Ngụp Lặn Trong Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 24.10.2017)

Trở thành một Ki-tô hữu tốt chưa có nghĩa là người ta đã thẩm thấu sâu vào trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Vì đó không phải là điều „dễ để trải qua“ – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Để hiểu được rằng, Chúa Giê-su Ki-tô „đã yêu thương tôi“ cũng như „đã trao hiến chính bản thân Ngài cho tôi“, thì sự bắt đầu với việc suy niệm Đàng Thánh Giá sẽ là điều rất hữu ích – Đức Thánh Cha khuyên.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã được khởi đi từ Bài Đọc I trích từ thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Rô-ma. Trong khi viết, Thánh nhân đã sử dụng những cặp từ tương phản, chẳng hạn như tội lỗi và ơn tha thứ, sự bất tuân và ân sủng…, để giúp chúng ta „hiểu được một chút gì đó“ – Đức Thánh Cha giải thích. Thánh Tông Đồ cảm thấy bất lực khi sử dụng từ ngữ để giải thích về điều mà Ngài thực sự muốn diễn tả. Đàng sau tất cả những diều đó là „lịch sử cứu độ“, nhưng đối với Thánh Phao-lô, chỉ những từ ngữ thôi thì không đủ để giải thích về mầu nhiệm Chúa Ki-tô – Đức Thánh Cha cho biết. Thánh Tông Đồ muốn „lay động“ chúng ta với những điều tương phản để chúng ta có thể ngụp lặn trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô, mà xét về mặt lý trí thì mầu nhiệm này không hề dễ hiểu. Thực ra, khi chúng ta bước vào trong nhà thờ, chúng ta phải biết rằng, Thiên Chúa đang hiện diện trong Lời của Ngài và Chúa Giê-su đang đến – nhưng nếu chỉ có như thế thôi thì không đủ, chúng ta còn phải bước vào trong mầu nhiệm của Chúa Ki-tô nữa – Đức Thánh Cha quả quyết.

Còn phải bước vào trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô nữa có nghĩa là, để cho Lòng Thương Xót đẩy mình trượt xuống tận đáy, nơi không còn từ ngữ nào diễn tả được nữa: chỉ có cái ôm của Tình Yêu. Đó là Tình Yêu đã đưa Ngài tới chỗ chịu chết cho chúng ta. Khi chúng ta bước vào trong Tòa Cáo Giải vì chúng ta đã phạm tội, thì chúng ta sẽ nói cho Cha Giải Tội biết về những tội lỗi của mình, và rồi chúng ta sẽ được thanh thản và bình an. Nếu chúng ta thực hành việc xưng tội như thế thì chúng ta đã chưa bước được vào trong mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Nhưng nếu tôi đi tới đó để gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi sẽ bước được vào trong mầu nhiệm của Ngài, sẽ bước được vào cái ôm của ơn tha thứ mà Thánh Phao-lô đã nói về, và cụ thể là Ngài đã nói về sự nhưng không của ơn tha thứ.“

Trước câu hỏi: Chúa Giê-su là ai đối với bạn, người ta có thể trả lời: „Con Thiên Chúa“, người ta có thể đọc thuộc lòng toàn bộ quyển Giáo Lý hay đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính – thế nhưng người ta mới chỉ đi tới được một điểm, mà ở đó người ta phải thừa nhận rằng, mình đã chưa giải thích được gì về mầu nhiệm Chúa Ki-tô – mà mầu nhiệm ấy chính là „Ngài đã yêu thương tôi“ và „Ngài đã trao hiến chính bản thân Ngài cho tôi“. „Để hiểu cho được mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô thì đó không phải là một câu hỏi của việc học vấn“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh -, vì „người ta chỉ có thể hiểu được Chúa Giê-su Ki-tô nhờ vào ân sủng thuần túy của Ngài.“ Nhưng có một thực hành đạo đức sẽ có thể giúp chúng ta hiểu được Ngài: Ngắm Đàng Thánh Giá, và việc này hệ tại ở chỗ đồng hành với Chúa Giê-su, trong chính khoảnh khắc mà Ngài trao cho chúng ta „cái ôm của ơn tha thứ và của sự bình an“:

Thật là tuyệt vời khi đi Via Crucis – ngắm Đàng Thánh Giá. Thực hiện việc đó ở nhà bằng cách nghĩ tới những khoảnh khắc trong cuộc khổ hình của Chúa. Ngay cả những vị Đại Thánh cũng vẫn khuyên rằng, hãy bắt đầu đời sống thiêng liêng bằng cuộc gặp gỡ này với mầu nhiệm Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Thánh Tê-rê-sa đã khuyên các Nữ Đan Sĩ của Ngài rằng: để đạt tới được sự cầu nguyện chiêm niệm, tức đời sống cầu nguyện thâm sâu mà Thánh Nữ đã có được, các Nữ Đan Sĩ nên bắt đầu với việc suy niệm về cuộc khổ hình của Chúa: Thánh Giá với Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô trên Thánh Giá, bắt đầu và suy nghĩ. Và hãy cố gắng bằng cách đó để hiểu cho được với con tim rằng, ´Ngài đã yêu thương tôi và đã trao hiến chính bản thân Ngài cho tôi`“

(theo de.rv 24.10.2017 cs)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2017