Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Xin Mẹ Maria Giúp Chúng Ta Trở Thành Những Chứng Nhân Đáng Tin Của Tin Mừng

Photo: Vatican Media

Lúc 12 giờ, trưa Chúa nhật, ngày 05 tháng Mười Một năm 2023, như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Khoảng 20.000 người đã đến dự buổi đọc kinh này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA | November 05, 2023

Trong phần chào thăm sau khi đọc kinh, Đức Thánh cha tái kêu gọi ngưng chiến tại Thánh địa, giữa Israel và Hamas, kêu gọi trả tự do cho các con tin. Đồng thời, Đức Thánh cha không quên Ucraina tiếp tục chịu đau khổ vì chiến tranh. Đức Thánh cha cũng kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân bị động đất tại Népal và những người tị nạn Afghanistan bị trục xuất khỏi Pakistan.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha nói về những người luật sĩ và biệt phái dạy người khác về nhiều thứ, mà bản thân lại không thực hành những điều mình dạy.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Từ Tin mừng phụng vụ hôm nay, chúng ta nghe một số lời của Chúa Giêsu về những luật sĩ và biệt phái, nghĩa là những người hướng dẫn dân chúng về tôn giáo. Đối với những người lãnh đạo này, Chúa Giêsu dùng những lời rất nghiêm khắc, “vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3) và “tất cả những công việc họ làm là để được dân chúng ngưỡng mộ” (v.5).

Bây giờ, chúng ta hãy dừng lại ở hai khía cạnh này: sự cách biệt giữa nói và làm, và bề ngoài ưu thế hơn nội tâm.

Cách biệt giữa lời nói và việc làm

Khía cạnh thứ nhất: sự cách biệt giữa nói và làm. Những thầy dạy này của Israel hãnh diện về việc dạy những người khác Lời Chúa và được tôn trọng trong tư cách là những người lãnh đạo tại Đền thờ. Nhưng Chúa Giêsu phản đối cuộc sống hai mặt của họ: họ giảng một đàng, mà sống một nẻo. Những lời này của Chúa Giêsu nhắc nhớ những lời của các ngôn sứ, đặc biệt là Isaia: “Dân này chỉ gần Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13). Đó là nguy cơ cần cảnh giác: tâm hồn hai mặt, làm cho chứng từ của chúng ta không chân chính và làm thương tổn uy tín của chúng ta, trong tư cách là người và là Kitô hữu.

Tất cả chúng ta, do sự yếu đuối, đều cảm nghiệm một sự cách biệt giữa nói và làm; trái lại, có tâm hồn hai mặt, sống với “một chân trong hai chiếc giầy” mà không thấy vấn đề, đó lại là chuyện khác. Đặc biệt, khi chúng ta được kêu gọi - trong cuộc sống, trong xã hội hoặc Giáo hội - giữ một vai trò trách nhiệm, thì chúng ta hãy nhớ điều này: không thể sống hai mặt! Đối với một linh mục, một nhân viên mục vụ, một nhà chính trị, một giáo chức hoặc một người cha, người mẹ, qui luật này luôn có giá trị: điều bạn nói, rao giảng cho người khác, hãy dấn thân sống trước tiên. Để là những bậc thầy uy tín, cần phải là những chứng nhân đáng tin cậy trước đó, như thánh Phaolô VI đã nhắc nhở chúng ta.

Chú trọng đến nội tâm

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Khía cạnh thứ hai đi liền theo đó: bề ngoài chiếm ưu thế hơn nội tâm.

Thực vậy, khi sống hai mặt, các luật sĩ và biệt phái cẩn thận giấu thái độ thiếu nhất quán của họ để bảo tồn thanh danh bên ngoài của mình. Đúng vậy, giả sử dân chúng biết được điều gì ở trong tâm hồn họ, thì họ sẽ xấu hổ, mất hết uy tín. Vì thế, họ làm những công việc để có vẻ là những người công chính, để “giữ thể diện”, như người ta vẫn nói. Mánh lới ở đây là điều rất thông thường: tỏ ra mình đẹp đẽ bên ngoài để che giấu sự hư hỏng bên trong. Nhưng đó là một căn bệnh nặng, nhất là đối với các Kitô hữu chúng ta, nghĩa là khi cái vẻ bề ngoài trổi vượt hơn đời sống nội tâm. Nhiều khi, cả trong Giáo hội, chúng ta bị cám dỗ giữ thể diện, trong khi lẽ ra chúng ta phải chăm sóc nội tâm, để có thể là những Kitô hữu nhất quán và đáng tin.

Xét mình

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: Anh chị em thân mến, đón nhận lời cảnh giác của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tìm cách thực hành điều chúng ta rao giảng hay chúng ta sống hai mặt? Phải chăng chúng ta chỉ quan tâm tỏ ra mình là người hoàn hảo bên ngoài, hay chúng ta chăm sóc cuộc sống nội tâm của chúng ta với lòng chân thành?

Giờ đây, chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ đã sống với con tim liêm chính và khiêm tốn, theo ý Chúa, xin Mẹ giúp chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin của Tin mừng.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến cuộc chiến tại Trung Đông, Ucraina và các cuộc xung đột khác. Ngài đích thực kêu gọi ngưng chiến, mặc dù Israel quyết liệt tiếp tục các cuộc hành quân cho đến cùng để tiêu diệt Hamas. Đồng thời Đức Thánh cha cũng kêu gọi ngăn cản sự lan rộng xung đột hiện nay và không quên yêu cầu trả tự do tức khắc cho các con tin, đặc biệt là bao nhiêu trẻ em trong số họ. Và Đức Thánh cha kết luận rằng cần có can đảm nói: đủ rồi!

Trong cuộc chiến, từ ngày 07 tháng Mười vừa qua cho đến nay, ngoài hơn 1.400 người Israel bị sát hại, còn có hơn 10.000 người Palestine bị thiệt mạng, trong đó có 4.000 trẻ em, do cuộc hành quân trả thù của Israel.

Kế đó, Đức Thánh cha cũng bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân động đất dữ dội tại Népal, làm cho khoảng 150 người thiệt mạng, đồng thời liên đới với khoảng 200.000 người Afghanistan tị nạn bị trục xuất khỏi Pakistan từ đầu tháng Mười Một đến nay.

Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2023