LỜI NÓI ĐẦU

 

Tác phẩm nhỏ này tập hợp những bài suy niệm của tôi ở Phủ Giáo hoàng, trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong các Mùa Vọng năm 2010 và 2011, với mục đích góp một phần nhỏ vào nỗ lực tái Phúc Âm hóa thế giới, một công cuộc ngày nay đang huy động toàn lực Giáo Hội.

Trong phần đầu (các bài suy niệm trong Mùa Vọng 2011), tôi muốn xác định bốn thời điểm được đánh dấu bằng sự tăng tốc hoặc nối lại việc dấn thân truyền giáo, đó là:

1. Ba thế kỷ đầu tiên của đời sống Kitô giáo và đặc biệt là nửa sau của thế kỷ III, trong đó chúng ta chứng kiến những tầng lớp lớn của Đế quốc Rôma gia nhập đạo, mà tác nhân chính là các giám mục;

2. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX: chúng ta chứng kiến ​​một cuộc tái Phúc Âm hóa châu Âu sau các cuộc xâm lăng của dân man di, lần này là nhờ các đan sĩ.

3. Thế kỷ XVI, với việc khám phá ra “Tân Thế giới” và các dân ở đây vào đạo, nhờ các thành viên của các dòng tu;

4. Thời đại chúng ta, trong đó chúng ta thấy Giáo Hội dấn thân vào việc tái Phúc Âm hóa một Tây phương đã tục hóa, nơi mà giáo dân đang ở tuyến đầu.

Ở mỗi giai đoạn này, chúng ta sẽ xem những sai lầm nào cần tránh và những tấm gương nào cần bắt chước, cũng như xác định sự đóng góp cụ thể của các mục tử, các tu sĩ hoạt động và giáo dân.

Trong phần thứ hai (các bài suy niệm trong Mùa Vọng 2010), khi tiếp tục suy tư về việc Phúc Âm hóa thời nay, chúng ta nghiên cứu một số thách thức lớn nhất mà việc loan báo Phúc Âm ngày nay phải đối mặt - chủ thuyết khoa học vô thần, chủ thuyết duy lý và việc thế tục hóa - trong khi vẫn nêu bật giải đáp mà đức tin Kitô cho phép chúng ta đương đầu với mỗi chủ thuyết. Chúng ta cam kết đưa ra chìa khóa cho cuộc đối thoại, hơn là luận chiến, theo tinh thần giống như Phêrô, trong lá thư đầu tiên, khuyên bảo các Kitô hữu trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình "cách hiền hòa và với sự kính trọng" (1Pr 3,15tt).

Tựa đề mà chúng tôi chọn cho cuốn sách nhỏ này lấy cảm hứng từ một hình ảnh của Charles Péguy nói về kinh nguyện Kitô giáo như lằn rẽ sóng của một con tầu xinh xắn, bắt đầu bằng một điểm - hai bàn tay chắp lại của Đức Giêsu, và mở rộng cho đến khi mất hút tận chân trời. Hình ảnh này áp dụng ở đây cho việc rao giảng của Giáo Hội, cũng bắt đầu bằng một điểm - việc loan báo Phúc Âm, là việc phát triển theo thời gian và không gian, cho đến khi cung cấp cho chúng ta hôm nay một nguồn rất phong phú về giáo lý, luật pháp và thể chế, nhưng phải không ngừng bắt đầu lại từ điểm này. (*)

(*) Lời người dịch: 4 chương đầu có tham chiếu bản dịch của cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung.