TỪ  PHÍA  CỘNG  ĐOÀN  (IV)

 

4.- Lễ An Táng - Người chết là một người đàn ông trung niên, thuộc một gia đình Cao Đài. Gần 30 năm trước đây, anh gặp một cô gái Công Giáo. Họ yêu nhau, và, với sự đồng ý của gia đình, anh học đạo và lãnh các bí tích gia nhập Hội Thánh. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ đã xin được vào làm tại một ngân hàng. Nhờ nhiệt tình trong công việc lại có nhân cách và tinh thần trách nhiệm cao, nên dầu là người có đạo trong một cơ quan nhà nước, qua năm tháng, anh chị được cất nhắc lên những vị trí quan trọng. Riêng anh được cử đứng đầu một bộ phận tín dụng, tương đương với một giám đốc ngân hàng. Dĩ nhiên, để giữ chức vụ đó, anh phải được kết nạp vào đảng CSVN. Tuy vậy, anh vẫn là một tín hữu ngoan đạo, được bà con giáo dân trong xứ đạo của anh mến phục.

Thế rồi, sau một cơn đột quỵ, anh bỏ lại vợ con mà ra đi. Mình dài dòng một chút về người chết để giải thích tại sao, trong lễ tang hôm đó, số người công giáo chỉ chiếm khoảng một phần tư cộng đoàn - họ là những người bà con, thân nhân phía vợ của người chết, trong đó có mình. Ba phần tư còn lại là người Cao Đào, tức bà con bên chồng, và cán bộ quan chức nhà nước. Dù đa số là người ngoài Công Giáo, nhưng bầu không khí của buổi lễ vẫn rất trang nghiêm.

Đúng 6 giờ, chuông phòng áo báo hiệu thánh lễ sắp bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, mình tưởng tượng Linh mục chủ sự sẽ có những lời chào lịch sự dành cho cộng đoàn, đặc biệt dành cho những người không phải là tín hữu, vì đây chắc là lần đầu tiên họ bước chân vào một nhà thờ. Rồi những lời phân ưu dành cho tang quyến, vì sự ra đi của một người thân trong gia đình máu huyết, cũng là người thân trong gia đình giáo xứ.

Nhưng mình thật sự thất vọng ! Và nhiều người sau đó cũng chia sẻ nỗi thất vọng tương tự. Vị chủ sự từ trong phòng áo đi ra, bước lên bậc bàn thờ, làm dấu thánh gia, nói vắn tắt vài lời về ý nghĩa của thánh lễ. Rồi như cái máy, ngài đọc những gì in sẵn trong sách lễ, không chào hỏi bất cứ ai (ngoài câu Chúa ở cùng anh chị em), không phân ưu cùng tang quyến lấy một lời, coi như trước mặt ngài chỉ là cộng đoàn tín hữu bình thường của giáo xứ.

Đến phần giảng lễ, mình vẫn còn hy vọng ngài sẽ có đôi lời về sự việc mới xảy ra trong giáo xứ. Nhưng tuyệt nhiên không hề có chuyện đó. Vì là lễ an táng, nên ngài cũng nói về thân phận rày còn mai mất của con người, về cõi phúc thiên đường dành cho những ai sống cuộc đời hoàn thiện …như Mẹ Maria mà "chúng ta mừng lễ mông triệu cách đây mấy hôm" !  (Lễ an táng được cử hành sáng ngày 18/8). Không biết những người ngoài công giáo đã nghĩ gì khi nghe linh mục nói vói họ như thể nói với những người có đạo !

Cuối cùng là phần tiễn biệt. Đây là lúc mà linh mục chủ sự thường có những lời phân ưu với tang gia và nói lời tữ giã người quá cố, nếu ngài đã không làm việc đó trong thánh lễ. Nhưng thật lạ lùng, ngài cũng chỉ đọc những công thức in sẵn trong sách nghi thức …và đọc nhanh nên chắc ít có người hiểu được ngài đọc gì ! Rồi ra hiệu cho biết tang lễ đã kết thúc, ngài quay lưng cùng với các lễ sinh đi vào phòng áo.

Theo thiển ý, những dịp như thế này là cơ hội thuận tiện hết sức để cho thấy sự đẹp đẽ của đạo, sự cao cả của đức tin công giáo, qua thái độ, tác phong và lời nói của vị chủ sự. Tìm đâu xa những người ngoại giáo để rao truyền Tin Mừng, khi chính họ đến với chúng ta !?

(Còn tiếp)

DU-TRƯỜNG