Đức Thánh Cha: Kinh Thánh Là Nơi Thiên Chúa Gặp Gỡ Con Người

Đức Thánh cha Phanxicô thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ thư viện trong dinh Giáo hoàng | Vatican Media

RVA 27/01/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Sáng thứ Tư, 27/1/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ thư viện trong dinh Giáo hoàng, vào lúc 9 giờ 15 phút. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ ba trong năm 2021 này.

Tại thư viện, ngồi đối diện Đức Thánh cha là hai hàng ghế có tám linh mục thông dịch thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và ngồi bên ngài là hai Giám chức thuộc ban tiếp kiến trong phủ Giáo hoàng.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn trích từ thánh vịnh thứ 119 (1.15.18.48.105.130):

“Phúc cho người liêm chính trên đường đời và bước đi theo luật của Chúa [..]. Con muốn suy niệm các giới răn của Chúa, xem xét các đường của Chúa [...]. Xin mở mắt con để con thấy những kỳ công của luật Chúa [..]. Con sẽ giơ tay cao hướng về giới răn Chúa mà con yêu mến, con sẽ suy niệm các giới luật của Chúa [...]. Lời Chúa là đèn soi cho con bước [...]. Mạc khải lời Ngài soi sáng, ban trí hiểu cho những người đơn sơ chất phác.

Bài huấn dụ

Trong phần giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện, và bài thứ 22 này ngài trình bày là “cầu nguyện với Kinh thánh”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mục tiêu của Kinh thánh

“Hôm nay, tôi muốn nói về kinh nguyện chúng ta có thể làm, đi từ một đoạn Kinh thánh. Những lời Kinh thánh không được viết ra để giữ nguyên trên giấy cói, giấy da hoặc giấy thường, nhưng để được con người đón nhận và cầu nguyện, làm cho những lời Kinh thánh nảy mầm trong tâm hồn họ. Sách Giáo Lý dạy rằng: “Việc đọc Kinh thánh phải được kinh nguyện đi kèm, để có thể diễn ra một cuộc đàm thoại giữa Thiên Chúa và con người” (N. 2653).

Lời Chúa nói với tôi

Câu Kinh thánh này cũng được viết ra cho tôi, cách đây bao thế kỷ, để mang lại cho tôi Lời Thiên Chúa. Tất cả các tín hữu đều có kinh nghiệm này: một đoạn Kinh thánh đã được nghe bao nhiêu lần, bất chợt một hôm nói với tôi và soi sáng một tình cảnh tôi đang sống. Nhưng hôm đó, điều cần thiết là tôi phải ở đó, đúng hẹn với Lời ấy. Mọi ngày, Thiên Chúa đi qua và gieo một hạt giống trong thửa đất tâm hồn chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay hạt giống Lời Chúa ấy tìm được một mảnh đất khô cằn, gai góc, hay một thửa đất tốt, làm nảy mầm hạt giống ấy hay không (Xc Mc 4,3-9). Điều ấy tùy thuộc chúng ta, kinh nguyện của chúng ta, tùy thuộc tâm hồn chúng ta có cởi mở đến gần Kinh thánh để những lời ấy trở nên Lời hằng sống của Thiên Chúa cho chúng ta hay không.

Tâm hồn chúng ta là Nhà Tạm đón nhận và lưu giữ Lời Chúa

Qua kinh nguyện, xảy ra như một sự nhập thể mới của Ngôi Lời. Và chính chúng ta là “những nhà tạm”, nơi mà Lời Chúa muốn được đón nhận và gìn giữ, để có thể viếng thăm trần thế. Vì thế, cần đọc Kinh thánh không có hậu ý, không lạm dụng Kinh thánh. Tín hữu không tìm kiếm trong Kinh thánh một sự hỗ trợ cho quan điểm triết học và luân lý của mình, nhưng hy vọng nơi một cuộc gặp gỡ, biết rằng những Lời ấy được viết ra trong Chúa Thánh Linh và vì thế cần phải đón nhận và hiểu những lời ấy trong cùng Thần Trí để cuộc gặp gỡ có thể diễn ra.

Tôi cảm thấy hơi khó chịu khi nghe thấy các tín hữu Kitô đọc những câu Kinh thánh như con vẹt. Nhưng bạn gặp Chúa với câu Kinh thánh nào? Đây không phải chỉ là vấn đề trí nhớ: nhưng là vấn đề trí nhớ của con tim, trí nhớ mở ra cho bạn cuộc gặp gỡ với Chúa.

Cách đọc Kinh thánh

Vì vậy, chúng ta đọc Kinh thánh để các Lời ấy “đọc chúng ta”. Và thật là một ơn, khi có thể nhận ra trong nhân vật này hay nhân vật khác, trong tình cảnh này hay tình cảnh khác. Kinh thánh không được viết ra cho một nhân loại tổng quát nói chung, nhưng cho chúng ta, những con người cụ thể, viết ra cho tôi. Và Lời Chúa, được thấm nhiễm Thánh Linh, khi được đón nhận với con tim rộng mở, không để nguyên sự việc như trước.

Lectio Divina

Truyền thống Kitô đầy những kinh nghiệm và suy tư về việc cầu nguyện với Kinh thánh. Đặc biệt ta dừng lại ở phương pháp gọi là “lectio divina”, nảy sinh trong môi trường đan tu, nhưng nay cũng được các tín hữu Kitô lui đến các giáo xứ thực hiện. Trước tiên là chú ý đọc đoạn Kinh thánh, tôi có thể nói là “vâng phục” bản văn, để hiểu những câu ấy có nghĩa là gì. Sau đó, ta đi vào cuộc đối thoại với Kinh thánh, đến độ những lời ấy trở thành động lực giúp suy niệm và cầu nguyện: luôn luôn gắn bó với văn bản Kinh thánh, tôi bắt đầu tự hỏi xem đoạn văn này nói gì với tôi. Đây là một giai đoạn tế nhị: không được rơi vào sự giải thích chủ quan nhưng hội nhập vào truyền thống sinh động liên kết mỗi người chúng ta với Kinh thánh. Giai đoạn cuối cùng của lectio divina là chiêm niệm. Ở đây những lời nói và tư tưởng nhường chỗ cho tình yêu, như giữa những người yêu nhau, nhiều khi chỉ cần nhìn nhau trong thinh lặng. Văn bản Kinh thánh vẫn như thế, nhưng như một gương soi, một hình ảnh để chiêm ngắm.

Để cho Lời Chúa hướng dẫn và tác động

Qua kinh nguyện, Lời Chúa đến ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Lời Chúa. Lời Chúa soi sáng cho chúng ta những dự định quyết tâm tốt và nâng đỡ hành động, mang lại cho chúng ta sức mạnh và sự thanh thản, và cả khi đặt chúng ta trong khủng hoảng, Lời Chúa cũng ban cho chúng ta an bình. Trong những ngày gặp khó khăn, hoang mang, Lời Chúa đảm bảo cho tâm hồn một nòng cốt tín thác và yêu thương, bảo vệ tâm hồn khỏi những cuộc tấn công của ma quỉ.

Và như thế Lời Chúa nhập thể trong những người đón nhận trong kinh nguyện. Trong vài văn bản cổ kính, người ta trực giác thấy các tín hữu Kitô đồng hóa với Lời Chúa đến độ, cho dù tất cả các sách Kinh thánh trên thế giới bị đốt, họ vẫn có thể cứu được “bản sao” qua dấu vết mà Lời Chúa để lại trong cuộc đời các thánh.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Đời sống Kitô là một hoạt động đồng thời là vâng phục và sáng tạo. Chúa Giêsu nói điều đó vào cuối một diễn văn bằng dụ ngôn, với tỷ dụ này: “Mỗi kinh sư, khi trở nên môn đệ của Nước Trời, giống như một chủ nhà rút ra từ kho tàng của mình những điều mới và cũ” (Mt 13,52). Kinh thánh là một kho tàng vô tận. Xin Chúa ban cho chúng ta ngày càng kín múc được nơi kho tàng ấy, nhờ kinh nguyện”.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Angela Merici, sáng lập dòng các nữ tu thánh Orsola hay Ursuline. Từ linh đạo của thánh nữ đã nảy sinh nhiều dòng Ursuline, dòng này cũng có ở Ba Lan. Được lời Chúa soi sáng, thánh nữ Angela mong ước rằng các nữ tu, hoàn toàn tận tụy phụng sự Thiên Chúa và người nghèo, can đảm thi hành công tác giáo dục các trẻ em và người trẻ. Thánh nữ nhắn nhủ rằng: “Chị em hãy giữ con đường cũ… và hãy làm một cuộc sống mới!”. Theo gương thánh nữ, tôi cầu mong rằng việc đọc Kinh thánh hằng ngày sẽ giúp anh chị em làm chứng về đức tin của anh chị em trong vui tươi”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: Ngày mai là lễ thánh Tômasô Aquinô, bổn mạng các trường Công giáo. Ước gì tấm gương của thánh nhân thúc đẩy tất cả mọi người, đặc biệt là các sinh viên học sinh, nhìn thấy nơi Chúa Giêsu là vị Thầy duy nhất về cuộc sống, trong khi đạo lý của thánh nhân khích lệ anh chị em tín thác nơi sự khôn ngoan trong tâm hồn để chu toàn sứ mạng của anh chị em.

Sau cùng, như mọi khi, Đức Thánh cha nói: tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi cầu chúc mỗi người, trong bậc sống của mình, quảng đại góp phần làm lan tỏa niềm vui yêu mến và phụng sự Chúa Giêsu.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2021