LINH MỤC.

TÔI TỚ VÀ BẠN HỮU CỦA CHÚA KITÔ

 

1.  Nguồn mạch chức tư tế

Cồng đồng Vatican đã dành trọn một sắc lệnh, tức sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, để bàn về chức linh mục. Năm 1992, Đức Gioan Phaolô ban hành tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục Pastores dabo vobis về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Còn Đức Benêđitô XVI, nhân năm linh mục 2009 do ngài mở ra, đã ban hành một văn kiện, tuy vắn, nhưng súc tích về linh mục, dựa vào cuộc đời của cha thánh Gioan Maria Vianney. Ngoài ra, về đề tài này, còn vô số những diễn từ hay bài viết của các mục tử cũng như của các tác giả.

Vậy chúng ta có thể nói gì thêm trong một bài suy niệm hạn chế? Có một nhà giảng thuyết, khi khởi đầu bài giảng tuần tĩnh tâm, đã nói như sau: “Non nova ut sciatis, sed vetera ut faciatis”. Quan trọng không phải là biết những gì mới, nhưng là thực hành những gì đã biết. Ở đây, chúng ta chỉ muốn dựa vào lời Chúa để khơi dậy một vài ý tưởng hy vọng có thể đánh động lòng trí chúng ta.

Lời Chúa chúng ta muốn dựa vào là lời thư Corintô (1Cr 4,1) mà nhiều người chắc đã quen: “Sic nos existimet homo ut ministros Christi et dispensatores mysteriorum Dei” (Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những tôi tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa). Ngoài ra, để làm sáng tỏ một vài khía cạnh, chúng ta dựa thêm vào câu định nghĩa về linh mục trong thư gửi tín hữu Do thái: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội” (Dt 5,1).

Những lời trên đây có lợi là dẫn chúng ta tới gốc rễ chung của mọi chức linh mục, lúc thừa tác vụ tông đồ chưa phân chia thành ba cấp bậc giám mục, linh mục và phó tế. Chỉ sang thế kỷ II, thời thánh Ignatiô Antiokia, mới thấy rõ sự phân chia này. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo làm nổi bật gốc rễ chung khi định nghĩa chức thánh là “bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ” (số 1536).

Chúng ta muốn suy niệm dựa vào ý nghĩa đầu tiên này, để có thể hiểu yếu tính của thừa tác vụ linh mục. Ở đây, chúng ta chỉ suy nghĩ về khía cạnh thứ nhất của lời thư Corintô, tức là suy nghĩ về linh mục như là những tôi tớ của Chúa Kitô, tôi tớ với tất cả sự đẹp đẽ, cao cả của tước hiệu này.

Chúng ta chưa muốn nói đến những sự phục vụ thuộc thừa tác vụ, như rao giảng và ban các bí tích (sẽ nói nếu có dịp). Có nghĩa là không nói về sự phục vụ như là những hành vi, nhưng như một tình trạng, một ơn gọi cơ bản, một cái gì đó thuộc chân tính của linh mục. Và chúng ta cũng nói dựa vào tinh thần của Phaolô, người luôn luôn tự coi mình là tôi tớ của Đức Kitô, được ơn gọi làm tông đồ, như ngài vẫn xác nhận ở đầu mỗi lá thư.

Dĩ nhiên, người kitô hữu nào cũng đều là tôi tớ của Chúa, nhưng linh mục là tôi tớ với một tước hiệu và một ý nghĩa đặc biệt. Cũng như người được rửa tội nào cũng đều là linh mục, nhưng thừa tác viên có chức thánh là linh mục với một tước hiệu và một ý nghĩa khác hơn và cao quý hơn.

2.  Những người tiếp nối công trình của Chúa Kitô

Sự phục vụ chủ yếu của linh mục, theo lời mời gọi của Chúa Kitô, là tiếp tục công trình của Ngài trên thế giới. “Như Cha đã sai Thày, thì Thày cũng sai anh em” (Ga 20,21). Trong thư gửi tín hữu Corintô, ĐGH Clêmentê đã diễn giải lời trên như sau: “Đức Kitô được Thiên Chúa sai đi, còn các Tông Đồ được Đức Kitô sai đi… Các ngài rao giảng khắp nơi trong các làng mạc và thành phố, đặt những người kế nhiệm đầu tiên, những người này được Thần Khí thử luyện để trở thành giám mục và phó tế”. Đức Kitô được Chúa Cha sai đi, các Tông Đồ được Đức Kitô sai đi, các giám mục được các Tông Đồ sai đi. Đó là phát biểu đầu tiên về nguyên lý kế tục tông đồ.

Tuy vậy, lời Chúa Giêsu nói trên đây không chỉ có ý nghĩa pháp lý và chính thức. Nói cách khác, nó không chỉ đặt nền móng cho quyền của các thừa tác viên có chức thánh được giảng dạy như là những người được Chúa Kitô sai đi. Nó còn cho thấy động lực và nội dung của lệnh truyền, không khác với lệnh truyền mà chính Chúa Kitô nhận được từ Chúa Cha. Vì sao Chúa Cha sai Con mình đến trong thế gian? Chúng ta không thể nói hết lý do, vì muốn nói hết, phải đọc tất cả Phúc âm. Chúng ta chỉ dựa vào mấy lời tuyên bố của Chúa.

Trước Philatô, Chúa long trọng xác nhận: “Tôi đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vậy đối với linh mục, tiếp tục công trình của Chúa bao gồm việc làm chứng cho sự thật. Theo Gioan, từ “sự thật” (aletheia) có hai nghĩa mà chúng ta phải để ý. Sự thật vừa là thực tại Thiên Chúa vừa là biết về thực tại đó, vừa có ý nghĩa hữu thể học hay khách quan, vừa có ý nghĩa tri thức hay chủ quan. Sự thật là “thực tại vĩnh cửu như đã được mạc khải cho con người, sự thật vừa có liên hệ với chính thực tại, vừa có liên hệ với mạc khải về thực tại” (H. Dodd).

Cách giải thích truyền thống thường hiểu “sự thật” theo nghĩa mạc khải và hiểu biết về sự thật, như một chân lý thuộc tín điều. Chắc chắn đây là một nhiêm vụ chủ yếu. Giáo Hội đã chu toàn nhiêm vụ này qua huấn quyền, các công đồng, các nhà thần học, và từng linh mục là người rao giảng “giáo lý lành mạnh” cho dân Chúa.

Tuy vậy, không nên quên ý nghĩa thứ hai về sự thật được Gioan nói đến, ý nghĩa về thực tại được biết đến, hơn là sự hiểu biết thực tại ấy. Nếu vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội và của mỗi linh mục không chỉ giới hạn vào việc công bố những chân lý đức tin, mà còn phải giúp cho người ta cảm nghiệm được chân lý đó, có được mối tương giao sâu xa và cá nhân với thực tại Thiên Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần.

Thánh Tôma Aquinô nói: “Đức tin không dừng lại ở lời phát biểu, nhưng nơi sự vật” (Fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem). Cũng theo cách đó, các thày dạy đức tin không thể chỉ giảng dạy những chân lý đức tin, không chỉ giúp cho người ta có ý tưởng về Thiên Chúa, mà còn phải giúp cho họ cảm nghiệm về Ngài, biết Ngài theo nghĩa Kinh thánh.

Lời tuyên bố thứ hai của Chúa Giêsu mà chúng ta muốn suy niệm là lời Ngài nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Phải đọc câu này dựa vào câu Chúa nói ngay trước đó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con một, để ai tin vào người Con ấy thì không hư mất, nhưng được sống đời đời”. Chúa Giêsu đã đến mạc khải cho con người ý muốn cứu độ và tình yêu của Chúa Cha. Tất cả việc rao giảng của Ngài tóm tắt trong lời Ngài nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc ly: “Chúa Cha yêu mến anh em” (Ga 16,27).

Tiếp tục công trình của Chúa Kitô trên thế giới có nghĩa là chấp nhận thái độ nền tảng này của Chúa đối với con người, ngay cả đối với những người xa cách nhất. Không phải là xét xử, nhưng là cứu độ. Cách đối xử với con người mà thư Do thái rất nhấn mạnh khi mô tả khuôn mặt của Chúa Kitô như Vị Thượng Tế, cũng như khuôn mặt của mọi linh mục, cần phải được lưu ý: đó là có thiện cảm, ý thức về sự liên đới, có lòng trắc ẩn.

Nói về Chúa Kitô, thư Do thái viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Còn về linh mục thì đó là người “được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối, mà vì yếu đuối, nên người phải dùng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5,1-3).

Thực ra đọc trong Phúc âm, ta thấy cũng có lúc Chúa tỏ ra nghiêm khắc, xử sự như quan tòa và lên án. Nhưng nghiêm khắc với ai? Không phải đối với lê dân đi theo và nghe Ngài giảng, nhưng là đối với những kẻ giả hình, những kẻ tự mãn về mình, những bậc thày và người chỉ đạo trong dân. Chúa không phải hạng người chỉ “mạnh với kẻ yếu” nhưng lại “yếu trước kẻ mạnh”, như một số nhà chính trị phê phán về Ngài. Nhưng cách hành xử của Ngài thì ngược lại.

3.  Người tiếp tục chứ không phải kế vị

Chúng ta có thể nói về các linh mục như là những người tiếp tục công trình của Chúa Kitô theo nghĩa nào?

Trong mọi thể chế của con người ngày hôm nay, người kế vị tiếp tục công trình, nhưng không phải là người sáng lập. Đôi khi người ta thay đổi hoặc không công nhận người sáng lập nữa, nhưng trong Giáo Hội thì không như vậy. Chúa Giêsu không có những người kế vị, vì ngài không chết những vẫn sống.

Vậy đâu là nhiệm vụ của các thừa tác viên? Nhiệm vụ đó là làm cho Chúa Kitô hiện diện, làm cho sự hiện diện vô hình của Ngài trở thành hiện diện hữu hình. Chiều kích tiên tri của chức tư tế là ở đó. Trước Chúa Kitô, nhiệm vụ của tiên tri chủ yếu là loan báo ơn cứu độ tương lai, “trong những ngày sau cùng”. Sau Chúa Kitô, nhiệm vụ ấy là mạc khải cho thế giới sự hiện diện ẩn giấu của Chúa Kitô, là kêu lên như Gioan Tẩy Giả: “Có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết”.

Một hôm, có mấy người Hy Lạp “đến gặp ông Philipphê … và nói: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12,21). Bất cứ ai ngày nay đến với linh mục đều xin cách tương tự.

Thánh Grêgoriô Nyssê đã đưa ra một kiểu nói nổi tiếng, thường áp dụng vào kinh nghiệm của các nhà thần bí. Kiểu nói đó là “Cảm thức về sự hiện diện”. Cảm thức về sự hiện diện có gì khác hơn là lòng tin đơn thuần vào sự hiện diện của Chúa Kitô. Đây là một cảm thức sống động, sự nhận thức gần như thể lý về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Nếu điều đó thuộc về thần bí, thì có nghĩa là mọi linh mục đều phải là nhà thần bí, hoặc ít nhất là người dẫn vào mầu nhiệm (mystagogue), đưa người ta đi vao mầu nhiệm của Thiên Chúa và của Chúa Kitô.

4.  Tôi tớ và bạn hữu

Giờ đây, chúng ta cần suy nghĩ thêm một bước nữa, suy nghĩ về linh mục như là tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, danh xưng này không bao giờ đứng một mình, mà luôn đi kèm với một danh xưng khác, ít nhất như chúng ta muốn. Danh xưng khác này là bạn hữu.

Gốc rễ chung của mọi thừa tác vụ thánh là việc Chúa Giêsu lựa chọn Nhóm Mười Hai, và thiết lập chức linh mục. Theo phụng vụ, Chúa Giêsu đã lập ra chức linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh, dựa vào lời Chúa nói sau khi lập Phép Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chính lời này cũng giả thiết việc lựa chọn Nhóm Mười Hai, chưa kể chỉ nguyên lời đó còn biện minh cho vai trò của linh mục là người thánh hóa, người cử hành phụng vụ.

Chúa đã nói gì vào dịp này? Tại sao Ngài đã chọn Nhóm Mười Hai sau khi đã cầu nguyện suốt đêm? “Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giàng” (Mc 3,14-15). Ở với Chúa và đi rao giảng. Ở và đi, nhận và cho. Nhiệm vụ của các cộng tác viên của Chúa chủ yếu là ở mấy chữ đó.

Chắc chắn ở với Chúa Giêsu không chỉ là gần gũi bằng thân xác. Đây là tất cả sự phong phú còn trong tình trạng phôi thai mà Phaolô nói đến bằng mấy chữ “trong Chúa Kitô” hoặc “với Chúa Kitô”. Điều này có nghĩa là chia sẻ với Đức Kitô trong mọi sự: cuộc sống nay đây mai đó của Ngài, tư tưởng của Ngài, mục tiêu của Ngài, tinh thần của Ngài. “Bạn đồng hành”, theo gốc la tinh như thời Trung cổ hiểu, là người ăn cùng một tấm bánh (compagnon = cum + panis).

Trong diễn từ giã biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã bổ túc ý nghĩa đồng hành bằng ý nghĩa bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thày gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thày nghe được nơi Cha của Thày, Thày đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Trong lời đầy yêu thương này của Chúa, có một điều gì đó phải làm cho chúng ta xúc động. Không xúc động sao được khi chúng ta, vốn là tạo vật thấp hèn, tội lỗi như mọi người, được Chúa thương cho làm tôi tớ phục vụ đã là điều quá hạnh phúc! Đàng này, Chúa lại còn coi là bạn hữu của Ngài, bạn của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Thánh Phaolô, khi nói về tình yêu của Chúa Giêsu, dường như cũng luôn xúc động: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35), “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Chúng ta, nhất là cánh đàn ông thường không thích biểu lộ xúc động, có khi còn xấu hổ vì nó. Đó là vì chúng ta chưa lường hết sự đẹp đẽ của nó. Cứ nhìn vào gương của Chúa mà coi. Chúng ta thấy Chúa “chạnh lòng thương” (Lc 7,13) trước bà góa Naim, thổn thức và xao xuyến trong lòng trước hai chị em Matta và Maria, khóc thương Lazarô (Ga 11,33.35). Linh mục xúc động khi nói về tình yêu của Thiên Chúa, về những đau khổ của Chúa Kitô, thì nhiều khi điều đó có giá trị thuyết phục hơn là những biện luận minh giải này khác. Xúc động không hẳn là lúc nào cũng phải khóc, nhưng là có cái gì đó người ta có thể thấy trong đôi mắt, nghe được trong giọng nói. Trong Thánh Kinh những lần Thiên Chúa xúc động không phải là hiếm.

5.  Hồn của chức tư tế

Một mối liên hệ cá nhân, đầy tin tưởng và bạn hữu với Chúa Giêsu làm nên hồn của chức tư tế. Tôi dùng kiểu nói “hồn của chức tư tế” vì liên tưởng tới một cuốn sách nổi tiếng của cha Chautard có tựa đề là L’âme de tout apostolat, đã được dịch sang tiếng Việt là “Hồn tông đồ”. Đây là cuốn sách đã mang lại nhiều lợi ích cho vô số người trước Công đồng Vatican II. Vào một thời có rất nhiều phương tiện được đưa ra nhằm giúp cho việc tông đồ tại các giáo xứ thành công hơn, như phim ảnh, các sáng kiến về xã hội, các nhóm văn hóa…, khiến cho nhiều người cảm thấy phấn khởi, thì tác giả lại đưa người ta về với trọng tâm của vấn đề, đồng thời gióng lên tiếng nói về mối nguy của một hoạt động trống rỗng, nặng hình thức bên ngoài. Tác giả viết: “Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu phải là sự sống của các công trình”.

Không phải tác giả coi nhẹ tầm quan trọng của các hoạt động mục vụ, nhưng khẳng định rằng, nếu không có sự sống hiệp thông với Chúa, những hoạt động ấy sẽ khập khiễng, hoặc, nói mạnh hơn như thánh Bênađô, chúng chỉ là những “công việc đáng nguyền rủa”.

Chúa nói với Phêrô: “Simon, anh có mến Thày không? Hãy chăn các chiên của Thầy”. Hoạt động mục vụ của mọi thừa tác viên trong Giáo Hội, dù ở cấp bậc nào đi nữa, cũng chỉ là cách diễn tả cụ thể tình yêu dành cho Chúa Kitô. Phải yêu Thầy đã rồi mới chăn dắt. Chính tình yêu đối với Chúa làm nên sự khác biệt giữa một linh mục công chức và một linh mục tôi tớ của Chúa, phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa.

Sách của cha Chautard, “Hồn tông đồ”, nếu đổi tựa đề là “Hồn của chức tư tế”, cũng không có gì sai, vì trong cả cuốn sách, thực tế là nói về linh mục, như là người có trách nhiệm hàng đầu về mục vụ trong Giáo Hội. Hồi ấy, nguy hiểm mà người ta muốn chống lại là khuynh hướng Mỹ (l’américanisme: nhắm tới hoạt động, không thích chiêm niệm, đề cao những nhân đức được coi là làm phát triển con người thời đại mới, mà không ưa những nhân đức được coi là thụ động, tiêu cực như nhịn nhục, hy sinh… American way of life lôi kéo theo American way of faith!). Quả thực, cha Chautard đã nhiều lần nhắc tới tông thư của Đức Lêô XIII “Testem bene volentiae” lên án khuynh hướng này. (Nói đúng ra, một số vấn đề của khuynh hướng này không có gì đáng lên án hết. Một phần những đòi hỏi của tín hữu Mỹ, đặc biệt của phong trào do cha Isaac Hecker khởi xướng, người đã thiết lập dòng Paulist Fathers, được coi là nhiễm khuynh hướng Mỹ, chẳng hạn đòi tự do tôn giáo, nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với thế giới hiện đại, thì chính là những đòi hỏi có tính chất tiên tri, đã được Vatican II nhận làm của mình!)

Ngày nay, khuynh hướng này không còn là riêng của Mỹ, nhưng là mối đe dọa cho tất cả hàng giáo sĩ trong Giáo Hội, với hình thức hiếu động quá đáng.

Bước đầu tiên để làm cho Chúa Giêsu trở thành hồn của chức tư tế là hãy coi Ngài như một ngôi vị, chứ không phải như một nhân vật. Người ta có thể tha hồ nói về một nhân vật, nhưng không một ai nghĩ phải nói với nhân vật đó. Nói về César thì được, nhưng không ai nói với César cả. Nói với César, hẳn sẽ bị coi là người mắc bệnh tâm thần. Chuyện “nói với” là dành cho một ngôi vị. Ngôi vị là người mà người ta có thể nói với. Bao lâu Chúa Giêsu chỉ là Đấng được bàn trong sách vở, trong các tín điều mà người ta tin, hoặc chỉ được coi như một con người trong lịch sử được nhớ đến, mà không phải một Đấng đang hiện diện, thì Ngài vẫn chỉ là một nhân vật. Cho nên, phải xác tín Ngài đang sống và hiện diện, và nói với Ngài thì quan trọng hơn là nói về Ngài.

Một trong những đặc tính đẹp đẽ nhất nơi khuôn mặt của linh mục Don Camillo, nhân vật chính trong các tác phẩm của Guareschi, là cách ngài lớn tiếng thưa với Chúa Giêsu trên thập giá về tất cả những gì xẩy ra trong giáo xứ ngài coi sóc. Nếu chúng ta tập thói quen làm như ngài, một cách bộc phát, bằng lời lẽ riêng của chúng ta, chắc hẳn sẽ có nhiều thay đổi trong cuộc đời linh mục của chúng ta. Khi đó, chúng ta hiểu rằng tiếng của mình không rơi vào khoảng không, nhưng là đang thưa lên một Đấng đang hiện diện, lắng nghe và trả lời ta, cho dù Ngài không nói lớn tiếng như đã nói với Don Camillo.

Cũng như mọi công trình sáng tạo bên ngoài của Thiên Chúa phát xuất từ nội tâm của Ngài, từ tình yêu của Ngài, và cũng như mọi hoạt động của Chúa Kitô phát xuất từ sự kết hiệp sâu xa của Ngài với Chúa Cha, mọi công việc của linh mục phải phát xuất từ sự kết hợp với Chúa Kitô. Câu “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” cũng được hiểu theo nghĩa đó. Chúa đã đến trong thế gian mà vẫn không xa cách Chúa Cha, thì chúng ta cũng đi vào thế gian mà không xa cách Chúa.

Khi không còn sự kết hợp này nữa thì giống như căn nhà bị cúp địện. Nhà sẽ tối thui. Mọi sinh hoạt ngưng trệ. Hoặc giống như vòi nước không còn nước cung cấp.

Có người sẽ nghĩ: làm sao có thể thinh lặng cầu nguyện trong khi có biết bao nhiêu công việc phải làm? Căn nhà đang cháy thì phải hối hả đến cứu chứ? Đúng. Nhưng thử tưởng tượng điều này : lính cứu hỏa tức tốc cho xe đến, nhưng đến nơi thì thấy bồn không có nước. Tương tự như vậy khi chúng ta đi rao giảng hoặc thi hành một thừa tác vụ nào đó mà không cầu nguyện cũng như không có Thánh Thần hỗ trợ. Cầu nguyện chính là nước để chữa cháy.

Phải đặt ưu tiên cho những việc quan trọng, những việc cần thiết, để có thể làm tốt những việc khác. Thánh Phêrô bảo: “Phần chúng tôi, chúng tôi miệt mài với kinh nguyện và với việc phục vụ Lời” (Cv 6,4).

Linh mục chúng ta thường có nguy cơ hy sinh việc quan trọng để làm công việc được cho là cấp bách. Kinh nguyện, dọn bài giảng, chuẩn bị Thánh lễ, học hỏi, đào luyện, tất cả đều là những việc quan trọng, nhưng có thể không cấp bách. Nếu có để làm sau thì thế giới không vì vậy mà sụp đổ, đang khi có rất nhiều việc nhỏ nhưng phải làm ngay, như gặp ai đó, gọi hay trả lời điện thoại… Cứ như vậy, chúng ta có khuynh hướng thường xuyên không làm ngay những việc quan trọng, tự dối mình là “sẽ làm sau” mà thực tế nhiều khi không làm hoặc làm chiếu lệ cho qua.

Hãy bắt đầu một ngày bằng cách dành thời giờ cầu nguyện với Chúa, để những hoạt động bận bịu khác không chiếm chỗ của nó.

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng cách mượn lời cầu nguyện của cha Chautard, tác giả cuốn sách đã nói trên:

“Lạy Chúa, xin ban cho Giáo Hội có nhiều tông đồ, nhưng xin Chúa làm cho tâm hồn những người này biết khát khao sống thân mật với Chúa và làm việc lành cho người khác. Xin giúp họ biết hoạt động có chiêm niệm và biết chiêm niệm có hoạt động. Amen”.

-----

(Lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng II Mùa Vọng năm 2009, tại Vatican)

Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều