Tình Trạng Chia Rẽ Tiếp Tục Trong Chính Thống Giáo

Đức Thượng phụ Bartolomaios I | Massimo Finizio, CC BY 3.0, via Wikimedia Commons

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 11/12/2021

Trong khi Đức Thánh cha Phanxicô cố gắng cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô và tăng cường tương quan tốt với tất cả các Giáo hội Chính thống, thì tình trạng chia rẽ trầm trọng vẫn tiếp tục kéo dài trong cộng đồng Chính thống giáo trên thế giới.

Trong cuộc họp báo, hôm 08 tháng Mười Hai vừa qua, tại Tòa Thượng phụ Constantinople ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thượng phụ Bartolomaios, vị đứng đầu trong các thủ lãnh của 14 Giáo hội Chính thống, nói rằng cuộc xung đột hiện nay giữa các Giáo hội Chính thống là do toan tính của Chính thống Nga, muốn hướng dẫn thế giới Chính thống bằng một người, nhưng không có sự ly khai trong Chính thống giáo, như các vị lãnh đạo Chính thống Nga quả quyết.

Cuộc xung đột hiện nay trong cộng đồng Chính thống bắt đầu do Giáo hội Chính thống Nga hồi năm 2016: dưới ảnh hưởng của Chính thống Nga, nhiều Giáo hội địa phương rút lui khỏi Công đồng liên Chính thống giáo, nhóm tại đảo Creta, hồi tháng Sáu năm đó. Cho đến tháng Giêng năm 2016, khi cuộc họp chót của các vị lãnh đạo các Giáo hội Chính thống tiến hành, mọi Giáo hội, kể cả Chính thống Nga đã chuẩn bị cho công đồng ấy. Nhưng vào phút chót, phái đoàn Chính thống Nga và ba Giáo hội Chính thống khác không đến tham dự. Có lẽ vì Chính thống Nga không muốn Đức Thượng phụ chung của Chính thống giáo chủ tọa Công đồng Liên Chính thống giáo. Đồng thời Chính thống Nga coi sự việc Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople nhìn nhận quyền tự quản (Autocephaly) của Chính thống Ucraina là một sự trả thù chống Chính thống Nga vì đã không đến dự Công đồng liên Chính thống giáo. Đức Thượng phụ Bartolomaios nói: “Giấc mơ của các anh em Chính thống Nga là làm chủ Giáo hội Chính thống. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra vì các qui luật của Giáo hội Chính thống và các hoạt động của Giáo hội qua bao thế kỷ vẫn dành vị trí hàng đầu cho Giáo hội Chính thống Constantinople, và Giáo hội Chính thống Nga đứng hàng thứ năm.

Đức Bartolomaios cho biết ngài ủng hộ khát vọng của các tín hữu Chính thống Ucraina có một Giáo hội tự trị, tự quản. Vấn đề này không phải chỉ mới bắt đầu cách đây hai, ba năm, nhưng trong quá khứ các tín hữu Chính thống Ucraina đã hết sức cố gắng để Giáo hội của họ được độc lập và tự quản.

Công đồng liên Chính thống giáo tại đảo Creta hồi năm 2016, là biến cố đầu tiên thuộc loại này suốt trong 12 thế kỷ và đã tiến hành tại đảo Creta từ ngày 16 đến 26 tháng Sáu, với sự tham dự của 271 thành viên, gồm 10 vị giáo chủ, 155 giám mục của 10 Giáo hội Chính thống tự quản, kể cả Chính thống Ba Lan, do Đức Tổng giám mục Sawa lãnh đạo. Trong số 15 quan sát viên thuộc các giáo hội khác, có Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các Giáo Hội Kitô. Trong số các tham dự viên, lần đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo Đông phương cũng có chín phụ nữ, trong đó có ba phụ nữ là cố vấn của các phái đoàn Chính thống. Bốn Tòa Thượng phụ không tham dự Công đồng, là Antiokia, Bulgari, Giorgia và Mascơva. (Kai 8-12-2021)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2021