Tái Khám Phá Ra Nguồn Cội Riêng Của Mình – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 05.10.2017)

Các Ki-tô hữu nên „tái khám phá ra nguồn cội riêng của mình“, thay vì tự co cụm lại „trong cảnh lưu đầy về tâm lý“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài giảng của Ngài được khởi đi từ Bài Đọc I, tức bài trích sách Nê-hê-mi-a thuật lại việc lần đầu tiên kể từ khi dân Israel được giải thoát khỏi cảnh lưu đầy Babilon và được đưa về lại Đất Hứa, Lề Luật của Thiên Chúa lại được công bố một cách trang trọng cho toàn dân nghe.

Cuộc lưu đầy của dân Israel đã kéo dài tới 70 năm – Đức Thánh Cha nhắc nhớ; các Thánh Vịnh đã diễn tã nỗi khát khao của nhiều người đang sống xa Giê-ru-sa-lem mong được trở về Thành Thánh, nơi đã bị phá hủy. Nhân đó, Đức Thánh Cha nhắc tới „nỗi khát khao của những di dân“, của tất cả „nhưng người đang phải sống xa nhà, và đang vô cùng mong muốn được hồi hương“. Hồi ấy, Nê-hê-mi-a, mà tên của ông đã được đặt cho một cuốn sách của Kinh Thánh, đã mạo hiểm với điều đó, và đã lên đường trở về với một „cuộc hành trình đầy gian nan“. Cuộc hành trình đó „trước tiên là một cuộc hành trình để tái khám phá ra nguồn cội riêng của dân“. Không có gốc rễ sẽ không thể sống; một „dân tộc mà không có nguồn cội“ sẽ là một dân tộc „bệnh tật“.

Một người không có nguồn cội, hay một người đã lãng quên nguồn cội của mình, thì đó đều là những người mắc bệnh! Tái tìm thấy và tái khám phá ra nguồn cội của mình, nhờ thế sẽ tìm thấy được sức mạnh, tìm thấy được khả năng để tiến về phía trước; khả năng đơm bông kết trái như một cây ăn quả. Một nhà thơ đã từng viết: Điều mà nó khiến hoa nở trên cành, đến từ điều nằm dưới mặt đất mà không ai nhìn thấy. Đó là mối tương quan giữa gốc rễ và sự tốt lành mà chúng ta có thể thực hiện.“

Tất nhiên, người lên đường tìm kiếm nguồn cội của mình cũng sẽ vấp phải rất nhiều những chống đối. „Những chống đối đó đến từ những người yêu thích với việc ở lỳ trong cảnh lưu đầy, không nhất thiết là lưu đầy về mặt thân xác, nhưng lưu đầy theo khía cạnh tâm lý, trong cảnh lưu đầy tự tạo ra của cộng đoàn, của xã hội. Đó là những người yêu thích với việc trở thành một dân tộc vô cội nguồn, vô gốc gác. Chúng ta hãy nghĩ tới căn bệnh tự tạo ra cảnh lưu đầy về mặt tâm lý ấy – căn bệnh đó gây ra rất nhiều tai hại, nó băm vụn gốc rễ của chúng ta. Nó tước mất của chúng ta tư cách thuộc về một nguồn cội.“

Hồi ấy dân Israel đã không ở lỳ lại trong cảnh lưu đầy, nhưng đã can đảm hồi hương. Việc hồi hương không chỉ có nghĩa là lên đường tái thiết những gì đã bị hủy hoại, nhưng cũng còn có nghĩa là – như Bài Đọc I tường thuật – lắng nghe Lời Thiên Chúa. Trước niềm vui về những lời được Luật Sĩ Esra công bố, các thính giả - Đức Thánh Cha nhấn mạnh – „đã khóc vì vui mừng“: „Vì niềm vui trước việc tái khám phá ra nguồn cội riêng của mình, về việc biết được mình thuộc về đâu, mình từ đâu mà đến.“

Một người nam hay một người nữ mà tái tìm thấy được nguồn cội hay gốc gác của mình thì họ sẽ rất trung thành với khả năng được thuộc về gốc gác ấy của họ, họ sẽ trở thành một người nam hay một người nữ tràn ngập niềm vui: Những con người của niềm vui! Và niềm vui này chính là sức mạnh của họ. Từ chỗ khóc vì buồn phiền tới chỗ khóc vì vui mừng; từ chỗ khóc vì những yếu đuối, vì người ta đang phải xa cách nguồn cội của mình, tới chỗ khóc vì biết rằng, mình thuộc về một nguồn cội, mình có gốc gác, vì mình đang ở nhà…

Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tham dự viên hãy kéo dài những suy tư về nguồn cội riêng và tinh thần của mình. Đừng sợ phải khóc lên: Ai sợ phải khóc, người ấy cũng sẽ không biết cười.

(theo rv 05.10.2017 sk)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2017