Unesco : nền đạo đức sinh học trước hết vì những lý do đạo đức

 

 

Rôma ngày 10/10/2005

 

Trong dịp hội nghị lần thứ 33 tại Paris của tổ chức Unesco thuộc LHQ chuyên về những vấn đề giáo dục, khoa học và văn hoá, ĐGM Francesco Follo, đại diện Toà Thánh, đã tuyên bố rằng nếu có một nền đạo đức sinh học thì trước tiên là vì những lý do đạo đức. Hội nghị lần thứ 33 của tổ chức Unesco được đánh dấu bằng những cuộc thảo luận quan trọng về những đề tài mà Toà Thánh quan tâm nhiều như sự đối thoại liên văn hoá và liên tôn giáo, sự đa dạng văn hoá, đạo đức sinh học, tương quan giữa tự do và công lý, chân lý và công lý, những giá trị giáo dục.

 

Về sự tôn trọng con người và nhân phẩm, ĐGM Follo khẳng định rằng đạo đức sinh học bắt buộc chúng ta phải biết sự đòi hỏi đạo đức là gì, nghĩa là sự tôn trọng con người và nhân phẩm của nó. Ngài nhìn nhận : « Không thể nào chối cãi rằng sinh học và y học từ khi bùng phát triển đã đóng góp to lớn vào việc cải thiện điều kiện sống của con người. Nhưng hiện nay chúng ta đứng trước một trạng huống mới, trong đó con người có thể chạm đến định mệnh của loài người, bị cám dỗ xử dụng con người như một đồ vật của phòng thí nghiệm ».

 

Ngài thêm : « Một mặt con người khẳng định rằng họ muốn chữa khỏi và giúp con người có một đời sống xứng đáng cho tới chết, nhưng mặt khác chúng ta biết rằng phần lớn của nhân loại trên thế giới không được hưởng những quyền này vì sự thiếu bác sĩ, đồ thiết bị và thuốc chữa bệnh. Trước những thách thức mới này, con người phải là con người, sống một đời sống con người và chết cái chết của một con người. Chúng ta thấy rõ rằng khía cạnh sinh học chỉ là một trong những chiều kích của con người và đơn giản hoá nó chỉ vào khía cạnh này là điều méo mó. Nếu phải có một nền đạo đức sinh học thì trước tiên là vì những lý do đạo đức ».

 

ĐGM Follo nhắc lại rằng vai trò đặc biệt của Giáo Hội là phục vụ con người. Ngài tiếp : « Giáo dục dựa trên sự phát triển toàn diện của con người phải nhắm đào tạo con người trong mọi chiều kích của nó : thể xác, tâm linh, đạo đức, văn hoá, chính trị, tôn giáo. Nền giáo dục chân thực không chỉ có mục đích đào tạo những người công dân. Nó cũng không có mục đích chỉ đào tạo những người có tri thức. Giáo dục phải luôn nhằm xa hơn và hình thành những con người tự do và có trách nhiệm, nhất là trong lãnh vực tình cảm và xã hội. Như ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở tại đây ( diễn văn tại Unesco ngày 2/6/1980) rằng giáo dục nhằm làm con người luôn trở thành người hơn, làm con người biết sống hơn và không chỉ có thể có nhiều hơn; từ đó với những cái mình có hoặc sở hữu, con người càng ngày càng biết sống trọn vẹn hơn ».

 

ĐGM Follo kết thúc với những lời sau : « ĐGH Bênêđictô XVI mới đây bảo đảm rằng Giáo Hội sẽ mang đến sự đóng góp của mình để phục vụ cộng đồng nhân loại qua sự mang ra ánh sáng một cách không ngừng đào sâu tương quan giữa mỗi con người với Đấng Tạo Hoá của mình, đó là nền tảng của nhân phẩm bất khả nhượng của mỗi con người, từ lúc được thụ thai cho tới cuối đời. Đó là ơn gọi đặc biệt của Giáo Hội để phục vụ con người ».

 

 

Thông tấn Zenit

Lang Biang dịch

 

 

 


Về Trang Mục Lục