XIV

 

“VÀ NGƯỜI SẼ SỐNG LẠI

TRONG VINH QUANG,

ĐỂ PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT”

 

“Đức Giêsu Nadarét, họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy […] Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.” (Cv 30-40.42)

Trình thuật cuộc Khổ nạn không ngừng cho chúng ta thấy một Đức Giêsu bị xét xử. Những vụ kiện chống lại Ngài gia tăng: Anna, Caipha, Philatô. Vẫn chưa hết. Viên tổng trấn rút lui, đám đông phân tán, tòa án trơ trọi, nhưng vụ án vẫn tiếp tục. Ngày nay Đức Giêsu Nadarét vẫn còn ở trung tâm của một vụ án. Các triết gia, sử gia, nhà làm phim, sinh viên thuần túy học thần học: tất cả đều cảm thấy mình có quyền xét xử con người, giáo thuyết, yêu sách thiên sai và Giáo Hội của Ngài.

Nhưng như chúng ta vừa mới nghe, những lời của Phêrô và những lời của chính Đức Giêsu trước Công Nghị Do Thái bỗng vén lên như bức màn, cho chúng ta thoáng thấy một cảnh khác. “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến!” (Mt 26,64) Thật tương phản! Giờ đây mọi người đều ngồi, còn Ngài thì đứng, bị xiềng xích; còn khi đó, mọi người đều đứng và Ngài thì ngự bên hữu Thiên Chúa. Giờ đây con người và lịch sử xét xử Đức Kitô; còn khi đó Đức Kitô xét xử con người và lịch sử. Kể từ lúc Đấng Cứu Thế hoàn tất việc cứu độ khi chịu sát tế trên thập giá như một con chiên, Ngài trở thành Đấng xét xử toàn thể vũ trụ. Chính trước mặt Ngài mà người đứng vững hay sa ngã tự quyết định. Không có kháng cáo. Ngài là cấp xét xử cao nhất. Đó là niềm tin bất biến mà Giáo Hội tiếp tục tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”

***

Trong suốt hàng thiên niên kỷ sống trên trái đất, con người đã quen với mọi sự; họ đã thích nghi với mọi loại khí hậu, miễn nhiễm với mọi thứ bệnh tật. Nhưng có một điều họ đã không bao giờ làm quen được: sự bất công. Họ tiếp tục cảm thấy không thể chấp nhận nó. “Sự khao khát công lý và tín ngưỡng này hành hạ tạng phủ của hành tinh và thể hiện bằng những vụ phun trào và co giật, giống như những khúc cuộn và ruột kết của thiên nhiên có nguồn gốc từ các dãy núi.” Cũng như chúng ta cần lòng thương xót, cũng vậy, và có lẽ còn hơn, chúng ta cần công lý. Sự xét xử sẽ đáp ứng cho nhu cầu công lý này. Không chỉ có Thiên Chúa sẽ muốn sự xét xử này, mà một cách nghịch lý, cả con người và thậm chí người vô đạo cũng sẽ muốn. “Ngày tận thế, không chỉ Đấng xét xử từ trời xuống, mà tất cả trái đất dồn dập đến gặp Ngài[1].”

Ngày Thứ Sáu Thánh là dịp thuận tiện để làm sống lại chân lý về sự phán xét tối hậu, mà không có nó thì lịch sử và toàn thế giới đều không thể hiểu nổi, gây tai tiếng. Đối với du khách đến quảng trường Thánh Phêrô, hàng cột của Bernini, thoạt nhìn, dường như hơi lộn xộn. Bốn hàng cột bao quanh quảng trường không đối xứng nhau, như một cánh rừng cây khổng lồ trồng ở đó được chăng hay chớ. Nhưng người ta biết có một chỗ, được đánh dấu bởi một vòng tròn trên mặt đất, và phải đứng ở giữa nó mà quan sát. Từ điểm quan sát này, cảnh sắc thay đổi hoàn toàn. Người ta thấy có sự hài hòa đáng kinh ngạc; bốn dãy cột thẳng hàng với nhau rất kỳ diệu, như thể chúng tạo nên một hàng duy nhất. Đó là một biểu tượng của những gì xẩy ra trên quảng trường này, là nơi lớn hơn thế giới. Mọi sự ở đây dường như lộn xộn, phi lý, là kết quả của tình cờ hơn là của Thiên Chúa quan phòng.

Tác giả sách Giảng viên của Cựu Ước đã nhận xét thấy điều đó, ông nói: “Cùng một điều xẩy ra cho người công chính lẫn người vô đạo […]. Tôi nhận ra rằng dưới ánh mặt trời, sự gian ác chiếm chỗ của sự ngay thẳng và sự vô đạo chiếm chỗ của sự công chính.” (Gv 3,16; 9,3) Quả thực thời kỳ nào người ta cũng thấy sự gian ác chiến thắng và sự vô tội thất bại. Nhưng như Bossuet nhận xét: tại sao người ta không tin rằng trên thế giới có một sự gì đó vững bền và bảo đảm? Tuy vậy, đôi khi người ta nhận thấy điều ngược lại, tức là: sự vô tội lên ngôi và sự gian ác bị treo cổ. Tác giả sách Giảng viên kết luận thế nào về tất cả những điều ấy? “Và tôi tự nhủ: người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử, vì mọi sự mọi việc đều có thời có lúc.” (Gv 3,17) Chính như vậy mà ông cũng đã khám phá ra góc tốt của viễn ảnh: sự phán xét tối hậu.

***

Kinh Thánh nói: “Con người phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Nhìn dưới góc độ này, những thăng trầm của con người thay đổi dáng vẻ biết bao, kể cả những thăng trầm của thế giới chúng ta hôm nay. Hàng ngày chúng ta thấy những hành vi tàn bạo đối với những người yếu đuối và những người không được bảo vệ, mà không bị hình phạt nào. Chúng ta thấy những bị cáo phạm những tội ác tầy đình tự bào chữa, miệng vẫn có thể cười được, thấy các thẩm phán và tòa án phải thất bại vì thiếu bằng chứng. Như thể khi tỏ ra đầy tự tin trước nền công lý của con người, họ đã giải quyết được mọi sự. Các bạn thật tội nghiệp, các bạn đã không làm gì. Sự xét xử đích thực còn phải bắt đầu. Dù các bạn sẽ kết thúc những ngày sống của mình trong tự do, được kính sợ, được vinh hạnh, thậm chí được chôn cất với mọi nghi lễ long trọng, sau khi đã hiến những tặng vật lớn lao cho các công cuộc từ thiện, bạn cũng sẽ không làm được gì. Vị thẩm phán đích thực chờ đợi bạn ở lối ra, và bạn không làm lối ra đó cho ngài. Thiên Chúa không để mình bị mua chuộc. Trong tình trạng này, thật khủng khiếp khi phải “rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống” (Dt 10,31).

Chúng ta biết cuộc xét xử sẽ diễn tiến như thế nào: “Rồi Đức Vua sẽ phán với những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các người đã không cho ăn; Ta khát các người đã không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã không tiếp rước; Ta trnầ truồng các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25,41-43) Sẽ xẩy ra điều gì cho những ai không những đã không cho người đói ăn, mà còn bóc lột họ; những ai không những đã không tiếp rước khách lạ, mà còn biến họ thành kẻ lang thang, khốn cùng; những ai không những không thăm viếng tù nhân, mà còn bỏ tù, giam giữ, hành hạ, giết chết họ cách bất công?

***

Tuy nhiên cũng có những sự kiện khác trong xã hội chúng ta liên hệ đến mọi người. Gần đây chúng ta đã thấy làm sao có thể xuất hiện một cảm tưởng chung về chuyện không bị trừng trị, đối với người sẽ vi phạm luật nhất, tham nhũng hoặc ăn hối lộ nhất, lấy lý do tất cả đều làm như vậy, viện cớ đó là thực tiễn chung, là hệ thống. Nhưng trong khi chờ đợi, luật đã không bao giờ bị hủy bỏ. Và một ngày nào đó có người bắt đầu làm cuộc điều tra, và chính là một đống đổ vỡ.

Lúc này người ta chỉ nói về điều ấy. Nhưng ai có giờ suy nghĩ về việc, trên thực tế, là tình trạng trong đó tất cả chúng ta đang sống một chút, bị nghi ngờ và là người điều tra, trước luật của Thiên Chúa? Những điều răn của Thiên Chúa bị vi phạm trắng trợn, hết điều răn này đến điều răn khác, kể cả điều răn cấm giết người, lấy lý do là mọi người đều làm như vậy, cả văn hóa, tiến bộ, thậm chí luật của con người, từ nay cũng đồng tình với việc đó. Nhưng Thiên Chúa đã không bao giờ có ý hủy bỏ cả các điều răn lẫn Phúc Âm, và cảm tưởng chung không bị trừng trị hoàn toàn là do tưởng tượng; đó là một sai lầm đáng sợ. Điều đang xẩy ra trước mắt chúng ta (chiến dịch “những bàn tay sạch”) chỉ là một hình ảnh mờ nhạt của một cuộc điều tra khác, kịch tính hơn, đè năng trên đầu từng người. Nhưng ai quan tâm đến điều ấy?

Trên bình diện con người, chúng ta tức tối phản ứng lại giả thuyết về một “cú xóa sạch” hủy bỏ mọi trách nhiệm hình sự, nhưng rồi chính việc đó mà chúng ta đòi hỏi nơi Thiên Chúa trên bình diện thiêng liêng: một cú xóa sạch mọi sự. Thiên Chúa nhân từ không đủ cho chúng ta, chúng ta còn muốn một Thiên Chúa bất công, bảo lãnh cho sự bất công và tội lỗi. Thiên Chúa quá tốt lành – như người ta nói – đến nỗi tha thứ cho mọi sự, nếu không thì đó là Thiên Chúa nào vậy? Không nghĩ rằng nếu Thiên Chúa hạ mình thỏa hiệp với tội lỗi, sự phân biệt giữa thiện và ác sẽ không còn nữa, và cùng với nó, toàn thể vũ trụ sẽ tiêu ma.

***

Chúng ta không được để cho những lời các thế hệ trước chuyển đạt lại cho chúng ta rơi vào quên lãng: “Dies irae, dies illa”, ngày ấy ngày thịnh nộ…Sẽ có điều gì đó phải run sợ, khi vị Thẩm Phán sẽ xuất hiện nghiêm khắc sàng lọc mọi sự - Liber scriptus proferetur, một cuốn sách sẽ mở ra, mọi sự chứa đựng trong đó, thế giới sẽ bị xét xử dựa trên đó.” Cuốn sách nào? Trước hết đó là “sách được viết”, là Kinh Thánh, Lời Thiên Chúa. “Chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngảy sau hết” (Ga 12,48). Rồi, đặc biệt cho những người không biết Đức Kitô, cuốn sách là lương tâm cá nhân của họ. Một cuốn sách, giống như một cuốn nhật ký thân mật, ra khỏi mồ cùng với con người. “Khi ấy, mọi sự bí mật sẽ được tiết lộ, không có gì mà không bị phạt – nil inultum remanebit.” Đó sẽ là hồi kết của mọi cuộc phản động của con người. Sẽ không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, không còn gì hết.

Điều gì xẩy ra cho dân Kitô giáo? Từng có thời người ta nghe những lời trên với sự sợ hãi mà có ích. Ngày nay, người ta đến nhà hát để nghe “Bộ lễ Requiem” của Verdi hay của Mozart, người ta say mê những nốt nhạc của bài “Dies irae”. Người ta ra về, miệng còn nghêu ngao bài ca, thậm chí còn lắc lư đầu gõ nhịp. Nhưng việc cuối cùng mà mỗi người nghĩ tới là những lời trên liên hệ đến cá nhân họ, và người ta cũng đang nói về họ.

Hoặc người ta vào trong nhà nguyện Sistine ở Vatican; ngồi xuống ghế ngắm nhìn bức vẽ “Cuộc phán xét cuối cùng” của Michelangelo, mà thở hổn hển. Nhưng chỉ là vì sự miêu tả của bức vẽ, chứ không phải thực tại được miêu tả! Người ngoại tình, người tham lam, kẻ phạm thánh, chính họ cũng ngồi đấy trao đổi bình luận với người bên cạnh. Nhưng một trong những khuôn mặt ấy với đôi mắt kinh hoàng có điều gì đó muốn nói với anh ta, điều đó thậm chí không thoáng qua tâm trí anh ta. Michelangelo đã bị khuất phục bởi thực tại (“Nào những kẻ được chúc phuc, hãy đến hưởng. Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt” x. Mt 25,34.41), còn chúng ta, ngược lại, chúng ta hài lòng với sự miêu tả.

***

Người ta nói nhiều về sự phục chế bức tranh “Cuộc phán xét cuối cùng” của Michelangelo. Nhưng có một cuộc phán xét chung khác cần phải nhanh chóng phục hồi: bức vẽ không phải trên những bức tường bằng gạch nhưng trong tâm hồn người Kitô hữu. Là vì bức vẽ kia đã hoàn toàn phai mầu và đang bị biến dạng. “Thế giới bên kia (và cùng với nó là cuộc phán xét) đã trở thành trò đùa, một đòi hỏi bấp bênh đến mức người ta thậm chí còn thích thú khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này biến đổi toàn bộ cuộc sống[2].” Trong một số vương cung thánh đường xưa, cuộc phán xét chung không được vẽ trước mặt tín hữu, nhưng trên bức tường cuối nhà thờ, sau lưng cộng đoàn. Người ra khỏi nhà thờ nhìn cảnh tượng này, mang theo với họ khi trở lại với thế giới bên ngoài. Ý tưởng phán xét thực sự lên khuôn tất cả đời sống của họ.

Khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy một cảnh phim mà tôi đã không bao giờ quên. Một chiếc cầu đường sắt bị sập trên một con sông nước đang lên cao; những đoạn đường sắt treo ở hai bên đầu cầu. Người canh ngã đường sắt gần nhất chạy vội về phía chiếc xe lửa đang lao đến với hết tốc độ, vào lúc hoàng hôn và, đứng giữa hai đường sắt, vừa lắc chiếc đèn bão vừa tuyệt vọng kêu to: “Dừng lại! Dừng lại! Lui lại! Lui lại!

Chiếc xe lửa đó, chính là chúng ta. Nó là hình ảnh của một xã hội đang đi tới mà vô tư, theo nhịp Rock’n roll, say sưa với những cuộc chinh phục của mình, mà không biết điều gì đang chờ đợi mình. Giáo Hội phải làm như người canh kia: lặp lại những lời Đức Giêsu đã nói ngày xưa khi biết tai họa xẩy đến khiến nhiều người thiệt mạng: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,5) hoặc lấy lại theo ý mình những lời các tiên tri đã lặp lại thời các ngài: “Hãy trở lại! Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi lại muốn chết?” (x. Ed 18,31)

Có người có thể cố yên tâm nghĩ rằng dầu sao ngày phán xét còn xa, có lẽ cả hàng triệu năm nữa. Nhưng cũng chính Đức Giêsu còn trả lời cho người đó trong Phúc Âm: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20) Thực sự, “Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5,9). Người ta vừa tắt thở là Ngài có mặt. Một tia chớp và sự thật bầy ra trên mọi sự. Thần học gọi đó là “phán xét riêng”, nhưng nó vĩnh viễn. Không còn cơ hội sửa chữa.

***

Ở cấp độ này, cần phải đánh tan một sự hiểu lầm. Hối chuông báo tử cho ai? Ai bị cáo giác bởi lời này về việc phán xét? Phải chăng chỉ những người vô tín, người ở bên ngoài? Chắn chắn không phải. Tồng đồ Phêrô nói: “Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa. Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta, thì số phận cuối cùng của những kẻ từ chối không chịu tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao?” (1Pr 4,17)

Vậy việc phán xét bắt đầu từ Giáo Hội. Và thậm chí, người đã nhận nhiều hơn sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn. Trong Giáo Hội cũng có những người không phục vụ Thiên Chúa, nhưng lợi dụng Thiên Chúa. Khi ấy sẽ là dấu chấm hết cho mọi phân biệt, kể cả giữa “Giáo Hội giảng dạy” và Giáo Hội thụ huấn”, giữa mục tử và bầy chiên. Sẽ chỉ có chỗ cho sự phân biệt duy nhất giữa chiên và dê, nghĩa là giữa người công chính và  người bị phạt đời đời. Thế nên, hồi chuông hay tiếng kèn báo tử là cho mọi người, “Thiên Chúa không thiên vị ai.” (Rm 2,11) “Tất cả chúng ra đều phải được đưa ra trước tòa Chúa Kitô.” (2Cr 5,10)

Trong Phúc Âm Matthêu, chúng ta đọc thấy các vị thượng tế thu ba mươi đồng tiền mà Giuđa đã ném vào Đền Thờ, và nói: “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.” (Mt 27,6) Tôi e rằng ở đâu đó, những người khác là chúng ta, những linh mục của Giáo Hội, đã không lưu ý đủ, và tiền bạc cũng như những của dâng cúng đã không kết thúc trong kho tàng của Đền Thờ mà chúng ta không biết, chúng cũng là “giá máu”. Như vậy, không những cuộc phán xét cuối cùng, mà ngay cả cuộc phán xét hiện nay phải bắt đầu từ nhà Thiên Chúa.

***

Tại sao có lời kêu gọi khắc khổ này trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh? Bởi vì việc phán xét đã được thi hành trước bởi cái chết của Đức Giêsu. Chính Ngài đã nói khi lễ Vượt Qua đang đến gần: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này” (Ga 12,31). Sự phán xét cuối cùng chỉ là mạc khải và áp dụng sự phán xét không thể thu hồi này, sự phán xét về tiếng “không” tuyệt đối mà Thiên Chúa đã nói về tất cả những tội lỗi thế gian. Đến độ từ nay có một phương tiện bảo đảm để tránh sự phán xét sẽ xẩy ra và bảo đảm trước một lối thoát thuận lợi, nếu muốn: phương tiện đó là lụy phục sự phán xét của thập giá. Vị Thẩm Phán sẽ đến giờ đây đang ở trước mặt ta như là Đấng Cứu Thế và là Vua. Có một sự khác biệt chủ yếu giữa ông vua và quan tòa. Ông vua có thể tha thứ nếu muốn, vì đó là quyền của ông; ngược lại quan tòa phải xử công bằng, dù muốn hay không, vì đó là bổn phận của ông.

Đức Giêsu đã “xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2,14). Vậy hãy ném vào cánh tay của Đấng Chịu Đóng Đinh mọi tội lỗi chúng ta phạm, “sổ nợ” mà chúng ta mang trong con người của chúng ta, sẵn sàng tố cáo chúng ta. Đừng có ai trở lại với mình với ý muốn tiếp tục phạm tội, mà lòng không ăn năn hối cải. Chúng ta hãy tự phán xét mình, để khỏi bị Thiên Chúa phán xét. Ai tự tố cáo mình, Thiên Chúa sẽ không tố cáo nó. Ai không tố cáo mình, Thiên Chúa sẽ tố cáo nó. Hãy để lại ở đây, trên đồi Canvê này, mọi phản loạn, mọi oán hận, mọi thói quen không trong sạch, mọi ham hố, mọi ghen tương, mọi ý muốn tự mình xét xử lấy mình. Hãy tha thứ cho nhau, vì có lời chép: “Thiên Chúa không biết thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót” (Gc 2,13). Chúng ta hãy làm cuộc Vượt Qua, khi vượt qua Biển Đỏ mới là máu Đức Kitô.

Lời mời gọi được trao gửi cho mọi người, ngay cả cho những người mà xã hội – tôi không biết theo luật nào – định nghĩa là “thú dữ”. Cùng với Đức Giêsu trên đồi Canvê có hai tên cướp: một chết khi phỉ báng Ngài, một xin Ngài tha thứ. Ngay cả ngày hôm nay, nhớ đến người thứ nhất là đối tượng làm ta ghê sợ, nhớ đến người thứ hai là đối tượng của chúc phúc và hy vọng. Ngày hôm nay người nào có khả năng chọn mình trong tương lai sẽ là ai trong hai, cho con cái mình, cho xã hội và cho lịch sử. Thiên Chúa chờ đợi bạn để tỏ cho thấy nơi bạn quyền năng ân sủng của Ngài. “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải.” (Lc 15,7.10) Nhưng ai thật sự sám hối vì đã xúc phạm tới Thiên Chúa và làm tổn thương xã hội; và không phải chỉ để được tha phạt. Hãy làm cho Thiên Chúa có niềm vui này. Với Đức Giêsu Kitô, không ai còn nói điều Cain đã nói sau khi đã giết Abilê: “Tội của tôi quá nặng nên không thể tha thứ.” (x. St 4,13)

***

Trong bài “Dies irae” người ta thấy ở một chỗ có sự đổi giọng: run sợ biến thành một kinh nguyện thống hối dường như được viết cho ngày này trong năm: “Recordare, Jesu pie, quod sum causa tuae viae – Lạy Chúa Giêsu nhân từ, xin hãy nhớ rằng chính vì con mà Chúa đã  đến thế gian. Đừng phạt con trong ngày hôm nay. Chúa đã chuộc con khi bước lên thánh giá: chớ gì một sự đau lớn lớn lao như thế không bị bỏ phí – Rex tremendae majestatis, qui salvandos salvas gratis salva me, fons pietatis – Lạy Vua đáng kinh sợ vì uy phong của Ngài, Đấng cứu độ ban không những ai được cứu, xin cứu độ con, lạy nguồn mạch thương xót!” Xin cứu tất cả chúng con khi Chúa lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 153-163)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 



[1]  P. Claudel

[2]  S. Kierkegaard


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều