Ngày 28-9: Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Kinh Nguyện Là Một Trợ Lực Không Thể Thiếu Để Phân Định Tâm Linh

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 28/09/2022

https://www.youtube.com/watch?v=AvkydMQrvjQ (10phut vie)

https://www.youtube.com/watch?v=0_I6o0CML6o&t=1s (55phut KTO)

Sáng thứ Tư, 28 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 20.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Lúc gần 9 giờ, Đức Thánh cha đi xe díp mui trần tiến ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây.

Lên đến bục cao trên thềm Đền thờ, Đức Thánh cha làm dấu thánh giá, với lời chào phụng vụ để mở đầu buổi tiếp kiến. Tám giáo dân độc viên lần lượt đọc một thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (5,15.17-20):

Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan [..]. Vì thế anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”.

Bài giáo lý

Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự phân định, và bài thứ ba này có tựa đề: “Những yếu tố trong việc phân định. Sống thân mật với Chúa”. Đức Thánh cha nói đến yếu tố đầu tiên là sự cầu nguyện, sống con thảo với Chúa, và như người bạn nói với người bạn.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về đề tài phân định, và hôm nay chúng ta dừng lại điều đầu tiên trong số các yếu tố cấu thành nó, đó là kinh nguyện.

Kinh nguyện

Kinh nguyện là một trợ lực không thể thiếu để phân định tâm linh, nhất là khi có những tình cảm trong đó, giúp chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong sự đơn sơ và thân mật, như khi ta nói với một người bạn. Và biết đi xa hơn những tư tưởng, đi vào trong sự thân mật với Chúa, với một thái độ tự nhiên, yêu mến. Bí quyết đời sống các thánh là sự thân mật và tri kỷ với Thiên Chúa, làm gia tăng nơi các vị và làm cho dễ nhận ra điều đẹp lòng Chúa. Sự thân mật này lướt thắng sợ hãi hoặc nghi ngờ cho rằng ý Chúa không phải là điều thiện hảo của chúng ta, một cám dỗ nhiều khi xuất hiện trong các tư tưởng của chúng ta và làm cho con tim bất an và bất định.

Không chắc chắn tuyệt đối

Sự phân định không tự nhận là một sự chắc chắn tuyệt đối, vì nó liên hệ tới cuộc sống, và cuộc sống thì không luôn luôn lôgíc, nó có nhiều khía cạnh không để cho ta được khép kín trong một loại tư tưởng duy nhất. Chúng ta muốn biết chắc chắn điều gì cần phải làm, hoặc cả khi xảy ra, không vì thế mà chúng ta luôn hành động theo đó. Bao nhiêu lần chúng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm mà thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Tôi không làm điều thiện mà tôi muốn, nhưng tôi làm điều ác mà tôi không muốn” (Rm 7,19). Chúng ta không phải chỉ là lý trí, không phải là những bộ máy, không đủ nhận lãnh từ những chỉ thị để thi hành chúng: vì có những chướng ngại, cũng như những trợ giúp, để quyết định theo Chúa thường là tình cảm.

Đừng nghĩ Thiên Chúa không muốn ta hạnh phúc

Điều ý nghĩa là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong Tin mừng theo thánh Marco là một cuộc trừ tà (Xc 1, 21-28). Tại Hội đường ở thành Capharnaum, Chúa giải thoát một người bị quỷ ám, giải thoát người ấy khỏi hình ảnh giả dối về Thiên Chúa mà Satan đã gợi lên ngay từ đầu: hình ảnh một Thiên Chúa không muốn chúng ta được hạnh phúc. Người bị quỷ ám biết rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng điều này không làm cho ông ta tin nơi Ngài. Ông ta nói: “Ông đến để làm hại chúng tôi” (v.24)

Nhiều người, kể cả các Kitô hữu, cũng nghĩ như thế, nghĩa là Chúa Giêsu cũng có thể là Con Thiên Chúa, nhưng họ nghi ngờ rằng Chúa không muốn chúng ta hạnh phúc; trái lại họ sợ rằng nếu coi trọng đề nghị của Chúa thì có nghĩa là làm hỏng đời mình, cầm hãm những ước muốn, những khát vọng mạnh mẽ nhất của chúng ta. Những tư tưởng này đôi khi ẩn sâu trong chúng ta: cho rằng Chúa đòi hỏi thái quá, hoặc Chúa muốn tước bỏ khỏi chúng ta điều mà chúng ta quý trọng nhất. Tóm lại là Chúa không thực sự yêu thương chúng ta. Trái lại, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên chúng ta đã thấy rằng dấu chỉ cuộc gặp gỡ với Chúa là niềm vui. Sự buồn sầu hoặc sợ hãi là những dấu chỉ xa lìa Chúa: “Nếu anh muốn được sống, thì hãy tuân giữ các giới răn”, Chúa nói như thế với chàng thanh niên giàu có (Mt 19,17). Rất tiếc là đối với người trẻ ấy, có một số chướng ngại cản trở anh ta thực hiện ước muốn mà anh có trong tâm hồn, theo sát “Thầy nhân lành”. Anh ta là một thanh niên quan tâm, tháo vát, đã có sáng kiến gặp Chúa Giêsu, nhưng anh cũng rất bị giằng có trong tình cảm, đối với anh, những của cải anh có là những điều rất quan trọng. Chúa Giêsu không buộc anh phải quyết định, nhưng văn bản ghi nhận rằng chàng thanh niên lìa xa Chúa Giêsu và “buồn sầu” (v.22). Người nào xa lìa Chúa thì không bao giờ hài lòng, dù có nhiều của cải và cơ may.

Khó khăn khi phân định

Phân định không phải là điều dễ dàng, vì những vẻ bề ngoài lừa đảo, nhưng sự thân mật với Thiên Chúa có thể từ từ giải tỏa những nghi ngờ và sợ hãi, làm cho cuộc sống chúng ta luôn đón nhận ánh sáng dịu dàng của Chúa, theo thành ngữ thật đẹp của thánh John Henry Newman. Các thánh chiếu sáng nhờ ánh sáng phản chiếu và chứng tỏ qua những cử chỉ đơn sơ thường nhật sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm cho điều không có thể trở thành điều có thể. Người ta nói rằng đôi vợ chồng đã sống chung với nhau bao nhiêu lâu rồi, yêu thương nhau và sau cùng trở nên giống nhau. Ta có thể nói tương tư như thế về kinh nguyện tình cảm: từ từ nhưng hữu hiệu, kinh nguyện ấy ngày càng làm cho chúng ta có khả năng nhận ra điều tự nhiên, như cái gì xuất phát từ thẳm sâu con người của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin ơn này, là sống một tương quan tình bạn với Chúa, như một người bạn nói với người bạn (Xc Thánh Ignatio Loyola, “Linh Thao”, 53). Đó là một ơn mà chúng ta phải cầu xin cho nhau: nhìn Chúa Giêsu như người Bạn thân thiết và trung tín nhất của chúng ta. Người không đòi, nhất là không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả khi chúng ta xa lìa Chúa.

Chào thăm và kêu gọi

Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và chào thăm các nhóm hành hương của Đức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các vị lãnh đạo, công chức và tuyên úy các trung tâm cải huấn, đến Roma để cảm tạ vì đã được thánh Phaolô làm bổn mạng. Đức Thánh cha nói: “Trong vài ngày nữa, bắt đầu tháng Mười, theo truyền thống là tháng Mân côi kính Đức Mẹ. Chúng ta hãy đọc kinh Mân côi trong các cộng đoàn và trong các gia đình. Anh chị em hãy phó thác cho Đức Mẹ những lo âu của anh chị em và nhu cầu của thế giới, nhất là vấn đề hòa bình.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu đến từ Ghana, Philippines, Canada và Mỹ. Ngài chào thăm nhiều nhóm bạn trẻ sinh viên, học sinh, và đặc biệt các thầy sắp chịu chức phó tế thuộc Học viện Bắc Mỹ ở Roma, cùng với gia đình các thầy...

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến nước Ucraina tiếp tục chịu bao nhiêu đau khổ tàn ác và nói: “Sáng nay, tôi đã nói chuyện với Đức Hồng y Krajewski mới từ Ucraina về và kể cho tôi những điều kinh khủng. Tôi nghĩ đến Ucraina và chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc đang chịu đau thương này”.

Sau cùng, như thường lệ, Đức Thánh cha nghĩ đến những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nói: Ước gì lễ các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael chúng ta cử hành ngày mai, tức là ngày 29 tháng Chín, khơi lên nơi mỗi người một sự gắn bó chân thành với những ý định của Thiên Chúa. Anh chị em hãy biết nhận ra và theo tiếng nói của Thầy Nội tâm, Đấng nói với chúng ta trong thẳm sâu của lương tâm.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2022