6

THIÊN CHÚA, NÚI ĐÁ VĨNH CỬU

 

 

Từ những phán xét của Thiên Chúa, chúng ta đã cố gắng đánh thức nơi mình “cảm thức” về Thiên Chúa hằng sống. Như chúng ta đã thấy ở trên, cùng một cảm thức này có thể được khơi dậy bằng loại suy và tương phản. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một hình ảnh thuộc loại này, hình ảnh Thiên Chúa–núi đá : một thực tại trong số những thực tại vật chất và tĩnh tại nhất hướng tới thực tại thiêng liêng nhất và năng động nhất (cách tương phản); một thực tại trong số những thực tại vững chắc nhất và quan trọng nhất trở thành biểu tượng của Đấng không thay đổi và không thể lay chuyển (cách loại suy). Có ít tước hiệu Kinh Thánh dành cho Thiên Chúa có thể tạo ra nơi chúng ta một cảm giác cũng sống động, cho dù là tự phát và phi lý, bằng cảm giác về đá; hơn những cảm giác khác, nó giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa là gì và đặc biệt Ngài là gì đối với chúng ta. Vậy, như lời Kinh Thánh mời gọi, chúng ta hãy tìm cách để cả chúng ta cũng được thưởng thức "mật ong chảy ra từ hốc đá" (Đnl 32,13).

Cần xác định rõ là Kinh Thánh không áp dụng cho Thiên Chúa phẩm tính “đá tảng” hay “núi đá” như một tước hiệu thuần túy, mà đúng hơn như một tên riêng, đến mức đôi khi người ta thấy nó được viết hoa: “Người là Núi Đá, sự nghiệp Người hoàn hảo” (Đnl 32,4); “Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4). Một hình ảnh như vậy, bởi sự cứng cáp và vô cảm mà nó gợi lên, có thể khiến chúng ta sợ hãi hoặc đe dọa chúng ta. Ngoài ra, bản văn thánh còn được bổ túc ngay bằng một phẩm tính khác: Thiên Chúa là "đá tảng của chúng ta", "đá tảng của tôi". Ngài là núi đá cho chúng ta và không chống lại chúng ta. “Chúa là đá tảng của con, là núi đá cho con trú ẩn” (Tv 18,3); “Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa” (Tv 31,4); “Tung hô Người là Núi Đá độ trì ta” (Tv 95,1). Những người dịch Kinh Thánh đầu tiên, nhóm Bẩy Mươi, đã do dự trước một hình ảnh vật chất như vậy về Thiên Chúa, hình ảnh này dường như hạ thấp Ngài; họ đã thay thế một cách có hệ thống thuật ngữ cụ thể "núi đá" bằng những từ trừu tượng như "sức mạnh", "nơi ẩn náu", "sự cứu độ". Để đúng nghĩa hơn, tất cả các bản dịch hiện nay đều trả lại cho Chúa tước hiệu ban đầu là núi đá.

Khi từ thung lũng đi lên và sau khi vượt qua một con đèo, lần đầu tiên tôi nhìn thấy núi Cervin trước mắt, tôi nhận ra ngay điều Kinh Thánh muốn chúng ta hiểu khi đặt cho Chúa cái tên "núi đá" này. Trước hinh chóp bằng đá này, nổi bật đơn độc và gần như siêu nhiên trong bầu trời xanh, người ta cảm thấy mình rất nhỏ bé và như bị một hình thức khiêm tốn kỳ lạ bắt chộp. Mọi người im lặng theo dõi, không bình luận gì. Cervin vẫn bất động. Còn chúng tôi, khi trở lại thung lũng, chúng tôi chỉ mang theo ấn tượng cảm nhận được và một vài tấm ảnh lưu niệm. Không giống như vậy đối với Núi Đá kia. Nếu chúng ta muốn Ngài, Ngài theo chúng ta, chúng ta giữ Ngài trong tim. Về tảng đá có nước vọt ra trong sa mạc, Kinh Thánh chép rằng tảng đá này đã “đi theo” dân (x. 1Cr 10,4). Với Thiên Chúa thì cũng như vậy.

Để thực sự khám phá ra "Thiên Chúa–Núi Đá" là gì, cần phải có kinh nghiệm trước đó: kinh nghiệm là mọi sự sẽ qua đi. Ngày qua đi, phút này qua phút khác, và bất chợt chiều buông. Hết mùa này đến mùa khác. Cây cối đang nở hoa, kết trái, rồi rụng lá và mùa đông trở lại. Sẽ có lúc cây già cỗi gẫy đổ. Đó là số phận của vạn vật; đó cũng là số phận của con người.

Vì mong muốn không qua đi và không chết hoàn toàn, người ta tìm cách bám vào tuổi trẻ, hoặc vào tình yêu hay vào con cái, hoặc thậm chí vào danh vọng, xác tín rằng qua đó mà dựng lên "những tượng đài bền vững hơn đồ đồng". Vô ích! Chính lúc sinh ra là lúc bắt đầu đếm ngược không ngừng cả ngày lẫn đêm. “Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4).

Trước kinh nghiệm phổ quát là mọi sự qua đi, con người phản ứng như thế nào? Trước Đức Kitô, người ta thấy có những câu trả lời đối nghịch nhau nhất. Triết gia Parménide cho rằng mọi sự đều bất động và thay đổi chỉ là vẻ bên ngoài; tựu trung, không có gì thực sự qua đi. Sau ông, một triết gia khác là Héraclite đã dạy ngược lại: trên đời không có gì là bất biến, mọi sự đều trong quá trình trở thành; người ta gán cho nó từ nổi tiếng panta rei: "mọi sự đều qua đi". Rồi đến một nhà tư tưởng thứ ba, Empédocle, người đã tìm một thỏa thuận giữa hai thái cực trên. Theo ông, đúng là mọi sự đều qua đi, nhưng một cái gì đó vẫn tồn tại dưới dòng chảy không ngừng của vạn vật. Cái đó, ông gọi là “Duy Nhất"," Thiên Cầu ", hay "Thần lực sinh sản", nhưng ông không thể nói thêm về nó và thậm chí bị mắc kẹt trong một vài mâu thuẫn. Tuy vậy,  ông hòa nhập vào điều mà các Giáo Phụ sẽ gọi là “sự chuẩn bị Phúc Âm”: ông lờ mờ cảm nhận trước chân lý được Kinh Thánh công bố khi Kinh Thánh gán cho Thiên Chúa danh xưng “Núi Đá vĩnh cửu”. Trong thiên nhiên, núi đá gợi lên những gì bất biến qua những thay đổi địa chất và khí hậu của cảnh quan xung quanh:

"Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài

Chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao

Ngài thay chúng khác nào thay áo

Nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên

tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102, 27tt).

Có lẽ bị ấn tượng bởi sự tương phản giữa cát của sa mạc và đá của núi Sinai, phải chăng các thi sĩ Israel đã khám phá ra ở đó một biểu tượng về sự khác biệt giữa con người và Thiên Chúa? Con người như “cát”; Thiên Chúa thì như “đá tảng vĩnh cửu". Thánh Têrêxa Avila đã cô đọng nhận thức của cảm thức này về Thiên Chúa trong một vài công thức ngắn gọn: "Không để điều gì làm phiền bạn, không để điều gì làm bạn kinh hãi. Tất cả đều qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa. Kiên nhẫn chiến thắng mọi sự. Người có Chúa không thiếu thốn gì. Chỉ mình Chúa là đủ."

Còn về Thiên Chúa–Núi Đá, sự xuất hiện của Đức Kitô mang lại một sự mới mẻ căn bản. Người ta không còn có thể nói về Thiên Chúa bằng cách dừng lại trước Đức Kitô, hoặc bỏ qua không nói đến Đức Kitô: làm thế là cắt xén mạc khải. Khi nói về tảng đá vẫn “đi theo” dân Israel trong sa mạc, thánh Phaolô viết: “Tảng đá này chính là Đức Kitô” (x. 1Cr 10,4). Tảng đá không thể tiếp cận được đã trở nên rất gần gũi và hữu hình trong Ngôi Lời đã đến ở giữa chúng ta. “Hốc đá”, nơi ông Môsê trú ẩn để chiêm ngắm Thiên Chúa (Xh 33,21), theo các Giáo Phụ, tiên trưng cho nhân tính của Đức Kitô, cho phép chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa mà không bị vinh quang của Ngài tiêu diệt. Từ đó mà có lời mời gọi của thánh Bonaventura và các thánh khác gửi đến những tâm hồn khao khát Thiên Chúa: họ hãy như chim bồ câu ẩn trong hốc đá, "trong vách núi cheo leo" (Dc 2,14), nghĩa là trong cạnh sườn mở rộng của Đức Kitô[1].

Từ cõi chết sống lại, Đức Kitô đã trở thành tảng đá theo cách mới, “đi theo” chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Xây trên lời Ngài chính là xây trên đá (x. Mt 7,24). Ngài là “đá tảng góc tường” mà Giáo Hội đặt nền móng trên đó (x. Ep 2,20), viên đá bị chối bỏ đã trở thành “đá tảng góc tường” (1Pr 2,6), nhưng cũng là “hòn đá làm cho vấp” những ai từ chối (Rm 9,32tt). Đá Tảng vĩnh cửu từ đây trở thành "đá tảng của chúng ta", "đá tảng cứu rỗi chúng ta".

Tước hiệu "đá tảng" này không phải là một hình ảnh trừu tượng; nó không chỉ cho biết Thiên Chúa là gì mà còn cho biết chúng ta phải làm gì. Tảng đá ở đó không chỉ để được chiêm ngắm từ xa, mà còn để được trèo lên, để người ta tìm được nơi ẩn náu ở đó. Tảng đá thu hút, mê hoặc. Nếu Chúa là một tảng đá, con người phải trở thành một người leo núi đá. Bất quá người ta có thể nghĩ đến một câu lạc bộ rất đặc biệt: "Những người bạn của Núi Đá". Đức Giêsu nói: "Hãy học từ chủ nhà"; "Hãy nhìn tội nhân." Thánh Giacôbê nói thêm: "Hãy xem người nông dân." Chúng ta có thể bổ túc: "Hãy xem những người leo núi." Họ thấy cơ thể nặng nề của họ không ược an toàn nếu chỉ bám vào những cây con mọc từ chỗ đá nứt ; họ không chọn những lối đi có nhiều người qua lại, lấy lý do là thuận tiện hơn. Khi màn đêm buông xuống hoặc một cơn gió lốc báo hiệu, họ không dại dột tìm cách leo xuống, nhưng còn bám chặt hơn vào đá chờ yên tĩnh trở lại. Họ ép sát vào đá, bám chặt tay chân vào đó; theo nghĩa đen, họ như được tán vào đó bằng đinh. Chớ gì cách hành xử của chúng ta với Đá Tảng của chúng ta là như thế. Cách chắc chắn nhất để gắn bó với Đá Tảng ấy là gắn chặt vào thập giá, “đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2,19). Bằng cách ôm chặt lấy Ngài, là viên đá sống động, thì chính chúng ta cũng sẽ có thể trở thành “những viên đá sống động” (x. 1Pr 2,4). Những viên đá rất nhỏ.

Một Thánh vịnh kể lại cuộc phiêu lưu của một tín hữu sắp từ bỏ Thiên Chúa “khi nhìn thấy những kẻ ác lên ngôi”. Khi ngẫm lại, người đó hiểu rằng mình sai: những kẻ vô đạo đi trên đường trơn trượt và sụp đổ trong nháy mắt. Khi đó, nhận ra việc được đặt nền trên đá tảng có ý nghĩa gì, người đó thốt lên: "Đá tảng của trái tim tôi chính là Thiên Chúa... thật tốt cho tôi được ở gần Chúa, tôi đã nương náu bên cạnh Thiên Chúa của tôi” (Tv 73). Đây chẳng phải là một định nghĩa tuyệt vời về đức tin sao, nếu thật sự credo ("Tôi tin") nguyên thủy có nghĩa là "để trái tim mình dựa vào cái gì đó"?

Hình ảnh một trái tim nằm yên trên đá tảng mới gây ấn tượng làm sao! Thực tại yếu ớt nhất tiếp xúc với thực tại cứng cát nhất. Các người leo núi hẳn sẽ gợi ra một câu trả lời tốt cho câu hỏi này. Họ dành nhiều ngày đêm đương đầu với tảng đá và họ tin tưởng nó sẽ bảo đảm cuộc sống của họ; cuối cùng họ khám phá ra tất cả các tĩnh mạch của nó. Dưới ngón tay của họ, tảng đá dường như linh hoạt, đáp lại, trở thành tảng đá sống động. Họ nói về nó bằng những giọng thơ. Đối với chúng tôi, Thiên Chúa là tảng đá sống động, có trái tim phập phồng, một tảng đá dịu dàng! Vì vậy, một Vịnh gia khác có thể ca lên: "Lạy Chúa là núi đá, con yêu mến Ngài!" (Tv 18,2). Cần lưu ý rằng đây là đoạn văn duy nhất trong Cựu Ước mà con người thưa với Thiên Chúa "Con yêu mến Ngài" (thường ra, chính là Thiên Chúa nói như thế với con người). Và con người thưa như thế khi nói với Thiên Chúa–Núi Đá!

Kinh Thánh nhấn mạnh Thiên Chúa–Núi Đá là muốn thụ tạo bén rễ sâu trong lòng tin phó thác và xua đuổi ra khỏi lòng mọi nỗi sợ hãi. Một Thánh vịnh nói: “Dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, ta cũng chẳng sợ gì”. Người ta đưa ra lý do: “Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta” (Tv 46,3). Đó là sự tin tưởng được diễn tả trong bài thánh thi: "Thiên Chúa của tôi là pháo đài không thể lay chuyển", là bài ca đã góp phần rất nhiều vào việc hình thành tình cảm tôn giáo của thế giới Tin lành[2]. Trước mặt Thiên Chúa–Núi Đá này, chỉ còn một nỗi sợ hãi thôi. Nhưng nó không thực sự là sợ hãi, mà là kính sợ: kính sợ thánh đối với Thiên Chúa.

Mạc khải về Thiên Chúa–Núi Đá phải đưa chúng ta đến một quyết định hiện sinh: đi về phía núi đá này, leo lên nó, "giữ chặt đôi chân chúng ta ở đó". Như chúng ta biết, từ "Vượt Qua" có nghĩa là "đi qua". Tự nó, đi qua là một thực tại tiêu cực, hàm chứa ghi nhận về sự bất ổn, tạm thời. Có phải lễ Vượt Qua là bí tích của tạm thời, một sự xác nhận không biết thứ mấy rằng "mọi sự đang qua" chăng? Hoàn toàn ngược lại! Cử hành lễ Vượt Qua có nghĩa là vượt qua, nhưng là “vượt qua thế gian này về với Chúa Cha” (x. Ga 13,1), đi từ sự bất ổn của thế gian này đến với Nước Thiên Chúa vững chắc hơn mọi sự. Và chính để không vượt qua cùng với thế gian này, mà chúng ta đi đến tảng đá tồn tại đến muôn đời. Tất nhiên, mọi người đều vượt qua, cả tốt lẫn xấu. Nhưng vượt qua "khỏi" thế gian hoàn toàn khác với vượt qua "cùng với" thế gian. “Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó, còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,17).

Chúng ta hãy cùng với Giáo Hội dâng lời cầu nguyện:

Lậy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ[3].

 

 



[1]  cf. Grégoire de Naziance, Discours 28, 3 (PG 36, 29); saint Bonaventure, L’arbre de vie, VIII, 30; x. d’Oeuvres spirituelles, t. 3, Paris-Gembloux, 1932, p. 98 sv.

[2]  Luther, Hymne “Mon Dieu est une forteresse imprenable”.

[3]  Sách Lễ Rôma, Lời nguyện Chúa nhật XII Mùa Thường niên.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều