Giáo Phận Sydney: Đức Hồng y Pell Không Được Bồi Thường Vì 404 Ngày Tù Oan

 Đức Hồng y George Pell | Vatican News

RVA 12/08/2021 - G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Hồng y George Pell, nguyên Tổng giám mục Sydney và nguyên Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh không nhận được tiền bồi thường của nhà nước vì 404 ngày bị tù oan.

Tòa Tổng giám mục giáo phận Sydney, bên Australia trả lời như trên với hãng tin Công giáo Đức KNA, truyền đi ngày 10/8/2021 vừa qua.

Đức Hồng y Pell, năm nay 80 tuổi, đã bị cáo buộc về tội lạm dụng tính dục hai cậu bé giúp lễ năm 1996, khi còn là Tổng giám mục giáo phận Melbourne và hồi cuối năm 2018 bị một bồi thẩm đoàn tuyên bố là có tội. Tháng Hai năm 2019, ngài bị kết án 6 năm tù. Sau 404 ngày bị biệt giam trong các nhà tù, hồi tháng Tư năm ngoái (2020), tòa án tối cao của Australia xác nhận Đức Hồng y vô tội vì thiếu bằng chứng và truyền trả tự do cho ngài. Đức Hồng y nhận được khoảng 244.000 Euro tiền bồi thường từ bang Victoria.

Phát ngôn viên của Tổng giáo phận Sydney, ông Michael Kenny nói với hãng tin KNA rằng sau đó Đức Hồng y Pell không nhận được số tiền nào nữa từ phía chính quyền.

Hôm 05/7 vừa qua, trang mạng thông tin CathNew của Hội đồng Giám mục Australia cho biết phí tổn luật sư biện hộ cho Đức Hồng y Pell tại 4 tòa án, là 3 triệu Úc kim, tức là 1,9 triệu Euro, và cho đến nay Đức Hồng y chưa trả hết các phí tổn này. Trong các vụ xử án Đức Hồng y phải trải qua, ngài đã thuê các luật sư thuộc hàng giỏi nhất nước.

Luật pháp Australia không bó buộc phải bồi thường tài chánh cho những người bị kết án bất công. Theo luật sư Andrew Dyer, tại nước này có 3 cách thức một cựu tù nhân được tha bổng có thể xin bồi thường, nhưng thường là không thành công. Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ sự bất mãn đối với các biện pháp đó và kêu gọi Australia hãy bãi bỏ các giới hạn để các cựu tù nhân bị kết án oan ức có thể được bồi thường.

Luật Dyer đã theo dõi vụ án chống Đức Hồng y Pell và nhiều lần bình luận trên báo chí về vụ này. Ông cho biết: cách thứ nhất, tù nhân bị kết án bất công kiện chính phủ hoặc cảnh sát về tội cẩu thả, truy tố ác ý, hoặc tước đoạt tự do bất hợp pháp. Cách thứ hai, là có một sáng kiến lập luật của quốc hội về vụ án liên hệ. Thứ ba, là chính phủ có thể tự nguyện bồi thường cho người bị tù oan, nhưng quyết định chính trị này chỉ có thể đến từ Bộ trưởng tư pháp. Theo các chuyên gia, việc chính phủ Australia tự nguyện bồi thường là điều hết sức họa hiếm, và chỉ xảy ra đi dư luận quần chúng ồ ạt và phẫn nộ phản đối vì một sai lầm tư pháp nào đó. (KNA 10-8-2021)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2021