Kinh Truyền Tin Với Đức Thánh Cha: Chúng Ta Được Kêu Gọi Có Phong Cách Của Chúa Giêsu: Cảm Thương, Từ Bi, Dịu Dàng

Photo: Vatican Media

Lúc 12 giờ, trưa Chúa nhật 26 tháng Mười Một năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 5.000 ngàn tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA| November 26, 2023

Buổi đọc kinh này hơi đặc biệt, vì hôm thứ Bảy, ngày 25 tháng Mười Một vừa qua, vì bị cảm nhẹ, nên Đức Thánh cha đã hủy bỏ các cuộc tiếp kiến, và Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni cho biết, ban chiều cùng ngày, Đức Thánh cha đã tới bệnh viện đa khoa Gemelli để chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi, để kiểm soát và kết quả âm tính; sau đó, Đức Thánh cha trở về nhà trọ thánh Marta ở Vatican.

Trời Roma trở lạnh: gió lạnh giá thổi từ bắc cực làm nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Đức Thánh cha đã không chủ sự kinh Truyền tin từ lầu ba của Dinh Tông tòa như mọi khi, nhưng từ nhà nguyện trong nhà trọ thánh Marta, nơi ngài cư ngụ. Ngồi bên cạnh Đức Thánh cha tại bàn nhỏ là Đức ông Paolo Braida, Chánh văn phòng tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đặc trách ban soạn thảo các diễn văn của Đức Thánh cha. Để Đức Thánh cha bớt mệt, Đức ông đã đọc thay ngài bài huấn dụ cũng như những lời kêu gọi và nhắn nhủ sau phép lành.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay tôi không thể xuất hiện ở cửa sổ, vì tôi bị viêm phổi và hơi mệt, Đức ông Braida là người biết rõ bài này vì chính Đức ông soạn và luôn soạn tốt đẹp. Cám ơn anh chị em rất nhiều vì sự tham dự của anh chị em.

Đức ông Braida đã đọc bài suy niệm ngắn sau đây: “Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ và là Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ, Tin mừng nói với chúng ta về cuộc phán xét chung (Xc Mt 25,31-46) và nói rằng đây sẽ là một cuộc phán xét về đức bác ái.

Cuộc phán xét chung

Cảnh tượng trình bày cho chúng ta là sảnh đường ở hoàng cung, trong đó Chúa Giêsu, “Con Người” (v.31) ngự trên ngai. Tất cả các dân tộc tụ tập dưới chân ngài và trong đó nổi bật “những người được chúc phúc” (v.34), các bạn của Vua. Nhưng họ là ai? Họ đã làm gì đặc biệt dưới mắt của Chúa? Theo các tiêu chuẩn của trần thế, lẽ ra các bạn của vua phải là những người đã dâng tặng ngài của cải và quyền hành, đã giúp ngài chinh phục các lãnh thổ, chiến thắng, trở nên vĩ đại giữa các vua chúa, hoặc là xuất hiện như các minh tinh trên những trang nhất của các báo chí hoặc các mạng xã hội, và Vua sẽ nói với họ: “Cám ơn các khanh vì đã làm cho trẫm trở nên giàu có và danh tiếng, được nể vì và kính sợ”. Đó là theo các tiêu chuẩn của thế gian.

Tiêu chuẩn của Chúa

Trái lại, theo các tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, các bạn hữu của Ngài thì khác: họ là những người phụng sự Ngài nơi những người yếu thế nhất. Sở dĩ như vậy vì Con Người là một Vua hoàn toàn khác, đã gọi những người nghèo là “anh em”, tự đồng hóa với những người đói khát, những người nước ngoài, người bệnh, tù nhân, và Ngài phán: “Mỗi lần các ngươi đã làm những điều đó cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi làm cho Ta” (v.40). Đó là một vị Vua nhạy cảm đối với vấn đề đói khát, nhu cầu có một căn nhà, bệnh tật và tù đày (Xc vv.35-36): rất tiếc là tất cả những thực tại ấy luôn luôn là điều rất thời sự. Những người đói khát, những người không nhà cửa, thường ăn mặc theo khả năng của họ, đầy rẫy trên các đường phố của chúng ta: chúng ta gặp mỗi ngày. Và cũng thế, đối với bệnh tật và tù đày, tất cả chúng ta đều biết đau ốm, phạm lỗi là gì và phải chịu hậu quả của nó.

Ý nghĩa bài Tin mừng

Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng những người “được chúc phúc” là những người đáp lại những thứ nghèo đói ấy với tình thương, với thái độ phục vụ: không ngoảnh mặt đi nơi khác, nhưng cho ăn, cho uống, giúp y phục, đón tiếp, viếng thăm, tóm lại là trở nên gần gũi với những người ở trong tình cảnh túng quẫn. Và sở dĩ như vậy vì Chúa Giêsu, Vua của chúng ta, tự định nghĩa là Con Người. Ngài có các anh chị em yêu quý nơi những người nam nữ yếu đuối nhất. “Sảnh đường hoàng cung” của Ngài được bố trí, tại đó có người đau khổ và cần được giúp đỡ. Đó là “hoàng cung” của Vua chúng ta. Và phong cách các bạn hữu của Chúa được kêu gọi trở nên các bạn hữu của Ngài, những người có Đức Giêsu là Chúa, phong cách của Ngài là: lòng cảm thương, từ bi, dịu dàng. Những đức tính này làm cho tâm hồn trở nên cao thượng và chảy xuống như dầu trên những vết thương của những người bị thương tổn trong cuộc đời.

Xét mình

“Vậy anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng vương quyền đích thực hệ tại lòng thương xót hay không? Chúng ta có tin nơi sức mạnh của tình thương hay không? Chúng ta có tin rằng đức bác ái là sự biểu hiện vương giả của con người và là một đòi hỏi không thể từ khước được đối với Kitô hữu hay không? Và sau cùng, một câu hỏi đặc biệt: tôi có phải là bạn hữu của Vua, nghĩa là tôi có cảm thấy đích thân can dự vào những nhu cầu của những người đau khổ mà tôi gặp trên đường hay không?

“Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Trời Đất, xin Mẹ giúp chúng con kính mến Chúa Giêsu là Vua của chúng con nơi các anh chị em bé nhỏ nhất.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã giơ tay ban phép lành cho các tín hữu. Bàn tay phải của ngài còn dán băng, chứng tỏ ngài đã được tiếp nước biển và được truyền thuốc qua ống tiêm vào mạch máu.

Đức ông Braida đã đọc những lời nhắn nhủ, kêu gọi và chào thăm của Đức Thánh cha, như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tại các giáo phận cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 38, về đề tài: “Hân hoan trong hy vọng”. Tôi chúc lành cho những người tham gia các sáng kiến do các giáo phận cổ võ, tiếp nối Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa. Tôi chào thăm các bạn trẻ là hiện tại và tương lai của thế giới, và tôi khuyến khích họ hãy là những người nắm giữ vai chính trong vui tươi đời sống của Giáo hội.

Hôm qua, Ucraina đau thương đã tưởng niệm biến cố Holodomor, cuộc diệt chủng do chế độ Xô Viết gây ra cách đây 90 năm, làm cho hàng triệu người chết đói. Vết thương đau xót ấy, thay vì được lành, thì lại càng trở nên đau đớn hơn vì những tàn ác của chiến tranh tiếp tục làm cho dân tộc yêu quý chịu đau khổ. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện không biết mệt mỏi cho các dân tộc đang bị xâu xé vì các cuộc xung đột, vì kinh nguyện là sức mạnh hòa bình phá vỡ cái vòng oán ghét, đập tan cái vòng báo thù và mở ra những con đường bất ngờ để hòa giải.

Ngày hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa vì giữa Israel và Palestine, có một cuộc ngưng chiến và một số con tin được trả tự do. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả sớm được trả tự do. Chúng ta hãy nghĩ đến gia đình họ, cho có nhiều viện trợ nhân đạo được đưa vào Gaza, và hãy nhấn mạnh việc đối thoại: đó là con đường duy nhất để có hòa bình. Ai không muốn đối thoại thì không muốn hòa bình.

Ngoài chiến tranh, thế giới chúng ta còn bị đe dọa vì một nguy hiểm lớn khác, về khí hậu, đe dọa sự sống trên trái đất, đặc biệt là các thế hệ tương lai. Đây là điều trái ngược với dự án của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự cho sự sống. Vì thế, cuối tuần tới đây, tôi sẽ đến Emirati để lên tiếng, vào ngày thứ Bảy, 02 tháng Mười Hai, tại Hội nghị COP28 ở Dubai. Tôi cám ơn tất cả những người đồng hành với chuyến đi này trong kinh nguyện và dốc quyết quan tâm đến vấn đề bảo vệ căn nhà chung.

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2023