Đức Thánh Cha Chủ Sự Thánh Lễ Chúa Hiển Linh

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 07/01/2023

Lúc 10 giờ sáng, thứ Sáu, ngày 06 tháng Giêng năm 2023, Lễ Chúa Hiển Linh, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô. Và trong bài giảng, ngài mời gọi các tín hữu hãy noi gương các Đạo sĩ băn khoăn thao thức tìm kiếm Chúa, lên đường chấp nhận những rủi ro, và thờ lạy Chúa.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 20 Hồng y, Giám mục và trên 120 linh mục. Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, người Philippines, thuộc Bộ Loan báo Tin mừng, phụ giúp Đức Thánh cha cử hành thánh lễ với nghi thức tại bàn thờ, trong khi ngài ở ghế chủ tọa. Và trong số hơn gần 7.000 người hiện diện, có một số các đại chủng sinh truyền truyền giáo. Một số thầy cũng đảm nhận việc giúp lễ.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha phân tích tâm tình và hoạt động của các Đạo sĩ như tấm gương giúp chúng ta tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Đức Thánh cha nói: “Như một ngôi sao mọc lên (Xc Ds 24,17), Chúa Giêsu đến soi chiếu mọi dân tộc và chiếu sáng đêm đen của nhân loại. Cùng với các Đạo sĩ, ngước mắt lên trời, cả chúng ta ngày hôm nay cũng tự hỏi: “Đấng đã sinh ra ở đâu?” (Mt 2,2). Nghĩa là đâu là nơi chúng ta có thể tìm và gặp thấy Chúa chúng ta?”.

Băn khoăn thao thức tìm kiếm Chúa

Đức Thánh cha nói: Từ kinh nghiệm của các Đạo sĩ, chúng ta hiểu rằng “nơi” đầu tiên Chúa muốn được tìm kiếm chính là sự băn khoăn, với những thắc mắc. Cuộc phiêu lưu kỳ thú của các nhà hiền triết Đông phương này dạy chúng ta rằng đức tin không nảy sinh từ những công trạng hoặc từ những lý luận lý thuyết của chúng ta, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa. Ơn Chúa giúp chúng ta thức tỉnh từ tình trạng lãnh đạm và nhường chỗ cho những vấn nạn quan trọng về cuộc sống, những thắc mắc làm cho chúng ta ra khỏi sự tự phụ mình ổn định và cởi mở đối với những gì vượt lên trên chúng ta. (...)

“Anh chị em, hành trình đức tin khởi sự khi, nhờ ơn Chúa, chúng ta dành chỗ cho băn khoăn giúp chúng ta tỉnh thức; khi chúng ta để cho mình bị gọi hỏi, khi chúng ta không hài lòng với sự yên hành qua những tập quán, nhưng nhập cuộc trong những thách đố hằng ngày; khi chúng ta ngưng bảo tồn bản thân trong một không gian trung lập và quyết định ở trong những hoàn cảnh không thoải mái trong cuộc sống, với những tương quan với tha nhân, ngạc nhiên, bất ngờ, những dự phóng cần tiến hành, những mơ ước cần thực hiện, những sợ hãi cần đương đầu, những đau khổ trên thân xác. Những lúc đó trổi lên trong tâm hồn chúng ta những câu hỏi không thể đè nén, khiến chúng ta cởi mở tìm kiếm Thiên Chúa: đâu là hạnh phúc đối với tôi? Đâu là cuộc sống sung mãn mà tôi khao khát?

Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu vượt thắng những cám dỗ của một cuộc sống duy tiêu thụ, những quyến rũ của lạc thú, quan niệm chủ trương “Đừng quá suy nghĩ, hãy bỏ qua và hưởng thụ cuộc sống!” Nhiều khi chúng ta tìm cách đặt tâm hồn trong két sắt của tiện nghi, nhưng giả sử các Đạo sĩ đã làm như thế thì không bao giờ họ gặp được Chúa. Trái lại, Thiên Chúa ở trong những băn khoăn thắc mắc của chúng ta; trong đó chúng ta tìm kiếm Ngài như đêm đen tìm kiếm rạng đông...”.

Lên đường hành trình

Nơi thứ hai chúng ta có thể gặp Chúa là “rủi ro trong hành trình. Những vấn nạn, kể cả những vấn nạn tinh thần, có thể khiến chúng ta bất mãn và buồn sầu nếu chúng ta không lên đường, không hướng chuyển động nội tâm của chúng ta hướng về tôn nhan Chúa và vẻ đẹp của Lời Ngài... Các Đạo sĩ không dừng lại nhìn trời và ngắm ánh sáng của vì sao, nhưng dấn thân trong một hành trình rủi ro, không báo trước những con đường an ninh và lộ trình được xác định. Họ muốn khám phá ai là Vua người Do thái, Người sinh ra ở đâu, và có thể tìm được Người ở nơi nào.

“Cũng vậy, đối với đức tin của chúng ta: nếu không tiến bước liên tục và đối thoại liên lỉ với Chúa, không lắng nghe Lời Ngài, không kiên trì, thì không thể tăng trưởng.”

Kinh ngạc thờ lạy

Đức Thánh cha nói tiếp trong bài giảng: “Sau khi băn khoăn thắc mắc và lên đường tìm kiếm, nơi thứ ba chúng ta gặp Chúa, là sự kinh ngạc thờ lạy. Cuối hành trình dài và vất vả tìm kiếm, các Đạo sĩ vào trong nhà, “thấy Hài Nhi cùng với Đức Maria, Mẹ Ngài. Họ phủ phục và thờ lạy Ngài” (v.11). Đây là điểm quyết định: những băn khoăn thắc mắc của chúng ta, những hành trình thiêng liêng và thực hành đức tin phải quy tụ vào việc thờ lạy Chúa. Tại đó, chúng ta tìm được trung tâm nguồn mạch, vì tất cả nảy sinh từ đó, vì chính Chúa khơi lên trong chúng ta tâm tình, hành động và thực hiện. Tất cả phát sinh và đạt tới tột đỉnh ở đó, vì mục đích của mọi sự không phải là để đạt được một mục tiêu cá nhân, và nhận lãnh vinh quang cho mình, nhưng là gặp gỡ Chúa và để cho mình được tình thương của Chúa ấp ủ, mang lại nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự ác, cởi mở chúng ta yêu thương tha nhân, làm cho chúng ta có khả năng xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn”.

Trong phần dâng lễ vật, một gia đình người Ấn Độ, cùng với một gia đình Hàn Quốc và bốn đạo sĩ đã mang bánh rượu lên trước Đức Thánh cha, trước khi đưa tới bàn thờ. Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30.

Lúc 12 giờ trưa, thứ Sáu, ngày 06 tháng Giêng năm 2023, sau khi chủ sự thánh lễ Chúa Hiển Linh, tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc, ở lầu 3 dinh Giáo hoàng để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 30.000 tín hữu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa ba lễ vật mà các Đạo sĩ dâng tặng Chúa Hài Đồng Giêsu, khi tìm được Ngài ở Bethlehem, là vàng, nhũ hương và mộc dược (Xc 2, 11). Đức Thánh cha nói: “Khi nghĩ đến chuyện các Đạo sĩ, chúng ta có thể nói rằng, trước tiên chính họ đã nhận được ba món quà, ba hồng ân quý giá, có liên hệ đến cả chúng ta:

Ơn gọi

Trước tiên là ơn kêu gọi. Các Đạo sĩ không nhận thấy ơn gọi vì đã đọc Kinh thánh hoặc được một thị kiến của các thiên thần, nhưng là trong khi họ nghiên cứu các vì sao. Sự kiện này nói với chúng ta một điều quan trọng: đó là Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua những khát vọng và ước muốn lớn nhất của chúng ta. Các Đạo sĩ để cho mình ngạc nhiên và khó chịu vì sự mới mẻ của ngôi sao và đã lên đường tìm đến những gì họ không biết... Họ được kêu gọi đi xa hơn. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta được mời gọi đừng hài lòng, nhưng tìm kiếm Chúa bằng cách ra khỏi những tiện nghi thoải mái của chúng ta, hành trình tiến về Chúa cùng với những người khác, dấn mình trong thực tại. Vì Thiên Chúa kêu gọi chúng ta mỗi ngày, ở đây và hôm nay, trong thế giới của chúng ta”.

Ơn phân định

Các Đạo sĩ nói với chúng ta một ơn thứ hai: đó là sự phân định. Họ đi tìm kiếm một vị vua, vua người Do thái. Họ đến Jerusalem và nói điều đó với vua Hêrôđê. Ông này là một người tham quyền và muốn lợi dụng các Đạo sĩ này để loại bỏ Đức Messia Hài Nhi. Nhưng các Đạo sĩ không để cho mình bị Hêrôđê lường gạt. Họ biết phân định giữa mục tiêu hành trình và những cám dỗ họ gặp trên đường. Họ rời dinh Hêrôđê, và chú ý đến những tín hiệu của Thiên Chúa. Họ không trở lại hoàng cung, nhưng đi theo con đường khác để trở về (Xc v.12).

Đức Thánh cha nói: “Thật là quan trọng dường nào khi biết phân định mục đích của cuộc sống với những cám dỗ trên đường! Biết từ bỏ những gì quyến rũ đưa đến con đường xấu, để hiểu và chọn những con đường của Thiên Chúa! Sự phân định là một hồng ân lớn và không bao giờ được mệt mỏi cầu xin ơn này.”

Ơn ngạc nhiên

Sau cùng, các Đạo sĩ nói với chúng ta về món quà thứ ba, đó là sự ngạc nhiên. Sau một hành trình dài, họ thấy gì? Thưa, họ thấy một hài nhi với bà mẹ (Xc v.11): một cảnh tượng tuy dịu dàng, nhưng không gây ngạc nhiên! Họ không thấy các thiên thần cũng như các mục đồng, nhưng gặp Chúa trong cảnh nghèo hèn. Có lẽ họ đã chờ mong một Đấng Messia quyền năng và phi thường, nhưng rồi họ găp một hài nhi. Tuy nhiên, họ không nghĩ mình sai lầm, trái lại họ biết nhận ra Ngài. Họ đón nhận ngạc nhiên của Chúa và sống trong kinh ngạc cuộc gặp gỡ với Chúa, thờ lạy Ngài: qua sự bé nhỏ, họ nhận ra tôn nhan của Thiên Chúa.

Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu xin ơn biết tìm thấy sự cao cả trong những sự bé nhỏ mà Thiên Chúa rất yêu thương. Vì ta gặp Chúa như thế: trong sự khiêm tốn, trong thinh lặng, trong sự thờ lạy, nơi những người bé nhỏ và nghèo túng.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu kêu gọi, tất cả chúng ta đều có thể phân định sự hiện diện của Ngài, tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm những ngạc nhiên về Ngài. Ngày hôm nay, thật là đẹp khi nhớ đến các hồng ân ấy, mà chúng ta đã nhận lãnh: nghĩ lại khi chúng ta cảm thấy một tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống, hoặc khi, sau bao nhiêu vất vả, chúng ta nhận được tiếng Chúa, hoặc hơn nữa khi thấy một điều ngạc nhiên không thể quên được mà Chúa dành cho chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhớ đến và gìn giữ những hồng ân đã nhận lãnh được.”

Chào thăm

Sau khi đọc kinh và ban phép lành, Đức Thánh cha đã gửi lời chúc mừng các tín hữu Đông phương, Công giáo cũng như Chính thống mừng lễ Giáng sinh vào ngày 06 và 07 tháng Giêng này, theo niên lịch Giuliano. Đức Thánh cha cũng nhắc đến Hội Thánh Nhi, hay Nhi Đồng Truyền giáo, trong những ngày này đang thực hiện nhiều sáng kiến để góp phần vào công cuộc truyền giáo, bằng lời cầu nguyện và những hy sinh, đóng góp của các em.

Đức Thánh cha chào thăm các đoàn rước với các Đạo sĩ, diễu hành từ trưa lễ Hiển Linh tại các thành thị ở Ba Lan. (Rei 6-1-2023)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2023