8

HÃY TRỞ VÀO BÊN TRONG BẠN

 

 

Thánh Phaolô viết rằng trong thế giới này, chúng ta thấy Thiên Chúa “như trong một tấm gương” (1Cr 13,12). Theo những cách khác nhau, tấm gương này là hai cuốn sách : sách Kinh Thánh và sách thế giới được tạo dựng; nhưng, trên tất cả, tâm hồn chúng ta là một tấm gương. Dưới chân dãy núi Dolomites, đôi khi chúng ta khám phá ra những hồ nước nhỏ, nơi những ngọn núi, tất cả đều có màu trắng, được phản chiếu với độ trong sáng đến mức nhìn một bức hình chụp người ta không dễ dàng phân biệt được ngọn núi thật với hình ảnh phản chiếu nó trong nước. Tương tự như một trong những hồ nước nhỏ này, linh hồn chúng ta phản ánh thực tại đầy đủ của Thiên Chúa, toàn thể Ba Ngôi. Tôi sử dụng từ "linh hồn", mặc dù ngày nay – cứ như tôi biết – chúng ta hầu như không nói đến nó nữa; bất quá người ta thích nói đến "psyché", vì sợ bị coi là quá duy linh.

Người ta không thể biết Thiên Chúa bên ngoài mình, qua Kinh Thánh và thụ tạo, nếu người ta cũng không biết Ngài bên trong mình, ngay cả một cách bất toàn, vì nơi đích thực mà con người gặp gỡ Thiên Chúa, chính là bên trong con người của mình. Đơn giản là vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam người nữ, và chỉ có họ là "theo hình ảnh và giống Người" (St 1,26). Thế mà người giống chỉ được biết đến bởi người giống mình, và trong vũ trụ vật chất, chỉ có linh hồn con người mang nét giống với Thiên Chúa. Thêm vào động lực căn bản này, xuất phát từ thụ tạo, còn có một động lực khác không kém mạnh mẽ, phát xuất từ ​​sự cứu chuộc: phép rửa đã làm cho chúng ta trở thành “đền thờ của Thiên Chúa” (1Cr 3,16).

Sự hiện hữu đơn thuần của linh hồn là bằng chứng rõ nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu một người không tin hỏi tôi, như hỏi Vịnh gia trên đất lưu đày: "Này Thiên Chúa ngươi đâu ?" (Tv 42,4), thì đến lượt tôi, tôi hỏi lại anh ta: "Linh hồn bạn ở đâu? Hãy chỉ cho tôi linh hồn của bạn, nếu bạn làm được như thế, thì tôi sẽ cho bạn thấy Thiên Chúa của tôi. Bạn nói: "Tôi sẽ cho anh thấy linh hồn của tôi dựa vào các việc làm của nó, vì ngay cả khi tôi không nhìn thấy nó, không chạm vào nó, tôi vẫn nhận rõ nó hoạt động. Theo lệnh của nó, các chi thể của thân thể tôi bắt đầu di chuyển; tôi im lặng hoặc nói, theo những gì linh hồn tôi ra lệnh." Tôi trả lời bạn: "Thiên Chúa của tôi, tôi cũng có thể nhìn thấy Ngài trong những gì Ngài làm và những gì Ngài liên tục thực hiện trên thế giới này, tất cả những việc không có câu giải đáp tương xứng trên thế giới, nhưng chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.”

Theo nghĩa này, khi trình bày chương trình của mình đi tìm Thiên Chúa, thánh Augustinô đã cảnh báo chúng ta: "Nhờ linh hồn tôi, tôi sẽ lên tới Ngài." Trong số các quan năng khác nhau của linh hồn, ngài coi việc khám phá Thiên Chúa đặc biệt trong ký ức: "Chúa đang ở đâu trong ký ức của con... Chúa đã dọn phòng nghỉ ngơi nào ở đó cho Chúa? Chúa đã xây dựng cung thánh nào cho Chúa?... Chắc chắn Chúa đang sống trong đó vì con nhớ tới Chúa từ khi con biết Chúa; và chính nơi đó, con tìm thấy Chúa khi con gợi lại kỷ niệm về Chúa[1]". Tiếp theo, những người đại diện cho phong trào thần bí vùng sông Rhin còn cố gắng đi xa hơn tới tận những chỗ sâu kín của linh hồn để tìm kiếm điểm gặp gỡ Thiên Chúa. Họ khám phá ra Ngài trong cái mà họ gọi là "tận đáy linh hồn", nơi bắt nguồn của trí nhớ, trí thông minh và ý muốn,  nơi đó, các quan năng này hội tụ trong sự hiệp nhất.

Khi thụ tạo cố đạt tới Thiên Chúa "ở bên trong mình" trong mức độ nào đó, nó ý thức được sự siêu việt thần linh và hiểu rằng Thiên Chúa không được chứa đựng trong linh hồn, nhưng chứa đựng linh hồn. Những hình ảnh "đáy" hoặc "vực" còn xen kẽ với những hình ảnh "đỉnh", "điểm" của linh hồn, và phải vươn ra ngoài linh hồn để đạt tới Thiên Chúa hằng sống: "Nếu linh hồn đã không vươn lên trên chính nó, nó sẽ không đạt tới chỗ thị kiến Thiên Chúa[2].”

Trong cách tiếp cận của chúng ta, những chi tiết như vậy chắc hẳn không cần thiết. Điều chúng ta đặc biệt muốn biết là làm thế nào để đạt tới chỗ nhẹ nhàng khám phá ra Thiên Chúa nơi chúng ta. Bước đầu tiên là trở vào bên trong chúng ta, trở về với tâm hồn (“tâm hồn” và “con người bên trong”: Kinh Thánh sử dụng những thuật ngữ này để diễn đạt những gì chúng ta đã nói về tận đáy linh hồn). Thánh Augustinô một lần nữa khuyên chúng ta: "Trước hết hãy trở về với tâm hồn của bạn. Bạn lang thang bên ngoài, lưu đày xa chính mình. Bạn không biết chính bạn, mà bạn lại tìm cách biết Đấng đã tạo ra bạn!... Hãy trở về với tâm hồn bạn và hãy xem nơi tâm hồn điều mà có lẽ bạn phải nghĩ về Thiên Chúa, vì đó là nơi tìm thấy hình ảnh của Thiên Chúa." "Chân Lý ngự nơi con người bên trong[3]."

Tất cả những điều ấy đòi hỏi những lựa chọn rõ ràng. Trước hết là thói quen hồi tâm. Chúng ta đang sống trong một văn minh hoàn toàn hướng ngoại. Con người gửi những máy dò không gian đến tận những đường biên cuối cùng của thái dương hệ, nhưng lại không biết làm thế nào để "thăm dò" tâm hồn riêng của mình. Họ di chuyển dễ dàng trong đại vũ trụ hơn là trong tiểu vũ trụ là chính họ. Họ có khuynh hướng thoát ra ngoài hơn là hồi tâm. Trốn thoát, ra khỏi mình, dường như là một khẩu hiệu. Một số người mơ được sống đơn độc, nhưng chỉ mơ thế thôi. Họ thích nó, miễn nó là một giấc mơ và không bao giờ được cụ thể hóa trong thực tế khắc khổ của nó. Nhiều người sợ thinh lặng. Nhân loại phát bệnh vì tiếng ồn. Tuy nhiên, chúng ta thực sự cần thời gian thinh lặng và đơn độc để xuống tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, nơi Chân Lý ngự trị. Một đan sĩ viết: "Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn thinh lặng của chúng ta. Lúc chịu phép rửa tội, trong một sự thinh lặng không bị xâm phạm, Ngài lấp đầy linh hồn đó bằng chính Ngài, không gì khác ngoài Ngài. Chỉ sau này, thế giới dần dần ùa vào trong nó. Tiếng ồn xâm chiếm nó, che lấp đi giọng nói êm dịu của Thiên Chúa. Thế rồi tiếng ồn được khuếch đại. Hãy trở về với sự thinh lặng lúc chịu phép rửa, hỡi người anh em của tôi. Tiếng ồn có ba máy phát: những ký ức, sự tò mò, những âu lo. Hãy làm tê liệt hành động của chúng[4]."

Một tấm gương nước, với điều kiện hoàn toàn bình lặng, phản chiếu hình ảnh của ai nghiêng người xuống nhìn nó. Nếu nước bị khuấy động và mặt nước gợn sóng, nó không còn phản chiếu được gì, người ta không còn nhìn thấy đáy, và mọi sự thành mờ đục. Đó là điều mà những lo lắng không cần thiết và những háo hức không chính đáng xuất hiện trong linh hồn chúng ta: linh hồn không có khả năng phản chiếu một chút hình ảnh nào về Thiên Chúa. Nó bị chia cắt và phân tán giống như một tấm gương vỡ thành trăm nghìn mảnh. Vả lại, yên lặng là không đủ. Nó phải được tư tưởng của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta cư ngụ. Khi tôi nghĩ về bản thân mình, hình ảnh méo mó của tôi trong chiếc gương của linh hồn thay thế cho hình ảnh của Chúa và xóa đi hình ảnh này.

Chúng ta đừng để bị lừa bởi những người cho rằng có thể gặp Thiên Chúa bên ngoài mình, trong việc chiêm ngưỡng thế giới, trong các anh em, trong cuộc chiến đấu cho công lý. Chắc chắn tất cả những việc ấy là đúng; nhưng làm sao có thể khám phá ra Thiên Chúa trong những thực tại này, nếu không qua tâm hồn của bạn?

Cùng với thánh Augustinô, chúng ta hãy cầu xin ơn học cách đi vào trong nội tâm ta:

"Lạy Chúa, bỏ Chúa mà đi tất phải gục ngã, còn quay đầu về với Chúa lại được sống, và ở nơi Ngài là tìm được nơi nương tựa vững chắc. Lạy Chúa, Đấng không ai mất nếu không bị lừa dối, Đấng không ai tìm nếu trước hết không được mời gọi, Đấng không ai tìm thấy nếu trước hết không được thanh tẩy, Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con[5]!"

 

 



[1]  Augustin, Confessions, X, vii, 25; x. BA t. 14, p. 205.

[2]  Augustin, Sur le psaume 130, 12; x. Humeau, p. 481.

[3] Augustin, Sur l’Évangile de Jean, XVIII. X. 10; x. BA t. 72, p. 149; De la vraie religion; x. Ba, t. 8.

[4]  Un moine, Les portes du silence, Genève, Lib. Martingay. 2e éd., p. 9.

[5]  Augustin, Soliloques, I, I, 3; II, I, 1; x, BA, t. 5.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều