THẦN KHÍ VÀ ĐẶC SỦNG PHÂN ĐỊNH

 

Đề tài nêu ra những suy tư về công trình của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu.

Thánh Phaolô nói về một sự phân định đặc biệt, gọi là “phân định thần khí” (discernement des esprits : 1 Cr 12,10). Khởi thủy, kiểu nói này có một nghĩa rõ ràng : chỉ một ân huệ cho phép phân định những lời linh hứng hay tiên tri nói trong cộng đoàn, xem lời nào là của Thần Khí Đức Kitô, lời nào là của thần khí khác (thần khí của con người, thần khí của quỷ, thần khí của thế gian).

Thánh Gioan cũng cho đây là nghĩa căn bản. Phân định là xem các thần khí có bởi Thiên Chúa hay không (1 Ga 4,1-6).

Theo Phaolô, tiêu chuẩn căn bản của phân định là công bố Đức Giêsu là Chúa (1 Cr 12,3), còn theo Gioan, là nhận rằng Đức Giêsu “đến trong xác phàm”, tức nhập thể. Gioan cũng bắt đầu sử dụng sự phân định như một chức năng thần học, như một tiêu chuẩn để phân định giáo thuyết thật với giả, chính thống với lầm lạc. Việc này trở thành rất quan trọng sau đó.

1. Sự phân định trong đời sống Giáo hội

Chúng ta phải phân định thần khí trong hai lãnh vực : lãnh vực Giáo hội và lãnh vực cá nhân

Trong đời sống Giáo hội, sự phân định các thần khí thuộc Huấn quyền. Khi phân định, huấn quyền phải lưu ý ít nhất tới cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium). Chúng ta dừng lại ở một điểm có thể giúp ích trong các cuộc tranh luận liên quan tới một số vấn đề. Chẳng hạn phân định về các dấu chỉ thời đại.

Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Giáo hội lúc nào cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại, và giải thích dưới ánh sáng Phúc âm, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” (MV 4).

Hiển nhiên Giáo hội phải thăm dò các dấu chỉ thời đại dựa vào Phúc âm, không phải để áp dụng những phương dược và quy luật muôn đời cho những tình huống và vấn đề mới trong xã hội, nhưng để đưa ra những giải đáp mới “thích ứng với từng thế hệ”, như Công đồng nói. Khó khăn trong công việc này, nói cho nghiêm túc, chính là sợ liên lụy cho Huấn quyền khi chấp nhận những thay đổi trong các quyết định của mình.

Có một cách có thể giúp vượt qua khó khăn này. Mức độ bất khả ngộ mà Huấn quyền đòi hỏi chắc chắn không cao hơn mức độ được gán cho Kinh thánh. Sự không sai lầm của Kinh thánh bảo đảm rằng các tác giả diễn tả chân lý theo một cách và ở một mức độ phản ánh điều các ngài được nghe biết khi viết sách. Chúng ta thấy có biết bao nhiêu chân lý thành hình một cách chậm rãi, tiệm tiến, chẳng hạn chân lý về đời sau và sự sống vĩnh cửu. Trong lãnh vực luân lý cũng vậy, có rất nhiều thói tục và luật lệ bị hủy bỏ, được thay thế bằng những luật lệ và tiêu chuẩn đáp ứng hơn với tinh thần của Giao ước. Chẳng hạn, trong sách Xuất hành, ta thấy Thiên Chúa phạt con cháu vì lỗi lầm của cha ông (x. Xh 34,7). Thế nhưng, Giêrêmia và Êdêkiel sau này nói ngược hẳn lại, quả quyết Thiên Chúa không phạt con cháu vì tội của cha ông, nhưng mỗi người sẽ phải trả lẽ về những việc mình làm (Gr 31, 29-30 ; Êd 18.1 tt).

Trong Cựu ước, tiêu chuẩn để vượt qua một chỉ thị có trước là hiểu biết hơn về tinh thần của Giao ước và của luật Torah; còn trong Giáo hội, tiêu chuẩn là đọc lại Phúc âm, dựa vào những vấn đề mới đang đặt ra cho Giáo hội. Thánh Grêgoriô Cả viết: “Kinh thánh lớn lên cùng với người đọc” (Scriptura cum legentibus crescit).

Giờ đây, chúng ta biết rằng luật không thay đổi của Đức Giêsu, trong lãnh vực luân lý, tóm tắt trong mấy chữ này: “Nói không với tội lỗi, nó có với tội nhân”, nói khác đi : gớm ghét tội lỗi, yêu thương tội nhân. Không ai nghiêm khắc hơn Ngài khi lên án sự giầu có bất lương, Nhưng Ngài đã đến nhà Dakê, và chỉ việc Ngài đến nhà ông thôi đủ làm cho ông thay đổi. Ngài lên án tội ngoại tình, kể cả ngoại tình trong lòng, nhưng tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, đem lại cho chị ta niềm hy vọng. Ngài tái xác nhận hôn nhân là bất khả đoạn tiêu, nhưng nói chuyện với người phụ nữ Samari có 5 đời chồng, và mạc khải rất rõ cho chị một bí mật chưa nói với ai khác: “Đấng ấy (Mêsia) chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26).

Nếu ta tự hỏi : về phương diện thần học, làm sao biện minh cho sự phân biệt rõ ràng giữa tội lỗi và tội nhân? thì câu trả lời cũng đơn giản thôi. Tội nhân vẫn là một thụ tạo của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vẫn còn phẩm giá của mình. Tội lỗi không phải là công trình của Thiên Chúa, không từ Người mà đến, nhưng từ kẻ thù. Do đó mà Đức Giêsu Kitô giống ta mọi đàng, trừ ra tội (x. Dt 4,15).

Có một tác nhân quan trọng trong việc phân định các dấu chỉ thời đại, đó là giám mục đoàn. Theo Hiến chế tín lý về Giáo hội, Giám mục đoàn ‘cùng nhau quyết định về những vấn đề quan trọng đặc biệt, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng” (GH 22). Để giúp cho sự phân định và cho cách giải quyết các vấn đề, Giám mục đoàn cho thấy những tình hình địa phương và những quan điểm khác nhau, những ánh sáng và ân huệ khác nhau nơi mỗi Giáo hội  và mỗi Giám mục.

Về điều này, thử lấy “Công đồng đầu tiên” của Giáo hội là Công đồng Giêrusalem làm ví dụ. Lúc bấy giờ, có hai quan điểm khác nhau : quan điểm của các Kitô hữu gốc Do thái và quan điểm ủng hộ việc mở cửa cho dân ngoại. Tranh luận rất sôi nổi, cuối cùng đi đến một quyết định với câu tuyên bố lạ lùng: “Thánh Thần cùng với chúng tôi quyết định..” (Cv 15,6 tt).

Ở đây, ta thấy Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội theo hai cách : đôi khi cách trực tiếp qua đặc sủng, mạc khải và linh hứng tiên tri ; phần nhiều bằng cách tập đoàn, qua sự đối chất, hòa giải giữa các bên và các quan điểm khác nhau. Những lời của Phêrô nói ngày lễ Ngũ tuần và tại nhà ông Cornêliô rất khác với những lời ông nói sau đó, để biện minh cho quyết định của mình trước các kỳ mục (x. Cv 11,4,18 ; 15,14). Những lời trước thuộc loại đặc sủng, những lời sau thuộc loại tập đoàn.

Thế nên phải tin tưởng phó thác vào Thần Khí, vào sự can thiệp của Người để đi tới một thỏa thuận, cho dù đôi khi mọi sự dường như không còn kiểm soát được. Mỗi lần các mục tử trong Giáo hội họp nhau lại để phân định hoặc để lấy một quyết định quan trọng, hẳn tâm hồn mỗi vị phải xác tín điều này : Ductore sic Te praevio, vitemus omne noxium (Được Người hướng dẫn như thế, chung con sẽ tránh được mọi sự dữ). Đó là câu trích trong thánh thi Veni Creator quen thuộc.

2. Sự phân định trong đời sống cá nhân

Cũng như đặc sủng áp dụng cho mỗi cá nhân, sự phân định các thần khí, theo dòng thời gian, đã có sự tiến hóa đáng kể. Hồi đầu, như ta thấy, ân huệ phải giúp phân định các linh hứng của những người khác, những người nói tiên tri trong cộng đoàn, sau đó nó đặc biệt giúp phân định các linh hứng riêng tư.

Sự tiến hóa này không tùy tiện. Đây cũng chỉ là một ân huệ, nhưng được thực hành trong hai tình huống và hai đối tượng khác nhau.. Phần lớn những gì các tác giả tu đức viết về “ơn khuyên nhủ” cũng áp dụng cho đặc sủng phân định. Qua ân huệ, đặc sủng hay khuyên nhủ, Chúa Thánh Thần giúp ta đánh giá các tình huống và định hướng các lựa chọn, không những theo tiêu chuẩn khôn ngoan thận trọng của con người, mà con dưới ánh sáng của những nguyên tắc siêu nhiên thuộc đức tin.

Sự phân định căn bản đầu tiên về các thần khí là phân biệt Thần Khí của Thiên Chúa và thần khí của thế gian (x. 1 Cr 2,12). Thánh Phaolô đưa ra một tiêu chuẩn phân định khách quan, giống như sự phân định của Đức Giêsu. Đó là tiêu chuẩn “hoa quả”. Những việc thuộc xác thịt là do ước muốn của con người tội lỗi cũ, còn “hoa quả của Thần Khí” cho thấy ước muốn đó là do Thần Khí của Thiên Chúa (x. Gl 5,19-22). “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái nghịch với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với xác thịt” (Gl 5,17).

Đôi khi tiêu chuẩn khách quan không đủ, vì sự lựa chọn không phải giữa điều xấu và điều tốt, nhưng giữa hai điều tốt. Vấn đề là xem Thiên Chúa muốn điều nào trong một hoàn cảnh riêng. Đặc biệt vì muốn đáp lại đòi hỏi này mà thánh Ignatiô Loyola đã khai triển học thuyết của ngài về sự phân định. Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào những tâm thái bên trong của mình, những ý định đàng sau một lựa chọn nào đó.

Cách làm này từng được truyền thống xác nhận. Một tác giả thời Trung cổ đã viết: “Ai có thể minh xác các thần khí từ Thiên Chúa mà đến, nếu không nhận được từ Người sự phân định, nhờ đó có thể xem xét chính xác những ý tưởng, tình cảm và ý định? Sự phân định này là nguồn gốc của mọi nhân đức, mà ai cũng cần phải có để hướng dẫn người khác, hoặc hướng dẫn mình để tự cải thiện. Sự phân đinh đích thực là như vậy, trong đó người phân dịnh có ý tưởng ngay thẳng và có ý định tinh tuyền.

Thánh Ignatiô đã gợi ra những phương tiện thực tế để áp dụng những tiêu chuẩn này. Sau đây là một trong những phương tiện ấy. Khi đứng trước hai lựa chọn, hãy dừng lại ở một trong hai, coi đây là sự lựa chọn tuyệt đối phải làm, và dừng lại một ngày hay hơn. Xem những phản ứng của mình trước lựa chọn này, xem nó có đem lại sự bình an không, có hài hòa với những lựa chọn khác đã làm hay không, xem có gì khuyến khích đi theo lựa chọn này hay không, hay lựa chọn này lại làm ta lo lắng. Lặp lại tiến trình trên cho sự lựa chọn thứ hai. Tất cả được làm trong bầu khí cầu nguyện, từ bỏ ý riêng, mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần.

Theo thánh Ignatiô, tự nền tảng của phân định còn có một sự “lãnh đạm thánh”, tức là để mình hoàn toàn sẵn sàng đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, không có ưu tiên cho bên này bên kia, giống như một cán cân sẵn sàng nghiêng sang bên nào nặng hơn. Như vậy, kinh nghiệm và sự bình an nội tâm trở thành tiêu chuẩn chính trong mọi phân định. Sự lựa chọn nào, có suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện đi kèm, làm cho tâm hồn được bình an hơn, sẽ được coi là phù hợp với ý Thiên Chúa muốn.

Sự phân định ở đây chỉ là áp dụng một lời khuyên xưa, lời Yêtrô khuyên con rể là Môsê, đó là “trình các sự việc lên Thiên Chúa” (Xh 18,19), rồi cầu nguyện mà chờ đợi Người trả lời. Trong bất cứ trường hợp nào, điều kiện để có được sự phân định tốt nhất là sẵn sàng làm theo ý Chúa. Đức Giêsu nói: “Phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).

Nguy hiểm của thời bây giờ là quá nhấn mạnh những khía cạnh tâm lý học, đến nỗi cuối cùng quên rằng, trong mọi phân định, Chúa Thánh Thần mới là tác nhân đầu tiên. Thánh Gioan cho thấy tác nhân có tính quyết định là “dầu do tự Đấng Thánh” (1 Ga 2,20), tức là Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatiô cũng nhắc rằng, trong một số trường hợp, chỉ dầu của Chúa Thánh Thần mới cho phép phân định điều phải làm. Lời của Ignatiô  hàm chứa một lý do thần học sâu xa. Chính Chúa Thánh Thần là ý muốn của Thiên Chúa. Khi vào trong linh hồn của một ai đó, Người “tỏ mình ra như là ý muốn của Thiên Chúa”.

Tự nền tảng, sự phân định không phải là một nghệ thuật, một kỹ thuật, nhưng là một đặc sủng, nghĩa là một ơn của Thần Khí. Những khía cạnh tâm lý học, tuy rất quan trọng, nhưng chỉ thuộc “hạng hai” và đến sau.

Một Giáo phụ xưa đã viết: “Thanh tẩy tâm trí là việc của Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, phải bằng mọi cách, nhất là bằng sự bình an trong tâm hồn, để Chúa Thánh Thần cư ngụ nơi ta, như một ngọn đèn luôn chiếu sáng trong ta. Là vì, nếu ngọn đèn này không ngừng chiếu sáng chỗ sâu thẳm của linh hồn, thì không những tâm trí ta thấy rõ mọi cuộc tấn công thù nghịch và đen tối của ma quỷ, mà chúng còn mất nhiều sức lực khi bị ánh sáng thánh thiện và rực rỡ này đánh bật ra khỏi ta. Vì vậy mà thánh Tông đồ đã viết: ‘Đừng dập tắt Thần Khí’ (1 Tx 5,19)”.

Nói chung, Chúa Thánh Thần không chiếu giãi ánh sáng trong linh hồn một cách nhiệm lạ, phi thường, nhưng rất đơn giản, qua lời Kinh thánh. Những sự phân định quan trọng nhất trong lịch sử đều đã xẩy ra như vậy. Khi nghe lời Phúc âm nói “Nếu anh muốn nên hoàn thiện..”, Antôn đã hiểu phải làm gì. Từ đó mà bắt đầu có chế độ đan tu. Tương tự như vậy, Phanxicô được ơn soi sáng để bắt đầu phong trào trở về với Phúc âm. Ngài viết trong di chúc: “Sau khi Chúa ban cho tôi các người anh em, không ai cho tôi biết phải làm gì, nhưng chính Chúa cho tôi thấy rằng tôi phải sống theo đúng “Phúc âm thánh”. Quả thực, Chúa đã mạc khải điều ấy cho ngài trong một Thánh lễ, khi ngài được nghe đoạn Phúc âm trong đó Chúa nói với các môn đệ khi sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa: “Đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (x. Lc 9,3).

Ngoài việc lắng nghe lời Chúa, còn có việc xét mình. Đây là cách thông thường nhất để thực hành sự phân định ở tầm mức cá nhân. Nhưng đừng xét mình chỉ để chuẩn bị xưng tội mà thôi, mà đây phải là hành vi thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, để ánh sáng Chúa dò thấu tâm hồn ta. Vì không biết xét mình hoặc xét mình không tốt, nên không biết xưng tội thế nào, hoặc chỉ nhằm cải thiện đời sống đạo đức. Xét mình chỉ để chuẩn bị xưng tội có thể giúp ta nhìn ra một số tội, nhưng không giúp ta có một tương giao với Chúa. Việc xét mình này dễ trở thành bảng liệt kê các tội được xưng thú, để cảm thấy mình khá hơn, chứ không giúp ta có thái độ thống hối thực sự, là thái độ khiến ta cảm nghiệm được niềm vui có Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Chuộc vĩ đại”.

3. Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình

Để bài suy niệm đạt được kết quả, chúng ta quyết định để cho Thần Khí hướng dẫn bên trong chúng ta, như một loại “linh hướng”. Sách Xuất hành viết: “Khi đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trai, cho đến ngày mây lại bay lên” (Xh 40,36-37). Ta cũng vậy, không làm gì nếu Thần Khi không thúc đẩy ta, nếu đã không xin ý kiến của Người trươc.

Về điểm này, chúng ta có gương của chính Đức Giêsu. Ngài không bao giờ làm gì mà không có Chúa Thánh Thần : vào hoang địa với Chúa Thánh Thần, bắt đầu rao giảng với quyền năng của Thánh Thần, cùng với Chúa Thánh Thần chọn các Tông đồ (x. Cv 1,2). Cầu nguyện trong Thần Khí, và cũng trong Thần Khí mà “tự hiến tế mình như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14).

Chúng ta cần thận trọng với cám dỗ này : thay vì nhận lời khuyên bảo của Chúa Thánh Thần, chúng ta lại muốn khuyên Người. Nhưng Kinh thánh nói rõ: “Thần Khí Đức Chúa, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người?” (Is 40,13). Chúa Thánh Thần điều khiển cả thế giới, và không bị ai điều khiển. Người hướng dẫn mà không bị ai hướng dẫn.

Về sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần, Thánh Tôma coi như một thứ “bản năng riêng cho những người công chính”. Ngài viết: “Cũng như trong đời sống thân xác, thân xác được vận hành nhờ linh hồn làm cho nó sống động, thì trong đời sống thiêng liêng, mọi vận hành của ta cũng đều do Chúa Thánh Thần”. Chính như thế mà “luật của Thần Khí” hoạt động. Chính đó là điều mà thánh Tông đồ gọi là “để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18).

Chúng ta phải phó thác cho Chúa Thánh Thần như những dây đàn cho những ngón tay của người chơi đàn. Diễn viên phải cố nghe người nhắc tuồng ẩn mình chỗ nào đó trên sân khấu, để có thể diễn tốt vai trò của mình. Chúng ta cũng vậy, phải nghe tiếng Chúa Thánh Thần nhắc bảo, để diễn tốt vai trò của ta trên sân khấu cuộc đời. Điều này dễ hơn người tưởng, vì người nhắc ở ngay trong chúng ta, dạy ta mọi sự. Đôi khi chỉ cần nhìn vào bên trong, chỉ cần một lời cầu nguyện…

Một thánh Giám mục của thế kỷ II, Mêlitô Sarđê, đã được sử gia Eusêbiô Cêsarêa hết lời ca ngợi: “Trong suốt cuộc đời, ngài đã để Chúa Thánh Thần hướng dẫn làm mọi sự”. Chớ gì lời trên đây cũng được dành cho chúng ta, sau ngày chúng ta về với Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn lòng trí và tất cả cuộc đời ta.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng 2 Mùa Vọng năm 2016 tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều