạn có thể gửi những món quà qua bưu điện hoặc chút lòng thành qua thiệp tết, những lời thăm hỏi chúc mừng bằng điện thoại. Những bậc cha mẹ, ông bà, những người trên rất dễ cảm động trước sự quan tâm của các bạn, dù ở xa, nhất là trong những ngày linh thiêng của truyền thống dân tộc. Đừng ngại ngùng do dự, niềm vui gửi cho người sẽ trở về với bạn, những con cháu hiếu nghĩa, những kẻ dưới " biết ăn ở " và sống đẹp. Mùa xuân sẽ có đầy hoa nở , rộn tiếng chim ca, trong lòng những người thành tâm thiện ý và biết sống yêu thương.

 

 

 

                                                                                              Hoài Nam

                                                                                              28-01-2005