Đức Thánh Cha: Nếu Không Có Chúa Thánh Linh Thì Không Có Tương Quan Với Chúa Kitô Và Chúa Cha

Photo: Vatican Media

RVA 17/03/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Sáng thứ Tư, 17/3/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến lần thứ tám, tính từ đầu năm nay, vẫn tại thư viện trong dinh Giáo hoàng lúc 9 giờ 15 phút và không có tín hữu nào hiện diện, ngoài hai chức sắc liên hệ và tám linh mục thông dịch viên. Đại dịch vẫn còn lan mạnh tại nước Italia và mười một miền, trong đó có miền Lazio và thành Roma, đang ở trong tình trạng màu đỏ và bị giới nghiêm.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn, trích từ đoạn 14 của Tin mừng theo thánh Gioan (14,15-17.25-26) nói về Chúa Thánh Linh sẽ được Chúa Cha sai đến.

Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ các giới răn của Thầy, và Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bào Chữa khác để Ngài ở lại với các con mãi mãi, Thần Trí sự thật mà thế gian không thể lãnh nhận vì họ không thấy và nhận biết Ngài. Các con biết Ngài vì Ngài ở nơi các con và sẽ ở trong các con [...] Thầy nói với các con những điều này trong khi Thầy còn ở nơi các con. Nhưng Đấng Bào Chữa, Thánh Linh mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con điều mà Thầy đã nói với các con”.

Bài huấn giáo

Trong phần giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày phần thứ hai của bài thứ 26, với chủ đề “Kinh nguyện và Chúa Ba Ngôi”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay chúng ta kết thúc bài giáo lý về kinh nguyện trong tương quan với Chúa Ba Ngôi chí thánh, đặc biệt là với Chúa Thánh Linh.

Vai trò của Chúa Thánh Linh

“Ơn đầu tiên của mỗi đời sống Kitô là Chúa Thánh Linh. Đây không phải là một trong số nhiều hồng ân, nhưng là Hồng ân cơ bản. Nếu không có Chúa Thánh Linh thì không có tương quan với Chúa Kitô và Chúa Cha. Vì Chúa Thánh Linh mở tâm hồn chúng ta đón nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và lôi kéo tâm hồn vào trong “vòng xoáy” tình yêu, là chính con tim của Thiên Chúa. Chúng ta không phải chỉ là khách hoặc là người lữ hành trên trần thế này, chúng ta cũng là khách và những người lữ hành trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúng ta như tổ phụ Abraham, một hôm, đã đón tiếp ba người khách lữ hành vào trong lều của mình, và đã gặp gỡ Thiên Chúa. Thực ra, sở dĩ chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa, gọi Người là “Abba, Cha ơi!”, là vì có Chúa Thánh Linh ngự trong chúng ta; chính Ngài biến đổi chúng ta trong chiều sâu và làm cho chúng ta cảm nghiệm niềm vui xúc động được Thiên Chúa yêu thương như những người con đích thực của Người.

Chúa Thánh Linh giúp chúng ta cầu nguyện và có Chúa Giêsu

Đức Thánh cha nói: Về vấn đề này, Sách Giáo Lý dạy rằng: “Mỗi lần chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Linh, với ơn thánh đi trước, lôi kéo chúng ta trên con đường cầu nguyện. Vì Ngài dạy chúng ta cầu nguyện, nhắc nhớ chúng ta về Chúa Kitô, chẳng lẽ chính Ngài không cầu nguyện sao? Chính vì thế Giáo hội mời gọi chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc bất kỳ hoạt động quan trọng nào” (n. 2670). Và đó là hoạt động của Chúa Thánh Linh trong chúng ta. Ngài “nhắc nhớ” chúng ta về Chúa Giêsu và làm cho Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, để Chúa Giêsu không trở thành một nhân vật quá khứ. Giả sử Chúa Kitô chỉ là nhân vật xa xưa trong thời gian, thì chúng ta sẽ cô độc và lạc hướng trong trần thế. Nhưng trong Thánh Linh, tất cả đều sinh động: các tín hữu Kitô mọi thời và mọi nơi đều có thể được gặp Chúa Kitô. Chúa không xa cách, nhưng ở với chúng ta: Chúa còn dạy dỗ các môn đệ, biến đổi con tim của họ, như Ngài đã làm với thánh Phêrô, thánh Phaolô, và với bà Maria Magdala.

Kinh nghiệm của các chứng nhân

Đó là kinh nghiệm mà bao nhiêu người cầu nguyện đã trải qua: những người nam nữ mà Chúa Thánh Linh đã huấn luyện theo “mức độ” của Chúa Kitô, trong tình thương xót, phục vụ, kinh nguyện... Thật là một ơn khi có thể gặp những người như thế: chúng ta nhận thấy rằng trong nhịp đập của họ có một cuộc sống khác, cái nhìn của họ “đi xa hơn”. Chúng ta không chỉ nghĩ đến các đan sĩ, các ẩn sĩ; cũng có những người dân thường, những người đã kết dệt một cuộc đối thoại dài với Thiên Chúa, nhiều khi có những cuộc chiến đấu nội tâm, thanh tẩy đức tin. Những chứng nhân khiêm tốn ấy đã tìm kiếm Thiên Chúa trong Tin mừng, trong Thánh Thể mà họ đón nhận và thờ lạy, nơi khuôn mặt người anh em đang ở trong khó khăn, và họ giữ sự hiện diện của Chúa như một ngọn lửa bí mật.

Nghĩa vụ Kitô hữu: giữ cho sự hiện diện của Chúa được sinh động

Nghĩa vụ đầu tiên của các Kitô hữu chính là giữ cho lửa ấy được sinh động, lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần thế (Xc Lc 12.49), nghĩa là Tình Thương của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Linh. Nếu không có ngọn lửa Thánh Linh, những lời ngôn sứ sẽ tắt lịm, sầu muộn thay thế vui mừng, tập quán thay thế tình yêu, phục vụ biến thành việc nô lệ. Tâm trí ta nghĩ đến hình ảnh ngọn đèn sáng cạnh nhà tạm, nơi giữ Mình Thánh Chúa. Cả khi nhà thờ trống rỗng và chiều xuống, cả khi nhà thờ đóng kín, ngọn đèn ấy vẫn cháy sáng, tiếp tục cháy: không ai thấy, nhưng nó vẫn sáng trước Chúa.

“Chúng ta cũng đọc thấy trong sách Giáo Lý: “Chúa Thánh Linh, mà sự xức dầu của Ngài thấm nhiễm toàn thể con người của chúng ta, chính là Vị Tôn Sư nội tâm dạy kinh nguyện Kitô. Ngài là vị tạo nên truyền thống sinh động của sự cầu nguyện. Chắc chắn có bao nhiêu con đường cầu nguyện, bao nhiêu người cầu nguyện, nhưng cùng một Thánh Linh hoạt động trong tất cả và với tất cả. Chính trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Linh mà kinh nguyện Kitô là kinh nguyện của Giáo hội” (n. 2672).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Vì vậy, chính Thánh Linh viết lên lịch sử Giáo hội và thế giới. Chúng ta là những trang mở rộng, sẵn sàng đón nhận chữ viết của Ngài. Và nơi mỗi người chúng ta, Thánh Linh soạn ra những tác phẩm độc đáo, vì không bao giờ có một Kitô hữu hoàn toàn giống người khác. Trong cánh đồng bao la của sự thánh thiện, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, làm nở tươi bao nhiêu chứng nhân khác nhau: tất cả đều có phẩm giá bình đẳng, nhưng mỗi người là độc đáo duy nhất trong vẻ đẹp mà Chúa Thánh Linh đã muốn bộc lộ ra nơi mỗi người, trong số những người mà lòng Thương Xót của Chúa đã biến thành con cái của Chúa.”

Chào thăm các tín hữu

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Ngỏ lời bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Ngày mai, với lời kêu gọi đặc biệt về Thánh Mẫu và với thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, trong ngày lễ kính thánh Giuse, anh chị em sẽ bắt đầu cử hành năm Gia đình Amoris laetitia. Xin Mẹ Maria Nữ Vương Ba Lan ban cho các gia đình cái nhìn theo tinh thần Tin mừng về hôn nhân, trong sự cảm thông với nhau và tôn trọng sự sống con người. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả anh chị em và những người sẽ tham gia các sáng kiến được đề ra nhân dịp cử hành Năm Gia đình này.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Ngày 19/3 tới đây, là lễ kính thánh Giuse. Tôi đặc biệt vui lòng đề nghị với anh chị em gương của vị Đại thánh này và phó thác cho thánh nhân cuộc sống của anh chị em. Hãy khôn ngoan như thánh nhân, sẵn sàng hiểu và thực hành Tin mừng.

“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Trong cuộc sống, trong công ăn việc làm, trong gia đình, những lúc vui buồn và đau khổ, thánh Giuse luôn tìm kiếm và yêu mến Chúa, nên đáng được Kinh thánh ca ngợi là người công chính và khôn ngoan. Anh chị em hãy luôn cầu khẩn Thánh Nhân, đặc biệt trong những lúc khó khăn mà anh chị em có thể gặp”.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2021