Bóc Lột Là Một Trọng Tội

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 24.05.2018)

 

Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, tức ngày được dành để cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc nhân dịp Lễ Kính Đức Mẹ Xuân Sơn, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chỉ ra những mối nguy hiểm của cơn cám dỗ xui khiến người ta vơ vét tiền bạc, bởi việc vơ vét tiền bạc sẽ „lô nệ hóa chúng ta“ và làm cho chúng ta „xa rời giới răn Đức Ái“.

Dựa vào Bài Đọc I được trích từ thư của Thánh Gia-cô-bê, Đức Thánh Cha đã giảng về sự tàn nhẫn của hành vi vơ vét tiền bạc. Trong sự lên án của mình trước những kẻ giầu có „mục nát“, Thánh Gia-cô-bê đã nói một cách „rất thẳng thừng“, và khẳng định rằng, „đồng lương bị ăn bớt của những người làm công đang kêu thấu tới trời và những tiếng rên rỉ đang thấu tới tai Thiên Chúa“. Về phần mình, Chúa Giê-su cũng đã lên án một cách kịch liệt đối với những kẻ giầu sang.

Sự nghèo khó đứng trong trung tâm điểm của Tin Mừng

Khốn cho những kẻ giầu có! – Tin Mừng theo Thánh Lu-ca có một lời nguyền như thế trong số nhiều lời nguyền mà chúng được trình bày như là một sự đối xứng với các Mối Phúc. Khốn cho những kẻ giầu sang! Ngày nay, nếu một ai đó mà đưa ra một lời mắng mỏ như thế thì chắc chắn ngay ngày hôm sau sẽ được đưa lên báo: Quả thật ông Linh mục này là một tay cộng sản!“ – Đức Thánh Cha nhận xét, và Ngài quả quyết rằng, điều đứng trong trung tâm điểm của Tin Mừng chính là sự nghèo khó. „Việc giảng về sự nghèo khó đứng trong trung tâm những lời giảng dậy của Chúa Giê-su. ´Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó`- đó là Mối Phúc thứ nhất, và đó cũng chính là thẻ căn cước, mà với nó, Chúa Giê-su đã giới thiệu mình trong hội đường Nazareth: ´Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo đói`“.

Ở đây, Đức Thánh Cha đã liên kết với một tư tưởng mà Ngài đã trình bày trong cuộc hội kiến chung vào sáng thứ Tư vừa qua. Ngài cảnh báo rằng: „Nhiều người rất thích che giấu lời rao giảng về sự khó nghèo ấy, vì họ nghĩ rằng, nó là một cái gì đó thuộc về xã hội, hay chính trị. Không! Đó là Tin Mừng trong hình thức nguyên tuyền nhất! Thuần Tin Mừng!

Yêu Chúa trọn tình

Sau đó Đức Thánh Cha đã giải thích cho biết lý do tại sao Chúa Giê-su lại dành lời „nguyền rủa“ chua cay ấy cho những kẻ giầu có. Theo Ngài, đó là vì „việc vun quén tiền tài chính là một hành vi tôn thờ ngẫu tượng“, và tiền bạc có sức mạnh „lôi cuốn“. Chúa Giê-su đã từng quả quyết rằng, „không ai có thể làm tôi hai chủ“: „Hoặc là người ta phụng sự Thiên Chúa, hoặc là người ta sùng bái sự tiền bạc“. Đức Thánh Cha mô tả sự giầu sang như là một lãnh chúa „sở hữu hoàn toàn con người của bạn“. Và điều đó không chỉ xúc phạm tới giới răn quan trọng nhất: Yêu mến Thiên Chúa với trọn tâm hồn, nhưng cũng còn phạm tới giới răn có mối liên hệ đến giới răn trên: giới răn yêu thương tha nhân – Đức Thánh Cha cảnh báo.

Trong dụ ngôn nói về ông phú hộ và anh La-gia-rô nghèo đói, người ta thấy rằng, sự giầu có cũng hủy hoại „Đức Ái“, nó biến chúng ta thành „những kẻ ích kỷ“. Trong thời đại hôm nay, Thánh Gia-cô-bê, người đã lên án một cách mạnh mẽ những kẻ giầu có vì họ không chịu trả lương cho những người làm công, cũng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một „đoàn viên“ – Đức Thánh Cha chia sẻ. Nhưng ở đây, Thánh Tông Đồ đã nói „qua sự linh hứng của Chúa Thánh Thần“.

Ngày nay, ngay cả tại Ý, người ta cũng thích cứu những đồng vốn lớn, hơn là tạo ra công ăn việc làm cho công nhân“ – Đức Thánh Cha than phiền. „Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ bóc lột người khác, hỡi những kẻ thanh toán không sòng phẳng tiền lương cho giới làm công! Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ không chịu thanh toán tiền lương cho công nhân khi họ nghỉ phép, cũng như không chịu thanh toán tiền bảo hiểm hưu trí cho họ! Khốn cho các ngươi! Việc kiếm tiền bằng cách lừa đảo, tằn tiện từ nơi người khác, giữ lại của họ điều họ đáng được hưởng, không trả lương sòng phẳng cho họ, tất cả những điều đó đều là trọng tội, một thứ tội réo tới trời cao!“ – Đức Thánh Cha cảnh báo tiếp, và Ngài chỉ cho thấy những cách nói mà người ta muốn sử dụng để trấn an lương tâm: „Không phải vậy đâu, thưa Cha: Con vẫn đi Lễ Chúa Nhật hằng tuần mà! Con còn là thành viên của cả hội Con Đức Mẹ lẫn hội nữ quan nữa đấy! Con là người Công giáo gốc cơ mà…! Đúng là tuyệt vời và tốt – nhưng sẽ là như thế nào khi bạn phải thanh toán tiền công cho một người nào đó? Phải chăng bạn không trả công cho họ? Sự bất công như thế là một trọng tội! Bạn không đứng trong ân sủng của Thiên Chúa. Và không phải Cha nói điều đó, nhưng là Chúa Giê-su nói, Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ nói. Sự giầu có sẽ làm cho chúng ta xa rời giới răn thứ hai, tức giới răn yêu thương tha nhân!

Cầu nguyện và thống hối

Sự giầu sang có khả năng nô lệ hóa chúng ta – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Và vì thế chúng ta phải cầu nguyện thêm „một chút“ nữa, phải thống hối „thêm một chút nữa“. Tuy nhiên điều này không được áp dụng cho những người nghèo, nhưng chỉ áp dụng cho những người giầu mà thôi: „Bạn không được tự do đối với sự giầu có. Để trở nên tự do đối với tiền của bạc vàng, bạn phải giữ khoảng cách với chúng cũng như phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa“ – Đức Thánh Cha mời gọi.

Khi Thiên Chúa ban cho bạn có được sự giầu sang, thì có nghĩa là, Ngài muốn bạn hãy chia sẻ những tài sản mà bạn nhận được cho những người khác, để bạn làm phúc cho những người khác nhân danh Ngài. Nhưng sự giầu sang có khả năng quyến rũ chúng ta, và nếu chúng ta không chịu kháng cự lại cơn cám dỗ đó, thì có nghĩa là sự giầu sang đã biến chúng ta thành những tên nô lệ rồi!

 

(theo vaticannews.va - 24 Mai 2018, 13:50)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2018