Tiếp Kiến Chung Của Đức Thánh Cha: Do Phép Rửa Tội Đã Lãnh Nhận, Mỗi Tín Hữu Cần Tham Gia Vào Sứ Mạng Của Giáo Hội

Photo: Vatican Media

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA 08/03/2023

Lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 08 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 10.000 hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời khá lạnh. Đức Thánh cha đi xe mui trần, có năm em bé được đưa lên xe cùng đi với ngài, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm mọi người, trước khi tiến lên lễ đài ở thềm Đền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến.

Mở đầu, như thường lệ, sau lời chào phụng vụ, là phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc trích từ thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (15,1-2):

“Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận”.

Bài giáo lý

Tiếp đến, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ sáu này có tựa đề: “Công đồng chung Vatican II. Loan báo Tin mừng như một việc phục vụ của Giáo hội”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý lần trước, chúng ta đã thấy rằng “Công đồng” đầu tiên trong lịch sử Giáo hội được triệu tập tại Jerusalem về vấn đề liên quan đến việc loan báo Tin mừng, nghĩa là công bố Tin vui cho những người không thuộc dân Do thái. Trong thế kỷ XX, Công đồng chung Vatican II đã trình bày Giáo hội như Dân Chúa lữ hành trong thời gian, và tự bản chất là thừa sai (Xc AG 2). Có một chiếc cầu giữa Công đồng thứ nhất và Công đồng cuối cùng về phương diện loan báo Tin mừng, một chiếc cầu với Chúa Thánh Linh là nhà kiến trúc. Hôm nay, chúng lắng nghe Công đồng Vatican II, để khám phá rằng truyền giảng Tin mừng luôn luôn là một công tác phục vụ của Giáo hội, không bao giờ đơn độc, không bao giờ lẻ loi hoặc có tính chất cá nhân chủ nghĩa.

Thực vậy, người loan báo Tin mừng luôn thông truyền điều mà chính họ đã tiếp nhận. Thánh Phaolô đã viết: Tin mừng mà ngài loan báo và các cộng đoàn đã đón nhận và giữ vững, cũng là Tin mừng mà chính thánh Tông đồ đã đón nhận (Xc 1 Cr 15,1-3). Năng động này có tính chất bó buộc và bảo đảm sự chân chính của việc loan báo Kitô. Chính thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Galát: “Giả sử chính chúng tôi, hoặc một thiên thần từ trời loan báo cho anh chị em một Tin mừng khác với Tin mừng mà chúng tôi đã loan báo, thì hãy loại bỏ họ” (1,8).

Vì thế, chiều kích Giáo hội của việc loan báo Tin mừng là một tiêu chuẩn để kiểm chứng lòng nhiệt thành tông đồ. Một sự kiểm chứng cần thiết, vì cám dỗ muốn tiến hành “đơn độc” vẫn luôn rình rập, đặc biệt khi hành trình trở nên cam go và chúng ta cảm thấy gánh nặng của nhiệm vụ. Một cám dỗ khác cũng nguy hiểm như vậy, khi đi theo những con đường Giáo hội không chân chính, dễ dàng hơn, chấp nhận những tiêu chuẩn trần tục về những con số và các cuộc thăm dò, cậy dựa vào sức mạnh các ý tưởng của chúng ta, của những chương trình, các cơ cấu và “những tương quan quan trọng”.

Sắc lệnh Ad Gentes về truyền giáo

Anh chị em, bây giờ chúng ta hãy đặt mình trực tiếp hơn vào tường trình của Công đồng chung Vatican II, đọc lại vài số trong Sắc lệnh Ad Gentes (AG), văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Những văn bản này vẫn hoàn toàn giữ nguyên giá trị cả trong bối cảnh phức tạp và đa nguyên của chúng ta.

Trước hết, Sắc lệnh Ad Gentes, Đến với muôn dân, mời gọi hãy coi tình yêu của Thiên Chúa Cha như một nguồn mạch, Đấng, “do lòng từ nhân vô biên và thương xót giải thoát, đã dựng nên chúng ta, và hơn nữa, do ơn thánh, đã kêu gọi chúng ta tham dự vào đời sống và vinh quang của Người; do lòng quảng đại hoàn toàn, Người đã đổ tràn và còn tiếp tục tuôn đổ lòng nhân lành thiêng liêng của Người, làm sao để Đấng Sáng Tạo tất cả, có thể cũng là “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15,28), cùng mang lại vinh quang của Người và hạnh phúc cho chúng ta (n.2). Đoạn văn này quan trọng cơ bản vì dạy rằng tình thương của Chúa Cha có đối tượng là mỗi người. Đó là một tình thương đi tới mỗi người nam nữ qua sứ mạng của Chúa Con, Đấng Trung Gian cứu độ và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta (Xc AG3), và nhờ sứ vụ của Thánh Linh (Xc AG 4), Đấng hoạt động trong mỗi người, dù là được rửa tội hay không.

Ngoài ra, Công đồng nhắc nhớ rằng nghĩa vụ của Giáo hội là tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng được “sai đi mang Tin mừng cho người nghèo khó; vì thế - Sắc lệnh Ad Gentes dạy tiếp - điều cần thiết là Giáo hội, vẫn luôn ở dưới ảnh hưởng Thần Khí của Chúa Kitô, tiếp tục con đường của Chúa, nghĩa là con đường thanh bần, vâng phục, phục vụ và hy sinh bản thân cho đến chết, để từ đó sống lại, Ngài chiến thắng” (AG 5). Nếu trung thành với “con đường này”, sứ mạng của Giáo hội là “sự bày tỏ, nghĩa là hiển dung và thực thi kế hoạch của Chúa trong thế giới và lịch sử” (AG, 9).

Ý nghĩa lòng nhiệt thành tông đồ

Những điều vắn tắt đó cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa lòng nhiệt thành tông đồ của mỗi môn đệ thừa sai, theo nghĩa Giáo hội, vì ở trong dân Chúa lữ hành và loan báo Tin mừng, không có những người tiêu cực và thụ động. Mỗi người đã chịu phép rửa, dù chức năng của họ trong Giáo hội, trình độ giáo dục về đức tin của họ thế nào đi nữa, đều là một chủ thể tích cực loan báo Tin mừng (Tông huấn E.G, 120). Do phép rửa tội đã lãnh nhận và sau đó được tháp nhập vào Giáo hội, mỗi tín hữu tham gia vào sứ mạng của Giáo hội và trong đó, họ tham gia sứ mạng của Chúa Kitô là Vua, Tư Tế và Ngôn Sứ. Nghĩa vụ này là “một và bất biến ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, cả khi vì những hoàn cảnh khác nhau không được biểu lộ cùng một thể thức” (AG 6). Điều này mời gọi chúng ta đừng trở nên cứng nhắc, cố định; lòng nhiệt thành truyền giáo của tín hữu cũng được biểu lộ như tìm kiếm những cách thức mới, trong tinh thần sáng tạo, để loan báo và làm chứng, những cách thức mới để gặp gỡ nhân loại bị thương tổn mà Chúa Kitô đã đảm trách. Tóm lại là những cách thức mới để phục vụ Tin mừng và nhân loại.

Đi ngược lên tình thương nguồn mạch của Chúa Cha và các sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Linh không bị khép kín trong những không gian yên hàn cá nhân. Trái lại, đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận hồng ân nhưng không đời sống sung mãn mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, hồng ân qua đó chúng ta chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Và sự về nguồn tình yêu ấy cũng làm cho chúng ta ngày càng sống trọn những gì chúng ta đã nhận lãnh và để chia sẻ với những người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau tiến bước trên những con đường quanh co và khó khăn của lịch sử, trong khi tỉnh thức và hoạt động chờ đời sự viên mãn.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắn nhủ mọi người hãy cầu xin Chúa Thánh Linh để Mùa chay này là thời điểm thuận tiện hồi sinh lòng hăng say truyền giáo của chúng ta, phục vụ Tin mừng và nhân loại trong vui tươi. Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm hành hương khác nhau từ Mỹ, Anh, Đan Mạch và Thụy Sĩ, đồng thời ngài cầu chúc họ làm sao để Mùa chay này trở thành thời điểm ân phúc và canh tân tinh thần.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhận xét rằng trong Mùa chay này, nhiều giáo xứ và cộng đoàn đang tổ chức những cuộc tĩnh tâm. “Ước gì những sinh hoạt này là một thời điểm suy tư về chất lượng tình người và đời sống Kitô của anh chị em để mang lại thành quả tốt đẹp cho con những người mà anh chị em đang tiếp đón tại quê hương, đặc biệt những người Ucraina”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn... Trong những ngày Mùa chay này, anh chị em hãy tiến bước can đảm hơn theo Chúa Kitô, tìm cách noi gương khiêm tốn và trung thành với thánh ý Chúa. Chúng ta đừng quên những đau khổ của nhân dân Ucraina đau thương, nhưng hãy nhớ cầu nguyện cho họ”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh cha dành cho mọi người.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2023