Thư chung của Thánh Bộ ĐứcTin gởi các giám mục : "Sự cộng tác giữa nam giới và nữ giới trong Giáo Hội và trong thế giới"

 

Vatican. Theo Zenit,  sáng ngày thứ bảy 31/07/2004, Thánh Bộ Đức Tin đã cho phổ biến thư chung gởi các giám mục nói về "Sự cộng tác giữa nam giới và nữ giới trong Giáo Hội và trong thế giới". Thư chung này đã được dịch ra sáu ngôn ngữ : Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Văn bản được ấn ký bởi Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin, và Đức cha Angenlo Amato, thơ ký Thánh Bộ ngày lễ Đức Mẹ thăm viếng 31/05/2004. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I đã phê chuẩn văn bản và ban lệnh phát hành trong một cuộc tiếp kiến Đức Hồng Y tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin.

Tài liệu được phổ biến dưới dạng sách bỏ túi gồm 17 chương, phần dẫn nhập, kết luận và bốn phần : "Vấn đề", "Những dữ liệu căn bản theo nhân chủng học thánh kinh", "Tính thời sự của những giá trị nữ tính trong đời sống xã hội", "Tính thời sự của những giá trị nữ tính trong đời sống Giáo Hội".

Phần dẫn nhập giải thích : "Sau khi giới thiệu vắn tắt và đánh giá  phê bình một số quan niệm nhân chủng học hiện đại, tài liệu hiện hành muốn đề nghị những suy nghĩ được cảm hứng từ những dữ liệu theo học thuyết của nhân chủng học thánh kinh - điều không thể thiếu nhằm bảo vệ căn tính nhân loại - đối với một vài giả thiết của một quan niệm đúng đắn của sự hợp tác tích cực giữa nam giới và nữ giới trong Giáo Hội và trong thế giới, qua sự thừa nhận tính khác biệt của họ.

Tính mới mẻ của văn bản

Cũng theo nguồn tin trên, trong bài phỏng vấn  ĐGM Angenlo Amato, thơ ký Thánh Bộ Đức Tin, Ngài cho biết : "Tính mới mẻ nằm ở câu trả lời cho hai khuynh hướng của văn hóa đương thời. Khuynh hướng thứ nhất nhấn mạnh đến điều kiện lệ thuộc của phụ nữ và đặt nó trong điều kiện đối kháng với nam giới. Như thế họ thiết lập một sự một sự cạnh tranh đối kháng tận căn giữa hai phái : Căn tính và vai trò của phái này là sự phủ định phái khác. Để tránh sự đối kháng này, một khuynh hướng thứ hai muốn xóa bỏ tất cả sự khác biệt giữa hai phái. Sự khác biệt về mặt cơ thể mà người ta gọi là "phái" (sexe) bị giảm thiểu và xem đơn thuần là một hiệu ứng của điều kiện văn hóa xã hội. Người ta nhấn mạnh tối đa chiều kích văn hóa được gọi là "giống" (genre). Từ đó dẫn đến sự tranh cãi về tính chất tự nhiên của gia đình tạo nên bởi cha - mẹ, coi như ngang hàng hôn nhân đồng tính và dị tính, và đề một thứ tính dục đa dạng.

Tái khám phá và hoán cải

Theo ĐGM Amato, "có hai từ để kết luận : tái khám phá và hoán cải. Tái khám phá ra phẩm giá chung của người nam và người nữ, trong sự công nhận lẫn nhau và trong sự hợp tác. Sự hoán cải từ phía người nam và người nữ về với căn tính nguyên thuỷ của mình, "hình ảnh của Thiên Chúa", mỗi người tuỳ theo ân sủng riêng của mình.

Lão Phu lược dịch (theo bản tin Zenit 31/07/2004)


Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà