VI

 

“TỨC THÌ MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA”

 

 

Thời kỳ Đền thờ bị phá hủy và dân phải bị lưu đầy sang Babylon, có một hôm, tiên tri Êdêkien thấy một thị kiến. Ông thấy trước mặt Đền thờ được tái tạo, và từ dưới ngưỡng cửa Đền thờ, lối hông bên phải, nước vọt ra chảy về hướng Đông. Ông bắt đầu lần theo dòng nước nhỏ này và thấy nó không ngừng to lên, rồi theo dòng chảy của nó, trước hết thấy nó ngập đến mắt cá chân, rồi đến đầu gối, đến thắt lưng, cuối cùng trở thành một dòng sông mà người ta không thể lội qua. Ông thấy ở trên bờ mọc lên nhiều cây ăn trái và nghe thấy tiếng nói: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Avara rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hóa lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ đượng sống, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy tới đâu thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,1 tt)

Thánh sử Gioan đã thấy lời tiên tri này được thực hiện trong cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Ngài viết: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34) Phụng vụ của Giáo Hội đã thu nhận giáo huấn này khi hát lên những lời của nhà tiên tri lúc đầu mỗi lễ trọng mùa phục sinh, những lời mà từ đây được coi là đưa về Đức Kitô: “Vidi aquam egredientem de templo” - Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra.

Đức Giêsu là đền thờ mà người ta đã phá hủy, nhưng Thiên Chúa đã tái tạo Ngài khi cho Ngài từ cõi chết sống lại. Chính Ngài đã nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, và Gioan cắt nghĩa “Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 2,19-21). Vậy thân thể Đức Kitô trên thập giá là đền thờ mới, trọng tâm của phụng tự mới, nơi vĩnh viễn có vinh quang và sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Và giờ đây, nước vọt ra từ cạnh sườn bên phải đến thờ mới này. Cũng như nước mà nhà tiên tri đã thấy, nước này cũng bắt đầu như một dòng suối nhỏ, rồi không ngừng to dần cho tới khi trở thành dòng sông lớn. Chính từ dòng nước này mà nước của mọi giếng rửa tội trong Giáo Hội bắt nguồn cách thiêng liêng. Trên giếng rửa tội của nhà thờ Latêranô, thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã cho khắc hai câu thơ latinh có nghĩa như sau: “Đây là nguồn nước rửa sạch cả thế giới, bắt nguồn từ vết thương của Đức Kitô – Fons hic est qui totum diluit orbem – sumens de Christi vulnere principium”. Quả thật, “những dòng nước hằng sống” vọt lên từ lòng Ngài, tức từ lòng Đức Kitô trên thập giá!

***

Nhưng nước biểu thị điều gì? Một hôm – hôm đó là ngày bế mạc tuần lễ Lều – Đức Giêsu lớn tiếng nói: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” Và thánh sử Gioan bình giải: “Ngài nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận.” (Ga 7,37-38) Như vậy nước tượng trưng cho Thần Khí. Người ta đọc thấy trong thư thứ I của thánh Gioan nhắc tới tình tiết này: “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu.” (1Ga 5,7-8). Ba chứng nhân này không ở trên cùng một bình diện: nước và máu, đó là điều người ta thấy phát xuất từ cạnh sườn Đức Kitô, đó là những dấu chỉ, những bí tích; còn Thần Khí là thực tại vô hình ẩn giấu trong đó, hành động trong đó.

Trước lúc này, chưa có Thần Khí trên thế giới; nhưng giờ đây Đức Giêsu đã chết vì chúng ta, tẩy sạch ta khỏi tội ta, thì Thần Khí lại bay lượn trên nước, như lúc bình minh thuở tạo dựng (x. St 1,2). Sau khi kêu: “Thế là đã hoàn tất”, Đức Giêsu “trao Thần Khí” (Ga 19,30). Tức thở hơi cuối cùng, rồi chết, nhưng cũng là trào ra Thần Khí, Chúa Thánh Thần. Tác giả Sách Thánh muốn cả hai ý nghĩa. Hơi thở cuối cùng của Đức Giêsu trở thành hơi thở đầu tiên của Giáo Hội! Đó là sự hoàn thành của tất cả công trình Cứu Chuộc, hoa quả quý giá nhất của công trình này. Là vì sự Cứu Chuộc không chỉ là tha thứ tội lỗi, nhưng một cách tích cực, còn là ơn ban sự sống mới của Thần Khí. Đúng hơn, mọi sự đều hướng về đó, và chính việc tha thứ tội lỗi ngày hôm nay trong Giáo hội chỉ hoàn tất trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Chắc chắn, Chúa Thánh Thần đến trong Giáo Hội một cách long trọng và công khai vào ngày lễ Ngũ Tuần; nhưng Gioan, trong Phúc Âm của mình, đã muốn chỉ cho thấy Thần Khí này đến từ đâu, Đấng mà trong ngày lễ Ngũ Tuần đã từ trên cao đổ xuống các Tông Đồ, cũng như chỉ cho thấy nguồn mạch từ đâu. Nguồn mạch này chính là thân xác Đức Kitô vinh hiển trên thập giá. Trong sự Nhập Thể, và rồi bằng một cách thức mới mẻ lúc Đức Kitô nhận lễ rửa ở sông Giođan, Chúa Cha đã đổ xuống trên Con mình đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thần Khí này như hoàn toàn thu mình lại trong nhân tính của Đấng Cứu Thế; đã thánh hóa những hành động nhân loại của Ngài, đã linh hứng cho những lời nói của Ngài, đã hướng dẫn từng sự lựa chọn của Ngài. Nơi Ngài, “Thần Khí đã quen sống giữa con người [1]”.

Tuy nhiên trong cuộc đời trần gian của Ngài, Thần Khí ẩn mình không cho người ta nhìn thấy, như hương thơm trong bình dầu thơm của người phụ nữ (x. Ga 12,3 tt). Bây giờ, bình dầu thơm là nhân tính tinh tuyền của Đức Kitô đã vỡ ra trong cuộc Khổ Nạn, và hương thơm của nó choán đầy tất cả ngôi nhà là Giáo Hội.

Nhà tiên tri nêu trên đã nói: “Nước chảy tới đâu thì nơi đó có sự sống.” Đó cũng là điều xẩy đến với dòng nước từ cạnh sườn Đức Kitô đổ ra. Nó đã đem lại sự sống cho thế giới, đến nỗi ở Constantinôpôli năm 381, khi muốn tóm tắt đức tin của mình vào Ngôi Ba Thiên Chúa bằng mấy từ, Giáo Hội không tìm thấy gì chủ yếu hơn để nói về Chúa Thánh Thần ngoài việc gọi Người là Đấng ban sự sống: “Tôi tin kinh Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”.

***

Lời loan báo về Thần Khí ban sự sống cần thiết hơn bao giờ hết và được mong đợi trong thế giới chúng ta đang sống. Khi Phaolô đến Athêna, giữa lúc thành phố đang băng hoại vì chuyện thờ ngẫu tượng, ngài thấy dân chúng cũng đang âm thầm chờ đợi một vị thần khác, và dù không biết vị thần ấy, họ vẫn dựng một bàn thờ có ghi “Kính thần vô danh”. Thế là thánh Tông Đồ nói với họ : “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17,22-23). Rồi ngài bắt đầu nói về Đức Giêsu đã bị đóng đinh và đã sống lại. Có điều gì đó tương tự cũng xẩy ra ngày hôm nay. Giữa tất cả những hình thức thờ ngẫu tượng mới và chủ nghĩa duy vật đang cố gắng tràn ngập, người ta thấy xuất hiện trong xã hội một nhu cầu lẫn lộn về một điều gì đó mới mẻ và khác biệt, không kết thúc với chúng ta, và đem lại cho đời sống một ý nghĩa vĩnh cửu. Đó là một thái độ không hài lòng sâu sắc không phải do thiếu thốn vật chất, vì thái độ đó biểu lộ tại nơi sung túc nhất. Dấu hiệu của thái độ không thỏa mãn đó là sự buốn phiền, một sự buồn phiền gây xúc động đối với những ai chưa trải nghiệm về nó và cho những người đến từ xa.

Một triết gia của thời đại chúng ta đã nói về một sự “luyến tiếc một Đấng Hoàn Toàn Khác” đang lộ ra đây đó trong thế giới hôm nay. Thì đây, Giáo Hội đang lớn tiếng bầy tỏ cho những con người ngày hôm nay điều thánh Tông Đồ đã nói hôm đó cho người thành Athêna: “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!” Điều “khác” này, mà quý vị đang luyến tiếc, thì có đấy: chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí là tự do, là sự mới mẻ, là sự cho không, là vẻ đẹp và niềm vui. Thần Khí là sự sống. Ngày nay chúng ta đang hết sức tranh đấu để cải thiện “phẩm chất của cuộc sống”, như người ta nói. Nhưng khi làm như thế, chúng ta không được quên rằng có một cuộc sống với phẩm chất khác hẳn, mà không có nó thì mọi sự đều vô ích. Quả thực, sống tốt mà làm gì, nếu không được ban sự sống vĩnh cửu?

***

Những lời Đức Giêsu nói với chúng ta trong thinh lặng từ trên thập giá, trong ngày hôm nay, thực êm dịu biết bao: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1).

Vết thương mở ra nơi cạnh sườn Thầy chính là vì anh em. “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!” (Tv 34,9). Ngay cả người không có gì để trả – người không có công trạng nào, người thấy mình bất xứng hay tội lỗi, người thậm chí không còn sức nữa để cầu nguyện – người đó cũng hãy đến. Thầy chỉ muốn trao đổi một điều thôi: sự khao khát ước muốn của anh em; anh em đừng cảm thấy thỏa mãn về mọi sự, đừng cho mình là đủ. Thầy xin anh em hãy có đức tin.

Nhưng lúc này đây, đền thờ là thân xác Đức Giêsu không còn ở giữa chúng ta. Như vậy, qua những lời trên, Ngài mời gọi chúng ta đi đến đâu? Đến với Giáo Hội, với các bí tích của Giáo Hội! Không còn đến thờ hữu hình nữa là thân xác thể lý của Ngài, thân xác từ lòng Đức Maria sinh ra và bị đóng đinh trên thập giá; nhưng vẫn còn thân thể của Ngài là Giáo Hội. Cũng thánh Gioan trong Phúc Âm của mình đã cho thấy lời tiên tri Êdêkien được thực hiện trên thập giá, cho thấy trong sách Khải huyền lời ấy được thực hiện trong Giáo Hội: “Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và cùa Con Chiên. Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông có cây sự sống…” (Kh 22,1-2)

Từ đây, nước hằng sống chảy ở giữa thành thánh, giữa Giêrusalem mới là Giáo Hội. Tất cả những ai thật sự khao khát Chúa Thánh Thần đều phải chạy đến với nó. Thánh Irênê – người đã lãnh nhận giáo lý từ miệng một trong các môn đệ của Gioan – đã cảnh báo:

“Chính cho Giáo hội mà ân huệ của Thiên Chúa được trao phó. Bởi vì đâu có Giáo Hội, đấy cũng có Thần Khí Thiên Chúa, và đâu có Thần Khí Thiên Chúa, đấy có Giáo Hội. Vì vậy, những ai bị khai trừ khỏi Giáo Hội thì cũng không còn được nuôi bằng vú của Mẹ họ để được sống, và cũng không được dự phần vào nguồn mạch rất tinh tuyền vọt ra từ thân xác Đức Kitô, nhưng họ nghiên cứu những “bể chứa nứt rạn” và, khi bằng cách moi lỗ trong đất, họ uống nước thối của vũng bùn [2].”

Chiều ngày Phục Sinh, Đức Giêsu vào phòng nơi các môn đệ đang tụ họp, “thổi hơi vào các ông và bảo: Hãy nhận lấy Thánh Thần!” (Ga 20,22) Ngài không chỉ làm việc đó ngày Phục Sinh đầu tiên, để rồi sau đó biến mất trong lịch sử, để Giáo Hội dò dẫm một mình, với những phương tiện Ngài đã ban, cho tới ngày Ngài trở lại. Không phải thế. Ngày hôm đó, khi ban cho các tông đồ quyền tha tội, Ngài khai mào cách long trọng và hữu hình điều kiện mới của Ngài là “Thần Khí ban sự sống” (x. Cr 15,45). Nhưng từ đây, Ngài “thổi hơi” thường xuyên trên Giáo Hội; không một lúc nào ngưng làm công việc đó. Ngài còn làm như vậy hôm nay, trong phụng vụ này. Nếu Ngài cất Thần Khí đi, mọi sự trong Giáo Hội sẽ “mất đi, trở về với cát bụi”, đúng như trong một ngữ cảnh khác Kinh Thánh nói về điều xẩy ra cho tạo thành (x. Tv 104,29).

“Không có Chúa Thanh Thần, Thiên Chúa ở xa, Đức Kitô thuộc quá khứ, Phúc Âm là chữ chết, Giáo Hội là một tổ chức bình thường, quyền bính là thống trị, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự chỉ là thuần túy gợi lại và hành động Kitô giáo là một thứ luân lý nô lệ. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, vũ trụ đứng dậy và rên rỉ trong cơn đau lúc sinh Nước Trời, Đức Kitô phục sinh đang hiện diện, Phúc Âm là quyền năng sự sống, truyền giáo là một lễ Ngũ Tuần, phụng vụ là tưởng niệm và chờ mong, hành động Kitô giáo được thần hóa [3].”

Thế nên Đức Giêsu luôn “thở hơi” trên chúng ta; chính chúng ta là những người đã không luôn đón nhận và thu lấy hơi thở của Ngài, không luôn coi trọng Ngài, vì tin tưởng vào sức riêng và khả năng con người của mình, bận tâm sản xuất ra, làm ra, phóng ra và tranh luận giữa ta. Nhưng lúc này, một điều gì đó thúc đẩy chúng ta ngừng lại mà không chống cưỡng được, thúc đẩy chúng ta, với bộ mặt không che giấu, với tâm hồn đầy khát khao thầm kín, lại phó thác cho hơi thở mạnh mẽ này của Đấng Phục Sinh. Một “luồng gió mạnh” lại làm căn nhà rung chuyển (x. Cv 2,2) từ khi “một lễ Hiện Xuống mới” đã được cầu xin xuống trên Giáo Hội.

Một hôm Đức Giêsu nói: “Giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5,25). Phải, giờ đã đến, nó đến đây rồi. Hôm nay, giữa lúc bóng tối dầy đặc trên thế giới, có vô số người Kitô hữu, đã nguội lạnh hay còn hờ hững, lại tươi tắn khi tiếp xúc với Thần Khí Đức Kitô. Họ được tái sinh, tái khám phá nét cao cả của phép Rửa họ đã lãnh nhận, được hạnh phúc phục vụ Giáo Hội để Phúc Âm hóa, và ngay cả giữa những gian truân, họ hát lên một bài ca mới, bài ca vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho họ những ân sủng lạ lùng. Những đóa hoa thánh thiện đẹp đẽ đang trổ ra đây đó, giữa dân Chúa, dưới sự sưởi ấm của hơi thở thần linh.

***

Trong bầu khí thức tỉnh của ngày lễ Ngũ Tuần, các linh mục của Giáo Hội, những người không thể ở bên ngoài tiến trình này giống như khán giả thuần túy, vì sợ sự mới mẻ, có một nhiệm vụ quyết định. Những người cảm thấy nhớ về một Đấng Hoàn Toàn Khác thường chạy đến với linh mục chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ ban cấp cho các anh em “thần trí và sự sống”. Đừng làm họ thất vọng. Đừng chăm sóc người đang tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống bằng những lời yếu ớt và nhạt nhẽo về Thiên Chúa. Chớ gì người ta không buộc phải nói như thời tiên tri Isaia: “Những ai nghèo hèn khốn khổ tìm nước mà không ra” (Is 41,17)

Hôm đó, dưới chân thập giá Đức Giêsu, có Đức Maria và người môn đệ Chúa yêu: người trẻ nhất trong số các môn đệ; chính người đó “đã thấy và minh chứng” (x. Ga 19,35). Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi các người trẻ đến gần Ngài, đứng dưới chân thập giá. Hỡi các bạn trẻ có tâm hồn trong sạch, người ta cần các bạn trong Giáo Hội, để “phục vụ Thần Khí”. Thực đẹp đẽ khi bỏ mọi sự vì Đức Kitô, để phục vụ Ngài trong đời sống tu trì hay linh mục. Thực đẹp đẽ khi tạo ra một gia đình nhân loại, nhưng còn đẹp hơn nếu ra sức hợp nhất gia đình của Thiên Chúa. Vì vậy, “ngày hôm nay, nếu anh em nghe tiếng Chúa thì đừng cứng lòng” (x. Dt 3,15). Hãy đến. Đừng thất vọng vì sự tầm thường của chúng ta; anh em có thể là – và sẽ là – những linh mục tốt hơn chúng tôi; những linh mục mới của một Giáo Hội mới!

Chúng ta kết thúc bằng lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thổi hơi quyền năng trên Giáo Hội của Chúa, lúc này đang tụ họp nhau trên toàn thế giới để cử hành cuộc Khồ Nạn của Chúa. Xin cũng công bố cho chúng con lời cao cả của Chúa: “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” (Ga 20,22)

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 63-71)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 

 



[1]  Irênê thành Lyon

[2]  Irênê thành Lyon, Contre les Hérésies, III, 24,2

[3]  Ignatiô Latakieh


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều