ĐỨC GIÊSU KITÔ VÀ TẠO THÀNH

 

Trong những bài suy niệm này, chúng ta đặt con người nhân thần của Đức Kitô vào trung tâm của hai yếu tố là vũ trụ và lịch sử, không gian và thời gian, sáng tạo và con người. Quả thực, chúng ta cần lưu ý rằng, mặc cho tất cả những gì được nói về Ngài, Đức Giêsu Kitô vẫn là một người bị ruồng bỏ trong văn hóa chúng ta. Ngài hoàn toàn vắng mặt trong ba cuộc đối thoại chính, trong đó đức tin đi vào thế giới đương đại : đối thoại với khoa học, đối thoại với triết học và đối thoại giữa các tôn giáo.

Mục tiêu cuối cùng không phải là lý thuyết nhưng thực tế. Đó là tiên vàn đặt Đức Kitô ở "trung tâm" cuộc sống cá nhân của ta và viễn tượng của ta về thế giới, ở trung tâm của ba nhân đức đối thần : đức tin, đức cậy và đức mến. Giáng sinh là thời điểm thuận tiện nhất để suy niệm về điều đó, vì lễ này nhắc nhở chúng ta lúc mà Ngôi Lời làm người, đi vào trong tạo thành và lịch sử, trong không gian và thời gian, ngay cả về phương diện thể lý.

1. Trái đất trống rỗng

Trong bài suy niệm này, chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ giữa Đức Kitô và vũ trụ. "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước" (St 1,1-2). Sau đây là cách một tác giả thời Trung cổ, ông Alexander Neckam (1157-1217), bình giải những câu đầu tiên của Kinh Thánh trong bài thơ của ông :

Trái đất trống rỗng vì Ngôi Lời chưa trở nên người phàm.

Trái đất của chúng ta trống rỗng vì sự sung mãn của ân sủng và chân lý chưa cư ngụ giữa chúng ta.

Nó trống rỗng vì chưa vững chắc và ổn định bằng cách liên kết với thần linh.

Nơi ở của chúng ta trống rỗng vì thời gian viên mãn chưa đến.

"Và bóng tối bao trùm vực thẳm". Ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người, ánh sáng ấy chưa đến.”

Tôi cho rằng mối liên hệ nối kết sáng tạo và nhập thể chỉ có thể diễn đạt theo kiểu kinh thánh và gợi ý hơn bằng cách đọc đối chiếu lời mở đầu sách Sáng thế với lời mở đầu sách Tin Mừng Gioan, như tác giả trên đã làm. Thông điệp Laudato si’ dành cho vấn đề này một đoạn văn mà chúng ta có thể đọc hết, vì tương đối vắn :

“Theo cách Kitô giáo hiểu về thực tại, vận mệnh của toàn thể sáng tạo phải qua mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng hiện diện ngay từ nguồn gốc mọi vật: ‘Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người’ (Cl 1,16). Tự ngôn của Phúc Âm thánh Gioan (1,1-18) cho thấy hành động sáng tạo của Đức Kitô như Lời của Thiên Chúa (Logos). Thế nhưng tự ngôn này làm chúng ta ngạc nhiên khi xác nhận rằng Lời ‘đã trở nên người phàm’ (Ga 1,14). Một Ngôi Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa tự hội nhập vào vũ trụ được tạo thành và đã liên kết với tạo thành cho đến thập giá. Từ khởi đầu thế giới, đặc biệt từ mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Chúa Kitô thực hiện một cách bí mật trong toàn thể thực tại, mà không ảnh hưởng gì đến sự độc lập của chúng” (số 99).

Vần đề là cần biết con người Đức Kitô chiếm hữu địa vị nào liên quan đến toàn thể vũ trụ. Ngày nay, nhiệm vụ này cấp bách hơn bao giờ hết. Maurice Blondel đã viết cho một người bạn như sau :

"Trước các chân trời do các khoa học tự nhiên và nhân loại mở rộng, nếu không muốn phản bội Công giáo, người ta không thể duy trì những lời giải thích tầm thường và những quan điểm hạn chế làm cho Đức Kitô trở thành một sự ngẫu nhiên của lịch sử, cô lập Ngài trong vũ trụ như một tập phim giả tưởng, và dường như làm cho Ngài trở thành một kẻ xâm nhập hoặc một kẻ lạ nước lạ cái trong chốn bao la mênh mông và thù địch của vũ trụ".

Các bản văn kinh thánh mà đức tin của chúng ta dựa vào liên hệ đến vai trò vũ trụ của Đức Kitô là những bản văn của Phaolô và Gioan được Thông điệp trích dẫn, nên được trích dẫn hết ở đây.

Bản văn đầu tiên (theo thứ tự thời gian) là bản văn thư Phaolô gửi cho tín hữu Côlôssê 1,15-17: "Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người”.

Bản văn thứ hai là Gioan 1,3 và 10: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành... Thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người”.

Mặc dù có sự tương ứng gây ấn tượng giữa hai bản văn, người ta có thể thấy nét khác biệt trong cách hai bản văn nhấn mạnh, một điều có tầm quan trọng rất lớn trong sự phát triển thần học sau này. Đối với Gioan, thời điểm "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" là yếu tố bản lề giữa sáng tạo và cứu chuộc ; còn theo Phaolô, đó đúng hơn là thời điểm thập giá. Đối với Gioan, đó là nhập thể, đối với Phaolô đó là mầu nhiệm vượt qua.

Quả thực, bản văn Colossê viết thêm: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20)

Suy tư của các Giáo phụ, dưới áp lực của lạc giáo, thực tế chỉ nhấn mạnh đến con người Đức Kitô và những gì Ngài đã làm để cứu rỗi con người ; còn ngoài ra, các ngài nói rất ít hoặc không nói gì về tầm quan trọng mang tính vũ trụ, nghĩa là về ý nghĩa của Đức Kitô đối với phần còn lại của tạo thành.

Chống lại người phái Ariô, những bản văn này nhằm khẳng định thần tính và sự tiền hữu của Đức Kitô. Theo lập luận của Athanasiô, Con Thiên Chúa không thể là một thụ tạo, do Ngài là Đấng sáng tạo mọi sự. Tầm quan trọng mang tính vũ trụ của Logos trong sáng tạo không tìm thấy một bản sao thích hợp trong việc cứu chuộc. Bản văn duy nhất có thể khai triển theo nghĩa này – đó là bản văn của Phaolô gửi tín hữu Rôma 8,19-22 về tạo thành đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở - cứ như tôi biết, đã không bao giờ là khởi điểm để các Giáo phụ đào sâu suy tư.

Đối với câu hỏi về "lý do" của sự nhập thể, từ thánh Athanasiô đến thánh Anselmô (Cur Deus homo), người ta trả lời chủ yếu bằng những lời của kinh Credo: "Propter nos homines et propter nostram salutem descendit de caelis” (Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế). Viễn tượng là viễn tượng nhân học về tương quan giữa Đức Kitô và nhân loại : viễn tượng ấy không bao gồm, trừ khi là tình cờ, tương quan của Đức Kitô với vũ trụ. Người ta chỉ thấy phớt qua tương quan ấy trong cuộc bút chiến chống lại những người phái ngộ đạo và manikê, là những người coi việc tạo dựng và cứu chuộc như là công trình của hai vị thần khác nhau và tin rằng vật chất và vũ trụ, tự nội tại, xa lạ với Thiên Chúa và không có khả năng cứu rỗi.

Trong sự phát triển đức tin, vào thời Trung cổ, trước câu hỏi "Tại sao Thiên Chúa làm người?", người ta cũng có cách trả lời. Việc Đức Kitô, "Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo" (Cl 1,15), đến thế gian phải chăng hoàn toàn tùy thuộc vào tội lỗi của con người, tiếp theo việc tạo dựng ? Chân phước Duns Scotus trả lời bằng một bước đi quyết định, không coi nhập thể gắn chặt với tội lỗi. Theo ngài, lý do của nhập thể là vì Thiên Chúa muốn có một người bên ngoài Ngài yêu Ngài cho xứng đáng với Ngài. Đức Kitô chính là con người ấy, là người duy nhất có thể yêu mến Cha - và được Cha yêu thương – bằng một tình yêu vô biên, xứng với Thiên Chúa. Ngôi Lời vẫn sẽ làm người ngay cả khi Ađam đã không phạm tội, vì Ngài là vinh quang của sự sáng tạo, công trình tối cao của Thiên Chúa. Tội của con người xác định phương thức của nhập thể đem lại cho nhập thể một đặc tính cứu chuộc khỏi tội lỗi, chứ không phải chính sự nhập thể. Động cơ có tính siêu việt, chứ không phải là cơ hội.

3. Viễn tượng vũ trụ của Teilhard de Chardin

Viễn tượng của Scotus là một nỗ lực đầu tiên mang lại ý nghĩa cho những quả quyết của Kinh Thánh về Đức Kitô, theo đó “mọi sự được tạo dựng bởi Người và cho Người”; tất nhiên, người ta chưa thể, cùng với ngài, nói về một ảnh hưởng đặc biệt của Đức Kitô trên tất cả tạo thành. Bù lại, người ta có thể nói như thế trong thời đại của chúng ta, chẳng hạn Teilhard de Chardin. Như Blondel đã nói, trong một văn hoá bị ý tưởng về thuyết tiến hoá chi phối, Teilhard lo tránh cho Đức Kitô cuối cùng khỏi bị coi như "một sự kiện lịch sử, cô lập với vũ trụ".

Sử dụng kiến thức khoa học chắc chắn của mình, Teilhard de Chardin thấy có nét song song giữa sự tiến hóa của thế giới (cosmogenèse) và sự hình thành tiến triển của Đức Kitô toàn thể (Christogenèse). Đức Giêsu Kitô không những không xa lạ với sự tiến hoá của vũ trụ, mà, một cách mầu nhiệm, còn là động cơ bên trong của sự tiến triển ấy và vào ngày quang lâm, sẽ hoàn tất nó, làm cho nó biến hình, tới "điểm Omega", theo ngôn ngữ của ông.

Từ đó, tác giả đưa ra một cái nhìn mới mẻ và tích cực về mối tương quan giữa Kitô giáo và các thực tại trần thế. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo, một người tín hữu sáng tác một "bài thánh thi ca ngợi vật chất" và "bài thánh thi của vũ trụ". Một bầu khí lạc quan ảnh hưởng đến một mảng rộng lớn của Kitô giáo, đến mức người ta thấy ảnh hưởng của nó đối với một văn kiện của Công đồng Vatican II, Hiến chế về "Giáo hội và thế giới", Gaudium et spes. Người ta đánh giá lại các hoạt động trần thế, mà trước hết là lao động của con người. Các công trình được người Kitô hữu thực hiện tự chúng có một giá trị, như một sự cải thiện thế giới, chứ không chỉ vì ý định đạo đức của người thực hiện chúng.

Teilhard de Chardin đặc biệt áp dụng cái nhìn của mình vào bí tích Thánh Thể. Qua công việc và cuộc sống hàng ngày của người tín hữu, Thánh Thể vươn hành động vào giữa lòng vũ trụ. Mỗi Thánh Thể là một "Thánh Lễ trên thế giới".

"Khi Đức Giêsu Kitô nói qua linh mục ‘Này là Mình Thầy’, những lời truyền phép tràn ngập trên tấm bánh đến mức vô biên. Những lời ấy làm phát sinh tất cả nhiệm thể. Vượt lên trên hình bánh được biến thể, hành động của linh mục vươn tới tầm mức toàn thể vũ trụ". Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng người ta có thể định nghĩa linh đạo vũ trụ này như một linh đạo sinh thái, theo nghĩa hiện nay. Nơi tác giả, ý tưởng về sự tiến bộ trong tiến hóa, về sự phát triển của tạo thành hướng tới các hình thức ngày càng phức tạp và đa dạng, ý tưởng ấy vẫn có ưu thế, trong khi người ta không thấy, nếu không phải là gián tiếp, mối quan tâm bảo vệ tạo thành. Thời của Teilhard, người ta chưa ý thức rõ ràng nguy hiểm do sự phát triển - đặc biệt là công nghiệp - có thể gây ra cho tạo thành.

Đức tin theo Kinh Thánh hài hòa với Teilhard de Chardin ở chỗ Đức Giêsu Kitô là điểm Omega của lịch sử, nếu người ta hiểu Omega là Đấng cuối cùng sẽ bắt muôn loài quy phục mình, để trao chúng cho Chúa Cha (1Cor 15, 28), Đấng sẽ mở ra "một trời mới đất mới" và sẽ phán quyết thế giới và lịch sử trong ngày sau hết (Mt 25,31tt). Chính Đức Kitô phục sinh được định nghĩa trong sách Khải huyền là "Alpha và Omega, khởi đầu và kết thúc" (Kh 22,13).

Tuy nhiên, đức tin không biện minh cho ý tưởng của Teilhard de Chardin theo đó hành động cuối cùng của lịch sử sẽ là "hoàn thành" cuộc tiến hóa lúc này đạt đến đỉnh điểm. Theo viễn ảnh thống trị toàn bộ Kinh thánh, hành động cuối cùng có thể là ngược lại, tức là sự gián đoạn đột ngột của lịch sử, một sự khủng hoảng, phán xét, lúc lúa mì tách ra khỏi cỏ lùng (Mt 13,24 tt.). Thư thứ hai của thánh Phêrô nói rằng các Kitô hữu đang chờ đợi "ngày của Thiên Chúa, và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng!” (2P 3,12). Chính là viễn tượng đã đánh dấu cảm giác của Giáo Hội như chúng ta thấy trong những lời đầu tiên của bài Dies irae: "Dies irae dies illa solvet saeclum in favilla" (Ngày giận dữ, ngày ấy sẽ làm cho thế giới thành tro bụi). Như vậy đối với thế giới hiện tại, đó là ngày kết thúc của điều ác, chứ không phải là đỉnh cao của điều thiện.

Đây là điểm yếu trong viễn tượng của Teilhard de Chardin, và điểm này tùy thuộc vào một lỗ hổng mà chính những nhà nghiên cứu ngưỡng mộ ông đã chỉ ra. Trong viễn tượng của mình, ông đã không biết hòa nhập một cách hữu cơ và thuyết phục khía cạnh tiêu cực của tội lỗi, mà cũng không biết hòa nhập ngay cả viễn tượng của Phaolô theo đó sự hòa giải và quy tụ mọi loài trong Đức Giêsu Kitô được thực hiện trên thập giá và trong cái chết của Ngài.

4. Thần Khí Đức Kitô

Liệu có một thứ gì đó tránh được nguy cơ làm cho Đức Kitô, như Blondel nói, là một "kẻ xâm nhập hoặc một kẻ lạ nước lạ cái trong chốn bao la mênh mông và thù địch của vũ trụ?” Nói cách khác, Chúa Kitô có điều gì để nói về vấn đề nóng bỏng liên hệ đến sinh thái và bảo vệ tạo thành, hay tất cả điều đó xảy ra không mắc mớ gì với Ngài, như là một vấn đề có thể ảnh hưởng đến thần học, nhưng không ảnh hưởng đến Kitô học?

Sở dĩ không có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này từ các nhà thần học là vì, cứ như tôi nghĩ, người ta ít chú ý đến Chúa Thánh Thần và mối liên hệ của Người với Đức Kitô phục sinh. Phaolô viết: "Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống" (1Cr 15,45). Trong một công thức khá ngắn gọn, thánh Tông đồ nói: "Chúa là Thần Khí" (2Cr 3,17), để nhấn mạnh rằng Chúa Phục Sinh từ nay hành động trên thế giới qua "cánh tay hoạt động" của mình là Chúa Thánh Thần.

Phaolô ám chỉ đến tạo thành như trải qua những đau đớn lúc sinh con, trong khung cảnh một diễn từ về những lần can thiệp khác nhau của Chúa Thánh Thần. Thánh Tông đồ thấy có sự liên tục giữa tiếng rên siết của tạo thành và tiếng rên siết của người tín hữu: "Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu" (Rm 8,23).

Chúa Thánh Thần là sức mạnh nhiệm mầu đưa tạo thành tới chỗ hoàn tất. Khi nói về sự tiến triển của trật tự xã hội, Công đồng Vatican II quả quyết: “Thần Khi Thiên Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Điều Công đồng nói về trật tự xã hội cũng áp dụng cho tất cả các lãnh vực, kể cả lãnh vực vũ trụ. Trong mọi nỗ lực vô vị lợi và trong mọi tiến bộ nhằm bảo vệ tạo thành, Chúa Thánh Thần đang hoạt động. Người là “sự khởi đầu của việc sáng tạo mọi sự" (thánh Tôma), cũng khởi đầu cho sự tiến hóa của tạo thành trong thời gian, vì sự tiến hóa này không gì khác hơn là sự sáng tạo được tiếp tục.

Chúa Thánh Thần mang lại điều gì đặc biệt và "riêng" trong việc sáng tạo và tiến hóa của vũ trụ? Ngài không xuất hiện ở đầu, nhưng có thể nói ở cuối việc sáng tạo và cứu chuộc, cũng như Ngài không xuất hiện ở đầu, nhưng ở cuối tiến trình ba ngôi. Thánh Basiliô viết: “Trong sáng tạo, Chúa Cha là nguyên nhân chính, mọi sự tùy thuộc vào Người ; Chúa Con là nguyên nhân hiệu quả, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành ; Chúa Thánh Thần là nguyên nhân làm cho hoàn hảo”.

Những lời đầu tiên của Kinh Thánh ("Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thấn Khí bay lượn trên mặt nước"), muốn nói rằng hành động sáng tạo của Chúa Thánh Thần là nguồn gốc sự hoàn hảo của sáng tạo; không chỉ là Đấng làm cho thế giới từ hư vô sang hiện hữu, Người còn là Đấng làm cho thế giới từ tình trạng chưa có hình dạng sang tình trạng có hình dạng và hoàn hảo, cho dù người ta phải luôn nhớ rằng mọi hành động mà Thiên Chúa thực hiện bên ngoài luôn là một công trình chung của cả Ba ngôi.

Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là Đấng, theo bản tính của mình, đưa tạo thành từ hỗn mang đến vũ trụ, làm cho tạo thành nên đẹp đẽ, trật tự, sạch sẽ : một "thế giới" theo ý nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ này. Thánh Ambrosiô ghi chú:

"Trước khi Thần Khí bắt đầu bay là là trên tạo thành, thì tạo thành chưa được đẹp. Trái lại, khi có Thần Khí hoạt động, tạo thành nhận được vẻ đẹp sáng chói đã làm cho nó huy hoàng như "thế giới".

Một tác giả vô danh của thế kỷ thứ hai thấy sự lạ lùng này được lặp lại, với một sự tương ứng gây ấn tượng, trong sự sáng tạo mới được thực hiện trong biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Điều "Thần Khí Thiên Chúa" đã thực hiện lúc tạo dựng, được "Thần Khí Đức Kitô" thực hiện lúc này trong sự cứu chuộc. Tác giả viết:

Toàn thể vũ trụ sắp rơi vào hỗn mang và tan rã, hiệu quả của sự hỗn loạn trước cuộc khổ nạn, khi Chúa Giêsu trao thần khí mà kêu lên một tiếng lớn: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Và bỗng chốc, khi tất cả mọi sự đều run rẩy và sợ hãi, thì vũ trụ như sống lại, có sự sống và mạnh mẽ nhờ Thần Khí Thiên Chúa, tìm lại được sự ổn định.

5. Đức Kitô hành động thế nào trong sự sáng tạo

Cuối cùng là câu hỏi có ý nghĩa hơn hết liên quan đến sinh thái : Đức Kitô có gì để nói về những vấn đề thiết thực mà thách thức về sinh thái đặt ra cho nhân loại và cho Giáo hội? Chúng ta có thể nói theo ý nghĩa nào khi cho rằng Đức Giêsu Kitô, hoạt động qua Thần Khí của Ngài, là yếu tố then chốt cho một chủ nghĩa sinh thái Kitô giáo lành mạnh và thực tế?

Tôi nghĩ rằng Đức Kitô thật sự có một vai trò quyết định cả trong những vấn đề cụ thể của việc bảo vệ tạo thành, nhưng Ngài làm gián tiếp, bằng cách hành động trên con người và - qua con người - trên tạo thành. Ngài làm điều này với Phúc Âm của Ngài, Phúc Âm mà Chúa Thánh Thần "nhắc nhớ" cho các tín hữu, và làm cho sống và hoạt động trong lịch sử, cho đến tận thế (Ga 16,13). Điều xảy ra thì đã xảy ra lúc khởi đầu sáng tạo : Thiên Chúa tạo dựng thế giới và ủy thác cho con người gìn giữ và bảo vệ nó. Kinh nguyện Thánh Thể IV diễn tả như sau:

Cha đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Cha,

và giao phó cho việc trông coi vũ trụ

để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hóa

con người thống trị mọi loài thụ sinh.

Chúa Kitô mang lại sự mới mẻ trong lãnh vực này. Ngài cho thấy ý nghĩa đích thực của từ "cai trị", hay "thống trị" theo ý Thiên Chúa, tức là như một sự phục vụ. Ngài nói trong Phúc Âm:

"Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền mà cai trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-29).

Tất cả các động cơ mà các nhà thần học đã cố gắng gán cho sự nhập thể, cho "lý do tại sao Thiên Chúa làm người", đã bị phá vỡ trước sự hiển nhiên của lời tuyên bố này: "Tôi đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người". Một áp dụng ý tưởng mới về sự thống trị liên quan đến tạo thành, bằng cách sử dụng tạo thành nhưng là để phục vụ nó, tôn trọng nó, bảo vệ nó khỏi bất kỳ một thao tác nào.

Đức Kitô hành động trên tạo thành cũng như hành động trong lãnh vực xã hội, nghĩa là với lệnh truyền yêu thương người lân cận. Về mặt không gian theo một nghĩa có thể nói là đồng đại (synchronique), những người lân cận là những người sống bên cạnh chúng ta, ở đây và lúc này ; về mặt thời gian, theo nghĩa lịch đại (diachronique), những người lân cận là những người sẽ đến sau chúng ta, bắt đầu từ những trẻ em và những người trẻ tuổi hôm nay; chúng ta đang làm cho chúng không còn khả năng sống trong một hành tinh có thể ở được, trừ khi đi chơi phải mang mặt nạ để thở hoặc "thiết lập chỗ ở trên các hành tinh khác". Về tất cả những người lân cận ấy, trong không gian và thời gian, Đức Giêsu đã nói: "Các ngươi đã làm cho chính Ta ... các ngươi đã không làm cho chính Ta" (Mt 25,40.45).

Giống như mọi việc, chăm sóc tạo thành được thực hiện ở hai cấp độ: cấp độ toàn cầu và cấp độ địa phương. Một câu ngạn ngữ thời nay nói rằng : suy nghĩ ở mức toàn cầu, nhưng hành động ở mức địa phương (Think globally, act locally). Điều này có nghĩa là việc hoán cải phải bắt đầu từ cá nhân, tức là từ mỗi người chúng ta.

Thánh Phanxicô Assisi có thói quen nói với các anh em mình: "Tôi chưa bao giờ là một tên ăn trộm của bố thí, xin hoặc sử dụng của bố thí hơn mức cần thiết. Tôi luôn luôn lấy ít hơn những gì tôi cần, để những người nghèo khác không bị chia phần ; bởi vì làm khác đi sẽ  là ăn cắp". Ngày nay quy tắc này có thể có một ứng dụng rất hữu ích cho tương lai của trái đất. Chúng ta hẳn cũng nên đề ra cho mình : không là những người ăn trộm tài nguyên, khi sử dụng nhiều hơn mức cần thiết và do đó làm cho những người đến sau chúng ta không được sử dụng. Để bắt đầu, chúng ta, những người thường dùng giấy để làm việc, có thể cố gắng không góp phần gây lãng phí rất lớn về nguyên liệu này, làm cho mẹ trái đất của chúng ta mất đi một số cây rừng.

Giáng sinh là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự điều độ và sự tằn tiện này khi sử dụng đồ vật. Chính Tạo Hóa nêu gương cho chúng ta. Khi làm người, Ngài chỉ cần một chuồng chiên để chào đời. Chúng ta hãy nhớ lại hai câu đơn sơ mà sâu sắc này của bài hát "Ngài xuống từ các ngôi sao" của Thánh Alphongsô Liguori: "Chúa là Đấng tác tạo mọi sự, mà lại không có tã và lửa, lạy Chúa của con".

Bất cứ ai, tin hay không tin, đều được kêu gọi dấn thân vào lý tưởng điều độ và tôn trọng tạo thành, nhưng người Kitô hữu chúng ta có thêm lý do và ý định siêu việt để làm điều đó. Nếu Cha trên trời đã làm mọi sự "nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô", thì chúng ta cũng phải làm mọi sự nhờ Ngài và cho Ngài, tức là nhờ ân sủng của Ngài và cho vinh quang của Ngài. Đó cũng là những gì chúng ta làm ngày hôm nay.

-------

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Vọng 2017, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều