Trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285) . Quân Trần dưới sự chỉ huy của hai vua Trần : Thượng Hoàng Thánh Tông (Thời nhà Trần, vua cha thường truyền ngôi vua cho con mình ngay khi còn sống, rồi lên làm Thái Thượng Hoàng) và Vua con là Nhân Tông , đã chiến thắng trong trận Tây Kết (Khoái Châu, Hải Hưng), nguyên soái của giặc là Toa Đô bị trúng tên chết. « Khi các tướng thắng trận đưa đầu Toa Đô về nộp, Vua Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô, thương hại nói: "Người làm tôi phải nên như người này". Rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn….Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: « Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương ! Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi  áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí  để trừ giặc mạnh là phải lắm. »   (ĐVSKTT, Bản kỷ, Kỷ nhà Trần, t 50a. )

Rồi khi đánh bại quân Mông Cổ trong cuộc xâm lược lần thứ 3(1287-1288). Vào mùa hạ tháng tư, Vua luận công ban thưởng các công thần ; Đến lúc định tội những người theo giặc. sách sử chép : « Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua [58a] bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng, Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần, Mai Kiện… » (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Trần, t 58a).

 

Lời bàn :

Độ lượng với người đã khó, với thù địch hay kẻ phản bội mình lại còn khó hơn ; chính điều này đã nói lên đức độ hơn người của kẻ đứng đầu trăm họ. Muốn tha thứ người khác cần phải biết cảm thông, việc này cho thấy người khoan dung thường không chỉ đạo đức mà còn có trí tuệ để hiểu biết người khác cùng với hoàn cảnh của họ: hiểu biết nhiều sẽ có tấm lòng rộng mở, khoan dung và tha thứ nhiều hơn. Trong cuộc sống, nếu muốn trả thù thì con người có thể thoả mãn cõi lòng hạn hẹp của mình trong một thời gian nào đó ; nhưng nếu sống độ lượng, xoá bỏ lỗi cho người khác, mình sẽ có được niềm vui rộng lớn, dài lâu.

 

              Hoài Nam

 

                                                                                                         

 

 


Mục Lục Sống Đẹp