Phản Ứng đối với việc Tòa Thánh chào đón anh em Anh Giáo muốn trở về hợp nhất

(Vietcatholic news 26 Oct 2009 23:56) – Tiếp theo tuyên bố của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc Đức Thánh Cha sẽ ban hành tông hiến thiết lập các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân để đón nhận sự trở về có tính cộng đoàn của anh em Anh Giáo, người ta đọc được khá nhiều phản ứng.

Phản ứng tiêu cực

Trái với nhận định của tờ Wall Street Journal cho rằng: các giáo hội Anh Giáo, hiện chiếm phân nửa tín hữu Anh Giáo hoàn cầu và là các giáo hội có khuynh hướng bảo thủ hay duy truyền thống, sẽ ồ ạt hưởng ứng động thái mới của Vatican, Đài BBC gần đây loan tin: vị đứng đầu Giáo Hội Anh Giáo tại Kenya là Tổng Giám Mục Eliud Wabukala đã bác bỏ sáng kiến của Đức Giáo Hoàng nhằm cho phép những người Anh Giáo bất mãn muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Vị tổng giám mục này cho hay: người Anh Giáo Châu Phi không dễ gì bước vào hiệp thông trọn vẹn với người Công Giáo. Đã đành là khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, người Anh Giáo được quyền duy trì bản sắc tôn giáo đặc thù của mình, và nhiều người trong Anh Giáo hiện rất bất bình về việc Giáo Hội của họ truyền chức linh mục và giám mục cho phụ nữ cũng như cho phép người đồng tính kết hôn, nhưng “Gia đình Thệ Phản hiểu đức tin khác với Công Giáo, nhất là về vấn đề hiểu Phép Thánh Thể và định nghĩa thừa tác vụ”. Mà Giáo Hội Anh Giáo tại Châu Phi lại có tinh thần Thệ Phản rất cao. Mặt khác, theo Tổng Giám Mục Henry Luke Orombi của Uganda, Giáo Hội Anh Giáo tại Châu Phi không có chia rẽ về hai vấn đề đang làm nhức nhối các Giáo Hội Anh Giáo tại Phương Tây tức việc phong chức cho nữ giới và hôn nhân đồng tính.

Phản ứng từ Anh Quốc xem ra cũng không hào hứng lắm đối với động thái của Tòa Thánh. Trước những phỏng đoán sẽ có rất nhiều người Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Anh Giáo vào dịp này, một số các vị chức sắc của Giáo Hội Anh Giáo tại Anh cho hay: đó mới chỉ là phỏng đoán. Họ cũng nhấn mạnh tới khía cạnh: tại Anh, các giám mục Anh Giáo thường hành động một cách cá nhân chứ không hẳn đem toàn bộ giáo phận, vốn gồm nhiều quan điểm khác nhau, theo với mình. Chính vì thế, những người này dự đoán rằng con số người Anh Giáo gia nhập Công Giáo sẽ không lớn lắm; vả lại, theo kinh nghiệm đầu thập niên 1990, khi có phong trào phản đối việc phong chức cho nữ giới, chỉ có khoảng 500 người thay đổi tuyên tín mà thôi, và một số không nhỏ sau đó đã trở về với Anh Giáo.

Tim Collard, một tín hữu Anh Giáo và là một nhà ngoại giao Anh từng phục vụ lâu năm tại Trung Hoa và Đức Quốc, nay đã về hưu, nhân dịp này hơi thắc mắc tại sao Giáo Hội Công Giáo muốn lôi kéo phái bảo thủ trong Giáo Hội Anh Giáo trong khi ấy lại tỏ ra sợ thánh lễ bằng tiếng Latinh (mà phái bảo thủ rất thích). Tuy nhiên, ông không đồng ý với một số người coi động thái của Tòa Thánh chỉ là một thứ âm mưu ma mãnh của phe “duy giáo hoàng” (papist) nhằm chia rẽ và phá hoại Giáo Hội Anh Giáo. Trái lại, ông coi việc Đức Bênêđíctô XVI sắp sửa đưa ra có tính cách xóa bỏ ngăn cách và do đó là một điều tốt và ông kính trọng bất cứ ai gia nhập Giáo Hội Anh Giáo nhờ sáng kiến mới này. Có điều ông không tin người Anh Giáo sẽ hàng loạt làm điều đó. Những người sẵn sàng nghe luận điểm giáo hội học của Rôma thì đã bước qua đó từ lâu rồi. Những người thích âm nhạc bình ca hay nền phụng vụ cổ điển như chính ông chắc chắn sẽ ở lại để cố gắng làm cho nền âm nhạc thánh đường trở thành tuyệt diệu (không như ca đoàn nhà nguyện Sistine mà ông coi là kinh hãi). Và những người như ông sẽ chăm chú lắng nghe bất cứ lời nói hợp tình hợp lý nào, nhất là lời nói của Đức Giáo Hoàng, mà theo ông là một nhà thần học Kitô Giáo vĩ đại.

Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng vấn đề độc thân của hàng giáo sĩ có thể là một trở ngại khó vượt qua đối với một số người Anh Giáo muốn trở lại Công Giáo. Francis X. Rocca, của Dịch Vụ Tin Tức Tôn Giáo (Religion News Service) nhận định rằng: tuy Giáo Hội Công Giáo, ít nhất từ thập niên 1980, đã có điều khoản chấp nhận các giáo sĩ đã lập gia đình, tuy nhiên điều khoản này hết sức hạn chế. Vatican nhấn mạnh: chỉ những người đàn ông không lập gia đình mới đủ tư cách làm giám mục trong các tòa bản quyền tòng nhân. Mặt khác, chính Đức Hồng Y William Levada, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, từng xác nhận rằng các toà bản quyền tòng nhân sẽ không truyền chức linh mục cho các người đàn ông đã lập gia đình nếu trước đó họ chưa bao giờ tu học tại một chủng viện Anh Giáo, hay sẽ không cho phép các linh mục chưa lập gia đình được lấy vợ sau khi đã thụ phong. Đối với nhiều người, đó là một trở ngại lớn, như nhận định của Giám Mục Anh Giáo Jack Iker ở Fort Worth, người từng muốn gia nhập Công Giáo trước đây: “Tôi thấy việc không có điều khoản vĩnh viễn đối với hàng giáo sĩ có gia đình là một trở ngại nghiêm trọng cho sự hợp nhất”.

Trong bối cảnh này, ai cũng nhìn vào Tổng Giám Mục Rowan Williams, người hiện đứng đầu Hiệp Thông Anh Giáo hoàn cầu, một Hiệp Thông lên tới 80 triệu tín hữu, đứng hàng thứ ba trong các Giáo Hội Kitô Giáo. Theo Dave Kansas, động thái của Đức Giáo Hoàng hiện đang thách thức vị Tổng Giám Mục này. Giống như Đức Bênêđíctô XVI, TGM Williams cũng là một học gỉa thần học có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn chiên mình vượt qua một thời đại phức tạp. Nhưng khác với Đức Bênêđíctô XVI, người có thẩm quyền không phân chia trên 1.1 tỷ người Công Giáo, TGM Williams không có đủ phương tiện để vận động được sự hợp tác của các phe phái trong Giáo Hội của ngài. Ngài chỉ có thể thuyết phục vì nói cho cùng nhiều giáo hội trong Hiệp Thông Anh Giáo, kể cả Giáo Hội tại Anh, đều tự trị.

Có điều, trước động thái của Vatican, TGM Williams rất bình tĩnh. Ngài đã cùng Đức TGM Nichols ra tuyên bố chung, coi việc ban hành tông hiến sắp tới như một thành quả của đối thoại trong bốn mươi năm qua giữa hai Giáo Hội và cho biết các đối thoại giữa hai bên sẽ được tiếp tục như thường lệ. Trong một lá thư mới đây gửi các vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo, TGM Williams xin lỗi các đồng nghiệp vì đã không cảnh báo họ sớm hơn về động thái này, bởi chính ngài cũng chỉ mới biết tới động thái ấy rất trễ.

Theo Dave Kansas, Hiệp Thông Anh Giáo là dấu vết cuối cùng của Đế Quốc Anh ngày trước. Đức tin đã theo giao thương và cờ đế quốc đi gieo trồng Giáo Hội Anh Giáo tại những nơi xa xăm như Singapore, Tanzania, Canada và South Africa. Nhưng trong hoạch định, Hiệp Thông Anh Giáo vốn chỉ có một cơ cấu lãnh đão khá thụ động, giúp cho nhiều hình thức Anh Giáo khác nhau mặc tình nở rộ trong suốt hơn 470 năm lịch sử.

Tuy nhiên, sự đa dạng trên mỗi ngày một trở nên khó xoay xở. Ít nhất, ngày nay cũng có ba khuynh hướng lớn trong Hiệp Thông này: thệ phản (Evangelicals), Anh Công Giáo (Anglo-Catholics) và Cấp Tiến (Liberals). Quan điểm của các khuynh hướng này nay đã đến chỗ khó lòng nối kết được nữa. Ngay lúc nhậm chức vào năm 2003, TGM Williams đã phải đương đầu với việc Giáo Hội Giám Chức (Episcopal), tức ngành Anh Giáo tại Mỹ, công khai phong chức giám mục cho một người đồng tính, khiến cho Hiệp Thông Anh Giáo rơi vào một tranh chấp mà từ đó không bao giờ giảm cường độ. Để duy trì sự đoàn kết của Hiệp Thông, TGM Williams từng đưa ra phương thức “hai đường rầy”, tức ý niệm cho rằng phe cấp tiến sẽ tìm ra cơ sở chung trên một đường rầy, trong khi phe bảo thủ sẽ tìm thấy cơ sở chung cho mình trên đường rầy kia, dưới một chiếc lều chung Anh Giáo. “Nó giúp người ta rõ ràng về tương lai của hai khuynh hướng này, mặc dù càng nghĩ càng thấy chúng ít có tính lý tưởng, và để có thể nói về chúng không bằng những hạn từ kiểu khải huyền của ly giáo và rút phép thông công nhưng đơn giản như điều chúng hiện là: tức hai phong thái làm người Anh Giáo”. TGM Williams đã viết như thế ngay sau vụ phong chức giám mục cho người đồng tính trên.

Nhiều người Anh Giáo cho rằng đáng lý ngài phải mạnh tay hơn với nhóm cấp tiến. Chắc chắn một điều: phương thức trên càng khó thành công khi Đức Bênêđíctô XVI ban hành tông hiến mới. Có người, và nhất là nhóm cấp tiến, cho rằng đây có thể là điều tốt, vì nó sẽ chấm dứt cảnh “hai mà một, một mà hai” dị thường này, khi đa số những người bảo thủ chấp nhận lời mời của Đức Bênêđíctô mà gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

 Phản Ứng tích cực

Thực ra, động thái mới không hẳn là sáng kiến của Tòa Thánh. Theo tuyên bố của Đức Hồng Y Levada, thì đây chỉ là một đáp ứng của Tòa Thánh trước lời yêu cầu “trong mấy năm qua” của nhiều nhóm Anh Giáo. Lời Đức Hồng Y: "Chúng tôi cố gắng thoả mãn, một cách đồng nhất và công bình, các yêu cầu muốn hiệp thông đầy đủ từng được các tín hữu Anh Giáo từ nhiều vùng trên thế giới ngỏ với chúng tôi trong mấy năm gần đây. Với đề nghị này, Giáo Hội muốn đáp ứng các mong ước hợp pháp của các nhóm Anh Giáo này trong việc hợp nhất trọn vẹn và hữu hình với Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô”.

Một trong các nhóm ấy chính là Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống (Traditional Anglican Communion, viết tắt là TAC) mà người đứng đầu hiện nay là TGM John Hepworth, của Adelaide, Nam Úc. Sau nhiều vận động của Nhóm này, ngày 25 tháng 7 năm 2008, Đức HY Levada đã gửi cho Nhóm một phúc đáp với nội dung sau đây:

“Trong một năm qua, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nghiên cứu các đề nghị mà ngài đã đệ trình nhân danh Viện Giám Mục Của Hiệp Thông Anh Giáo Truyền Thống nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Thánh Bộ này ngày 9 tháng 10 năm 2007. Vì các tháng mùa hạ đã tới gần, chúng tôi muốn bảo đảm với ngài rằng Thánh Bộ nghiêm chỉnh quan tâm tới triển vọng có được sự hợp nhất có tính cộng đoàn (corporate unity) như đã được đề cập tới trong lá thư trên.

Như ngài chắc chắn đã biết, tình thế bên trong Hiệp Thông Anh Giáo xét chung đã trở nên hết sức phức tạp suốt trong thời gian qua. Ngay khi Thánh Bộ ở vào vị trí có thể trả lời một cách dứt khoát hơn đối với các đề nghị do ngài trình bày, chúng tôi sẽ thông báo cho ngài hay”.

Ngay khi nhận được phúc đáp trên, TGM Hepworth đã gửi thông tri cho Giám Mục Đoàn, Các Đại Diện Tổng Quyền và các phụ tá của TAC, bày tỏ nỗi vui mừng trước viễn ảnh “hợp nhất có tính cộng đoàn” này. Ngài gọi lá thư của Đức HY Levada là đầy “nồng ấm và khích lệ” và cho biết đã hồi âm bức thư ấy bằng cách bày tỏ quyết tâm đạt cho được sự hợp nhất mà chính Chúa Giêsu đã khẩn khoản cầu xin trong Bữa Tiệc Ly, bất chấp mọi thiệt hại cá nhân có thể có. TGM Hepworth xin mọi người “cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Đức Hồng Y Levada và nhân viên của ngài tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Thực ra TAC không còn chính thức trực thuộc Hiệp Thông Anh Giáo và Tổng Giám Mục Canterbury nữa, mà đã trở thành một hiệp thông quốc tế độc lập gồm các giáo hội cùng chung một gia tài Anh Giáo. Hiện nay, các giáo xứ của TAC trên khắp thế giới tự nhận mình là người Anh Công Giáo truyền thống (traditional Anglo-Catholics) về phương diện thần học và phụng vụ. Họ được một giám mục đoàn chăm sóc, đứng đầu bởi một giáo chủ được bầu. Nhóm này được thành lập năm 1991. TGM Hepworth đứng đầu nhóm này từ năm 2002. Họ khác Hiệp Thông Anh Giáo về nhiều vấn đề, mà chính yếu là việc truyền chức cho phụ nữ. Ngoài ra còn các vấn đề khác như duyệt xét phụng vụ, chấp nhận đồng tính luyến ái và tầm quan trọng của thánh truyền. Như vừa nói, tháng 10 năm 2007, nhóm chính thức bày tỏ ý muốn hợp nhất trọn vẹn với Tòa Rôma mà không mất các điểm đặc trưng Anh Giáo của mình. Nhóm tuyên bố chấp nhận các tín điều của Giáo Hội Công Giáo, như đã được giải thích trong sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Đáp ứng ngày 20 tháng 10 vừa qua của Tòa Thánh quả đã đáp ứng khát mong của Nhóm này.

Ngay lập tức, TGM Hepworth thông tri cho các giám mục, linh mục và giáo dân của mình, hiện lên tới 400,000 người, tại Anh, Phi Châu, Úc Châu, Ấn Độ, Gia Nã Đại, Mỹ và Nam Phi hay động thái của Tòa Thánh và bày tỏ “sự xúc động trước lòng đại lượng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI”, gọi “đây là một hành động đầy lòng tốt của Đức Thánh Cha. Ngài đã dâng hiến triều đại giáo hoàng của ngài cho chính nghĩa hợp nhất. Nó vượt quá mộng ước mà chúng ta đã cả gan đề cập tới trong thỉnh nguyện thư hai năm trước đây. Nó vượt quá cả lời cầu nguyện của chúng ta. Trong hai năm ấy, chúng ta đã ý thức được rất rõ các lời cầu nguyện của bạn bè chúng ta trong Giáo Hội Công Giáo. Có lẽ lời cầu nguyện của họ còn dám đi xa hơn lời cầu nguyện của chúng ta”

Nhóm thứ hai là Nhóm Tiến Bước Trong Đức Tin (Forward in Faith, viết tắt là FiF). Đây là một phong trào đang hoạt động tại một số giáo tỉnh của Hiệp Thông Anh Giáo. Xét chung, phong trào này đại biểu cho xu hướng bảo thủ hay duy truyền thống mà ngưòi ta vốn gọi là Anh Công Giáo (Anglo-Catholicism). Họ cực lực chống đối việc phong chức phụ nữ làm linh mục và giám mục cũng như hôn nhân đồng tính.

Nhóm được thành hình năm 1992 như một liên minh các Hội Công Giáo trước đây bên trong Giáo Hội Anh và nhiều nơi khác để chống đối việc phong chức phụ nữ. Nó cũng có khuynh hướng duy truyền thống hơn về phương diện phụng vụ, giáo hội học, Kitô học và thẩm quyền Thánh Kinh. Tính đến năm 2005, phong trào có hơn 800 giáo sứ thành viên trên khắp thế giới.

Năm 2009, có phúc trình cho rằng Đức HY Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Công Giáo của Vienna, đã gặp gỡ John Broadhurst, TGM của Fulham, hiện là chủ tịch của FiF, theo gợi ý của Đức Giáo Hoàng. Không lạ gì, phản ứng của Nhóm đối với động thái của Tòa Thánh rất phấn khởi. Stephen Parkinson, phát ngôn viên của Nhóm tiên đóan: dịp này sẽ có chừng 1,000 linh mục và hàng trăm nghìn tín hữu của Giáo Hội Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Theo Parkinson: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu có giáo phận nào tại Anh trở lại nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều giáo phận tại nơi khác thuộc Hiệp Thông Anh Giáo làm vậy. Giáo phận Papua New Guinea chắc chắn sẽ trở lại, và còn một hay hai giáo phận Mỹ và giáo phận Úc nữa, cũng chắc chắn sẽ trở lại”.

Cùng ngày với tuyên bố của Đức HY Levada, TGM Broadhurst đã phát biểu: “Trước nay người Anh Công Giáo (Anglican Catholics) thường bày tỏ khát mong có được phương thế để hiệp thông trọn vẹn với Tòa Phêrô mà vẫn giữ được toàn vẹn tính trong gia tài Anh Giáo của mình miễn là không đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi hân hoan vì nay Đức Thánh Cha có ý định đưa ra các cấu trúc bên trong Giáo Hội Công Giáo có thể đáp ứng lòng khát mong tận đáy lòng này. Tiến Bước Trong Đức Tin luôn cam kết dấn thân để tìm kiếm hợp nhất trong sự thật, cho nên nồng nhiệt hoan nghinh các sáng kiến này như giây phút quyết định trong lịch sử Phong Trào Công Giáo bên trong Giáo Hội Anh Giáo. Chớ gì chúng nên một!”

Vũ Văn An

 


Về Trang Mục Lục