Đừng Ngoảnh Mặt Đi Nhưng Hãy Giúp Đỡ - (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 09.10.2017)

Điều gì cấu tạo nên một Ki-tô hữu tốt lành? Thưa, việc người ấy giúp đỡ và không ngoảnh mặt đi một cách dễ dàng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Khởi đi từ Bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Lu-ca (Lc 10,25-37), Đức Thánh Cha đã đề cập tới mầu nhiệm lớn nhất của Chúa Giê-su: Vì sao Thiên Chúa lại biến mình thành con người cũng như đã cứu độ tất cả? Qua một dụ ngôn, đích thân Chúa Giê-su đã giải thích điều đó, cụ thể là qua dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu. Ông là một người dân ngoại, nhưng dẫu vậy mặc lòng, ông vẫn là người duy nhất làm điều chính trực khi ông giúp đỡ người bị nạn đang nằm nơi vệ đường.

Đây là một thái độ chung mà chúng ta đều có: chúng ta nhìn những thiên tai, nhìn một cái gì đó tồi tệ, nhưng rồi chúng ta lại ngoảnh mặt đi. Sau đó chúng ta lại đọc thấy những điều đó trên báo chí. Và trên báo chí thì người ta còn làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn với một chút gương mù, hay bổ sung thêm một điều gì đó cho có tính giật gân. Nhưng người ngoại này, một tội nhân và ông ta đang đi trên đường: ´Khi ông nhìn thấy người bị nạn, ông đã chạnh lòng thương` - Tin Mừng đã thuật lại như thế. Thánh Lu-ca đã mô tả điều đó một cách rất tuyệt vời:´Khi ông thấy người bị nạn thì ông liền chạnh lòng thương. Ông lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại.` Ông không để cho người ấy cứ nằm đó một cách đơn giản, và sau đó ông cũng không nghĩ tới việc mình đã thực hiện sự phục vụ này.

Dụ ngôn trên không phải là „câu truyện dành cho trẻ em“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Chúa Giê-su đã nói rõ quan điểm của mình để mỗi người đều có thể hiểu được điều mà Ngài muốn trình bày.

Nếu chúng ta chiêm ngưỡng dụ ngôn này thì chúng ta sẽ hiểu được cả chiều sâu lẫn chiều rộng của mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô. Viên Luật Sĩ bỏ đi mà không nói một lời, vô cùng xấu hổ và đã không hiểu gì. Ông ta không hiểu mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Nhưng có lẽ ông ta đã hiểu về nguyên tắc của con người mà nguyên tắc đó dẫn chúng ta tới với mầu nhiệm Chúa Ki-tô, và thực ra là dẫn tới chỗ nhìn xem tha nhân và giúp họ tái đứng lên. Nếu người ta làm điều đó, thì có nghĩa là người ta đang đi trên con đường chính trực, trên con đường dẫn tới Chúa Giê-su.“

Trong dụ ngôn còn có một nhân vật khác, ông này tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về hành vi cứu giúp mà người Samaritanô đã thực hiện. Đó là viên chủ quán trọ, nơi người Samaritatô mang người bị nạn vào. Người chủ quán này chỉ ngạc nhiên mà không hề hay biết gì về điều vừa mới xảy ra. Đức Thánh Cha khuyên các Ki-tô hữu ngày nay nên tự đặt ra cho mình một vài câu hỏi để thẩm tra xem liệu mình có hiểu được mầu nhiệm của Chúa Ki-tô hay không:

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đang làm gì? Tôi là một kẻ bất lương, một tên cướp hay một người biến chất? Phải chăng tôi là một Linh-mục chỉ biết ngó qua rồi lại đi tiếp? Phải chăng tôi là một nhà lãnh đạo Công giáo, nhưng tôi cũng hành động như vị tư tế trên kia? Hay đơn giản tôi chỉ là một tội nhân, là một người phải trả giá cho những tội lỗi của mình? Hay tôi là người đi đến với người gặp nạn và chăm sóc cho ông ta? Tôi có làm điều mà Chúa Giê-su đã làm không? Tôi có muốn trở thành người phục vụ không? Những câu hỏi trên sẽ đem đến cho chúng ta nhiều ích lợi nếu chúng ta đọc trình thuật này và suy tư về nó. Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô được trình bày như thế. Ngài đã đi đến với chúng ta, dẫu chúng ta là những tội nhân, để cứu độ chúng ta và mang sự sống đến cho chúng ta.“

(theo de.rv 09.10.2017 mg)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2017