Cách thủ đô Hà Nội khoảng 15 km và thành phố Bắc Ninh 20 km, gần đền Đô là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý thuộc thôn Cao Lâm, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Có một cánh đồng gọi là « Sơn lăng cấm địa », nơi yên nghỉ của 8 vị vua nhà Lý mà sử sách gọi là Lý Bát Đế. Khu vực này còn có tên là « Thọ lăng Thiên Đức », gọi là lăng và nay có bia đá, miếu thờ, chứ cách đây hơn chục năm, vào những thế kỷ trước, cả khu đất chỉ toàn là cây và cỏ dại, không tấm bia đá ghi tên, nơi thắp hương tưởng nhớ chung chỉ là khu đất cao nhất trên những ngôi mộ. Và thật khó khăn khi đi tìm cũng như biết được trên ngọn đồi này : mộ vua nằm ở đâu ? mộ của vua nào trong 8 vị ?

Lý thái Tổ (974-1028) là vị vua khai sáng nhà Lý, xuất thân từ cửa Phật nên có lòng từ bi, « tứ đại giai không » ( hiểu rằng 4 chất lớn (đất, nước, lửa, gió) đều là không : cát bụi trở về cát bụi), trước khi mất đã căn dặn các đại thần « Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà mộ chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khoẻ, có sức để cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng; càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt… »

Noi gương cha ông mình, 7 vị vua đời sau đều theo Thái Tổ, an nghỉ trong những mộ địa tầm thường với những lễ nghi đơn giản. Mang xuống tuyền đài tấm lòng khiêm tốn, an dân.

Lời  bàn : 

Khác hẳn các vị vua sau này xây những lăng mộ hoành tráng , tám vị vua nhà Lý là những vị vua duy nhất trong sử Việt chịu nằm trong mộ đất sơ sài , vui với cỏ cây, vì tấm lòng yêu nước thương dân ; Trước khi chết còn muốn tiết kiệm, khỏi hao phí của công để lo cho trăm họ. So với Khiêm Lăng ở Huế của vua Tự Đức nhà Nguyễn trong 4 năm xây dựng ,  với công sức của cả hàng ngàn người, thì mộ của Lý Bát Đế mới  là « Khiêm Lăng » đích thực. Ngày nay, trừ ngày 10 tháng 10 âm lịch , đông đảo dân chúng đổ về dự hội đền Đô và đến thắp nhang tưởng niệm các ngài, còn bình thường thì thật quạnh hiu , khói hương vắng lạnh . Lý Bát Đế  đã không để lại bia đá khoe công, không mồ to mả đẹp . « Sinh ký tử qui » (sống là gửi, chết là về ) , những vị vua nhà Lý cao sang quyền thế một thời , phải chăng đã ngộ được chữ  « không » của nhà Phật ngay khi còn tại thế , để biết sống chữ « tâm » có lợi cho dân cho nước và chết đi cũng mang chữ « tâm » rạng ngời, không phiền hà đến đời sống của dân.

 

                   Ân Linh

 

 

 


Mục Lục Sống Đẹp