Nếu Không Có Đức Ái, Giáo hội Sẽ Không Thể Tiến Về Phía Trước – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 26.04.2018)

 

Bữa Tiệc Ly của Chúa dậy chúng ta cách đặc biệt về một điều: Đức Ái. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế khi Ngài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ cao nhất của Tình Yêu, và với việc rửa chân mà Chúa Giê-su đã thực hiện ngay trước Bữa Tiệc Ly, Ngài đã chỉ cho tất cả thấy rằng, „người tôi tớ không bao giờ lớn hơn“ chủ mình. Vì thế, „giống như các môn đệ ngày xưa trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta hãy để cho mình được ngắm nhìn bởi Chúa“ – Đức Thánh Cha mời gọi.

Chúa Giê-su chính là „bậc Thầy về Đức Ái“ – Đức Thánh Cha mô tả hành vi của Chúa trong bữa tiệc Ly. Khoảnh khắc ấy trong cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su đã để lại cho Giáo hội ba yếu tố: Tình Yêu, Bí Tích Thánh Thể và sự phục vụ. Điều này có thể thấy rõ từ bài Tin Mừng trong ngày (Ga 13,16-20). Bài Tin Mừng này thuật lại việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Đoạn văn chỉ cho thấy cốt lõi của Giáo hội – Đức Thánh Cha giải thích. Một mặt thì – với Bữa Tiệc Ly -, Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta Mình và Máu Thánh Ngài, và mặt khác thì – với việc rửa chân cho các môn đệ -, Ngài đã để lại cho chúng ta sự phục vụ tha nhân. Từ đó người ta cũng có thể phát triển nguyên tắc Ki-tô giáo „Ngươi phải yêu thương tha nhân như chính mình“ thành „Ngươi phải yêu thương tha nhân như chính Ta đã yêu thương các ngươi.“

Nếu không có Đức Ái thì chẳng có bất cứ điều chi lớn lên, và Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức trống rỗng

Đó là Tình Yêu không ranh giới. Nếu không có nguyên tắc ấy thì Giáo hội không thể tiến về phía trước. Nói khác đi, Giáo hội cũng không thể hít thở và sống sót. Không có Đức Ái thì không có bất cứ điều chi lớn lên và phát triển, và Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức trống rỗng, và tổ chức ấy sẽ bị giản lược vào vẻ bên ngoài cũng như vào những cử chỉ vô nghĩa. Vấn đề nằm ở chỗ là bước vào trong thân mình của Ngài. Chúa Giê-su đã nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải yêu thương như thế nào: cho đến cùng!

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Đó là nguyên lý mới mà Chúa Giê-su đã giới thiệu. Tất cả đều phát xuất từ biến cố rửa chân cho các môn đệ. Vì thế Chúa Giê-su đã muốn nói: „Anh em hãy phục vụ nhau“. Nhận định sau đây cũng được liên kết với điều đó: không ai „được đặt lên cao hơn“. Vấn đề nằm ở chỗ là „thực sự khiêm tốn“.

Chúng ta nên ý thức rằng, Thiên Chúa lớn hơn bất cứ người nào trong chúng ta; và chúng ta là những tôi tớ. Chúng ta không thể vượt lên trên Chúa Giê-su và chúng ta cũng không thể lợi dụng Chúa Giê-su, vì Ngài là Chúa chứ không phải là chúng ta. Đó là di sản của Chúa. Ngài trao hiến chính bản thân Ngài cho chúng ta làm lương thực và nói với chúng ta: anh em hãy yêu thương nhau theo cách đó. Ngài rửa chân cho các môn đệ và nói: anh em hãy phục vụ nhau theo cách đó, nhưng hãy coi chừng, vì không có đầy tớ nào mà lại lớn hơn chủ cả, tức Đấng đã sai Ngài đến. Đó là những lời và những cử chỉ sắc bén! Nhưng đó là nền tảng của Giáo hội. Nếu chúng ta ý thức về ba yếu tố đó, thì rồi chúng ta sẽ không thể làm bất cứ điều gì sai trái.

Chúng ta hãy để cho cái nhìn của Chúa Giê-su xuyên thấu chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ cảm nhận được rất nhiều điều

Các vị Tử Đạo và nhiều vị Thánh – Đức Thánh Cha giải thích tiếp – đã tiến về phía trước theo cách đó. Quay lại với một giáo huấn tiếp theo của Chúa Giê-su: „Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh, thì nay cũng giơ gót đạp con“ – như được thuật lại trong bài Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã xin mọi người im lặng vài phút để suy tư về điều đó:

Chúng ta hãy để cho ánh mắt của Chúa Giê-su xuyên thấu chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều: Tình Yêu hay có lẽ cũng không có gì cả, chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy hay có cảm giác xấu hổ. Nhưng dẫu vậy mặc lòng, chúng ta cứ để cho cái nhìn của Chúa Giê-su xuyên thấu chúng ta. Đó là cái nhìn giống hệt như cái nhìn mà Ngài đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ của Ngài. Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con, Chúa biết rõ tất cả.“

Cuối cùng, Đức Thánh Cha bổ sung thêm rằng, một „thuật ngữ được dùng trong quân pháp“ có thể giúp chúng ta: phân bộ. Thiên Chúa là Đấng vĩ đại nhất, tuyệt đối, còn mỗi người đều là tôi tớ, tức kẻ không thể tránh khỏi Ngài hay không thể trổi vượt trên Ngài.

 

(theo vaticannews.va – 26.04.2018, 11:07)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2018