TỪ  PHÍA  CỘNG  ĐOÀN  (V)

 

                   5.- Nghe và thấy - Như đã giới thiệu trong phần mở đầu của loạt bài có tựa đề  "Từ phía cộng đoàn", những người đến nhà thờ tham dự thánh lễ - hằng ngày hoặc hằng tuần - đều được/phải nghe và thấy, từ chỗ ngồi giữa cộng đoàn, nhiều điều hoặc có thể làm cho tâm hồn được nâng lên, được bình an và hạnh phúc, hoặc ngược lại có thể làm cho tâm trí bực bội, thậm chí bất mãn. Một số tình huống được nêu lên trong 4 kỳ vừa qua chỉ là một phần nhỏ những gì đã được/phải nghe và thấy từ phía cộng đoàn.

                   Sau đây là những điều nghe và thấy lúc này lúc nọ, không hẳn trong cùng một cử hành phụng vụ mà rải rác lượm lặt đó đây, xin được chia sẻ với độc giả của trang thông tin của giáo phận.

                   - "Nghèo quá nên không lấy chồng được !" Đó là câu nghe được trong một bài giảng lễ an táng của một bà cụ trên 80 tuổi. Bà là một phụ nữ chọn cuộc sống độc thân sau khi không thể tiếp tục đời tu trì. Cuộc sống của bà đạm bạc, nhưng không túng thiếu. Lúc còn trẻ bà làm nghề dạy học, rồi nhận một bé gái làm con nuôi. Khi bà mất, người con nuôi đã là một phụ nữ trên ba mươi tuổi và cũng như mẹ nuôi, cô ấy ở vậy, không lấy chồng. Thế mà, để cho có vẽ lâm ly bi đát, vị LM chủ sự thánh lễ đã phát biểu như trên. Nay trong giáo xứ, cô gái nào hơi có tuổi một chút mà vẫn "chửa chồng" thì đều bị coi là do "quá nghèo" !

                  

                   - "Hiện diện lâu giờ trước Thánh Thể". Đó là câu kinh được đọc trong Năm Linh Mục, với ý chỉ xin cho được noi gương Thánh Linh Mục Gioan Maria Vianey yêu mến phép Thánh Thể và hiện diện lâu giờ trước Thánh Thể Chúa. Lời kinh dành cho mọi tín hữu, nhưng chắc chắn nhắm đến hàng giáo sĩ nhiều hơn. Thật cảm động khi đến nhà thờ mà thấy vị mục tử của mình quì cầu nguyện trước và sau khi cử hành thánh lễ, chứ không xuất hiện rồi biến ngay như thể nhiệm vụ của ngài chỉ là làm công việc ấy.

                  

                   - "Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi". Đó là lời cầu xin (Thiên Chúa), hay là lời mời gọi (cộng đoàn) mà mình hay nghe LM đọc trong phần giáo đầu trước thánh lễ. Thường thì sau khi làm dấu thánh giá, LM nói về ý nghĩa của thánh lễ sắp được cử hành, các ý chỉ cầu nguyện (theo ý người xin dâng lễ), rồi mời gọi cộng đoàn phụng vụ ăn năn sám hối để được xứng đáng "cử hành mầu nhiệm thánh". Nhưng thường khi mình không phân biệt được lời mời gọi này với những gì LM nói trước đó, vì ngài không dừng lại giây lát giữa những điều ngài nói. Công thức mời gọi sám hối do đó mất đi giá trị của nó. Lẽ ra nếu dùng công thức mời gọi này (vì theo nghi thức mới được áp dụng từ sau Công đồng Vaticanô II, thì có ít nữa là 3 công thức thống hối trước thánh lễ), thì LM phải im lặng giây lát sau phần nói về ý nghĩa của thánh lễ và các ý chỉ cầu nguyện trong thánh lễ, rồi mới nói đại khái như sau : Và giờ đây, để được xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh (hoăc cử hành thánh lễ), chúng ta hãy giục lòng ăn năn, xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và thiếu sót chúng ta đã phạm…chứ không chỉ vắn tắt - có vẻ như qua loa - "Xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi để chúng ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.", sau khi đã dài dòng nói về những chuyện khác, khiến cộng đoàn phụng vụ khó có được tâm tình thống hối thực sự !

                   

                   - "Cây nào trái ấy". Một bài giảng lễ đã làm nhức nhối nhiều người, khi vị LM  lặp đi lặp lại lời nói của Chúa Giêsu được các thánh sử Matthêu và Luca ghi lại : " Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu" (Mt 7, 17) hoặc "Xem quả thì biết cây" (Lc 6, 44). Các câu này nằm trong Bài Giảng Trên Núi, và theo thiển ý, thì Chúa Giêsu chắc chắn không có ý so sánh cha mẹ với cây và con cái với trái. Vì theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói trước đó : "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai." (Mt 7, 15-16) Còn thánh Luca thì ghi lại lời Chúa Giêsu giải thích về ý nghĩa "cây" và "trái" như sau : "Người tốt thì lấy ra cái tốt  từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra." (Lc 6, 45). Vậy mà trong bài giảng (hôm đó là lễ các Thánh Gioakim và Anna), vị LM đã ca ngợi hai ông bà là những cây tốt nên mới có thể sinh ra một quả tốt (là Đức Maria) như vậy. Tuy không ám chỉ ai, nhưng qua những lời (mình cho là hơi thiếu tế nhị) , vị LM đã vô tình chê trách những người cha người mẹ bất hạnh có con cái hư hỏng. Một tấm lòng thật sự nhân hậu sẽ không bao giờ gây thêm nhức nhối cho những con tim đã và đang rỉ máu vì những khó khăn thử thách gia đình !

                  

                   - Hiện tại và Tương lai. Vị tư tế hôm đó là một LM dòng Tên. Bài Tin Mừng nói về Tám Mối Phúc Thật. Trong những phân tích rất hay về Hiến chương Nước Trời nghe được qua bài giảng lễ của ngài, điều mình tâm đắc nhất nhất (có lẽ do méo mó nghề nghiệp !) là ngài nói về các thì của động từ được Chúa Giêsu dùng để công bố các mối phúc thật : hiện tại và tương lai.

               Hai mối phúc thứ nhất và thứ tám được hưởng ngay từ bây giờ (động từ LÀ ở thì hiện tại) :  

                      Thứ nhất ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

                     Thứ tám ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

               Trong khi đó, các mối phúc khác thì chỉ được hưởng ở đời sau ( các động từ ở  thì tương lai với cấu từ SẼ) :

                     Thứ hai ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa trời làm của mình                                                                                                                               vậy . 

                     Thứ ba ai khóc lóc ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy.

                     Thứ bốn ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

                      Thứ năm ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

                      Thứ sáu ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời                                                                                                                                 vậy.

                      Thứ bảy ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức                                                                                                                       Chúa Trời vậy.

                   Không biết ý tưởng về hiện tại và tương lai trong các mối phúc có phải là của chính LM chủ sự thánh lễ hôm đó hay không. Dầu sao, lần đầu tiên được nghe phân tích như vậy, mình cảm thấy thích thú và nghĩ rằng, với tinh thần khó nghèo và sự chấp nhận những bách hại vì đức tin, người môn đệ của Chúa, ngay từ đời này, đã có thể nếm được hạnh phúc Nước trời. Chẳng phải chính Chúa Giêsu đã nói rằng : " Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh em vì Nước thiên Chúa (tức là thực hiện những điều kiện của các mối phúc thứ nhất và thứ tám), mà lại không được gấp bội ở thời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau" (Lc 18, 29-30) đó sao ?

                                                                             ---

                     Một bài giảng lễ được chuẩn bị kỹ càng, những lời phát biểu thân tình và ý nghĩa, những động tác nghiêm trang thánh thiện, đó là những gì người tham dự thánh lễ chờ đợi được nghe và thấy nơi cung thánh từ phía cộng đoàn.

 

                             DU-TRƯỜNG

                                     (Hết)