Ngày 25-01-2023: ĐTC Chủ Sự Giờ Kinh Chiều Kết Thúc Tuần Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất Kitô Hữu

Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Tư 25/01/2023, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ Kinh Chiều trọng thể lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại, kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Thiên Chúa đau khổ vì sự dửng dưng, hiểu sai, bạo lực của các Kitô hữu, và mời gọi tất cả thay đổi và phát triển, cùng nhau làm việc hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn như Chúa Giêsu mong muốn.

https://www.youtube.com/watch?v=YuPtfwlYCfc&t=3s (69phut KTO)

Ngọc Yến – Vatican News 26 tháng một 2023

Tham dự giờ cầu nguyện có Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, một số Hồng y, giám mục, linh mục và rất đông tín hữu Công giáo, và các phái đoàn thuộc các Giáo hội và cộng đoàn Kitô khác nhau. Đặc biệt, hiện diện trong giờ cầu nguyện đại kết tại đền thờ thánh Phaolô có Đức Tổng Giám Mục Polykarpos, đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống giáo của Constantinople, và Đức giám mục Ian Ernest, đại diện cá nhân Đức tổng giám mục Anh giáo của Canterbury ở Roma.

Trước khi bắt đầu cử hành giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã đến trước mộ thánh Phaolô và cầu nguyện trong giây lát.

Lời Chúa trong giờ kinh chiều được trích từ sách Ngôn sứ Isaia chương 1, từ câu 12 đến 18. Qua ngôn sứ, Thiên Chúa khiển trách những kẻ trong lúc mang lễ vật đến trình diện Chúa, thì tội ác của họ vẫn chưa được tẩy sạch, tay đầy những máu. Thiên Chúa truyền cho họ phải thay đổi, phải tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng.

Sau phần bài đọc, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư, ngài nói:

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúng ta vừa nghe Lời Chúa, Lời đã gợi hứng cho Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Những lời này rất mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức dường như không thích hợp cho cuộc gặp gỡ đầy niềm vui của chúng ta trong tư cách là những anh chị em trong Chúa Kitô, quy tụ long trọng cử hành phụng vụ ca ngợi Người. Trong những ngày này với nhiều thảm hoạ và đáng lo ngại, có lẽ chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua những lời “lên án tội lỗi xã hội” như vậy trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, nếu chúng ta lắng nghe những lo lắng của thời đại chúng ta đang sống, thì càng có nhiều lý do để chúng ta phải quan tâm đến những gì làm Chúa đau khổ, Đấng mà nhờ Người chúng ta sống. Và nếu chúng ta quy tụ nhân danh Người, chúng ta không thể không đặt Lời Người ở trung tâm. Đó là lời ngôn sứ: Thiên Chúa, qua ngôn sứ Isaia, khiển trách và thúc giục chúng ta thay đổi. Khiển trách và thay đổi là hai cụm từ tôi muốn suy tư cùng với anh chị em trong chiều hôm nay.

Chúa buồn phiền vì hiểu sai và thờ ơ của các Kitô hữu

Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Khi các ngươi trình diện Ta, ... đừng đem những lễ vật vô ích; [...] Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe” (Is 1,12.13.15). Điều gì làm Chúa phẫn nộ đến mức đã khiển trách nặng nề những kẻ mà Người rất yêu thương? Bản văn tiết lộ hai lý do. Trước hết, Người lên án việc ở trong Đền thờ của Người, nhân danh Người, người ta không làm điều Người muốn: không phải hương và lễ vật, nhưng là người nghèo nhận được sự giúp đỡ, công lý được thực hiện cho cô nhi, biện hộ quả phụ (câu 17). Trong thời của ngôn sứ, người ta thường cho rằng người giàu và những người dâng nhiều của lễ là những người được Thiên Chúa chúc lành, và Chúa xem thường người nghèo. Nhưng họ hoàn toàn hiểu sai ý Chúa. Chúa Giêsu tuyên bố người nghèo được chúc phúc (Lc 6, 20), và trong dụ ngôn về cuộc phán xét sau cùng, Người đồng hoá với người đói khát, khách lạ, người túng thiếu, người bệnh, người bị giam cầm (x. Mt 25, 35-36). Đây là lý do đầu tiên của sự phẫn nộ: Chúa đau khổ khi chúng ta, những người tự xưng là những kẻ trung tín với Người, đặt cách nhìn mọi sự của chúng ta trước cái nhìn của Người, khi thay vì theo sự phán xét của Nước Trời, chúng ta chạy theo sự xét đoán của thế gian, khi chúng ta hài lòng với các nghi lễ bên ngoài nhưng thờ ơ với những anh chị em mà Người quan tâm nhất. Do đó, chúng ta có thể nói, Chúa buồn phiền, vì sự hiểu sai và thờ ơ của chúng ta.

Bạo lực thánh xúc phạm Thiên Chúa

Thêm vào đó, có một lý do thứ hai và nghiêm trọng hơn xúc phạm Đấng tối cao. Đó là bạo lực thánh. Chúa nói với chúng ta: “Ta không chịu nỗi tội ác và rồi lại lễ lạt linh đình. [...] Tay các ngươi đầy những máu. [...] hãy vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta” (Is 1, 13,15,16). Chúa nổi cơn “thịnh nộ” bởi bạo lực chống lại đền thờ Chúa là con người, ngay cả khi Người được tôn vinh trong các đền thờ vật chất do chúng ta dựng nên! Chúng ta có thể hình dung Người phải chịu nhiều đau khổ khi chứng kiến chiến tranh và hành động bạo lực do những người tự xưng là Kitô hữu gây ra. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của một vị thánh đã phản đối sự tàn bạo của vua bằng cách cho vua ăn thịt trong Mùa Chay. Khi nhà vua nhân danh tôn giáo, phẫn nộ từ chối nhận món quà, người của Chúa hỏi nhà vua tại sao vua lại đắn đo về việc ăn thịt động vật trong khi nhà vua không ngần ngại xử tử con cái Chúa.

Tố cáo thôi thì chưa đủ, cần phải từ bỏ điều ác

Anh chị em thân mến, lời khiển trách này của Chúa khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều, với tư cách là những Kitô hữu. Tôi muốn nhắc lại rằng “Ngày nay, với sự tiến triển của linh đạo và thần học, chúng ta không còn lý do để biện minh nữa. Tuy nhiên, vẫn còn có những người dường như cảm thấy niềm tin của mình cổ võ hoặc ít ra chấp nhận các hình thức chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bạo lực, thái độ bài ngoại, miệt thị, thậm chí ngược đãi những ai khác mình. Đức tin, bao hàm cả chủ nghĩa nhân văn, phải giữ được cảm thức phê phán trước các khuynh hướng này và tức thời phản ứng khi chúng xuất đầu lộ diện” (Fratelli tutti, 86). Nếu, theo gương Tông đồ Phaolô, chúng ta muốn ơn Chúa cho chúng ta không vô hiệu (1 Cr 15, 10), chúng ta phải chống lại chiến tranh, bạo lực và bất công ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Chủ đề của Tuần Cầu nguyện này được lựa chọn bởi một nhóm tín hữu đến từ Minnesota, nhận thức được những bất công đã gây ra trong quá khứ đối với người bản địa và trong thời chúng ta chống lại người Mỹ gốc Phi. Trước nhiều hình thức khinh miệt và phân biệt chủng tộc, thờ ơ và bạo lực thánh, Lời Chúa khiển trách chúng ta: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng” (Is 1,17). Tố cáo thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải từ bỏ điều ác, chuyển từ sự ác sang sự thiện. Nói cách khác, khiển trách là nhằm thay đổi chúng ta.

Thay đổi

Sau khi chẩn đoán được những sai lầm, Chúa yêu cầu chúng ta phải sửa chữa. Qua ngôn sứ, Chúa phán: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết [...]. Đừng làm điều ác nữa” (c. 16). Tuy nhiên vì biết chúng ta bị tê liệt bởi quá nhiều lỗi lầm, Chúa hứa chính Người sẽ là người rửa sạch tội lỗi chúng ta. Chúa phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (c. 18). Anh chị em thân mến, do những hiểu sai của chúng ta về Thiên Chúa và bạo lực ẩn núp trong chúng ta, chúng ta không thể tự giải thoát mình. Không có Thiên Chúa, không có ân sủng Người, chúng ta không được chữa lành khỏi tội lỗi của mình. Ân sủng Chúa là suối nguồn của sự thay đổi của chúng ta. Cuộc đời của Tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta về điều này. Tự mình, chúng ta không thể làm được, nhưng với Chúa, tất cả đều có thể. Tự mình chúng ta không thể làm được, nhưng cùng nhau thì có thể. Thực tế, Chúa yêu cầu các môn đệ cùng hoán cải. Hoán cải là đòi hỏi đối với mọi người, cũng với cộng đoàn và Giáo hội. Do đó, chúng ta tin rằng sự hoán cải đại kết của chúng ta cũng tiến triển đến mức chúng ta nhận ra mình cần ân sủng Chúa, cần lòng thương xót Chúa. Khi nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào Chúa trong mọi sự, với sự trợ giúp của Người, chúng ta sẽ thực sự cảm thấy “nên một” (Ga 17, 21).

Là điều tốt đẹp khi cùng nhau mở lòng, trong ơn Chúa Thánh Thần, cho sự thay đổi quan điểm này. Để tái khám phá rằng “tất cả các tín hữu trên khắp thế giới đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế - như Thánh Gioan Kim Khẩu đã viết - những ai đang ở Roma biết rằng những người đang ở Ấn Độ là một phần của cùng một thân mình” (Lumen Gentium, 13; In Io. hom. 65:1). Trên hành trình hiệp thông này, tôi biết ơn vì rất nhiều Kitô hữu thuộc các cộng đoàn và truyền thống khác nhau đang đồng hành cùng với sự tham gia và quan tâm đến tiến trình hiệp hành của Giáo hội Công giáo, mà tôi hy vọng sẽ ngày càng đại kết hơn. Chúng ta đừng quên rằng việc bước đi cùng nhau và nhận ra rằng chúng ta hiệp thông với nhau trong Thánh Thần đòi hỏi một sự thay đổi, một sự tăng trưởng chỉ có thể diễn ra, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã viết, “từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ cái nhìn của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi”. (Enc. Deus Caritas Est, 18).

Xin thánh Tông đồ Phaolô giúp chúng ta thay đổi, hoán cải; xin cho chúng ta có được sự can đảm của ngài, vì trong hành trình, chúng ta dễ dàng làm việc cho nhóm của chính mình hơn là cho Vương quốc Thiên Chúa, trở nên thiếu kiên nhẫn, mất hy vọng vào ngày mà “mọi Kitô hữu sẽ được quy tụ, trong một cử hành Thánh Thể chung, vào sự hiệp nhất của Giáo hội duy nhất mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội của Người ngay từ đầu” (Unitatis Redintegratio, 4). Chính vì hướng tới ngày đó, chúng ta đặt niềm tín thác, sự vượt qua và sự bình an của chúng ta nơi Chúa Giêsu: trong khi chúng ta cầu nguyện và tôn thờ Người, thì Người luôn hành động. Và chúng ta được an ủi bởi những gì Người đã nói với Phaolô và chúng ta có thể nghe nói với mỗi người chúng ta: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12, 9).

Chào và cám ơn đại diện các Giáo hội Kitô

Anh chị em thân mến, trong tinh thần huynh đệ, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ này rằng Lời Chúa đã khơi dậy trong tôi, để nhờ lời khiển trách của Chúa, nhờ ân sủng Chúa, chúng ta có thể thay đổi và lớn lên trong cầu nguyện, phục vụ, đối thoại và làm việc cùng nhau hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Kitô mong muốn. Giờ đây tôi muốn chân thành cám ơn: Đức tổng giám mục Polykarpos, đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống giáo của Constantinople, Đức giám mục Ian Ernest, đại diện cá nhân Đức tổng giám mục Anh giáo của Canterbury ở Roma, và đại diện của các cộng đoàn Kitô giáo. Tôi xin bày tỏ tình liên đới sâu sắc với các thành viên của Hội đồng Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo toàn Ucraina. Xin chào các sinh viên Chính thống giáo và Chính thống Đông Phương, các sinh viên của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống cạnh Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô. Xin chào Thầy Alois và các anh chị em của Taizé, đang tham gia vào việc chuẩn bị buổi cầu nguyện đại kết sẽ diễn ra trước khi khai mạc phiên họp tiếp theo của Thượng hội đồng Giám mục. Tất cả cùng nhau chúng ta hãy bước đi trên con đường mà Chúa đã đặt ra trước mặt chúng ta, đó là sự hiệp nhất.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2023