ĐỨC GIÊSU TRONG VƯỜN GHẾTSÊMANI

 

1. “Được dìm vào trong cái chết của Người”

Theo quan điểm khách quan hay đức tin, yếu tố đầy ý nghĩa là sự sống lại chứ không phải là cái chết của Đức Kitô. Thánh Augustinô viết: "Tin Đức Kitô đã chết không quan trọng lắm ; dân ngoại, người Do Thái, kẻ vô đạo cũng tin như thế. Tất cả mọi người tin rằng Ngài đã chết ; đức tin Kitô giáo hệ tại ở chỗ tin vào sự phục sinh của Ngài ; Ngài đã sống lại mới là điều quan trọng cho chúng ta". Nhưng theo quan điểm chủ quan hay đời sống, yếu tố quan trọng nhất đối với chúng ta là cuộc khổ nạn chứ không phải sự phục sinh. Cũng thánh Augustinô còn viết: "Trong ba sự kiện làm nên Tam nhật thánh, tức đóng đinh, mai táng và sống lại, điều mà sự đóng đinh hay thập giá biểu thị, chúng ta thực hiện trong cuộc sống hiện tại, còn điều mà mai táng và sống lại muốn nói, thì chúng ta chuẩn bị bằng đức tin và đức cậy.”

Có tác giả đã cho rằng các sách Phúc Âm là "những trình thuật về cuộc Khổ Nạn có phần giới thiệu dài đi trước" (M. Köhler). Đây là phần quan trọng nhất của Phúc Âm, nhưng thật không may, nó lại là phần ít được nhấn mạnh nhất trong năm phụng vụ, vì nó chỉ được đọc một lần mỗi năm trong Tuần Thánh, và vì nghi lễ quá dài, nên không thể dành thời gian để cắt nghĩa và bình giải về nó. Có thời giảng thuyết về Khổ Nạn là trọng tâm của mọi công cuộc truyền giáo bình dân ; bây giờ những cơ hội như vậy đã trở nên hiếm hoi, nhiều Kitô hữu đến cuối đời vẫn chưa từng có kinh nghiệm về Calvê...

Bằng những suy tư của chúng ta về Mùa Chay, chúng ta muốn lấp chỗ trống này, ít nhất một phần. Chúng ta muốn ở lại một lát với Đức Giêsu tại vườn Ghếtsêmani và trên đồi Calvê, để được chuẩn bị đến với Phục Sinh. Ở Giêrusalem có một hồ nước kỳ lạ. Người đầu tiên nhảy xuống đó khi nước bị khuấy động, thì được chữa lành. Bây giờ chúng ta phải lấy tinh thần nhảy xuống hồ nước ấy, hoặc xuống đại dương là cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã "được dìm vào trong cái chết của Người", "được mai táng với Người" (Rm 6,3tt) : Điều đã xảy ra cách bí nhiệm trong Bí tích, phải được hoàn tất cách hiện sinh trong đời sống. Chúng ta phải thực hiện một lần tắm cứu độ trong cuộc khổ nạn, để được canh tân, củng cố, và biến đổi. Chân phước Angêla Folignô viết: "Tôi vùi mình trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và hy vọng rằng trong cuộc khổ nạn ấy, tôi sẽ được giải thoát".

2. Ghếtsêmani, một sự kiện lịch sử

Cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc Khổ Nạn bắt đầu bằng Ghếtsêmani, giống như Đức Giêsu. Cơn hấp hối của Đức Giêsu trong Vườn cây dầu là một sự kiện được chứng thực trong các sách Phúc Âm, trong bốn cột, có nghĩa là do bốn tác giả Phúc Âm. Quả thực Gioan cũng nói về nó theo cách riêng của mình, khi ngài đặt trên môi miệng Đức Giêsu những lời: "Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến" (câu này làm ta nhớ đến câu "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" trong Phúc Âm nhất lãm) và những lời: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (làm ta nhớ đến câu "xin cho con khỏi phải uống chén này" trong các Phúc Âm nhất lãm) (Ga 12,27). Thư Do Thái, như chúng ta sẽ thấy, cũng làm vang vọng những lời trên.

Điều lạ là một sự kiện ít “tính chất hộ giáo" như vậy lại có một chỗ đứng quan trọng trong truyền thống. Chỉ có một biến cố lịch sử, được minh chứng rõ ràng, có thể giải thích tầm quan trọng được gán cho thời điểm này trong cuộc đời của Đức Giêsu. Các tác giả Phúc Âm mỗi người tô vẽ cho câu chuyện này một mầu sắc khác nhau, tương ứng với sự nhạy cảm của các ngài và nhu cầu của cộng đồng mà các ngài viết cho họ. Tuy nhiên các ngài đã không thêm gì thực sự "xa lạ" vào sự kiện. Đúng hơn, mỗi người trong số các ngài đã làm nổi bật một số ứng dụng thiêng liêng vô hạn của sự kiện này. Như người ta nói hôm nay, các ngài đã không eis-egesis, nhưng ex- egesis.

Những lời khẳng định theo mặt chữ là trái ngược nhau và loại trừ nhau, trong các sách Phúc Âm, không phải là những lời khẳng định theo Thần Khí. Ngay cả khi không có sự mạch lạc bên ngoài, thì vẫn có sự hài hòa sâu xa. Các Phúc Âm là bốn cành của cùng một cây, có những cành cây được tách ra ở ngọn nhưng vẫn liên kết ở thân (truyền thống truyền khẩu của Giáo Hội) và qua đó, liên kết ở rễ là Đức Giêsu lịch sử. Nhiều học giả Kinh thánh không có khả năng nhìn thấy mọi sự theo cách này, theo ý tôi, là do họ không biết những gì xảy ra trong hiện tượng tâm linh và thần bí. Đây là hai thế giới do các quy luật khác nhau chi phối. Như thể người ta muốn khám phá các thiên thể bằng các dụng cụ được thiết kế để khám phá dưới nước.

Raymond Brown, nhà chú giải công giáo nổi tiếng, người đã kết hợp sự khắt khe có tính khoa học và sự nhạy cảm thiêng liêng trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, tóm tắt nội dung khúc đầu của cuộc Khổ Nạn như sau: "Đức Giêsu tách xa các môn đệ của Ngài, linh hồn hãi hùng xao xuyến khi Ngài cầu xin Chúa Cha cất chén xa Ngài, sự đáp lại đầy yêu thương của Chúa Cha, khi sai một thiên thần đến nâng đỡ Ngài, sự cô đơn của Thầy khi ba lần thấy các môn đệ của mình thiếp ngủ thay vì cùng cầu nguyện với mình, sự can đảm khi cuối cùng quyết định đi gặp kẻ phản bội : dựa vào các Phúc Âm khác nhau, sự đau khổ của con người, sự hỗ trợ của Thiên Chúa và sự đơn độc tự hiến phối hợp với nhau đã góp phần làm cho những người tin vào Đức Giêsu yêu mến Ngài, trở thành một đối tượng của nghệ thuật chiêm niệm".

Cốt lõi nguyên thủy của tất cả câu chuyện ở Ghếtsêmani dường như là lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Ký ức về cuộc chiến đấu của Đức Giêsu trong lời cầu nguyện, ngay trước khi Ngài chịu khổ hình, bắt nguồn từ một truyền thống rất xa xưa, mà cả Maccô lẫn các nguồn khác đều phụ thuộc vào. Chúng ta muốn suy nghĩ về khía cạnh trên đây trong bài suy niệm này.

Những cử chỉ của Đức Giêsu là những cử chỉ của một người đang phải lâm chiến trong nỗi thống khổ chết người : Ngài sấp mình xuống đất, đứng lên đi đến chỗ các môn đệ, trở về quỳ gối và rồi lại đứng lên ... đổ những giọt mồ hôi máu (Lc 22,44). Từ miệng Ngài thốt ra lời cầu khẩn: "Abba, (Cha ơi)! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con" (Mc 14,36). Lời cầu nguyện “mãnh liệt” của Đức Giêsu, trước cái chết đang đến gần, nổi bật đặc biệt trong thư Do Thái. Thư viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết... " (Dt 5,7).

Đức Giêsu đang một mình đối mặt với một sự đau khổ quá sức sắp xảy đến cho Ngài. "Giờ" đương đầu lần cuối với các thế lực sự dữ, giờ thử thách lớn lao (peirasmos), giờ mong muốn mà cũng đáng sợ ấy đã đến. Nhưng nguyên nhân của nỗi đau đớn còn sâu sắc hơn : Ngài thấy mình phải chịu đựng gánh nặng của tất cả sự dữ và xấu xa trên thế giới. Ngài đã không làm sự dữ đó, nhưng không làm cũng giống như làm, vì Ngài đã tự do chuốc lấy việc đó: "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể" (1Pr 2,24), có nghĩa là (theo ý nghĩa của kiểu nói này trong Kinh Thánh), trong chính con người của Ngài, cả trong linh hồn, thân xác và trái tim của Ngài. Thánh Phaolô nói: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21).

3. Hai cách khác nhau chiến đấu với Thiên Chúa

Để không làm cớ cho lạc giáo Ariô, một số Giáo Phụ xưa giải thích câu chuyện Ghếtsêmani bằng những hạn từ sư phạm, với ý tưởng "nhượng bộ" (dispensatio) : Đức Giêsu không thực sự cảm thấy đau khổ và sợ hãi, Ngài chỉ muốn dạy chúng ta dùng lời cầu nguyện để chiến thắng sự chống đối của con người như thế nào. Theo thánh Hilariô Poitiers, ở Vườn cây dầu, "Đức Kitô không buồn cho mình, và không cầu nguyện cho mình, nhưng cho những người mà Ngài khuyên phải để tâm cầu nguyện, để chén đắng khổ nạn không đe dọa ập xuống trên họ".

Sau Công Đồng Calcêđonia, nhất là sau chiến thắng lạc giáo nhất chí (monothélite), chúng ta không còn cảm thấy phải nại tới cách giải thích này. Đức Giêsu ở Ghếtsêmani không chỉ cầu nguyện để khuyên chúng ta cầu nguyện. Ngài cầu nguyện vì, là người thật, Ngài phải "chịu thử thách trăm chiều giống như người ta, trừ ra tội lỗi". Ngài trải nghiệm cùng một cuộc chiến đấu như chúng ta trước những gì trái với bản tính con người.

Nhưng nếu Ghếtsêmani không giải thích chỉ bằng ý định sư phạm, thì chắc chắn các tác giả Phúc Âm có sự quan tâm này, và điều quan trọng là chúng ta phải thu thập nó. Trong Phúc Âm, trình thuật luôn đi kèm với lời mời gọi bắt chước, không thể tách rời được. Thư Phêrô viết: "Đức Kitô đã chịu khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người" (1Pr 2,21).

Chữ "xao xuyến bồi hồi" áp dụng cho Đức Giêsu trong Ghếtsêmani (Lc 22,44) phải được hiểu theo nghĩa nguyên thủy của cuộc đấu tranh, hơn là theo nghĩa hiện nay của hấp hối. Đã đến lúc cầu nguyện biến thành đấu tranh, mệt mỏi, hấp hối. Lúc này tôi không nói về cuộc chiến đấu chống lại sự chia trí, tức là cuộc chiến đấu với chính chúng ta ; tôi nói về cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Điều này xảy ra khi Thiên Chúa yêu cầu một điều mà, theo tính tự nhiên, ta không sẵn sàng đáp ứng, và khi hành động của Thiên Chúa khiến ta không hiểu nổi và làm ta bối rối.

Kinh Thánh trình bày một trường hợp chiến đấu khác với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Đối chiếu hai trình thuật là điều đáng học hỏi. Chúng ta muốn nói đến cuộc chiến đấu của Giacóp chống lại Đức Chúa (x. St 32,23-33). Khung cảnh cũng rất giống nhau. Cuộc chiến đấu của Giacóp diễn ra ban đêm, bên kia một dòng suối, suối Yabboq. Cuộc chiến đấu của Đức Giêsu cũng diễn ra ban đêm, bên kia suối Kidron. Giacóp ở một mình, xa các đầy tớ, phụ nữ và trẻ em, Đức Giêsu đi cầu nguyện cũng tránh xa ba môn đệ cuối cùng.

Nhưng tại sao Giacóp chiến đấu với Đức Chúa ? Đây là bài học tuyệt vời cho chúng ta. Giacóp nói: "Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi", nghĩa là nếu ngài không làm điều tôi yêu cầu ngài làm. Rồi Giacóp hỏi: "Tên ngươi là gì?". Ông tin rằng với sức mạnh có được khi biết tên của Thiên Chúa, ông sẽ có thể thắng người anh trai Êsau. Đức Chúa chúc phúc cho ông nhưng không tiết lộ tên của mình.

Giacóp chiến đấu để bắt Thiên Chúa theo ý mình ; còn Đức Giêsu chiến đấu để bắt ý muốn con người của mình tuân theo ý Thiên Chúa. Ngài chiến đấu vì "tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14,38). Dĩ nhiên, chúng ta tự hỏi : chúng ta giống ai khi cầu nguyện trong những tình huống khó khăn như vậy? Chúng ta giống Giacóp, người của Cựu Ước, khi mà trong lúc cầu nguyện, chúng ta cố gắng bắt Thiên Chúa thay đổi quyết định của Người, hơn là thay đổi chính mình và chấp nhận ý muốn của Người ; để Người lấy cây thập giá đi, hơn là để ta có thể cùng với Người vác nó. Chúng ta giống như Đức Giêsu, nếu ngay cả giữa những tiếng than thở và phải mướt mồ hôi máu, chúng ta tuân phục ý muốn của Chúa Cha. Kết quả của hai cách cầu nguyện rất khác nhau. Đức Chúa không nói tên mình cho Giacóp, nhưng với Đức Giêsu, Người sẽ ban một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x. Pl 2,9).

Đôi lúc, khi kiên trì trong kiểu cầu nguyện này, có một điều lạ lùng xẩy ra cần phải biết để không đánh mất một cơ hội quý giá. Các vai trò bị đảo ngược : Thiên Chúa trở thành người cầu xin và con người trở thành người được cầu xin. Chúng ta cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban điều gì đó, và một khi cầu nguyện, chúng ta dần dần nhận ra rằng chính Thiên Chúa đang hướng về ta và xin ta điều gì đó. Chúng ta đã xin Người lấy cái dằm ra khỏi thân xác ta, lấy đi một thập giá, một thử thách, giải thoát ta khỏi gánh nặng hay tình huống này khác, khỏi sống gần một người... Thì đây Thiên Chúa lại xin chúng ta chấp nhận thập giá này, tình huống này, gánh nặng này, con người này.

Có một bài thơ của Tagore giúp chúng ta hiểu vấn đề. Một người ăn xin kể về kinh nghiệm của mình. Đại khái anh ta nói : Tôi đã đi ăn xin từ nhà này sang nhà khác, trên con đường làng, thì một chiếc xe ngựa mầu vàng xuất hiện ở xa. Đó là chiếc xe của hoàng tử. Tôi nghĩ : đây là cơ hội hiếm có trong đời, tôi ngồi xuống và mở rất to cái bị của tôi, chờ đợi người ta làm phúc bố thí, thậm chí không cần tôi phải xin, chờ đợi tiền bạc vung vãi trên đất chung quanh tôi. Nhưng thực ngạc nhiên, khi đến gần tôi, chiếc xe dừng lại, hoàng tử xuống khỏi xe, giơ tay phải ra về phía tôi và hỏi: "Anh có gì cho tôi không? Ôi, cử chỉ vương giả đưa tay về phía tôi! Lúng túng và do dự, tôi lấy một hạt gạo trong bị, chỉ có một hạt, lại là hạt nhỏ nhất, đưa cho hoàng tử. Nhưng thực buồn, khi chiều về, lục lọi trong bị, tôi thấy một hạt gạo bằng vàng, nhưng chỉ có một hạt, và là hạt nhỏ nhất. Tôi khóc lóc cay đắng vì đã không có can đảm cho đi tất cả.

Trường hợp tuyệt vời nhất của việc đảo ngược vai trò này chính là lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Ghếtsêmani. Ngài cầu xin Chúa Cha cất chén xa Ngài, và Chúa Cha xin Ngài uống để cứu thế giới. Đức Giêsu không chỉ cho một, nhưng cho tất cả những giọt máu của Ngài, và Chúa Cha ban thưởng cho Ngài bằng cách đặt Ngài làm Chúa, cũng với tư cách là con người, đến nỗi "chỉ một giọt máu này đủ để cứu cả thế giới khỏi tội lỗi" (una stilla salvum facere totum mundum quit ab omni scelere).

4. "Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin"

Những lời này được thánh Luca viết ra (Lc 22,44), với mục đích mục vụ rõ ràng : cho Giáo Hội thời ngài, một Giáo Hội cũng đang phải chiến đấu và bị bách hại, thấy điều mà Thầy đã dạy phải làm trong hoàn cảnh như vậy.

Có rất nhiều Ghếtsêmani nhỏ rải rác trong đời sống con người. Nguyên nhân có thể có nhiều và đa dạng : một mối đe dọa đối với sức khoẻ của chúng ta, sự thiếu hiểu biết của môi trường chúng ta sống, sự thờ ơ của những người xung quanh, sự sợ hãi về những hậu quả của một số sai lầm đã phạm. Tuy vậy, có thể có những nguyên nhân sâu xa hơn : mất ý thức về Thiên Chúa, ý thức về tội lỗi và bất xứng của ta, cảm tưởng mất đức tin, điều mà các thánh đã thực sự gọi là "Đêm tối của tâm trí”.

Đức Giêsu dạy chúng ta điều đầu tiên phải làm trong những trường hợp này : nại tới Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Đúng là Đức Giêsu ở Ghếtsêmani cũng đang tìm kiếm những bạn đồng hành, nhưng tại sao Ngài tìm kiếm họ ? Không phải để được nghe những lời lành, để giải trí hoặc để được an ủi. Ngài xin họ ở bên Ngài lúc cầu nguyện, xin họ cùng cầu nguyện với Ngài: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ?  Anh em hãy canh thức và cầu nguyện" (Mt 26,40)

Điều quan trọng cần lưu ý là lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở Ghếtsêmani bắt đầu bằng cách nào, theo nguồn  xưa nhất là Phúc Âm Maccô: "Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự" (Mk 14,36). Về vấn đề này, triết gia Kierkegaard có những suy tư rất rõ. Ông nói: "Điểm quyết định là Thiên Chúa có thể làm mọi sự". Người ta thật sự tuyệt vọng chỉ khi họ không có một khả năng nào, không có nhiệm vụ nào, trước mặt họ, khi không còn biết làm gì khác nữa. "Khi ai đó ngất đi, người ta cho ngửi dầu thơm ; nhưng khi ai đó tuyệt vọng, người ta phải nói, ‘Tìm cho anh ta điều gì đó có thể làm!’ Điều có thể làm là phương dược duy nhất ; cho anh ta điều có thể làm và anh ta đang tuyệt vọng sẽ tìm lại được sự nhiệt tình của mình, sẽ lấy lại sức sống, vì nếu người ta không có gì có thể làm thì cũng giống như thiếu không khí để thở. Đôi khi óc sáng tạo của trí tưởng tượng có thể đủ để tìm ra một khả thể ; nhưng cuối cùng, nghĩa là khi nói về tin, thì vẫn còn một điều hữu ích duy nhất, đó là : Thiên Chúa có thể làm mọi sự".

Và điều có thể làm này, luôn ở trong tầm tay một người tín hữu, là cầu nguyện. "Cầu nguyện cũng giống như thở" (Kierkegaard). Nếu đã cầu nguyện mà không đạt hiệu quả thì sao? Cứ cầu nguyện tiếp! Cầu nguyện prolixius, khẩn thiết hơn. Tuy nhiên, người ta có thể thắc mắc là chính Đức Giêsu đã không được lắng nghe, nhưng thư Do Thái nói ngược lại : Ngài đã "được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Dt 5,7). Luca diễn tả sự giúp đỡ bên trong mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha qua việc thiên thần làm: "Có thiên sứ từ trời xuống hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22,43). Nhưng đây mới chỉ là một dự báo. Việc nhậm lời chân thật và vĩ đại của Chúa Cha là sự sống lại của Đức Kitô.

Thánh Augustinô lưu ý : Thiên Chúa lắng nghe khi... Người không lắng nghe, tức là khi chúng ta không có được những gì chúng ta xin. Ngay cả sự chậm trễ của Người trong việc nhậm lời chúng ta thì cũng đã là một sự nhậm lời, để có thể ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta xin. Nếu chúng ta tiếp tục cầu nguyện, dù gì đi nữa, thì đó là dấu chỉ cho thấy Người ban ơn cho ta. Nếu Đức Giêsu dứt khoát tuyên bố ở cuối cảnh: "Đứng dậy, ta đi nào! (Mt 26,46), thì chính vì Chúa Cha đã sai hơn "mười hai cơ binh thiên thần" để bảo vệ Ngài. "Thiên Chúa truyền cảm hứng cho Ngài muốn chịu khổ vì chúng ta, bằng cách phú nơi Ngài tình bác ái" (thánh Tôma Aquinô).

Khả năng cầu nguyện là nguồn lực lớn lao của chúng ta. Nhiều Kitô hữu, kể cả những người nhiệt thành sống đạo, có kinh nghiệm về sự bất lực của họ trước những cám dỗ và không thể thích nghi được với những đòi hỏi cao cả của luân lý Phúc âm, đôi khi kết luận rằng họ không thể làm được, hoàn toàn không thể sống đời sống Kitô hữu. Ở một mức độ nào đó, họ có lý. Nếu chỉ có một mình, quả thật không thể tránh khỏi tội lỗi ; phải có ân sủng ; nhưng, cứ như chúng ta được dạy, ân sủng cũng là cho không, và chúng ta không đáng. Vậy phải làm gì : thất vọng chăng, đầu hàng chăng ? Công đồng Trentô nói: "Bằng cách ban cho bạn ân sủng, Thiên Chúa truyền cho bạn làm những gì bạn có thể làm và xin những gì bạn không thể làm”

Sự khác biệt giữa lề luật và ân sủng chính là điều này : trong lề luật, Thiên Chúa nói với con người: "Hãy làm những gì Ta truyền cho ngươi!»; trong ân sủng, con người thưa với Thiên Chúa, "Xin ban cho con điều Chúa truyền cho con làm!". Lề luật truyền, còn ân sủng thì xin. Sau khi khám phá ra bí mật này, thánh Augustinô, cho đến lúc đó đã chiến đấu để giữ đức khiết tịnh nhưng vô ích, đã thay đổi phương pháp : thay vì chiến đấu chống lại thân xác mình, ngài bắt đầu cùng với Thiên Chúa chiến đấu. Ngài nói: "Chúa truyền cho con tiết dục ; xin ban cho con điều Chúa truyền, và truyền cho con điều đẹp lòng Chúa”. Và chúng ta biết rằng ngài đã giữ được đức khiết tịnh.

Đức Giêsu đã ban trước cho các môn đệ phương tiện và những lời kinh, để họ kết hợp với Người trong thử thách, đó là Kinh Lạy Cha. Trạng thái tâm trí nào cũng có thể được phản ánh trong "Kinh Lạy Cha" : vui mừng, ca ngợi, tôn thờ, tạ ơn, ăn năn. Nhưng Kinh Lạy Cha đặc biệt là lời cầu nguyện khi gặp thử thách. Lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ hiển nhiên giống với lời cầu nguyện mà Ngài đã dâng lên Chúa Cha tại Ghếtsêmani. Ngài thực sự đã để lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Ngài.

Cũng như Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Đức Giêsu bắt đầu bằng tiếng kêu: "Abba, Cha ơi" (Mc 14,36) hoặc "Lậy Cha" (Mt 26,39); giống như Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện tiếp tục bằng cách xin cho ý Cha được thực hiện ; xin cho con khỏi uống chén này, thì trong Kinh Lạy Cha, chúng ta xin “cứu chúng con cho khỏi sự dữ"; Ngài bảo các môn đệ cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, như đã dạy các môn đệ kết thúc Kinh Lạy Cha bằng lời xin: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".

Trong những giờ phút thử thách và tối tăm, thực an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục trong chúng ta lời cầu nguyện của Đức Giêsu tại Ghếtsêmani, rằng "những tiếng rên rỉ khôn tả" của Chúa Thánh Thần khẩn cầu cho chúng ta, vào những lúc đó, lên tới Chúa Cha hòa lẫn với "những lời khẩn nguyện nài xin được dâng lên cùng với tiếng kêu van khóc lóc" (x.Dt 5,7).

5. Hấp hối cho đến tận thế

Chúng ta phải giữ lại một bài học cuối cùng trước khi kết thúc câu chuyện ở vườn Ghếtsêmani. Thánh Lêô Cả nói rằng "cuộc khổ nạn của Đức Kitô kéo dài cho đến tận thế". Triết gia Pascal đã làm vang vọng lại lời trên đây trong bài suy niệm nổi tiếng về cơn hấp hối của Đức Giêsu:

"Đức Giêsu sẽ hấp hối cho đến ngày tận thế : chúng ta không được phép ngủ trong suốt thời gian này. Thầy nghĩ đến con trong cơn hấp hối của Thầy. Thầy đã đổ những giọt máu này cho con. Con muốn Thầy phải trả giá bằng máu nhân loại của Thầy, mà con không khóc được sao? Thầy là bạn hữu với con hơn bất cứ ai ; vì Thầy đã làm cho con nhiều hơn họ, và họ sẽ không phải chịu những gì Thầy đã chịu vì con. Họ sẽ không chết vì con trong lúc con sống bất trung tàn nhẫn, như Thầy đã làm, sẵn sàng làm và đang làm nơi những người được tuyển chọn, trong Bí tích Thánh Thể”.

Tất cả điều đó không thuần túy là một cách nói hoặc một sự ràng buộc tâm lý ; nó dáp ứng cách mầu nhiệm với sự thật. Trong Thần Khí, Đức Giêsu lúc này cũng đang ở Ghếtsêmani, trước pháp đình, trên thập giá. Và không chỉ trong nhiệm thể của Ngài, nơi người đau khổ, tù tội hoặc bị giết, nhưng, bằng một cách mà chúng ta không thể giải thích, cả trong con người của Ngài. Điều này đúng, không phải "mặc dù" có sự sống lại, nhưng chính xác là "vì" sự sống lại đã làm cho Đấng bị đóng đinh "hằng sống đến muôn đời". Sách Khải Huyền cho chúng ta thấy Chiên Con trên trời "đứng", nghĩa là sống lại và đang sống, nhưng với những dấu chỉ còn thấy được về hy lễ của Ngài (x. Kh 5,6).

Nơi ưu đãi để chúng ta có thể gặp Đức Giêsu "đang hấp hối cho đến ngày tận thế" là Thánh Thể. Đức Giêsu thiết lập bí tích này ngay trước khi đến Vườn cây dầu, để các môn đệ của Ngài, vào bất cứ thời kỳ nào, có thể trở thành "đồng thời" với cuộc Khổ nạn của Ngài. Nếu Chúa Thánh Thần gợi hứng cho chúng ta muốn trải qua một giờ với Đức Giêsu tại Ghếtsêmani trong suốt Mùa Chay này, cách đơn giản nhất là dành một giờ tối thứ năm trước Thánh Thể.

Dĩ nhiên, điều này không được làm chúng ta quên đi cách khác cho thấy Đức Kitô "hấp hối cho đến ngày tận thế", nghĩa là thông qua các phần tử của nhiệm thể. Vả lại, nếu chúng ta muốn cụ thể hóa tình cảm của mình đối với Ngài, con đường bắt buộc là làm cho người nào đó điều chúng ta không thể làm cho Ngài, vì Ngài đang ngự trong vinh quang.

Chữ "Ghếtsêmani" đã trở thành biểu tượng của mọi đau khổ luân lý. Lúc ấy Đức Giêsu vẫn chưa chịu đau khổ thể lý nào ; nỗi đau của Ngài chỉ ở bên trong. Ngài chỉ đổ mồ hôi máu khi mà trái tim Ngài - chưa phải là xác thịt Ngài - bị nghiền nát. Thế giới rất nhạy cảm với những đau khổ thân xác, và dễ dàng cảm thông với những đau khổ đó ; thế giới ít nhạy cảm hơn với những đau khổ luân lý, thậm chí đôi khi còn chế nhạo những đau khổ này, giải thích chúng như là quá mẫn cảm, tự kỷ ám thị, bốc đồng.

Thiên Chúa coi sự đau khổ trong tâm hồn là quan trọng và chúng ta cũng nên làm như vậy. Tôi nghĩ đến người đã cắt đứt dây ràng buộc mạnh mẽ nhất trong cuộc đời và thấy mình sống đơn độc (thông thường nhất là phụ nữ); Tôi nghĩ đến người bị phản bội trong tình cảm của mình, lo lắng trước những gì đe dọa cuộc sống của mình hoặc của một người mình yêu thương ; tôi ngĩ đến người bị chế nhạo ngày này qua ngày khác, và trở thành trò cười cho mọi người. Có bao nhiêu Ghếtsêmani ẩn giấu trên thế giới, có lẽ dưới mái nhà của chúng ta, phía sau cánh cửa của nhà người hàng xóm, nơi người ngồi ở bàn làm việc bên cạnh ! Bổn phận của ta là tìm ra những đau khổ đó trong Mùa Chay này, và để chúng ta gần gũi với người sống trong đau khổ đó.

Đừng để Đức Giêsu nơi các phần tử của Ngài phải than phiền: "Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt, Luống công chờ, không được một ai, Đợi người an ủi đôi lời, Trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu" (Tv 68,21), nhưng ngược lại, Ngài có thể làm cho chúng ta nghe thấy tự đáy lòng lời được coi là phần thưởng dành cho chúng ta: "Mỗi lần các ngươi làm như thế…là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).

 

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2006, tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều