Đức Thánh Cha Chủ Sự Kinh Chiều Với Các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Canada – (Bài Giảng)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 29/07/2022

Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ Canada đừng bi quan trước tình trạng sa sút hành đạo trong Giáo hội tại nước này, - tỷ lệ tín hữu đi nhà thờ rất thấp, chưa được 10%, có nơi chỉ khoảng 4 đến 5%; trong số gần 2750 thánh đường ở tỉnh Québec, có tới 713 nhà thờ ở Québéc đã đóng cửa, hoặc bán đi - trái lại hãy coi đây là một thách đố mục vụ: hân hoan loan báo Tin mừng với tinh thần sáng tạo, làm chứng tá và thăng tiến tình huynh đệ.

https://www.youtube.com/watch?v=XZApuUiSliM (14phut vie)

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong bài giảng tại buổi hát Kinh chiều trọng thể với hàng ngàn người, gồm các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ đến từ nhiều nơi ở Canada.

Giáo hội Công giáo Canada 134 giám mục coi sóc 71 giáo phận, với sự cộng tác của hơn 4.100 linh mục giáo phận và 2.100 linh mục dòng, tổng cộng là hơn 6.200 vị. Ngoài ra, có 1.30 tu huynh và 9.200 nữ tu, 350 đại chủng sinh.

Lúc 5 giờ chiều, thứ Năm, 28 tháng Bảy, Đức Thánh cha giã từ Tòa Tổng giám mục để đến Nhà thờ Chính tòa Québec, cách đó 500 mét.

Thánh đường này khởi đầu là một nhà nguyện nhỏ được dựng lên hồi năm 1633, và được xây cất 14 năm sau đó, với tên là Nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình. 17 năm sau trở thành nhà thờ giáo xứ đầu tiên ở miền bắc Mêhicô, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, rồi trở thành nhà thờ chính tòa, sau khi Tòa Thánh bổ nhiệm thánh Phanxicô de Laval làm giám mục đầu tiên của giáo phận Québec tân lập. Hai thế kỷ sau, Đức Giáo hoàng Piô IX nâng thánh đường thành Vương cung Thánh đường. Qua dòng lịch sử, nhà thờ này bị quân Anh pháo kích và đốt phá, rồi được tái thiết. Đến năm 1922 lại bị hỏa hoạn, rồi được tái thiết lần thứ hai. Nay thánh đường dâng kính Đức Mẹ Québec.

Tại thánh đường này, Đức Thánh cha đã Đức Tổng giám mục Raymond Poisson, Giám mục giáo phận Saint-Jérôme, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, đại diện mọi người chào mừng.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh cha nhắc đến, chào thăm và cám ơn những người đã lặn lội từ xa ở Canada đến đây tham dự buổi gặp gỡ và cầu nguyện này.

Rồi ngài mời gọi mọi người suy tư về thực tại thời nay đang đe dọa niềm vui đức tin và có nguy cơ làm lu mờ, làm cho kinh nghiệm Kitô bị khủng hoảng trầm trọng. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta nghĩ ngay đến trào lưu duy thế tục (secularismo), từ lâu đã biến đổi lối của những người nam nữ ngày nay, gạt Thiên Chúa hầu như vào hậu trường. Dường như Chúa biến mất khỏi chân trời và Lời Chúa dường không còn là chỉ nam hướng dẫn cuộc sống, những chọn lựa cơ bản, những tương quan giữa con người và trong xã hội. Nhưng chúng ta phải nói ngay rằng: khi chúng ta quan sát nền văn hóa chúng ta đang sống, những ngôn ngữ và biểu tượng của nó, chúng ta cần chú ý để khỏi trở thành tù nhân của thái độ bi quan và cam chịu, để đi tới những phán đoán tiêu cực hoặc hoài tưởng vô ích.”

Phân biệt cái nhìn tiêu cực và cái nhìn phân định

Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha phân biệt cái nhìn tiêu cực và cái nhìn phân định.

Cái nhìn tiêu cực thường nảy sinh từ một đức tin, khi cảm thấy bị tấn công, thì nghĩ ra một thứ áo giáp để tự vệ chống lại thế gian. Thái độ này không hợp với tinh thần Kitô. Chúa ghét tinh thần trần tục, nhưng Ngài có một cái nhìn tốt về thế giới. Chúa nhập thể trong những hoàn cảnh lịch sử chứ không phải để lên án, nhưng để làm nảy mầm hạt giống Nước Trời chính tại nơi tăm tối có vẻ chiến thắng.

Đức Thánh cha nói: “Nếu chúng ta dừng lại ở cái nhìn tiêu cực, thì rốt cuộc chúng ta sẽ phủ nhận sự nhập thể, vì ta trốn chạy thực tại, thay vì nhập thể trong đó. Chúng ta sẽ khép kín vào mình, than khóc những mất mát, liên tục than vãn. “Chúng ta cần giống cái nhìn của Chúa, biết phân biệt điều thiện và quyết tâm tìm kiếm nó, thấy và nuôi dưỡng điều thiện. Đó không phải là cái nhìn thơ ngây, nhưng là một cái nhìn phân biệt thực tại.

Cái nhìn phân định.

Trong ý hướng này, Đức Thánh cha mời gọi mọi người phân biệt giữa trào lưu duy thế tục (secolarismo), một quan niệm về cuộc sống hoàn toàn tách rời liên hệ với Đấng Tạo Hóa, coi Thiên Chúa là điều “thừa thãi và cồng kềnh”, và những hình thức vô thần mới nảy sinh, tinh vi và có nhiều loại khác nhau: “thứ văn minh tiêu thụ, duy khoái lạc được nâng lên hàng giá trị tuyệt đối, muốn quyền lực và thống trị, kỳ thị đủ loại”.

“Nếu chúng ta chiều theo cái nhìn tiêu cực, và phán đoán hời hợt, chúng ta có nguy cơ thông truyền một sứ điệp sai lầm, như thể đằng sau những phê bình sự tục hóa có sự hoài tưởng một thế giới được thần thánh hóa, một xã hội thời trước, trong đó Giáo hội và các chức sắc có nhiều quyền hành và ảnh hưởng xã hội. Đây là một quan điểm sai lầm”.

Đối với các Kitô hữu chúng ta, tình trạng tục hóa (secolarizzazione) không được coi là vấn đề Giáo hội mất ảnh hưởng xã hội, mất những giàu sang vật chất và đặc ân; đúng hơn sự tục hóa ấy đòi chúng ta suy tư về những thay đổi của Giáo hội, đã ảnh hưởng trên cách thức con người suy nghĩ và tổ chức cuộc sống. Nếu chúng ta dừng lại ở khía cạnh đó, thì chúng sẽ thấy rằng không phải đức tin bị khủng hoảng, nhưng là một số hình thái và cách thức qua đó chúng ta loan báo đức tin. Vì thế, sự tục hóa là một thách đố đối với tinh thần sáng tạo mục vụ của chúng ta, là cơ hội để tổ chức lại đời sống tâm linh dưới những hình thức và cách hiện hữu mới”. (C. Taylor, A Secular Age, Cambridge 2007, 437).

“Như thế cái nhìn phân định, trong khi làm cho chúng ta thấy những khó khăn chúng ta gặp phải trong việc thông truyền niềm vui đức tin, thì coi đó là điều kích thích chúng ta tìm lại niềm hăng say loan báo Tin mừng, tìm những ngôn ngữ mới, thay đổi một số ưu tiên mục vụ, đi vào điều cốt yếu”.

Ba đề nghị của Đức Thánh cha

Và trong tinh thần huynh đệ, Đức Thánh cha đề nghị ba thách đố cần đương đầu trong kinh nguyện và mục vụ:

Loan báo Chúa Giêsu

1. “Trước tiên là loan báo, phổ biến Chúa Giêsu. Trong những sa mạc tinh thần ngày nay, do trào lưu duy thế tục (secolarismo) và sự dửng dưng gây ra, cần trở về với việc loan báo đầu tiên. Chúng ta không để chủ trương thông truyền niềm vui đức tin chỉ là trình bày những khía cạnh phụ thuộc cho những người chưa đón nhận Chúa trong cuộc sống, hoặc bằng cách chỉ lập lại những việc thực hành hay áp dụng những hình thức mục vụ quá khứ. Trái lại, cần tìm ra những con đường mới để loan báo trọng tâm Tin mừng cho những người chưa gặp Chúa Kitô. Điều này đòi phải có sáng kiến mục vụ để đi tới con người tại nơi họ sinh sống, tìm kiếm những cơ hội lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Cần trở lại sự cốt yếu và hăng say của Tông đồ Công vụ, vẻ đẹp được cảm thấy mình là những khí cụ về sự phong phú của Thánh Linh ngày nay”.

Đáng tin cậy

2. “Nhưng để loan báo Tin mừng, cần phải là những đáng tin. Và vì thế thách đố thứ hai là làm chứng tá. Tin mừng được loan báo một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên, biểu lộ tự do làm cho những người khác được tự do, sự cảm thương không đòi báo đáp, lòng thương xót nói về Chúa Kitô mà không cần dùng lời nói. Giáo hội tại Canada đã bắt đầu một hành trình mới, sau khi bị tổn thương và đảo lộn vì sự ác do một số con cái của mình gây ra. Tôi đặc biệt nghĩ đến những lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những gương xấu đòi những hành động mạnh mẽ và chiến đấu không thể hồi lại. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi xin lỗi tất cả các nạn nhân.... Và khi nghĩ đến hành trình chữa lành và hòa giải với các anh chị em thổ dân, không bao giờ cộng đoàn Kitô để cho mình bị ô nhiễm vì quan niệm có một thứ văn hóa cao trọng hơn những văn hóa khác và nghĩ rằng được phép dùng những phương thế cưỡng bách đối với những người khác. Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của thánh Phanxicô de Laval, người đã mạnh mẽ chống lại những kẻ làm băng hoại các thổ dân, dụ dỗ họ uống rượu để lường gạt họ. Chúng ta đừng để một ý thức hệ nào làm biến thái và lẫn lộn lối sống những hình thức sống của các dân tộc để tìm cách khuất phục và thống trị họ.

Tình huynh đệ

3. Thách đố thứ ba là tình huynh đệ. Giáo hội sẽ là chứng nhân đáng tin của Tin mừng khi các phần tử của Giáo hội ngày càng sống hiệp thông, kiến tạo những cơ hội và không gian để bất kỳ ai đến gần đức tin đều thấy một cộng đoàn hiếu khách, biết lắng nghe và đối thoại, thăng tiến những quan hệ tốt. Như thánh Phanxicô de Laval thường nói với các thừa sai: “Nhiều khi một lời chua cay, sự thiếu kiên nhẫn, một vẻ mặt xua đuổi sẽ phá hủy trong một lúc nào đó điều đã được xây dựng trong nhiều năm trời” (Istruzioni ai missionari, 1668).

Kết thúc Kinh chiều, Đức Hồng y Tổng giám mục Québec đã hướng dẫn Đức Thánh cha đến trước mộ thánh Phanxicô de Laval, tại đây Đức Thánh cha cầu nguyện trong thinh lặng. Rồi ngài trở về Tòa Tổng giám mục để dùng bữa tối.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 7, 2022