Ơn Gọi Truyền Giáo

                            

          Trong một bài viết mới đây - bài Tản mạn về Ơn gọi - tôi đã mạo muội bàn đến vấn đề truyền giáo tại Việt-nam, ghi lại thắc mắc mà Cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn đã nêu lên trong một bài viết của ngài (x.Ns CG&DT, số 176, tháng 8.2009) : Tại sao tỷ lệ người công giáo so với dân số trong cả nước không thay đổi từ trên một trăm năm nay ? Mới đây, trong bài giảng lễ nhân dịp Đại hội Truyền giáo tại Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn, Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc đã nói rằng người Công giáo không mạnh dạn dấn thân rao giảng Tin Mừng cho lương dân bằng anh em Tin lành. Ngài nêu một ví dụ - lấy từ bên Trung quốc - rằng cách đây gần 200  trăm năm, cứ 10.000 người Công giáo mới có một người Tin lành, nhưng nay thì cứ 3 người Tin lành mới có một người Công giáo (nguồn tin Vietcatholic ngày 23/10/2010).

          Từ những điều ghi lại trên đây, tôi xin được tiếp tục bàn về đề tài đang trở nên nóng bỏng trong Giáo hội Việt-nam, khi Đại Hội Dân Chúa đang gần kề.

          Chúng ta gần như ai cũng biết rằng truyền giáo là bản chất của Hội Thánh. Nhưng phải truyền giáo như thế nào mới đạt hiệu quả như lòng Chúa mong muốn ?

          Trong bài giảng của Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc trích dẫn trên đây, chúng ta đọc được như thế này ở điểm  6 (trong 8 điểm của toàn bài) :  " Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, trình bày, minh họa, thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những người chúng ta gặp. Chúng ta đừng sợ : sự nhút nhát của chúng ta có hậu quả rất lớn. Nhiều người mất cơ hội để biết Chúa. Hãy mạnh dạn như anh em Tin lành. Họ ít bỏ lỡ cơ hội để nói về Chúa". Chắc ai nấy đều đồng tình với ngài về mặt lý thuyết. Nhưng có lẽ chúng ta không quên câu nói của ông Gandi, rằng ông tin đạo của Chúa Ki-tô nhưng không tin người có đạo. Tại sao vậy ? Chuyện kể rằng, vì mến đạo, ông đã tìm đến một nhà thờ của người có đạo. Nhưng khi ông định bước vào nhà thờ thì người có đạo chặn ông lại không cho vào, bởi vì ông là người da màu trong khi họ là người da trắng ! Có lẽ những người có đạo này đã giới thiệu, trình bày, minh họa , nhưng không thuyết phục được người nghe vì họ đã không làm chứng về những điều họ rao giảng.

          Tôi đã đọc được tên trang tin Zenit, câu chuyện về một linh mục người Nhật, khi được gặp Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, thì linh mục đó đã xin ngài khuyên phải làm thế nào để lôi kéo giới trẻ đến với Hội thánh. Có lẽ vị linh mục người Nhật đã rất ngạc nhiên khi không nghe Đức Thánh Cha dạy làm điều này điều nọ - như tạo sân chơi cho người trẻ, như tổ chức những buổi sinh hoạt hoành tráng … - mà lại nghe Vị Cha chung khuyên hãy sống trung thực với chính mình, nghĩa là hãy có sự thống nhất giữa lời rao giảng và hành động của mình, nghĩa là không được để cho ngôn hành  tương phản phản nhau ! Người trẻ đã vậy, thì người ngoại giáo cũng phải vậy, không thể khác được.

          Hai câu chuyện sau đây có thể minh họa cho lời dạy của Đức Giáo Hoàng trên đây.

          Câu chuyện thứ nhất liên quan đến Đức Cố Giám mục Kontum, Đức Cha Phao-lô Seitz (tên Việt là Đức Cha Kim, ngài đã qua đời tại Pháp ngày 24.02.1984). Chuyện kể rằng, trong một chuyến lên Đà-lạt, xe của Đức Cha đang leo đèo Prenn thì gặp một đôi vợ chồng đang loay hoay với chiếc xe của họ bị trục trặc máy móc thế nào đó mà không chạy được. Đêm đã xuống. Trời tối om, không ai nhận ra ai. Đức Cha xuống xe, và khi đã hiểu cớ sự, ngài đã không nói không rằng, chui xuống gầm chiếc xe của hai vợ chồng, dùng đèn pin tìm chỗ trục trặc, và ít phút sau đã khắc phục được sự cố. Hai vợ chồng vui mừng và rối rít cám ơn vị ân nhân lạ mặt của mình. Khi họ hỏi ngài là ai, thì ngài trao cho họ một tấm danh thiếp rồi chào từ giã họ. Người chồng mở đèn trên xe và đọc :  +Paul Seitz, Giám mục Kontum.

          Ngưỡng mộ tấm lòng bác ái thật là sống động của một chức sắc cao trong đạo, hai người và các con của họ đã xin gia nhập đạo. Người chồng là bác sĩ Khiêm mà ai đã sống lâu năm ở Đà-lạt đều biết.

          Câu chuyện thứ hai kể về Cha Bửu Dưỡng, một linh mục dòng Đa-minh, người đã lập nên giáo xứ Du-sinh Đà-lạt. Chuyện kể rằng, khi còn là sinh viên, ngài thường về nghỉ hè tại nhà của thân phụ ngài là quan chức của triều đình Huế. Ngày kia, khi đi ngang qua chỗ làm việc của những gia nhân, ngài nghe một người nói với bạn của mình : "Mày là người có đạo mà ăn nói như vậy sao ?". Bị ám ảnh bởi câu nói đó, sinh viên Bửu Dưỡng đã tự hỏi tại sao người có đạo lại không được ăn nói như những người khác, cái gì bắt họ phải nói năng đàng hoàng, không thô tục, không xấc láo … Ngài đã tìm hiểu đạo và trở thành không chỉ là một giáo dân công giáo, mà còn là một linh mục nổi tiếng.

          Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ của Người phải trở thành những chứng nhân. Chúng ta đọc thấy điều này trong đoạn sách Công Vụ Tông Đồ sau đây : "Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1, 8).

          Để kết thúc, có lẽ chúng ta nên đọc lại những lời Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nói với các Thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, ngày 02.10.1974, được ngài nhắc lại trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, ngày 08.12.1975 : "Người thời nay thích nghe chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy là bởi vì những người này đã là những chứng nhân."     

 

Du Trường