« Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào !... Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc ; việc chôn cất… cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế ». (ĐVSKTT,Bản Kỷ, Quyển 3, Kỷ nhà Lý,25b )

Đó là di chiếu của vua Lý nhân Tông  (1066-1128), vị vua thứ tư của nhà Lý. Người  ở ngôi vua lâu nhất trong lịch sử Việt Nam (56 năm). Cũng là vị vua mở đầu cho nền giáo dục khoa cử và đại học của nước ta : mở khoa thi Minh Kinh bác học, còn gọi là khoa thi Tam trường đầu tiên trong sử Việt (năm 1075), lập Quốc tử Giám (1076) là trường đại học đầu tiên của nước nhà. Nhưng đáng kể nhất là tấm lòng nhân hậu của nhà vua : Xuống chiếu cho các công thần 80 tuổi đều được chống gậy, ngồi ghế khi vào chầu (1074) ; Xuống chiếu cầu lời nói thẳng ; Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ để quản quân, trị dân (1076).  Khuyến khích dân đắp đê , khơi ngòi, chài lưới, làm ruộng, cổ vũ các nghề thủ công, giảm tô thuế, ân xá tội nhân, nâng đỡ chăm sóc những người nghèo, già lão, yếu đau, chuộc người tôi đòi, giúp đỡ người goá bụa…Người là vị vua nhân ái, thương dân, có  thể dùng câu của sử thần Lê quý Đôn đời Hậu Lê để ca ngợi : Nhà vua thật "Xứng đáng là vị anh quân đời Lý".

 

Lời bàn :                                                                                                                                                      

Đời người không được đánh giá bằng sự dài ngắn của thời gian, mà bằng tầm rộng lớn của sự nghiệp, nhất là bằng chiều cao sâu của đức độ. Vua Lý Nhân Tông thật xứng với chữ « nhân », người tuy đã tạo nhiều phúc trạch cho dân, lòng lại khiêm tốn nghĩ mình tài hèn đức bạc, miễn cho dân những gánh nặng của hình thức quá đáng, sợ quấy rầy đời sống vốn đã khổ cực của dân thì lòng thêm mang tội. Theo học thuyết Đông Phương, dù là quan niệm « Tĩnh » của Đạo gia (Lão,Trang): sống chết là sự biến hoá của tự nhiên, là « mệnh trời », chết là về với Tạo Hoá, là « trở về nhà » , nên không cần quan tâm tới ; Hay là quan niệm  « Động » của Nho gia (Khổng, Mạnh): chết là nghỉ, nên cứ tận tâm tận sức lo lắng cho đời, « chưa biết lẽ sống, cần gì biết lẽ chết », có buồn chăng chỉ là vì chưa thực hiện được lẽ đạo    buồn cho đời, chứ mình thì đã « lạc sinh an tử » (sống vui vẻ, chết bình an). Dù tĩnh hay động, tinh thần lạc quan trước cái chết của người Phương Đông phải chăng đã thật gần với Đạo Trời, đạo thật ; Lòng đã hướng về Chân Lý Vĩnh Cửu trên bước đường dương thế còn nhiều gian khổ, chông gai ?

 

                           Ân Linh