Hai ngày viếng thăm Tây Ban Nha của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

 

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Tây Ban Nha kéo dài hai ngày, cũng có thể được xem là hai giai đoạn chính của chuyến tông du này: thứ Bảy 6-11, tại thánh đường Thánh Giacôbê Compostela, để kết hợp với “khách hành hương tới dưới chân vị Tông đồ trong Năm thánh này [được biết mỗi khi lễ thánh Giacôbê Tông đồ ngày 25-7 hàng năm rơi vào ngày Chúa nhật, năm ấy sẽ là Năm thánh], và Chúa nhật 7-11, tại Barcelona, nơi ngài tới cung hiến ngôi đền thờ kỳ diệu Sagrada Familia [Thánh Gia], tác phẩm của kiến trúc sư thiên tài và đạo đức, Antoni Gaudi (1852-1926), –án phong chân phước cho kiến trúc sư đã được mở (1994), đã qua giai đoạn giáo phận (2003) và hiện đang được tiến hành tại Roma.

Đây là chuyến tông du lần thứ hai của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Tây Ban Nha. Chuyến viếng thăm lần thứ nhất của ngài diễn ra vào tháng 7-2006 tại Valencia nhân dịp Cuộc gặp gỡ thế giới lần thứ năm của các gia đình. Và Madrid sẽ hân hạnh được đón tiếp ngài nhân dịp Ngày Quốc tế giới trẻ sẽ được tổ chức vào tháng 8-2011 tại đây.

Ít ngày trước khi lên đường đi Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đã khẳng định: ngài tới “như nhân chứng của Đức Kitô phục sinh, với ước mong đem đến cho mọi người Lời của Người, ở đó, họ có thể tìm thấy ánh sáng để sống với phẩm giá và hy vọng để xây dựng một thế giới tốt lành hơn”.

Về Giáo hội Tây Ban Nha

Giáo hội Tây Ban Nha là một giáo hội cổ kính, được thành lập từ thời các thánh Tông Đồ. Tây Ban Nha cũng là quê hương của các vị thánh lớn trong giáo hội như Inhatio Loyola, Têrêsa Cả, Gioan Thánh Giá, Phanxicô-Xaviê…

Tây Ban Nha tính tới ngày 31-12-2009 có 92,5% dân số là công giáo, tức 42.470.000 người trên tổng dân số 45.929.000 người. Giáo hội công giáo Tây Ban Nha hiện có 124 giám mục, 24.849 linh mục, 3.906 chủng sinh, 54.599 tu sĩ, 22.786 giáo dân tận hiến và 101.261 giáo lý viên, 22.674 giáo xứ, 5.585 cơ sở giáo dục từ mẫu giáo tới đại học với 1.596.429 học sinh và sinh viên, 93 bệnh viện, 72 phòng khám bệnh, 788 nhà hưu, 3.036 trung tâm đào tạo hay cải tạo xã hội và 400 cơ sở các loại.

Thứ Bảy 6-11-2010 tại Nhà thờ chính tòa thánh Giacôbê Compostela

Tại sân bay Santiago de Compostela, sau lời chào và cám ơn các bậc vị vọng đạo đời có mặt và những người theo dõi chuyến tông du của ngài qua các phương tiện truyền thông, Đức Thánh Cha đã nói đến sứ vụ của giáo hội:

“Con người, tự thâm tâm, luôn ở trong cuộc hành trình tìm kiếm chân lý. Giáo hội cũng tham dự vào nỗi khát vọng thâm sâu của con người và cùng đi với con người đang khát khao một cách mạnh mẽ sự viên mãn. Đồng thời, Giáo hội cũng thực thi cuộc hành trình nội tâm của chính mình, để, ngang qua lòng tin, lòng cậy và lòng mến, Ghội trở nên trong suốt trước Đức Kitô đối với thế giới. Đó chính là sứ vụ và đường đi của Giáo hội: luôn luôn là sự hiện diện rõ rệt hơn nữa của Đức Kitô, ‘Đấng do bởi Thiên Chúa đã nên sự khôn ngoan cho chúng ta, sự công chính, sự thánh thiện và sự cứu chuộc…’ (1Cr 1, 30), giữa con người. Do đó, tôi cũng bước vào cuộc hành trình để củng cố anh em của tôi trong lòng tin (x. Lc 22, 32).

“Tôi đến đây với tư cách khách hành hương trong Năm thánh tại Compostela này và tôi mang trong lòng chính tình yêu đã thúc đẩy thánh Tông đồ Phaolô thực hiện các cuộc hành trình với ước nguyện nóng bỏng tới được Tây Ban Nha (x. Rm 15, 22-29). Tôi cầu mong được kết hiệp với số đông người, suốt các thế kỷ, đã tới Compostela từ mọi phía của Bán đảo Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha và từ Châu Âu, thậm chí từ khắp nơi trên thế giới, để ở dưới chân thánh Giacôbê và để được biến đổi thành chứng tá của Người về lòng tin. Với những dấu chân để lại và hy vọng tràn trề, họ mở ra một con đường của văn hóa, của cầu nguyện, của lòng thương xót và hối cải, được cụ thể hóa nơi các ngôi nhà thờ và bệnh viện, quán trọ, cầu cống và tu viện. Chính vì vậy mà Tây Ban Nha và châu Âu đã có được một dung mạo tinh thần mang dấu ấn không thể xóa nhòa của Tin Mừng.

“Tôi cũng sẽ tới Barcelona với chính tư cách sứ giả và nhân chứng của Tin Mừng, để củng cố lòng tin của người dân hiếu khách và năng động ở đây. Một niềm tin được gieo từ bình minh của Kitô giáo, đã nảy mầm và phát triển dưới sự hăng say của biết bao gương sáng về sự thánh thiện, tạo nên rất nhiều cơ sở bác ái, văn hóa và giáo dục. Một niềm tin đã thúc đẩy kiến trúc sư tài ba Antoni Gaudi tiến hành việc xây dựng tại thành phố này, cùng với nhiệt huyết và sự hợp tác của nhiều người, ngôi thánh đường Sagrada Familia [Thánh Gia], một kỳ công. Tôi lấy làm vui mừng được cung hiến ngôi thánh đường này, nơi phản chiếu toàn bộ sự vĩ đại của trí óc con người mở ra trước Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng ngỏ lời với toàn lục địa châu Âu, “khuyến khích Tây Ban Nha và châu Âu xây dựng hiện tại và phác họa tương lai của họ từ chân lý đích thực về con người, về tự do vốn tôn trọng và không hề làm tổn thương chân lý ấy, và từ công lý cho mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất và bị bỏ rơi. Một nước Tây Ban Nha và một châu Âu quan tâm không chỉ tới những nhu cầu vật chất của con người, mà cả tới những nhu cầu luân lý và xã hội, tinh thần và tôn giáo, bởi vì đó là những đòi hỏi đích thực của con người duy nhất và chỉ như vậy, người ta mới hoạt động một cách hữu hiệu, chính trực và phong phú cho lợi ích của mình”.

Viếng thăm nhà thờ Chính tòa Thánh Giacôbê Compostela

Tại nhà thờ chính tòa thánh Giacôbê Compostela, mục tiêu chính của ngày thứ nhất, Đức Thánh Cha nói lên ý nghĩa của hành hương kitô giáo: “Đi hành hương không có nghĩa là đơn thuần thăm viếng một nơi nào đó để chiêm ngắm kho tàng thiên nhiên, nghệ thuật hay lịch sử của nơi đó. Đi hành hương đúng hơn có nghĩa là ra khỏi chính mình để đi gặp Thiên Chúa tại nơi Ngài tỏ mình, tại nơi ân sủng của Thiên Chúa được tỏ bày một cách đặc biệt lộng lẫy và đã làm nảy sinh vô số hoa trái của sự trở lại và thánh thiện nơi các tín hữu. Kitô hữu đi hành hương, tại những nơi gắn với cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa, tại Đất Thánh, rồi tại Roma, thành phố nơi Phêrô và Phaolô đã chịu chết vì lòng tin, và tại Compostela gắn với ký ức về Giacôbê và đã đón nhận các khách hành hương từ khắp thế giới, mong muốn được củng cố tâm hồn mình qua các chứng tá của lòng tin và tình yêu thương của Tông đồ.

“Trong Năm thánh này tại Compostela, với tư cách là người Kế vị Phêrô, tôi muốn đích thân tới hành hương tại Nhà của Señor Santiago [thánh Giacôbê] trong dịp kỷ niệm lần thứ 800 ngày cung hiến, để củng cố lòng tin và hun đúc lòng trông cậy của anh em, và để phó thác cho sự cầu bầu của thánh Tông đồ các khát vọng, các nỗ lực và công việc của anh em vì Tin Mừng. Trong khi ôm lấy tượng được tôn kính của Người, tôi cũng đã cầu nguyện cho tất cả mọi con cái của Giáo hội vốn bắt nguồn từ mầu nhiệm Hiệp thông là Thiên Chúa. Lòng tin đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm của tình yêu thương vốn là Thiên Chúa Ba Ngôi. Một cách nào đó, chúng ta đã được Thiên Chúa ôm lấy, và được tình thương của Ngài biến đổi. Giáo hội chính là vòng tay ôm chặt này của Thiên Chúa trong đó con người cũng học cách ôm chặt anh chị em của mình, khám phá ra nơi họ hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa tạo thành chân lý sâu thẳm nhất của thực thể của họ và là nguồn gốc của tự do đích thực”.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc phục vụ chân lý và tự do của Giáo hội: “Có một mối quan hệ chặt chẽ và thiết yếu giữa chân lý và tự do. Sự tìm kiếm chân lý một cách trung thực, lòng khao khát chân lý, là điều kiện của một sự tự do đích thực. Người ta không thể sống chân lý mà không có sự thật và ngược lại. Giáo hội phục vụ cả hai, chân lý và tự do, vì ước ao phục vụ hết mình con người và nhân phẩm. Giáo hội không thể từ chối công việc này của mình bởi vì đây là vấn đề liên quan đến con người, và vì Giáo hội bị thúc bách bởi tình yêu thương con người”.

Theo dấu chân các nhà hành hương

Đức Thánh Cha lấy làm tiếc: “Quả là bi đát khi châu Âu, nhất là vào thế kỷ XIX, đã tự khẳng định mình và bảo vệ xác tín rằng Thiên Chúa là kình địch của con người và là kẻ thù của sự tự do của mình”. Trong khi đó, Đức Thánh Cha khẳng định, “Thiên Chúa là nguồn gốc của thực thể của chúng ta và Ngài là nền tảng và là chóp đỉnh của sự tự do của chúng ta, chứ không phải là kẻ thù của con người”, bởi vậy, “chúng ta không thể phụng thờ Thiên Chúa mà lại không bảo vệ con người, con của Ngài, và chúng ta không phục vụ con người mà không tự đặt câu hỏi Cha của con người là ai và không trả lời cho câu hỏi về con người ấy”. Theo Đức Thánh Cha, đây là điều “Giáo hội mong muốn đem đến cho châu Âu: quan tâm đến Thiên Chúa và quan tâm đến con người, từ sự hiểu biết về cả hai, sự hiểu biết được ban cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô”.

Thánh lễ chiều thứ Bảy, 6-11

Trong bài giảng thánh lễ chiều thứ Bảy, 6-11, tại nhà thờ Chính tòa thánh Giacôbê ở Compostela, Đức Thánh Cha đã gợi lại việc các Tông đồ đã mạnh mẽ làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu và ngài khẳng định cái làm nên Kitô giáo, từ buổi đầu và tiếp tục mãi mãi, “không phải là một sáng kiến hay một dự án của con người, mà là Thiên Chúa, Đấng tuyên bố Đức Giêsu là công chính và thánh thiện trước bản án của toà án loài người đã kết án Người là báng bổ và mưu loạn; Thiên Chúa, Đấng đã giành lại Giêsu Kitô từ cái chết; Thiên Chúa, Đấng sẽ đem lại công lý cho mọi kẻ bị sỉ nhục một cách bất công trong lịch sử”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng kêu gọi “Châu Âu cần phải mở lòng mình trước Thiên Chúa, gặp gỡ Ngài không e dè sợ sệt, với ân sủng của Ngài, hoạt động cho phẩm giá của con người mà các truyền thống tốt đẹp nhất đã khám phá ra: truyền thống Thánh Kinh – nền tảng của trật tự này -, và các truyền thống cổ điển, trung đại và hiện đại, từ các truyền thống này, những công trình sáng tạo lớn thuộc lĩnh vực triết học và văn chương, văn hóa và xã hội của châu Âu đã nảy sinh”.

Chúa nhật 7-11-2010 tại Barcelona

Cung hiến nhà thờ Thánh Gia

Trong thánh lễ cung hiến và nâng nhà thờ Sagrada Familia lên hàng Tiểu vương cung thánh đường, hôm chúa nhật 7-11-2010, tại Barcelona, Đức Thánh Cha đã gọi đây là “một phép mầu của kiến trúc, một sự tổng hợp diệu kỳ giữa kỹ thuật, nghệ thuật và lòng tin”. Ngài cũng đã nhắc tới dung mạo của vị kiến trúc sư, người đã hình dung ra công trình đồ sộ này, Antoni Gaudi, người đã biết “kếp hợp ở đây cảm hứng đến từ ba cuốn sách lớn ông đã hấp thụ được với tư cách con người, với tư cách tín hữu và với tư cách kiến trúc sư: đó là thiên nhiên, Kinh Thánh và Phụng vụ”.

Nhắc đến vị kiến trúc sư đã dày công trong việc xây dựng thánh đường này, Đức Thánh Cha đã khẳng định Gaudi đã thành công trong việc “biến ngôi nhà thờ này thành một lời ngợi khen bằng đá dâng lên Thiên Chúa… Gaudi muốn đem Tin Mừng đến với mọi người”. Đức Thánh Cha giới thiệu: một phần phía ngoài nhà thờ đã là “một bài giáo lý về Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng gợi lên tấm lòng của Gaudi đối với người nghèo, người đã “cùng với cha xứ Gil Parés, phác họa và tài trợ từ chính nguồn tài chính của mình cho việc thiết lập một ngôi trường dành cho con cái của các người thợ nề và của các gia đình thấp bé nhất trong vùng ngoại ô Barcelona”.

Qua công trình của mình, Gaudi đã “vượt qua được sự chia tách giữa ý thức con người và ý thức kitô hữu, giữa sự hiện hữu trong thế giới thế tục này với sự mở ra trước sự sống đời đời, giữa cái đẹp của các sự vật và Thiên Chúa vốn là cái Đẹp”, “nhu cầu lớn của con người”.

Qua công trình vẫn còn dang dở này, sau 128 năm khởi công, ngài nói thêm, “Gaudi cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là thước đo đích thực của con người, rằng bí quyết của sự độc đáo đích thực, như kiến trúc sư nói, là về lại với cội nguồn là Thiên Chúa.”

Hãy bảo vệ hôn nhân, gia đình và sự sống

Tại lễ cung hiến thánh đường Sagrada Familia, trước sự hiện diện của nhà vua Juan Carlos và hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha tham dự thánh lễ, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng ước ao được thấy Tây Ban Nha dấn thân trong việc nâng đỡ hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, bảo vệ gia đình và sự sống bằng những biện pháp kinh tế và xã hội thích hợp. Ngài cũng nói lên quyết tâm của Giáo hội là “chống lại mọi hình thức chối bỏ sự sống của con người” và ủng hộ những gì “phát triển trật tự tự nhiên trong khuôn khổ của thiết chế gia đình”.

Trong khi đọc kinh Truyền Tin sau Thánh lễ cung hiến nhà thờ mang tên Thánh Gia, Đức Thánh Cha một lần nữa nhắc đến giá trị thiết yếu của hôn nhân và gia đình: Đức Kitô đã dạy chúng ta về “phẩm giá và giá trị thiết yếu của hôn nhân và của gia đình, niềm hy vọng của cả nhân loại, nơi sự sống được đón nhận, từ khi thụ thai cho tới khi kết thúc theo luật tự nhiên”.

Thông điệp của Đức Bênêđictô XVI được công bố tại Tây Ban Nha trong chuyến tông du hai ngày, 6 và 7-11-2010, hiển nhiên là không dành riêng cho Tây Ban Nha mà cho cả châu Âu và Giáo Hội trên toàn thế giới, những gợi ý quý báu cho nỗ lực phát triển bền vững và toàn diện.

NN. tổng hợp

 


Về Trang Mục Lục