ĐỨC GIÊSU NADARET

MỘT TRONG CÁC TIÊN TRI ?

 

1. Công cuộc nghiên cứu lần thứ ba

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lới quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1,1-3).

Ở đây, vừa có sự liên tục, vừa có bước nhảy vọt về phẩm chất. Cùng một Thiên Chúa nói, cùng một mạc khải, nhưng mới ở chỗ giờ đây Đấng Mạc Khải trở thành mạc khải, mạc khải và Đấng Mạc Khải trùng hợp với nhau. Công thức dẫn nhập các sấm ngôn rõ ràng minh chứng điều đó : Không còn phải là “Đức Chúa phán bảo”, nhưng là “Tôi nói cho các ông hay”.

Dựa vào lời quyền năng của Thiên Chúa trong đoạn thư Do thái trên đây, chúng ta thử phân biệt những ý kiến hiện nay về Đức Giêsu, bên ngoài cũng như bên trong Giáo hội, để liên kết tiếng nói của chúng ta với tiếng nói của phụng vụ công bố niềm tin vào Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Chúng ta cũng luôn nhớ lại cuộc đối thoại ở Cêsarêa Philipphê, và tự hỏi xem, đối với tôi, Đức Giêsu có phải là “một trong các tiên tri” hay là “Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,14-16).

Trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử về Đức Giêsu, người ta gọi đây là cuộc nghiên cứu lần thứ ba. Sở dĩ gọi thế là để phân biệt với “công cuộc nghiên cứu cũ” dựa vào chủ thuyết duy lý và tự do, từng thống trị tư tưởng cuối thế kỷ XVIII tới cuối thế kỷ XIX, cũng như phân biệt với “công cuộc nghiên cứu mới” bắt đầu khoảng giữa thế kỷ XX, để phản ứng lại những luận đề của Bultmann, vì ông này cho rằng không thể tiếp cận Đức Giêsu lịch sử, vả lại cũng không quan trọng cho đức tin Kitô giáo.

Công cuộc nghiên cứu lần thứ ba này khác với hai lần trước ở điểm nào?  Trước hết, nhờ tìm hiểu các nguồn, người ta xác tín là có thể biết nhiều về Đức Giêsu lịch sử hơn là những gì đã biết trong quá khứ. Đặc biệt khác ở các tiêu chuẩn sử dụng để đạt tới chân lý lịch sử về Đức Giêsu. Trước đây, người ta nghĩ rằng tiêu chuẩn căn bản để thiết lập chân lý lịch sử của một sự kiện hay một lời Đức Giêsu nói, là ở chỗ sự kiện hay lời nói ấy ngược với suy nghĩ hay hành động của những người Do thái đương thời. Bây giờ thì trái lại. Người ta xét đến sự tương hợp có thể có giữa một dữ kiện Phúc âm và truyền thống Do thái thời ấy. Nếu một lời tuyên bố hay một sự kiện được coi là xác thực, vì nó mới mẻ và không giải thích được trong bối cảnh lúc ấy, thì ngày hôm nay, ngược lại, nó xác thực vì có thể giải thích được, dựa vào những gì chúng ta biết về Do thái giáo và về tình hình xã hội ở Galilê.

Hiển nhiên cách tiếp cận mới mẻ này có một số lợi điểm. Có sự liên tục của mạc khải. Đức Giêsu vẫn ở giữa lòng thế giới Do thái, theo đường hướng các tiên tri trong Kinh thánh. Khác với trước đây, khi có thời người ta đã tưởng chỉ cần nại tới các ảnh hưởng của thế giới Hy lạp là có thể cắt nghĩa tất cả Kitô giáo.

Vấn đề là người ta đã đi quá xa nên thất bại. Trong ý nghĩ của nhiều đại biểu thuộc nhóm thứ ba, Đức Giêsu cuối cùng hoàn toàn tan biến trong thế giới Do thái, chỉ nổi hơn một chút trong một vài chi tiết hay một vài cách giải thích Torah. Ngài chỉ là một trong các tiên tri Do thái, thuộc vào số những “lữ khách có đặc sủng”. Chình theo nghĩa này mà một tác giả đã viết cuốn sách có tựa đề “Đức Giêsu lịch sử, Cuộc đời của một nông dân Do thái vùng Địa Trung hải”. Muốn có được sự liên tục, người ta lại đánh mất nét mới mẻ. Người ta quảng bá Đức Giêsu như một người Do thái hầu như không làm điều gì mới, dầu vậy vẫn cho là Ngài đã làm thay đổi thế giới.

Người ta tiếp tục trách những nhà nghiên cứu cũ đã tạo ra hình ảnh Đức Giêsu theo thị hiếu của người đương thời, mà không biết rằng chính mình cũng đang làm như vậy. Người ta nhấn mạnh Đức Giêsu chỉ là một trong số những người Do thái, một phần là để sửa chữa những sai lầm lịch sử được gán cho dân tộc này, đồng thời để cổ võ việc đối thoại giữa người Do thái và người Kitô hữu. Mục tiêu thì tốt nhưng phương tiện lại sai. Nói cho cùng, đây chỉ là hình thức phò Do thái ngoài mặt. Thực ra, người Do thái phải chịu trách nhiệm là đã không nhìn nhận một người của mình, người đã rao giảng một giáo thuyết có thể tương hợp với những gì họ tin.

2. Giáo sĩ Do thái Neusner và Đức Bênêđitô XVI

Chính giáo sĩ Do thái người Hoa kỳ, Jacob Neusner, nhấn mạnh rằng dùng đường lối trên đây để phục vụ cho việc đối thoại giữa Kitô giáo và Do thái giáo là chuyện ảo tưởng. Ai đã đọc cuốn “Đức Giêsu thành Nadaret” của Đức Bênêđitô XVI đều biết tư tưởng của giáo sĩ này. Chính ông đã cho xuất bản cuốn “Một giáo sĩ Do thái nói với Đức Giêsu”, trong đó ông tưởng tượng mình là người sống cùng thời với Chúa, có lần cùng với đám đông dân chúng đi theo Ngài và nghe Bài giảng Trên núi. Cho dù hài lòng với giáo huấn và con người của Ngài, rốt cuộc ông cho biết lý do vì sao không thể làm môn đệ Ngài, và vẫn trung thành với Torah. Lý do là thế này : để có thể chấp nhận lời Đức Giêsu giảng dạy, phải công nhận Ngài có quyền như Thiên Chúa. Ngài không chỉ hoàn tất Lề luật, mà thay thế Lề luật.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, giáo sĩ trở lại hội đường, và có một cuộc đối thoại thật cảm động với thày của ông như sau:

- Đức Giêsu của anh có bỏ qua điều gì (trong Torah) không?

- Thưa, không bỏ qua điều gì

- Ông ấy có thêm thắt điều gì không?

- Thưa có, chính ông ấy.

Một sự trùng hợp thú vị : Đây cũng là câu trả lời của thánh Irênê (thế kỷ II) cho những ai muốn biết điều mới mẻ được Đức Kitô đem đến thế gian. Thánh Giám mục viết: “Ngài đã đem đến sự mới mẻ khi đem đến chính Ngài” (omnem novitatem attulit semetipsum afferens).

Neusner nhấn mạnh rằng không thể coi Đức Giêsu là một người Do thái “bình thường” thời đó, hoặc chỉ khác với đồng bào của Ngài trong những điểm không quan trọng lắm.. Ông cũng có công lớn khi cho thấy mọi cố gắng tách biệt Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của niềm tin là vô lối. Cho dù khoa phê bình không chấp nhận những tước hiệu được gán cho Ngài lúc sinh tiền, như Mêsia, Chúa, Con Thiên Chúa.., nhưng những gì còn lại trong Phúc âm là quá đủ để chứng minh rằng Ngài đã không coi mình như một con người thuần túy. Cũng như chỉ cần một sợi tóc, một giọt mồ hôi là đủ để biết ADN của một người, cũng vậy, chỉ một lời nói của Chúa trong Phúc âm là đủ để chứng minh rằng Đức Giêsu ý thức mình hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa.

Là một tín hữu Do thái trung thành, Neusner biết câu sau đây có nghĩa gì: “Con người là chủ ngày sabbat” (Mt 12,8), vì ngày sabbat là “định chế” do Thiên Chúa đặt ra. Hoặc như câu: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy…đến và theo Ta” (Mt 19,21). Dạng thức thánh thiện của Cựu ước là bắt chước Thiên Chúa (Lv19,2: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”), được thay thế bằng dạng thức mới là bắt chước Đức Kitô. Tác giả cũng biết rằng Đức Giêsu phải coi mình là Chúa nên mới không giữ điều răn thứ tư, khi Ngài truyền cho một người không cần chu toàn bổn phận chôn cất cha mình. Chú giải các lời tuyên bố của Đức Giêsu, ông quả quyết: “Chính Đức Kitô của niềm tin là người đang nói ở đây”.

Đức Bênêđitô đã giải đáp rất thuyết phục những vấn nạn của giáo sĩ Neusner. Câu trả lời của Đức Giáo hoàng làm ta nghĩ đến câu trả lời của Đức Giêsu cho những người được Gioan sai tới hỏi Ngài: “Ông có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi một ai khác?”. Đức Giêsu không chỉ đòi hỏi cho mình uy quyền của Thiên Chúa, Ngài còn làm những dấu lạ và những bảo đảm để minh chứng : những phép lạ, giáo huấn (không chỉ có Bài giảng Trên núi), việc hoàn tất lời các tiên tri, nhất là những gì Môsê đã từng nói về một tiên tri giống ông và cao trọng hơn ông. Rồi cái chết của Ngài, sự sống lại của Ngài, cộng đồng tín hữu phát sinh từ Ngài, tất cả cho thấy ơn cứu độ phổ quát mà các tiên tri đã từng loan báo, giờ đây được thực hiện.

3. “Hãy khuyên bảo nhau”

Ở đây, cần đưa ra một nhận xét : vấn đề tương quan giữa Đức Giêsu và các tiên tri không chỉ được đặt ra trong khung cảnh cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Do thái giáo, mà còn giữa lòng thần học Công giáo, nơi không thiếu những cố gắng dùng phạm trù tiên tri để giải thích nhân cách của Đức Giêsu.

Vả lại, cố gắng này cũng không phải là mới. Những người như Phaolô Samôsat, Fotinô, và nhiều người khác ngày xưa đã làm chuyện này, có khi sử dụng những hạn từ hầu như giống nhau. Thời ấy, trong một văn hóa có chiều hướng siêu hình, người ta nói về vị tiên tri vĩ đại nhất. Ngày nay, trong một văn hóa có chiều hướng lịch sử, người ta nói về vị tiên tri thời cánh chung. Nhưng cánh chung có thực sự khác với tối cao chăng? Chẳng lẽ một tiên tri cao trọng nhất lại không thể đồng thời là tiên tri vĩnh viễn, và một tiên tri vĩnh viễn lại không thể đồng thời là tiên tri cao trọng nhất trong các tiên tri sao?

Thực ra, chúng ta không muốn đi sâu vào những cuộc tranh luận này. Chúng ta chỉ muốn, từ những suy tư được đưa ra cho tới lúc này, rút ra những áp dụng thực tiễn cho việc hoán cải và thức tỉnh thiêng liêng.

Sau khi nói đến sự trổi vượt của Đức Kitô so với Môsê và các tiên tri, thì trong phần kết luận, thư Do thái không nhấn mạnh sự trổi vượt của Kitô giáo trong tâm trạng đắc thắng, nhưng là trách nhiệm của người Kitô hữu trước mặt Thiên Chúa. Thư viết như sau:

“Vì thế, chúng ta càng phải chú tâm hơn nữa vào những lời đã nghe, kẻo bị cuốn trôi đi mất. Quả vậy, nếu lời được các thiên thần loan báo đã có hiệu lực, và nếu mọi vi phạm cũng như bất tuân đều bị phạt đích đáng, thì làm sao chúng ta thoát khỏi, nếu chúng ta thờ ơ vơi ơn cứu độ như thế” (Dt 2,1-3), và “Ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt” (Dt 3,13).

Trong chương 10, tác giả viết thêm: “Ai khinh thường luật Môsê, theo lời chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay. Phương chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao ước đã thánh hiến mình, và nhục mạ Thần khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy” (Dt 10,28-29).

Lời mà chúng ta muốn dùng để khuyên bảo nhau, như tác giả mời gọi, là lời kêu gọi quen thuộc trong Mùa Vọng: “Hãy tỉnh thức”. Có một ghi nhận thật thú vị : Khi lời trên được lặp đi lặp lại trong Mùa Phục sinh, thì hầu như luôn làm cho người ta cảm động hơn. Không phải “Hãy tỉnh thức”, nhưng là “Hãy chỗi dậy”. Từ tình trạng tỉnh thức sang hành vi chỗi dậy.

Có thể thấy một nhận xét căn bản này : Trong cuộc đời, chúng ta thường có nguy cơ rơi lại vào giấc ngủ, tức là vào một tình trạng mà các quan năng của ta ngưng lại, một tình trạng uể oải lơ là về đường thiêng liêng. Vật chất mê hoặc tâm hồn chúng ta. Trong trường hợp này, Đức Giêsu từng có lời khuyên: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34).

Một điều có thể có ích cho ta là xét mình, lắng nghe lại lời thánh Augustinô nói trong cuốn Tự Thú, về tình trạng nửa thức nửa ngủ này:

“Hành lý của thế gian này đối với con, y như người ta nằm mơ, là nhẹ nhàng, còn khi con suy nghĩ về hữu thể của Ngài, tư tưởng của con tựa như những cố gắng của một người muốn thức giấc, và sau khi đã mở choàng mắt, lại ngủ tiếp…; con biết chắc rằng miệt mài với tình yêu Chúa vẫn tốt cho con hơn là buông thả cho dục vọng, nhưng nếu tình yêu Chúa làm con yêu thích và mê say, thì con vẫn thích thú với dục vọng, và bị nó trấn giữ. “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ. Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào. Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi” (Ep 5,14) con không đáp lại được lời nào, rằng lời Chúa là chân thật, và bằng chứng là khắp nơi, chân lý khiến con câm miệng. Con không có gì để đáp lại ngoại trừ những lời lẽ uể oải, đầy ngái ngủ như: “Có ngay, được rồi, tức khắc và kiên nhẫn đi. Thêm một chút thời gian nữa đi”. Nhưng những câu “có ngay, tức khắc” thì chẳng có gì tức khắc cả, và “một chút thời gian nữa” cứ mãi mãi kéo dài” (Conf. VIII).

Chúng ta biết cuối cùng Augustinô đã thoát khỏi tình trạng này như thế nào. Ở Milanô, đang lúc bị xâu xé giữa xác thịt và thần trí, ngài nghe thấy có tiếng nói : Hãy cầm lấy và hãy đọc (Tolle et lege). Ngài cho đây là lời Thiên Chúa mời gọi. Đang cầm trong tay cuốn sách chép những lá thư của Phaolô, ngài mở ra, nghĩ bụng lời đầu tiên tìm thấy chính là lời Chúa muốn nói với mình. Những lời đầu tiên này ở trong thư Rôma: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã đến gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,11-14). Một luồng ánh sáng an tịnh chiếu qua thân xác và linh hồn của Augustinô, và ngài hiểu rằng, được Thiên Chúa trợ giúp, ngài có thể sống khiết tịnh.

 

4. “Xin ban cho con sự khiết tịnh và tiết dục”

Roberto Benigni, diễn viên hài nổi tiếng của Ý trong những năm qua (vai chính trong phim Life is beautiful), được nhiều người ưa thích. Trong một buổi truyền thông, có lẽ không nghĩ trước, ông đã buột miệng nói ra một lời có thể nói là độc hại đối với giới trẻ. Ông bảo họ đừng sợ đam mê, đừng sợ yêu thử, đừng sợ chuyện có quan hệ xác thịt trước với nhau. Để hỗ trợ cho lời kêu gọi của mình, ông trích dẫn lời của Augustinô thưa với Thiên Chúa: “Xin ban cho con sự khiết tịnh và tiết dục, nhưng chưa phải bây giờ” (Conf. VIII), như thể tiên vàn cứ thử xem sao, rồi sau này khi về già, không còn vấn đề nữa, thì lúc ấy mới thực tập sự khiết tịnh!

Diễn viên trích thánh Augustinô, nhưng bỏ qua một điều quan trong : thánh nhân sau đó đã phải hối hận khi cầu nguyện như vậy lúc còn trẻ, và đã phải khóc lóc nhiều, khi tìm cách thoát khỏi cảnh làm tôi cho đam mê này của mình. Diễn viên cũng bỏ qua không nhắc tới lời kinh được Augustinô đọc lên thay thế cho lời cầu nguyện trên, sau khi ngài tìm lại được tự do: “Chúa đã truyền cho con khiết tịnh, thì xin ban cho con điều Chúa truyền, và truyền cho con làm điều Chúa muốn” (Conf. IX).

Chúng ta không tin rằng tuổi trẻ ngày nay cần được khuyến khích “yêu thử”, phá vỡ rào cản. Chúng cần những con người khơi lên nơi chúng những lý do có giá trị, chắc chắn không phải để sợ thân xác và tình yêu, nhưng ít nhất để sợ làm băng hoại thân xác và tình yêu.

Trong bài thơ về Hỏa ngục (trong tập Thần Khúc), thi sĩ Dante đã nêu ra một trong những lý do sâu xa. Điều dữ là bắt lý trí lụy phục bản năng, thay vì bắt bản năng lụy phúc lý trí: “Tôi nghe biết là những người phạm tội xác thịt, những người bắt lý trí lụy phục sự thèm khát, đã bị kết án chịu khổ hình này”. Sự thèm khát có chức năng của nó, nếu nó lụy phục lý trí, bằng không, nó sẽ trở thành kẻ thù của tình yêu, đưa đến những lỗi phạm xấu xa nhất.

Ở đây, chúng ta chỉ nói những gì trực tiếp hơn với chúng ta. Chắc chắn đời sống thiêng liêng không chỉ là việc giữ đức khiết tịnh và trong sạch, nhưng nếu không giữ, sẽ không thể cố gắng trong những việc khác. Như thánh Phaolô nói trong thư Rôma, sự trong sạch thực sự là một “khí giới sự sáng”, một điều kiện để ánh sáng Đức Kitô lan tỏa chung quanh ta và xuyên qua ta.

Ngày nay, người ta có khuynh hướng đối nghịch tội lỗi đức trong sạch và tội lỗi đức bác ái, và thường coi tội chống lại người khác mới thực sự là tội. Đôi khi người ta còn chế nhạo việc quá quý trọng nhân đức trong sạch, được người xưa gọi là “nhân đức tốt đẹp”. Có thể hiểu được một phần lý do. Trong quá khứ, do quá nhấn mạnh, và nhấn mạnh cách thiên lệch, những tội xác thịt, môn luân lý học ít quan tâm hơn đến những bổn phận đối với người khác. Việc nhấn mạnh như vậy đồng thời cũng gây hại cho chính đức trong sạch, vì coi nhân đức này hoàn toàn có tính cách tiêu cực, chỉ biết nói “không”.

Ngày nay chúng ta lại chứng kiến một sự đảo ngược thái quá, một khuynh hướng giảm nhẹ tội lỗi đức trong sạch, để chỉ chú ý tới người khác. Thực ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể phục vụ người khác cách trung thực, tức đòi hy sinh, quảng đại, quên mình, trong khi đời sống riêng lại vô trật tự, chỉ biết làm thỏa mãn tính xác thịt và đam mê. Người không biết nói “không” với chính mình, không thể nói “có” với anh em.

Trong não trạng của nhiều người, một trong những lý lẽ viện ra để bào chữa cho tội lỗi đức trong sạch, để không chịu trách nhiệm nào cả, đó là : Tôi đâu có làm thiệt hại ai, tôi đâu có xúc phạm đến quyền và sự tự do của ai (trừ khi có bạo hành thân xác). Nghĩ sao về lời biện minh trên đây? Chưa kể lỗi đức trong sạch là xúc phạm đến luật căn bản của Thiên Chúa, lý do bào chữa trên đây cũng sai cả trong tương quan với người khác, vì tội này không chỉ liên hệ với người phạm tội.

Sách Talmud (sách diễn giải Kinh thánh) của các giáo sĩ Do thái có kể một câu chuyện ngụ ngôn cho thấy rõ sự liên đới trên đây, cũng như sự nguy hại mà tội của một người gây ra cho những người khác : Có nhiều người cùng đi trên một chiếc thuyền. Một người trong bọn táy máy khoan một lỗ nhỏ dưới chỗ mình ngồi. Những người khác trông thấy đều lên tiếng can ngăn. Người kia trả lời: có hệ gì đến các anh đâu, tôi khoan dưới chỗ tôi ngồi mà! Cả bọn nhao nhao phản đối : Nhưng nước sẽ tràn vào thuyền và chúng ta sẽ chết đuối hết.

Việc làm sai trái của một người liên hệ với người khác cũng từa tựa như thế. Và phải chăng đây cũng là điều đang xẩy ra trong xã hội hôm nay? Chính Giáo hội biết rõ tội của một số linh mục về vấn đề này tác hại như thế nào cho toàn thể Giáo hội.

Chúa Giêsu nói với Mẹ thánh Têrêxa Calcutta, khi Ngài kêu gọi Mẹ đi thi hành một sứ vụ mới: “Hãy đến, hãy là ánh sáng của Ta (trên thế giới)” (“Come, be my light”). Đây cũng là lời Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta. Cùng với lời chuyển cầu và ơn trợ giúp của Đức Maria, chúng ta muốn đón nhận lời ấy với tất cả tình yêu, và cố thực hiện trong đời sống.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2007, tại Phủ Giáo hoàng)

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều