TẶNG PHẨM THẦN LINH

Bí Tích Thánh Thể Cho Con Người Mọi Thời Đại

 

ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc

 

 

I. DẪN NHẬP

 

Bí tích Thánh Thể là Nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là Trọng tâm và Tột Đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội.

 

Tùy bình diện mà chúng ta có thể nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh khác. Nhưng có điều hết sức quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là : Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể, thì không có Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh, là Thân Mình Đức Kitô (1 Cr 10,17).

Vì lý do này, chúng ta không thể bàn về bí tích Thánh Thể mà không sống. Thần học về bí tích Thánh Thể không là một mớ lý thuyết, khô khan, khó hiểu, thậm chí kỳ dị nữa.

Chúng ta cố gắng đừng để mình rơi vào trường hợp người nói nhiều mà không hiểu bao nhiêu, nói mà không biết mình nói gì. Nếu thấy mình chưa biết, hãy làm theo lời thánh Augustinô :

Nếu ngươi không biết, thì hãy nếm thử” (CCL 38, 290).

Chúng ta nói về bí tích Thánh Thể với tất cả lòng tin tưởng vì đó là “Mầu Nhiệm đức tin” như lời tựa Thông điệp của Đức Phaolô VI về Thánh Thể. Mà đức tin là điều chúng ta lãnh nhận từ Hội Thánh. Nên diễn từ thần học của chúng ta phải rất khiêm nhường, chăm chú, nài van, cởi mở và đón nhận. Hãy nghe lời thánh Justinô nhắn nhủ : “Tiên vàn hãy cầu nguyện, để các cửa dẫn tới ánh sáng mở ra cho các ngươi, vì không ai có thể thấy và hiểu, nếu Thiên Chúa và Đức Kitô của Người không cho hiểu” (Dialogue avec Tryphon, 7).

Nói theo kiểu Evagre : “Nếu ngươi là nhà thần học, ngươi phải biết cầu nguyện”. Nếu muốn là nhà thần học về Mầu nhiệm Thánh Thể, phải biết “lãnh nhận mà ăn”, “lãnh nhận mà uống”, và phải biết “làm việc ấy mà nhớ đến Ngài”…

“Lãnh nhận mà ăn”, chúng ta sẽ thấy Thánh Thể là sự sống, là Tình Yêu, vì Thánh Thể chính là Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta trong bí tích. Bề ngoài, giác quan chúng ta thấy bánh và rượu, nhưng khi lãnh nhận thì chúng ta lãnh nhận chính Chúa Kitô, với tất cả thân xác, linh hồn và thần tính, chúng ta đón nhận Chúa Kitô, Đấng đã yêu mến chúng ta và đã chịu chết vì chúng ta.

Chúng ta lãnh nhận với tất cả lòng yêu mến và biết ơn, vì Thiên Chúa đã ban Chúa Kitô cho chúng ta, vì Chúa Kitô đã tự hiến thân mình cho chúng ta. Mầu nhiệm đức tin ở đây có đối tượng là tình yêu : Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu của Chúa Kitô. Mầu nhiệm đức tin trở thành Mầu nhiệm của Lòng Mến. Tiếp xúc với Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta biết Chúa bằng đức tin và yêu Chúa bằng lòng mến.

II. Đức Kitô, TẶNG PHẨM THẦN LINH

A. TÌNH YÊU TẠO DỰNG HƯỚNG TỚI TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Kitô là chính Chúa Kitô, là bản thân Người. Sự sống mà chúng ta lãnh nhận ở đây không chỉ là sự sống thể lý mà chúng ta hằng nuôi dưỡng bằng lương thực, cũng không chỉ là sự sống tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi dựng nên chúng ta.

Tạo Dựng mới là bước khởi đầu Tình Yêu của Thiên Chúa. Dĩ nhiên bước khởi đầu này vô cùng lớn lao, vì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta từ không ra có. Nhưng điều Người ban cho chúng ta, sự sống tự nhiên nơi chúng ta, sự hiện hữu của chúng ta, vẫn là cái gì bên ngoài Thiên Chúa, chưa phải là chính mình Người. Tuy vậy sự sống tự nhiên nơi chúng ta đã là dấu chỉ của một tình yêu vô hạn, chiến thắng hư vô. Có yêu, mới có cho. Thiên Chúa yêu chúng ta, mới ban cho chúng ta sự sống. Người yêu ta, Người mớùi dựng nên ta.

Tình Yêu Tạo Dựng ấy hướng tới Tình Yêu Cứu độ : Tình Yêu muốn điều tốt nhất cho người mình yêu ; Tình Yêu cho đi điều mình quý nhất. Trong tin mừng Gioan, chính Đức Giêsu đã khẳng định :

“Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó),

đến nỗi đã thí ban Người Con Một,

ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi,

nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16).

Thiên Chúa ban cho chúng ta Đức Giêsu Kitô. Và Người Con ấy là sự sống cho chúng ta. Hay có thể nói theo kiểu thư 1 Ga :

“Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống đời đời, và sự sống ấy là ở trong Con của Người. Ai có Con thì có sự sống ; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (5, 11,12).

Đức Kitô là sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, là Đấng được Thiên Chúa sai xuống thế gian để mang đến sự sống đời đời cho thế gian. Người là Đấng từ trời xuống thế do ý muốn của Chúa Cha, vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta. Chính vì thế mà Người tự ví mình như lương thực, như bánh bởi trời (Ga 6,41), bánh hằng sống (Ga 6,35). Bản thân Người là Bánh Sự Sống bởi trời xuống (Ga 6,51). Ai ăn bánh ấy, sẽ được sống đời đờøi.

Bánh ấy do Chúa Cha ban (Ga 6,32), nhưng cũng do chính Chúa Kitô ban, vì bánh ấy là Thân mình Người tự hiến vì sự sống của thế gian (Ga 6,51).

 

B. TÌNH YÊU THẲM SÂU VÀ KHÔN DÒ CỦA THIÊN CHÚA

Chúng ta chỉ có thể hiểu Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng ban cho chúng ta Người Con Một, hiểu Tình Yêu của Chúa Kitô, Đấng tự hiến mình cho chúng ta, khi chúng ta hiểu tương quan giữa Chúa Kitô và Chúa Cha, khi chúng ta được đưa vào Tình Yêu sâu thẳm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình Yêu ấy là Sự Sống, là Hạnh Phúc của cả Ba Ngôi và của từng Ngôi Vị. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, và tình phụ tử, tình Cha làm cho Chúa Con hạnh phúc. Đáp lại, chính tình Con thảo của Chúa Kitô làm cho Chúa Cha hạnh phúc.

Nếu Thiên Đàng là Hạnh Phúc, thì Chúa Cha là Thiên Đàng của Chúa Con và Chúa Con là Thiên Đàng của Chúa Cha. Chúa Cha là Sự Sống, là Lẽ Sống của Chúa Con, và Chúa Con là Lẽ Sống, là Sự Sống của Chúa Cha.

Cha ban Con Một cho chúng ta có nghĩa là hy sinh Thiên Đàng, hy sinh Niềm Vui, hy sinh Hạnh Phúc cho chúng ta. Khi Chúa Cha ban Con Một Người cho chúng ta, Người không bao giờ hối tiếc, Người cho đi và không bao giờ lấy lại : Con Một của Người mãi mãi là người như chúng ta và ởû giữa chúng ta. Ngay cả ngày hôm nay, dù chúng ta không thấy Ngài.

Chúa Kitô, vì yêu Chúa Cha mà chấp nhận trở nên hồng ân trong tay Chúa Cha. Người đồng ý trở nên Tặng Phẩm Chúa Cha ban cho nhân loại. Người là Hồng Ân lớn nhất, nguồn suối mọi hồng ân. Tác giả Tin Mừng Gioan nhiều lần nhấn mạnh sự tự do của Đức Kitô :

“Không ai cất mạng sống Ta được,

nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta ;

Ta có quyền thí mạng sống Ta…” (10,18)

“Không có lòng mến nào lớn hơn

là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (15,13)

Chúa Kitô đã tự hiến mình cho chúng ta vì yêu chúng ta và yêu Chúa Cha. Nơi Chúa Kitô, hai tình yêu này là một. Người yêu Chúa Cha như thế nào, Người yêu chúng ta như vậy. Vĩ đại dường bao tình yêu của Người !

Chúng ta nên lưu ý thêm rằng khi Thiên Chúa ban Đức Giêsu Kitô cho chúng ta, Người cho đi chính bản thân mình, vì Đức Kitô là bản thể, là bản thân, là sự sống của Người. Xét về phương diện này, Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa (autodonation de Dieu).

Cao điểm của lịch sử này là thập giá Đức Kitô. Thập giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập giá biểu lộ tình yêu điên rồ của chính Thiên Chúa. Yêu đến liều mình, yêu và chấp nhận trả giá cho tình yêu, dù giá ấy là “bị từ khước”. Dụ ngôn những người tá điền gian ác trong Tin Mừng Matthêô 21,33-43 một phần nào biểu lộ sự liều mạng của Thiên Chúa, khi sai Con Một của Người đến trần gian :

“Kẻ thừa tự đó, mau ta giết quách nó đi… chúng túm lấy người con, lôi ra bên ngoài vườn nho mà giết đi” (Mt 21,38-39).

Thập giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Chúa Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Ph 2,7). Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô (Ga 15,13). Thập giá biểu lộ sự liều mình của Chúa Kitô, giống như sự liều mình của Chúa Cha. Không phải vô tình mà các tác giả Tân Ước thường dùng chữ “thí ban” để nói tới cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô (Mc 10,45 ; Mt 20,28 ; Lc 22,19 ; 1Tm 2,6 ; Tt 2,14). Quả thật đây là một sự “thí mạng” :

“Này là Mình Ta thí ban vì các ngươi” (Lc 22,19).

Thí mạng không là một sự bố thí theo nghĩa coi thường hay khinh rẻ những người mình ban ơn. Thí mạng cũng không phải vì mạng sống không có giá trị (thí mạng cùi). Mạng sống của Đức Giêsu thực sự là vô giá đối với Thiên Chúa và đối với nhân loại chúng ta. Cho nên thí mạng ở đây biểu lộ một tình yêu đạt đến tột đỉnh, một tình yêu sẵn sàng mất tất cả, không còn lại gì cả, bản thân cũng không còn : vì yêu, mà sẵn sàng trở thành hư vô.

Còn một từ ngữ khác mà các tác giả Tân Ước thích dùng, là chữ “Phó nộp” (Rm 8,32 ; Ga 1,4 ; 2,20 ; Ep 5,2-25).

“Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32).

“Này là Mình Ta vì cáùc ngươi” (1 Cr 11,24).

Chữ phó nộp biểu lộ một khía cạnh khác của Tình Yêu tột cùng. Vì yêu chúng ta mà Chúa Cha không dám giữ Con của Người lại, hay nói theo kiểu Phaolô, “không tha Con Một của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32). Tình yêu làm cho Chúa Cha trở nên “yếu đuối”, và đem nộp Con mình để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu làm cho Chúa Giêsu “yếu đuối”, để cho mình “bị nộp”, hay “tự phó nộp mình” làm giá cứùu chuộc nhân loại.

Khi suy nghĩ về Tình Yêu Cứu Độ này của Thiên Chúa, chúng ta phải thốt lên như Phaolô :

“Ôi ! Thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa ! Những phán quyết của Người vô phương dò thấu, đường lối của Người không kề dõi theo” (Rm 11,33).

Tình Yêu thẳm sâu và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi thập giá Đức Kitô là Tình Yêu vượt thời gian. Tình Yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tựï hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Tính duy nhất của Hy tế Tình Yêu ấy vượt thời gian. Chúa Giêsu đã biểu lộ điều này trong Bữa Tiệc Ly. Hy Tế Thập Giá của Người sẽ vượt thời gian. Người sẽ luôn ở trong trạng thái tự hiến. Người là Chiên chịu sát tế, mà vẫn đứng (Kh 5,6).

C. ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU TỰ HIẾN vượt THỜI GIAN

Ngày hôm nay chúng ta đón nhận sự tự hiến ấy trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta lãnh nhận Thân Mình bị nộp vì chúng ta, lãnh nhận Máu Tân Ước vĩnh cửu đổ ra cho chúng ta. Chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết. Chúng ta tuyên xưng việc Chúa sống lại. Chúa Kitô ban sự sống của Người cho chúng ta qua cái chết (trên thập giá cũng như trong bí tích Thánh Thể).

Luther đã phủ nhận tính hy tế của bí tích Thánh Thể, có lẽ vì ông không thấy được tương quan mật thiết giữa hy tế Thập Giá và mầu nhiệm Thánh Thể. Ông hiểu từ ngữ “chỉ một lần” (hapax) theo đơn nghĩa (univoque), thuần túy trên bình diện lịch sử. Ông không lưu ý khía cạnh vượt thời gian và không gian của hy tế thập giá. Có lẽ lý do khác nữa là, thời bấy giờ, người ta có khuynh hướng trình bày Thánh Lễ như tái diễn “thảm kịch Núi Sọ”. Đối với ông, dù sao tái diễn cũng chỉ là tái diễn, chứ không là hy tế thực.

Như đã nói, thập giá là “Cao Điểm” của lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là đón nhận “Cao Điểm ấy”, là nhớ tới Ngài, nhớ tới Tình Yêu tự hiến của Ngài. Nhớ tới Đức Giêsu Kitô như lời Ngài căn dặn, là đón nhận tình yêu tự hiến trên thập giá vào trong hiện tại “ở đây và bây giờ” (hic et nunc).

Cử hành Thánh Thể là “đón nhận” Chúa Kitô chết trên thập giá như Hồng Ân Vô Giá của Chúa Cha, đón nhận cái chết cứùu chuộc, cái chết mang lại sự sống, hay nói đúng hơn là đón nhận Đấng Hy Sinh chịu chết vì chúng ta để mang lại Sự Sống cho chúng ta. Chúng ta đón nhận ơn cứu độ, ơn tha tội trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chính vì thế mà cử hành mầu nhiệm Thánh Thể cũng là cử hành nghi lễ Tạ Ơn. Chúng ta tạ ơn Cha đã ban ơn cứu độ cho chúng ta, ban Chúa Kitô cho chúng ta, và trong Chúa Kitô đã tự hiến mình cho chúng ta.

Chúng ta không thể nào tạ ơn Cha cách xứùng đáng, ngoại trừ bằng cách dâng lên cho Cha chính Chúa Kitô mà Cha đã ban cho chúng ta, dâng “Bánh Hằng Sống” và “Chén Cứu Độ” lên cho Cha (Kinh nguyện Thánh Thể II). Cử hành Thánh Thể quả thật là “dâng lễ vật” làm đẹp lòng Thiên Chúa, làm vinh danh Người.

II. THÂN THỂ CHÚA KITÔ

Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Thiên Chúa ban Đức Kitô cho chúng ta, Đức Kitô tự hiến thân mình cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta : “Hãy lãnh nhận mà ăn ! Này là Mình Ta !”.

Người tự hiến bản thân, Người ban cho ta thân mình của Người làm của ăn. Từ ngữ “Thánh Thể” trong tiếng Việt diễn tả chính xác mầu nhiệm chúng ta cử hành, nói lên trọng tâm của mầu nhiệm : Thân Thể Chí Thánh của Chúa Kitô dưới dạng bánh và rượu.

Thân Thể ấy là gì ? phải chăng chỉ là thân xác Đức Kitô, không có liên hệ gì tới linh hồn và thần tính của Người ? Chắc chắn là không. Giáo Hội luôn luôn hiểu Mình Thánh là chính Chúa Kitô dưới dạng bánh. Chính vì thế mà Giáo Hội định tín rằng : dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được truyền phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể.

Trong cả bốn bài tường thuật của Matthêô, Marcô, Luca và Phaolô, từ ngữ được sử dụng là sôma, có thể dịch là thân xác, hoặc là “thân thể”. Có lẽ Chúa Giêsu đã dùng một chữ aram tương đương với chữ basar trong tiếng do-thái. Basar có nghĩa là “con người hữu hình”, cụ thể với thân xác. Basar nhấn mạnh khía cạnh xác thể nơi con người, chứ không chỉ là một phần của con người là phần xác.

Nếu muốn dùng triết học hiện đại để mà nói, thì chúng ta bảo rằng con người là thân xác, chứ không phải chỉ có thân xác. Thân xác đồng hóa với con người, là thân mình con người.

Tiếng Việt, khi dịch “Này là Mình ta”, diễn tả rất đúng. Chữ Mình vừa chỉ thân xác, vừa chỉ “chủ thể”. Hay nói một cách mới mẻ hơn, đó là “chủ thể thân xác”, là bản thân.

Dù sao, khi nói tới sôma hay basar, rõ ràng là phải nhấn mạnh mầu nhiệm “Nhập Thể” của Đức Kitô. Thân xác làm cho con người nên một cá vị cụ thể, thấy được, nhận ra được, thậm chí còn “kiểm chứng” được.

Có lẽ vì lý do này mà tác giả Tin Mừng Gioan dùng chữ sarx thay chữ sôma trong diễn từ về bánh Hằng Sống :

“Bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6,51).

Tác giả cố ý dùng và nhấn mạnh chữ sarx. Chữ sarx có nghĩa là “thịt”. Chữ thịt ở đây hiểu theo nghĩa “đen”, chính vì thế người Do-thái mới thắc mắc và xôn xao : “Làm sao ông có thể cho ta ăn thịt mình được ?” (Ga 6,52). Thắc mắc của người Do-thái càng làm cho Đức Giêsu nhấn mạnh hơn nữa :

“Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi. Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,53-54).

Xét bề ngoài, lời lẽ của Đức Giêsu quả thực là sống sượng như một số người trong các môn đồ của Ngài nhận xét : “Lời chi mà sống sượng thế ! Ai nào có thể nghe nổi ?” (Ga 6,60).

Chắc chắn tác giả có dụng ý nhấn mạnh mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm này như cái trục của Lịch sử cứu độ. Từ chối mầu nhiệm này là từ chối Lịch sử cứu độ. Từ chối mầu nhiệm này là từ khước con người cụ thể của Đức Giêsu.

Chữ sarx ở đây được dịch bằng chữ thịt là rất đúng, nhưng chữ “thịt” cũng gần giống như chữ xác phàm được cha Nguyễn Thế Thuấn dùng trong bài Tựa Tin Mừng Gioan. Xác phàm là tạo vật, là thực tại mỏng dòn, yếu đuối như bông hoa sớm nở tối tàn. Nhưng Ngôi Lời, Đấng Siêu Việt, Đấng là Thiên Chúa, đã thành xác phàm (Ga 1,14). Thành ngữ “xác thịt và máu huyết” (sarx kai aima) chỉ bình diện con người, bình diện tạo vật.

Đức Kitô đã đến trên bình diện tự nhiên so với bình diện siêu nhiên ; hay nói đúng theo Tin Mừng Mt 16,17 “xác thịt và máu huyết” đối lại với “Cha trên trời”.

Ngôi Lời đến với nhân loại chúng ta trong thân phận “xác thịt và máu huyết”. Không chấp nhận thân phận xác thịt và máu huyết của Ngôi Lời, của Con Thiên Chúa, là không chấp nhận Con Thiên Chúa. Và như lời thư Gioan, ai không có “Chúa Con”, thì không có sự sống (1 Ga 5,12). Từ nay, không thể tách rời Con Thiên Chúa với xác thịt và máu huyết, không thể tách rời Thiên Chúa với con người.

IGNACE d’Antioche thuộc thế hệ thứ ba sau Gioan, không dùng chữ sôma, mà dùng chữ sarx như Gioan. Trong thư gửi cho giáo đoàn Smyrne, Ignace nói đến nhóm người theo ngộ-đạo-thuyết :

Họ không cử hành Thánh Thể và không cầu nguyện, vì họ không tuyên xưng “Thánh Thể” là “Thịt” của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô” (7,1).

Cách nói này biểu lộ niềm tin thực tiễn (foi “réaliste”) của các Ki-tô-hữu so với quan điểm “phi-vật-chất” của những người theo “ngộ-đạo-thuyết”. Nó xác nhận câu nói trong đoạn VI Tin Mừng Gioan : “Ai ăên thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” là nội dung chủ yếu của “niềm tin thánh thể” (foi eucharistique). Niềm tin vào bí tích Thánh Thể và niềm tin vào mầu nhiệm Nhập Thể đi đôi với nhau, gắn liền với nhau.

Ignace, cũng như Gioan, càng nhấn mạnh đến tính thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể bao nhiêu (1 Ga 4,2-3), thì càng bảo vệ tính thực tại (realisme) của bí tích Thánh Thể bấy nhiêu. Nếu chúng ta đọ các câu 53 và 54 trong đoạn VI Tin Mừng Gioan với các câu 2 và 3 trong đoạn IV thư thứù nhất Gioan, tương quan giữa “Thánh Thể” và “Nhập Thể” không thể nào chối cãi được :

“Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi. Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời…”

“Nơi điều này anh em biết được thần khí của Thiên Chúa, phàm thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt là (thần khí) thuộc về Thiên Chúa ; và phàm thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì nó không thuộc về Thiên Chúa. Đó là thần khí của Phản-Ki-tô ; anh em nghe nói rằng nó sẽ đến…”

Gioan gọi những người không tin mầu nhiệm Nhập Thể là “Phản-Kitô” ; Ignace gọi họ là “vô tín ngưỡng” (apistoi).

Khi nói tới “xác thịt” của Đức Kitô, Ignace đi thêm một bước : nhấn mạnh tới thực tại của xác thịt, là nhấn mạnh tới thực tại của cuộc “khổ hình” mà Đức Kitô đã chịu (Ad Smyrn. I-II). Con Thiên Chúa đã chịu khổ hình thực sự trong thân xác, chứ không phải chỉ chịu khổ bên ngoài, giả vờ chịu khổ hình. Muốn được cứu rỗi, những người ngộ đạo phải hoán cải và tin vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô (Ad Smyrn. 5,3). Đối với Ignace, dù là thiên thần hay tổng lãnh, tất cả đều phải án phạt nếu không tin vào “máu Đức Kitô” (Ad Smyrn. 5,1). Thành ngữ “máu Đức Kitô” rõ ràng là một thành ngữ bí tích nhưng ở đây thành ngữ được nối kết một cách chặt chẽ với cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Điều đó làm chúng ta liên tưởng đến cả bàn Tiệc Ly, lẫn hy tế Thập Giá : “Máu” Tân Ướùc vĩnh cửu sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Sau khi đề cập đến cuộc khổ nạn và máu Đức Kitô, Ignace nói ngay đến đức tin và lòng mến, giống như Gioan trong đoạn VI nhấn mạnh tối đa tới “ăn thịt”“uống máu” Đức Kitô, cũng nhấn mạnh tối đa đến đức tin, và nối kết chặt chẽ mầu nhiệm Thánh Thể với đức tin (Ga 6,64-69).

Dường như đối với Gioan cũng như đối với Ignace, dùng chữ “sarx” thay cho chữ “sôma” thì tránh được nguy cơ giải thích theo lối tượng trưng (interprétation symbolique).

Luther, dù chối tính hy tế của Thánh Lễ, đã tích cực chống lại những ai chối bỏ thực tại của bí tích Thánh Thể. Ông cho rằng bài học về Thánh Thể không khó tin hơn bài học về Chúa Kitô : đối với lý trí tự nhiên của con người, cả hai đều “sống sượng”. Luther nói đúng, vì Con Thiên Chúa thụ thai trong dạ của một người nữ hay trở thành thịt để chúng ta cắn và ăn, cả hai đều không thể hiểu. Trong Ga 6,54, tác giả dùng động từ trogein, được notes của bản TOB dịch bằng hai chữ mâcher, croquer (nhai). Còn uống máu là một cớ vấp phạm cho người Do-thái, vì Lề Luật cấm uống máu (Lv 17,10-12).

Manaranche, trong tác phẩm “Này là Mình Ta” (Ceei est mon Corps), dùng những thành ngữ rất cô đọng và sâu xa : thân mình Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể là “thân xác tội lụy” (corps de péché), là “thân xác vinh quang” (corps de gloire), và là “thân mình ân sủng” (corps de grâce).

Thân xác tội lụy không những là thân xác với mọi giới hạn của xác thân (nhập thể), còn là một thân xác hiện diện trong thế giớùi tội lỗi (nhập thể), một thân xác mang gánh nặng của tội lỗi (đền tội). Nhưng đó cũng là thân xác vinh quang, là thân xác của Đức Giêsu Kitô đã vượt qua sự chết vàø những giới hạn của thế giới sự chết, vượt qua cá nhân mà không hủy hoại cá nhân, còn biến cá nhân trở thành nhân vị. Đó là “thân mình ân sủng” (corps de grâce), vì thân xác phục sinh mới có khả năng tự hiến thực sự, tự trao ban cho người khác và  người khác có thể đón nhận (le Ressuscité devient communicable). Đức Giêsu Kitô Phục Sinh vinh quang trở thành lương thực nuôi sống Giáo Hội, nuôi sống ki-tô-hữu chúng ta, như Đức Kitô đã nói :

“Ai ăn Ta, thì sống nhờ Ta” (Ga 6,57).

Phục Sinh không là “xuất thể” (désincarnation), “ra khỏi thân xác”, mà là “thân xác được vinh quang”. Phục Sinh không là “bốc hơi” (évaporation), trở thành khí, nhưng là trở thành “phổ quát”, vượt thời gian và không gian, dù không đánh mất căn tính “Giêsu Nazaret”. Điều đó có một hệ luận rất quan trọng. Ai hiểu được sẽ không lý luận như Calvin dựa vào Cv 2,32 nói về sự Phục Sinh : “Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại… Được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống”.

Trong tác phẩm “L’Institution chrétienne”, Calvin viết :

“Nếu Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha, làm sao cùng một lúc Ngài có thể ngự trên bàn thờ ? Vì chưng chúng ta không nghi ngờ là Thân Xác Đức Kitô có kích thước, như bản chất tự nhiên của thân xác con người. Chúng ta không nghi ngờ thân xác ấy ở trên trời, cho tới ngày quang lâm phán xét. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng không được phép hạ thân xác Đức Kitô xuống ngang hàng những yếu tố vật chất hư nát, và tưởng tượng là thân xác ấy hiện diện khắp nơi”. (Jean Calvin, L’Institution chrétienne, livre VI, ch XVII No 12 “Labor et Fides”, Genève 1958, p. 359).

Luther chống lại những tư tưởng ấu trĩ này cách sắc bén bằng những cách nói rất mỉa mai :

“Vậy Đức Kitô ngồi trên một ngai vàng, bên cạnh Chúa Cha, mình mặc áo choàng, đầu đội triều thiên sao ? Ngài coi vinh quang của Ngài là được ngồi bên hữu Thiên Chúa trên một cái gối bằng nhung, và nghe các thiên thần ca hát trước mặt Ngài sao ?” (Martin Luther, Oeuvres, tome VI, “De la Cène du Christ”, Labor et Fides, 1964, p. 55-57).

III. ĐỨC KITÔ VỀ CÙNG CHA

Chúng ta đã chiêm ngắm Đức Kitô Thánh Thể như là “Hồng Ân” của Thiên Chúa bằng con mắt đức tin. Với con mắt đức tin, chúng ta như có cái nhìn của Thiên Chúa, quan điểm của Thiên Chúa. Tư tưởng của chúng ta về Đức Kitô Thánh Thể giống như tư tưởng của Thiên Chúa. Dù vậy tư tưởng vẫn phải qua lăng kính “con người”. Hay nói theo kiểu kinh viện : “Quidquid recipitur, ad modum recipientis recipitur” (thực tại được đón nhận theo cách thức của thực tại đón nhận).

Ý tưởng đón tiếp Đức Kitô từ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể phát xuất bởi cách nhìn “từ trên” : đi từ Tình Yêu của Thiên Chúa  xuống đến loài người chúng ta. Nhưng còn một cách nhìn khác, mà chính các tác giả Tin Mừng cũng đã nhìn : nhìn “từ dưới”, từø hành trình của Đức Giêsu Kitô đi về cùng Thiên Chúa. Đó là một hành trình ghi đậm nét trong lịch sử, đã biến đổi lịch sử và đang còn biến đổi thế giớùi. Hành trình ấy vừa là quá khứ, vừa là hiện tại, vừa là tương lai. Đối với chúng ta, đó là hiện tại đón nhận quá khứ và đi về tương lai.

Hành trình Vượt Qua của Đức Kitô cô đọng hành trình của Dân Chúa và của cả nhân loại. Bí tích Thánh Thể như cô đọng hành trình ấy, để chúng ta có thể tháp nhập vào, dấn thân vào con đường đi về cùng Thiên Chúa.

Chúng ta hãy chiêm ngắm đời sống đạo của Đức Giêsu, để từ đó có thể bước theo Ngài. Đạo của Đức Giêsu là con đường của Ngài, mà con đường của Ngài là đường đi về cùng Cha. Tâm hồn của Ngài luôn luôn hướng về Cha. Ngài như chỉ sung sướng, hạnh phúc trọn vẹn, khi được về với Cha. Chính vì thế, Ngài luôn mong mỏi Giờ Vượt Qua thế gian về cùng Cha. Giờø ấy được coi là cao điểm cuộc đời của Ngài. Giờ ấy là Giờ Ngài dâng trọn bản thân cho Cha (Hy Tế) ; là Giờ làm cho Cha được vinh hiển và cũng là Giờ Vinh Quang của Ngài.

Trong các tác giả Tin Mừng, Gioan là người nhấn mạnh nhiều hơn cả đến lễ vượt qua của người Do-thái. Chắc chắn ông có ý nối kết bí tích Thánh Thể với ý nghĩa lễ Vượt Qua khi tường thuật phép lạ hóa bánh (Ga 6,4), để từ đó ghi lại diễn từ về Bánh Hằng Sống. Ông cũng nối kết Giờ Đức Giêsu chết trên thập giá với Giờ sát tế Chiên Con trong đền thờ để chuẩn bị bữa tiệc vượt qua (Ga 19,31). Thời điểm Bữa Tiệc Ly theo Gioan là : “trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờø Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha…” (Ga 13,1).

Để tiên báo sự chết và sống lại của Ngài, Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan không dùng kiểu nói như trong các Tin Mừng nhất lãm, nhưng Ngài tuyên bố :

“Một ít nữa, các ngươi sẽ không còn trông thấy Ta,

và lại một ít nữa, các ngươi sẽ xem thấy Ta.

Vì Ta đi đến cùng Cha” (Ga 16,17).

Quả thực là một ngôn ngữ huyền nhiệm, khiến các môn đồ không hiểu nổi ! Họ chưa hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Chỉ khi nào đã nhận lãnh Thánh Thần, nhờ Thánh Thần “nhắc lại”, bấy giờ họ mới hiểu. Dù vậy, Đức Kitô vẫn cho họ biết và kết thúc lời tiên báo bằng cách khẳng định lại nguồn gốc và cứu cánh của mình :

“Ta đã xuất tự Cha và đã đến trong thế gian ;

bây giờ Ta lại bỏ thế gian mà đi đến cùng Cha” (Ga 16,28).

Trong hành trình Vượt Qua này, chắc chắn Đức Kitô muốn lôi kéo tất cả các môn đệ :

“Con muốn là Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con” (Ga 17,24).

Người còn lôi kéo tất cả nhân loại :

“Một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32).

Cả Lời nguyện hiến tế (Ga 17) của Đức Giêsu là một lời cầu xin tha thiết để được về cùng Cha, cũng là lời đối thoại bộc lộ tình yêu sâu thẳm đối với Cha và tình yêu nồng nàn dành cho các môn đệ.

Chắc chắn sự khao khát trở về cùng Cha nơi Đức Giêsu là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần luôn hoạt động trong Ngài, Thánh Thần mà khi “tắt thở” Ngài trao phó lại cho Giáo Hội (Ga 19,30).

Nói theo kiểu thư Do-thái, chính Thánh Thần là Đấng đã làm cho Đức Giêsu có can đảm tự hiến mình làm lễ vật hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa (Dt 9,14).

Đức Giêsu đã vượt qua thế gian về cùng Thiên Chúa, nhưng với tư cách là Môsê mới, Ngài còn đang lãnh đạo cuộc vượt qua của toàn thể nhân loại cùng đi với Ngài. Khi xưa Môsê đã đưa dân Do-thái vượt qua Biển Đỏ, hành trình trong sa mạc đã tiến về Đất Hứa, thì nay Đức Kitô sẽ đưa “Dân Israel mới” vượt qua thế gian, đi về Đất Hứa, về Quê Hương đích thực là Thiên Đàng là Nhà Cha ở trên trời.

Ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là ý nghĩa cánh chung, vì sự Phục Sinh của Đức Kitô là sự Phục Sinh cánh chung, báo trước Cùng Đích của nhân loại là “Sống Viên Mãn” trong Thiên Chúa (viên mãn cả về phương diện thân xác).

Không thể chối cãi “ý nghĩa vượt qua” của bí tích Thánh Thể, dù có nhiều ý kiến khác nhau về Bữa Tiệc Ly, trong đó Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể. Có người cho rằng Bữa Tiệc Ly là một bữa ăn Vượt Qua (repas pascal) mà chính Đức Giêsu đã muốn mừng cùng các môn đệ trước ngày Ngài phải chịu chết. Lập trường này dựa trên những câu khẳng định trong các Tin Mừng nhất lãm :

“Thầy muốn chúng tôi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ? … Ta muốn cửû hành lễ Vượt Qua với môn đồ Ta ở nhà ông. Môn đồ đã làm như Đức Giêsu truyền dạy họ, và họ đã dọn lễ Vượt Qua” (Mt 26,17-19 ; Mc 14,12-16 ; Lc 22,7-13).

Dựa vào các đoạn Tin Mừng nhất lãm nêu ở trên, phải xác quyết là các môn đệ đã dọn lễ Vượt Qua cho Đức Giêsu mừng chung với cả nhóm Mười Hai.

Hơn thế nữa, tác giả Luca còn khẳng định rõ là :

“Ngài lên giường tiệc làm một với các tông đồ, và Ngài nói cùng họ : “Ta ước ao khao khát ăn lễ Vượt Qua này với các ngươi trước khi Ta chịu khổ nạn !…” (Lc 22,14-15).

Nếu dựa vào câu đó của Luca, thì không thể chối cãi được buổi Tiệc Ly là bữa ăn Vượt Qua của Đức Giêsu và các môn đồ.

Nhưng ngày hôm nay, có khá nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng Tiệc Ly không là một bữa ăn Vượt Qua, với những lý do sau đây :

- Tin Mừng nhất lãm chỉ tường thuật việc dọn lễ Vượt Qua, nhưng khi tường thuật bữa ăn tối, thì không đả động gì đến lễ Vượt Qua Do-thái. Ngay cả chiên vượt qua cũng không được nói tới, mà chiên vượt qua là phần chính của bữa ăn Vượt Qua.

- Nếu ăn lễ Vượt Qua trước ngày lễ, thì vi phạm Lề Luật trầm trọng, là điều mà chắc chắn Đức Giêsu không muốn. Vả lại người Do-thái sẽ không để yên cho Đức Giêsu và các môn đồ vi phạm Lề Luật này. Còn nếu mừng lễ Vượt Qua đúng ngày, thì Đức Giêsu bị xử tử vào ngày nào ? Chả lẽ mọi sự đều xảy ra trong ngày lễ Vượt Qua ? Công nghị Do-thái, dù ác độc và bất công đến đâu cũng không dám trắng trợn vi phạm Lề Luật. Hay Đức Giêsu bị đóng đinh sau ngày lễ Vượt Qua ?

- Bằng chứng mạnh hơn cả là Tin Mừng Gioan định vị “việc Đức Giêsu bị bắt” vào đêm tối trước ngày lễ Vượt Qua, và được đưa đến Phủ đường, sợ mắc uế và không mừng lễ Vượt Qua được (Ga 18,28). (x. Marchadour, L’Eucharistie dans la Bible, Cahiers d’Evangile 37, p. 34-35).

Cho dù không công nhận Bữa Tiệc Ly là bữa ăn Vượt Qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đều phải công nhận ít nhất là nó xảy ra trong bầu khí lễ Vượt Qua. Chắc chắn Đức Giêsu vừa nghĩ đến lễ Vượt Qua, vừa nghĩ đến cái chết sắp tới của Ngài. Và trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã nói lên ý nghĩa của cái chết ấy, đó là một cái chết tự hiến, một cái chết cứu chuộc, một cái chết mang lại sự sống, mang lại ơn giải thoát. Máu Ngài sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội, như máu chiên con bôi lên cửa nhà người Do-thái, để con đầu lòng của họ được tha chết. Dù là dựa vào Gioan hay vào các Tin Mừng Nhất Lãm, không thể chối cãi ý nghĩa Vượt Qua mà Đức Giêsu vừa gán cho cái chết của Ngài trên thập giá, vừa gán cho việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Nói theo kiểu của cha Manaranche, Bữa Tiệc Ly có nội dung của Núi Sọ, được trình bày dưới hình thái bữa ăn. (Manranche, “Ceci est mon Corps” Seuil Paris, p. 84).

Hơn ai hết, tác giả Tin Mừng Gioan nhấn mạnh ý nghĩa vượt qua của Núi Sọ. Dưới mắt của Gioan, chính Đức Kitô mới là Chiên Vượt Qua đích thực (Lyonnet, Eucharistie et vie chrétienne, supplément à vue chrétienne, Juillet 1969, No 119, p. 22-23). Đàng khác, chính Đức Kitô cũng vượt qua thế gian về cùng Cha (Ga 13,1). Giờ của Ngài là Giờ Vượt Qua, Giờ “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30), Giờ Cao Điểm của Lịch sử cứu độ.

Đối với Israel cũ, “mầu nhiệm Vượt Qua” cô đọng tất cả Lịch sử cứu độ. Đối với Israel mới, Giờ Vượt Qua của Đức Kitô cũng cô đọng tất cả Lịch sử cứu độ, biến cố vượt qua trong Cựu Ước chỉ là hình bóng của Biến Cố Vượt Qua mới, là Vượt Qua đích thực, Vượt Qua trọn vẹn. Vì ý thức sâu xa về ý nghĩa vượt qua không những của Núi Sọ, mà của cả buổi Tiệc Ly, Giáo Hội cho đọc bài sách Xuất Hành 12, 1-8. 11-14 nói về Tiệc Vượt Qua trong chiều thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Nếu đồng ý rằng “quy luật cầu nguyện là quy luật đức tin” (lex ocrandi lex credendi) thì chúng ta phải công nhận ý nghĩa vượt qua thuộc về nội dung chính yếu của “mầu nhiệm Thánh Thể”.

Vì lý do ấy, chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn về lễ Vượt Qua của người Do-thái, để nhờ đó hiểu đúng hơn và sâu hơn tư tưởng của Đức Giêsu.

A. LỄ VƯỢT QUA

Lễ Vượt Qua có lẽ là một lễ đã có từ lâu đời nơi những dân du mục. Khi bắt đầu mùa xuân, cây cỏ bắt đầu xanh tươi, các mục đồng đưa những đàn súc vật đi ra các đồng cỏ. Đây cũng là mùa mà các động vật mới sinh ra một thời gian ngắn, phải di chuyển với đàn súc vật, chấp nhận tất cả những hiểm nguy của đời du mục. Những người du mục tin thần thánh phù hộ cho các súc vật nhỏ bé của họ, với điều kiện là họ dâng lên cho thần thánh những con vật đầu lòng.

Những người Do-thái phiêu bạt sang Ai-cập có lẽ vẫn giữ phong tục này, hằng năm, cứ vào mùa Xuân, tế lễ con chiên đầu lòng dâng lên Thiên Chúa.

Trong bối cảnh lịch sử mới là “ách nô lệ” nặng nề bên Ai-cập, và biến cố Xuất Hành giải thoát toàn dân, lễ Vượt Qua đã mang một ý nghĩa mới, với những dấu vết lịch sử và đặc biệt là một cái nhìn đức tin về lịch sử. Máu chiên con bôi trên cửa những căn nhà người Do-thái là dấu hiệu giải thoát : thiên thần vượt qua nhà họ mà không đánh phạt con trai đầu lòng của họ, như giết chết con trai đầu lòng của người Ai-cập. Máu chiên Vượt qua giờ đây trở thành “dấu hiệu” người Do-thái thuộc về dân Thiên Chúa, được Thiên Chúa phù hộ và cứu khỏi ách thống trị của người Ai-cập. Dân Do-thái giờ đây kinh nghiệm được Tình Yêu và Quyền Năng của Giavê Thiên Chúa, Đấng cứu thoát họ. Và kinh nghiệm này trở thành trọng tâm niềm tin của Dân Thiên Chúa. Từ đây tất cả những tâm tình và tư tưởng tôn giáo của dân Israel đều xoay quanh cái trục này.

Nhưng khi dân đã vào Hứa địa, trên bình diện lịch sử, không có bằng chứng nào cho thấy người ta đã mừng lễ Vượt qua cách long trọng, mãi cho tới thời cải cách của vua Yôsya, tựa vào việc khám phá “Sách Đệ Nhị Luật” trong khi trùng tu lại Đền thờ (2V 22-23). Cuộc cải cách này nhấn mạnh đến việc tập trung cần thiết cho sự sống còn của đất nước Giuđa : một Thiên Chúa duy nhất, một dân tộc duy nhất, một nơi thờ phượng duy nhất là Đền thờ Giêrusalem. Cuộc cải cách để lại dấu vết sâu đậm trên đời sống tôn giáo của Dân Chúa : hằng năm người ta về Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua.

Trong lễ Vượt Qua, giờ đây cô đọng tất cả Lịch sử cứu độ. Biến cố Xuất Hành vẫn là trọng tâm. Nhưng ngoài cái đêm thiên thần vượt qua và Môsê đưa dân Chúa ra khỏi Ai-cập, đêm Vượt qua còn bao hàm - theo như sách Targum - ba đêm khác nữa : đêm đầu là lúc Thiên Chúa khởi sựï công trình tạo dựng, lúc bóng tối còn bao phủ địa cầu và Lời của Người đóng vai trò tác tạo ; đêm thứ hai là lúc Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham, hứa ban cho ông một miêu duệ như sao trên trời, như cát dưới biển, đêm này còn bao gồm hy tế Isaac ; đêm thứ ba mới là đêm xuất hành ra khỏi Ai-cập, đêm giải thoát toàn dân, để toàn dân có thể phụng thờ Thiên Chúa, để dân trở thành “sở hữu” của Thiên Chúa, dân riêng của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Thiên Chúa của họ ; đêm cuối cùng là lúc Đấng Mêsia cánh chung xuất hiện, lúc “Con Người” đến trên mây trời để hoàn tất Lịch sử cứu độ.

Vì ý nghĩa lớn lao đó, mà Lễ Vượt Qua càng ngày càng trở nên quan trọng trong Do-thái-giáo.

Việc ăn chiên vượt qua theo phong tục của người du mục được kết hợp với lễ Bánh không men là lễ của dân Cananéens. Đó là lễ đầu năm của người dân làm nông nghiệp. Bắt đầu vụ mùa mới, người ta muốn bỏ hết các thứ men cũ dùng trong việc chế biến lương thực. Vì thế người ta sử dụng một thứ bánh không men để lưu ý là thời gian cũ đã qua, bắt đầu bước vào giai đoạn mới. Hai lễ này thường được mừng vào cùng một khoảng thời gian, nên việc kết hợp chúng lại trở nên dễ dàng. Vả lại lễ Bánh không men nhập vào lễ Vượt Qua làm cho lễ này mang thêm một chiều kích mới : sự sống luôn luôn phải mới mẻ, cũ phải qua đi, chỉ có mớùi tồn tại.

Ý nghĩa này rất phù hợïp với quan điểm của Đức Giêsu, với công trình cứu thế của Ngài, mang lại sự sống mới, thiết lập một Vương Quốc mới không thuộc về trần gian. Dĩ nhiên, việc ăn Bánh không men còn được giải thích là dấu chỉ “tư thế hành trình” của dân Chúa. Người ta vội vã, nên mới ăn bánh không men với rau diếp đắng (nhắc nhở cuộc sống đăéng cay thờøi nô lệ Ai-cập).

Thời Đức Giêsu, bữa ăn Vượt qua Do-thái trở thành khá phức tạp, trở nên một nghi lễ phụng vụ, trọng tâm của đời sống phụng tự Do-thái-giáo. Ngày lễ Vượt Qua là ngày rằm tháng thứù nhất mùa Xuân (tháng Nisan). Hôm trước ngày lễ, người ta đưa một chiên con vào Đền thờ sát tế. Máu rảy trên bàn thờ, phần thịt chiên thì giao lại cho người sở hữu đưa về gia đình để ăn lễ Vượt Qua. Bữa tiệc vượt qua có nhiều nghi lễ :

1. Đầu tiên, người ta rót đầy chén thứ nhất, và người chủ gia đình đọc lời chúc tụng trên chén. Mọi người cùng uống chén và cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Sau đó những người dự tiệc rửa tay và bắt đầu dùng rau đắng.

2. Sau phần “khai vị” nói trên, người ta đưa lên bàn thịt chiên con và bánh không men, rót đầy chén thứ hai. Chủ gia đình giải thích ý nghĩa buổi cử hành, và ý nghĩa biểu tượng của từng món ăn. Mọi người uống chén thứ hai, rồi lại rửa tay để ăn bữa chính. Chủ nhà lấy bánh không men, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, đặt trên đó rau đắng ; và mỗi người ăn bánh với thịt chiên. Lời chúc tụng thường là phần đầu kinh “Hallel” trong Do-thái-giáo.

3. Sau đó, mọi người rửa tay lần nữa, và người ta lại rót đầy chén thứ ba, được gọi là “chén chúc tụng”, vì mọi người đọc kinh cảm tạ (berakha). Cuối cùng tất cả đứùng dậy, uống chén chót, hát kinh Hallel (Tv 112-117 ; 135), và nghi lễ Vượt Qua đến đây chấm dứt.

B. Ý NGHĨA VƯỢT QUA CỦA GIOAN VI

Cho tới nay, các tác giả Kinh Thánh vẫn tranh luận về cách giải thích đoạn VI Tin Mừng Gioan. Người thì giải thích theo nghĩa thiêng liêng, người thì giải thích theo nghĩa thực tiễn và bí tích. Ngay từ lịch sử khoa chú giải Kinh Thánh, đã có hai trường phái :

- Trường phái Alexandria giải thích theo ý nghĩa thiêng liêng.

- Trường phái Antiôkia theo ý nghĩa thực tiễn.

Luther và Calvin đều giải thích theo nghĩa thiêng liêng ; Công Đồng Trentô không phán quyết. Ngày nay đa số người tin lành theo nghĩa thiêng liêng ; đa số người công giáo theo nghĩa thực tiễn và coi đó là một đoạn bàn về bí tích Thánh Thể.

Một số người tin lành, cùng với Bultmann, cho rằng tiểu đoạn từ câu 51c đến hết câu 58, mà không ai có thể chối cãi đặc tính bí tích, là đoạn được thêm vào sau. Bằng chứng là nó hoàn toàn ngược với câu 63, nơi Đức Giêsu khẳng định là “chỉ có Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì”.

Thực ra lập trường của Bultmann rất khó minh chứùng ; lý chứng dựa vào câu 63 chưa đủ, vì vẫn có thể nối kết tính “thực tiễn” của bí tích với đức tin. Và Giáo Hội vẫn luôn coi bí tích Thánh Thể là Mầu Nhiệm đức tin. Hễ nói tới đức tin, thì không còn là lãnh vực của xác thịt và máu huyết, mà là lãnh vực của Thần Khí. Thần Khí không đi ngược với thực tiễn, không đi ngược con đườøng nhập thể, vì chính biến cố Nhập Thể cũng là công việc của Thần Khí. Thần Khí chỉ không chấp nhận dừng lại ở mắt phàm.

Đoạn 51c - 58 rõ ràng là một đoạn mang ý nghĩa bí tích, và ý nghĩa ấy tỏa ra trên toàn thể chương VI :

“Bánh Ta sẽ ban ấy là thịt mình Ta

vì sự sống thế gian.

Người Do-thái xô xát nhau mà rằng :

“Làm sao ông có thể cho ta ăn thịt mình được ?”

Vậy Đức Giêsu nói với họ :

“Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi :

nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài,

các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi.

Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời,

và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết.

Vì thịt Ta là thật của ăn, và máu Ta thật là của uống.

Kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì lưu lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy.

Cũng như Cha, Đấng hằng sống, đã sai Ta,

Và Ta sống nhờ Ta,

Thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta.

Bánh này là bánh bởi trời xuống ;

Không phải như cha ông các ngươi đã ăn và đã chết ;

Kẻ ăn bánh này sẽ sống đời đời”

Chỉ có đức tin mới nhìn ra được ý nghĩa sâu xa của bí tích. Chính vì thế mà tác giả nhấn mạnh thái độ cứng tin của nhiều người và kết thúc chương VI bằng lời tuyên tín của Phêrô đại diện cho các Tông đồ (c. 68-69). Và cũng ngay từ đoạn này, Đức Giêsu đã nói tới sự phản bội của Giuđa.

Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ nhận ra là tác giả rõ ràng có dụng ý muốn gán cho diễn từ Bánh Hằng Sống “ý nghĩa vượt qua”. Nhiều chi tiết là những dấu vết giúp chúng ta nhận ra “hậu cảnh” (fond) của diễn từ là biến cố Xuất Hành và ý nghĩa lễ Vượt Qua :

+ Thời gian : “Lễ Vượt Qua, đại lễ của người Do-thái đã gần” (câu 4)

+ Nơi chốn : “Đức Giêsu lên núi, và ngồi đó với môn đồ của Ngài” (câu 3).

+ Cách người Do-thái nhìn nhân vật Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều : “Hẳn Ngài là vị Tiên tri, Đấng sẽ đến trong thế gian !” (câu 14)

Vị Tiên tri” này ắt hẳn là Đấng mà Môsê nói tới trong sách Đệ Nhị Luật (Tl 18,18).

+ Người Do-thái nhắc tới của ăn manna mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc (câu 31).

+ Phép lạ làm bánh hóa ra nhiều được coi như một dấu chỉ lớn hơn, vượt trên phép lạ manna trong sa mạc (câu 32-33 ; câu 12-13).

+ Thái độ kêu ca của người Do-thái (câu 41 và 52) giống những lời phàn nàn của cha ông họ ở Marah (Xh 15,24), ngay cả khi nhận của ăn manna (Xh 16,2. 7 .12).

Rõ ràng trong đoạn VI Tin mừng Gioan, Đức Giêsu được coi là một Môsê mới, lớn hơn cả Môsê cũ, vì Môsê cũ không là tác giả của manna, mà chính là Thiên Chúa ; còn Môsê mới thì mang lại sự sống bất diệt, Môsê mới đồng hóa với bánh bởi trời, bánh hằng sống mà Chúa Cha ban, để những ai tin thì có sự sống đời đời (câu 47). Môsê mới không chỉ là bạn, là đầy tớ của Giavê, mà còn đồng hóa với Danh Hiệu Giavê trong sách Xuất Hành : “Chính là Ta” (câu 48 và 51 ; x. Xh 3,14-16).

IV.“HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN TA !”

Nói về bí tích Thánh Thể, điều hết sức là bàn về ý nghĩa của việc cử hành mầu nhiệm. Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể là thi hành lệnh truyền cuối cùng và quan trọng nhất của Chúa trong Bữõa Tiệc Ly. Nội dung lệnh truyền ấy là : “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta !”

Việc này là việc gì ?

Phải chăng là ăn bánh và uống chén ?

Chắn chắc là đúng ! Vì bánh ấy là thịt, chén ấy là máu Đức Kitô. Theo đoạn VI Tin Mừng Gioan, Đức Kitô cũng ra lệnh truyền này : “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi” (Ga 6,53).

Phaolô còn nói rõ hơn : “Mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11,26-27).

Nhưng phải chăng việc “ăn Bánh” với “uống Chén” là tất cả nội dung của chữ “làm việc này” ? Nói chung, thần học tin lành có khuynh hướng suy nghĩ và trình bày như thế ! Họ coi bí tích Thánh Thể là “Bữa ăn của Chúa” (cena Domini). Trong bữa ăn, quan trọng nhất là ăn và uống. Dĩ nhiên ăn và uống còn có nghĩa “kết hợp” với Chúa, để nhận lãnh sự sống từ Chúa. Kẻ nào không ăn bánh và uống chén, thì không được hiệp thông với Chúa ; kẻ nào ăn uống cách bất xứùng, thì mắc tội với Chúa. Quan niệm này rất đúng, nhưng có phần cực đoan, khi được dùng để chống lại quan điểm công giáo coi bí tích Thánh Thể là một Hy Tế. Vì chối đặc tính Hy Tế của Thánh Lễ, Luther và Calvin nhấn mạnh tối đa đến “Bữa ăn”, và coi bí tích Thánh Thể chỉ là bữa ăn, cho dù là bữa ăn mang tính “phượng tự”.

Trái lại, thần học công giáo, tuy không chối việc ăn và uống, nhưng nhấn mạnh đến việc “cử hành nghi lễ” như Chúa đã làm với những cử chỉ và lời nói của chính Chúa. Hơn thế nữa, cử hành Thánh Lễ là cửû hành Hy Tế Đức Kitô ở trên thập giá. Điều đó rất đúng, vì Thánh Lễ cũng là Hy Tế Đức Kitô. Nhưng nếu nhấn mạnh quá đáng để chống lại người tin lành, thì sẽ rơi vào cựïc đoan khác : quên bí tích Thánh Thể là “Bữa ăn tối” ; “Làm việc này” là “tổ chức bữa ăn”, là dùng bữa tối của Chúa. Một số người tin lành nhận xét rằng trong Thánh Lễ công giáo, chỉ có linh mục mới bị bó buộc giữõ lệnh truyền “Hãy cầm lấy mà ăn”, “Hãy cầm lấy mà uống” ; những người giáo dân muốn “rướùc lễ” hay không tùy ý. Người giáo dân bị bó buộc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật, nhưng chỉ buộc rước lễ một năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh. Nhận xét này không sai.

May thay, với phong trào canh tân phụng vụ, Giáo Hội công giáo hôm nay nhấn mạnh nhiều đến phần “hiệp lễ”, khuyến khích giáo dân rước lễ thường xuyên.

Max Thurian, một nhà thần học tin lành có tinh thần đại kết, trong tác phẩm L’Eucharistie, công nhận lệnh truyền “làm việc này” của Chúa có nghĩa là cử hành lại điều Chúa đã làm trong Bữa Tiệc Ly, ít nhất là những điều chính yếu.

Muốn biết rõ Chúa Giêsu đã làm điều gì, đương nhiên phải dựa vào các bài tường thuật Bữa Tiệc Ly. Chúng ta có 4 bài tường thuật : Mt 26,26-28 ; Mc 14,22-24 ; Lc 22,19-20 ; 1 Cr 11,23-25.

Cả bốn bài tường thuật giống nhau trong những điều cốt yếu. Nhưng nếu so sánh với nhau, thì Matthêu và Marcô giống nhau hơn, Luca và Phaolô. Có lẽ các bài tường thuật thuộc hai truyền thống :

- Truyền thống phụng vụ Giêrusalem

- Truyền thống phụng vụ Antiôkia.

Có một vài khác biệt chi tiết :

-  Matthêu và Marcô ghi lại rằng Đức Kitô lập phép Thánh Thể, “đương lúc họ ăn”, mà không xác định rõ lúc nào trong khi ăn (Mt 26,26 ; Mc 14,22). Luca và Phaolô ghi nhận Đức Kitô hiến thánh rượu, “sau khi đã dùng bữa ăn tối xong”, nghĩa là vào lúc cuối ghi lễ ăn chiên Vượt qua Do-thái (Lc 22,20 ; 1 Cr 11,25).

- Matthêu và Marcô ghi lại công thức : “Này là Mình Ta”, mà không thêm gì (Mt 26,26 ; Mc 14,22). Phaolô thêm : “vì các ngươi” (1 Cr 11,24) ; Luca thêm : “thí ban vì các ngươi” (Lc 22,19).

- Matthêu và Marcô trực tiếp nhắc đến máu, khi Đức Kitô hiến thánh rượu : “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước…” (Mt 26,28 ; Mc 14,24) ; Phaolô và Luca trực tiếp nhắc đến chén và giao ước, gián tiếp nói đến máu : “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta”  (Lc 22,20 ; 1 Cr 11,25).

- Trong Luca và Phaolô, có ghi lại lệnh truyền của Đức Giêsu “Hãy làm sự (việc) này mà nhớ đến Ta” (Lc 22,19 ; 1 Cr 11,24.25).

- Chỉ trong Matthêu có câu : “để nên ơn tha tội” (26,28).

Bốn bài tường thuật về việc thành lập phép Thánh Thể có trước khi được đưa vào các sách Tin Mừng và thư Phaolô. Chúng phát sinh từ môi trường phụng vụ sơ khai ở Giêrusalem và Antiôkia… Sau lưng các tác giả Tân Ước, có cả Giáo Hội truyền lại câu chuyện Tiệc Ly ; Giáo Hội tin và thực hành điều mà Giáo Hội sơ khai truyền lại, dưới sự giám sát của Hàng giáo phẩm, không cho phép sự thay đổi cốt yếu nào trong phượng tự và đức tin.

Bốn bài tường thuật là gia tài cổ kính do truyền thống “công giáo” của Giáo Hội để lại. Truyền thống này cổ kính và thế giá đến nỗi phải nhận rằng nó bắt nguồn từ bản thân Đức Kitô : “Chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em” (1 Cr 11,23).

Vì có nguồn gốc phụng vụ, cả bốn bài tường thuật ghi lại ít hơn những gì Đức Kitô đã nói trong Bữa Tiệc Ly. Do đó, chúng ta có quyền tự hỏi : trong bốn bài, bài nào gần với sự kiện hơn ? Theo một số nhà chú giải, rất có thể Truyền thống Antiôkia gần hơn cả, và trong đó, bài tường thuật của chính Phaolô ; theo một số nhà chú giải khác, thì Truyền thống Giêrusalem, và bài tường thuật của Marcô gần hơn cả.

Phụng vụ Thánh Thể của Giáo Hội La-tinh dung hòa cả bốn bài tường thuật, đúc kết lại thành những nét chính yếu, dùng trong phần Truyền phép của bốn Kinh Nguyện Thánh Thể, với sắc thái hơi khác nhau trong từng Kinh nguyện.

Kinh nguyện Thánh Thể I vừa nhắc tới một chi tiết lịch sử (“Hôm trước ngày chịu nạn”), vừa dùng những lời lẽ rất trang trọng, cho thấy những cử chỉ phụng vụ, những cử chỉ cầu nguyện trước, trong và sau bữa ăn theo phong tục Do-thái, đồng thời cũng bộc lộ được tâm tình đạo đứùc của Đức Giêsu và ý hướng của Người :

“Người cầm bánh trong tay thánh thiện và khả kính, ngướùc mắt lên trời, nhìn Chúa là Chúa Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán”.

Cử chỉ “ngước mắt lên trời” của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly là một cử chỉ tạ ơn, chúc tụng của mọi người Do-thái khi họ đọc kinh. Ở đây cử chỉ ấy được giải thích cách sâu sắc : “Người nhìn Chúa là Chúa Cha toàn năng của Người”. Người vẫn làm như thế khi cầu nguyện ở giữa các môn đệ, nhưng giờ đây, lời cầu nguyện của Người tha thiết hơn. Người như muốn biểu lộ lòng yêu mến Chúa Cha một cách tuyệt đối, dâng hiến mạng sống của Người lên cho Chúa Cha làm hy lễ, để Chúa Cha tự do sử dụng bản thân Người, để Chúa Cha ban cho các môn đệ chính mình Người làm của ăn. Người tự hiến thân mình cho Thiên Chúa và tự hiến thân mình cho các môn đệ. Bánh và rượu mà Người dâng lên Thiên Chúa là dấu chỉ sự tự hiến của Người. Người đồng hóa bản thân với bánh và rượu mà Người dâng lên cho Thiên Chúa. Người coi cái chết sắp tớùi của Người như là một hy sinh tự nguyện, Người chịu chết để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Giờø đây (hôm trước ngày chịu nạn), Người tự nguyện hiến dâng lên Thiên Chúa hy tế thập giá của Người. Khía cạnh tự nguyện này được Kinh Nguyện Thánh Thể II nhấn mạnh : “Khi tự ý nộp mình chịu khổ hình…”

Cái chết sắp tới của Người còn được biểu lộ bằng cửû chỉ “bẻ bánh”. Thân mình Người như tấm bánh được bẻ ra, phân phát cho các môn đệ làm của ăn. Người chết đi, để các môn đệ được sống. Người như hạt lúa mì phải mục nát đi, thì mới sinh nhiều bông hạt.

Người biết Chúa Cha yêu thương các môn đệ, nên sự tự hiến của Người cho các môn đệ hoàn toàn phù hợp với thánh ý của Chúa Cha. Người như “bánh sự sống”, “bánh bởi trời” mà Cha ban cho nhân loại. Người cũng đồng ý với Cha, thống nhất với Cha mà ban cho nhân loại : “Bánh Ta sẽ ban, ấy là Thịt mình Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6,51).

“Tình yêu tự hiến cho Chúa Cha và tự hiến cho nhân loại”, là ý nghĩa sâu xa của cái chết thập giá, mà Đức Giêsu muốn mạc khải cho các môn đệ ngay trong Bữa Tiệc Ly. Đó là điều cốt yếu ! Và điều cốt yếu này đã được cả bốn bài tường thuật Tân Ước ghi lại.

Khi mạc khải Tình Yêu tự hiến mình, đương nhiên Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đón nhận. Hãy đón nhận tình yêu của Người, hãy đón nhận bản thân Người, cầm lấy bánh mà ăn là “đón nhận bản thân Người sẽ bị nộp” vì họ và vì chúng ta hết thảy.

Đặt trong bối cảnh Giao Ước, cái chết của Người quả thực là một hy tế giao ước được ký kết bằng máu, biểu lộ sự trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32). Chính Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến cùng (usque ad finem). Và tình yêu đến cùng của Thiên Chúa biểu lộ qua việc Người phó nộp Con. Chúa Con cũng yêu đến cùng, vì Chúa Con mạc khải Tình Yêu  của Chúa Cha, nên Chúa Con cũng sẵn sàng chịu phó nộp.

Là con người, Đức Giêsu cũng yêu đến cùng trên bình diện con người. Ngài trung thành với Thiên Chúa đến cùng, Ngài vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Ph 2,8). Ngài đã ký Giao Ước bằng máu. Ngài biết chắc rằng Thiên Chúa sẽ chấp nhận Giao Ước. Giao Ước được ký kết giữa hai bên ; hai bên giờ đây cũng như một, vì tình yêu tuyệt đối trung thành mà cả hai bên dành cho nhau. Giao Ước ấy là Giao Ước vĩnh cửu ; chắc chắn sẽ mang lại ơn cứu độ đời đời.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy thông phần Tân Ước vĩnh cửu mà Ngài đại diện cho nhân loại đã ký kết với Thiên Chúa là Cha của Ngài. Muốn thông phần Giao Ước, thì phải uống máu Giao Ước, bây giờ không còn là máu chiên, máu bò, mà là chính Máu của Ngài. Ngài giống như Chiên Vượt Qua chịu sát tế, đổ máu làm giá cứu chuộc nhiều người.

Theo một số chuyên viên Kinh Thánh và thần học, thì những lời chúc tụng mà Đức Giêsu đọc trên bánh và chén là những “berakha” Do-thái : những lời chúc tụng đội ơn vì Tình Thương của Thiên Chúa, vì những ơn lành mà Người đã ban, kèm theo những lời khẩn cầu (prières d’intercession). Nếu đúng như vậy, thì Bữa Tiệc Ly còn mang ý nghĩa khẩn cầu. Đức Giêsu, như Đấng Thượng Tế Giao Ước Mới, dâng mạng sống của Ngài để cầu khẩn ơn tha tội cho chúng ta. Sự tha thiết của lời cầu nguyện được minh chứng bằng cái chết hy sinh trên thập giá. Cái chết ấy là lời khẩn xin tuyệt hảo, lời khấn xin đầy tình yêu, đầy lòng tin tưởng, nên có giá trị thay cho mọi lần. Đức Kitô được tác giả thư Do-thái ví với Thượng Tế, “vào thánh điện một lần duy nhất” (Dt 9,12). Lời cầu nhờ cái chết đã trở thành bất diệt. Nhờ cái chết và sự Phục Sinh, Đức Kitô đã trở nên Đấng Thượng Tế vĩnh cửu, đồng thời là Chiên Con chịu sát tế, nhưng vẫn hiên ngang đứùng bên Ngai Thiên Chúa.

Mọi chi tiết trong bài tường thuật Bữa Tiệc Ly đều hướng về Núi Sọ. Tâm hồn của Chúa Giêsu hoàn toàn hướng về đó. Ngài như muốn “sống”, muốn “cảm nghiệm” giây phút ấy trước (anticiper la mort). Nói theo kiểu cha Manaranche, nội dung của Bữa Tiệc Ly đã là thập giá rồi.

Dù vậy, cần phải xác định rõ hơn nữa để tránh những giải thích sai lầm : chính bánh và rượu đã được Chúa Giêsu coi là “Mình” và “Máu” của Ngài. Cử chỉ bẻ bánh dĩ nhiên ám chỉ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhưng cử chỉ ấy không được Ngài coi như là “thân mình bị nộp” của Ngài. Cũng như cử chỉ đổ rượu vào chén, không được Ngài coi  như là máu của ngài đổ ra trên thập giá. Đức Giêsu, sau khi bẻ bánh, trao cho các môn đệ, Ngài mớùi nói : “Hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Ta”. Ngài không nói những lời đó trong khi bẻ bánh, mà khi trao ban. Ngài trao ban bánh như là thân mình Ngài làm của ăn. Cũng thế, khi trao chén cho các môn đệ, Ngài mớùi nói : “Hãy lãnh nhận mà uống, vì này là chén Máu Ta”. Ngài không nói những lời đó khi rót rượu ; sau khi rót rượu, Ngài còn đọc lời chúc tụng, rồi trao cho các môn đệ, Ngài mớùi phán : “Các con hãy lãnh nhận mà uống, vì này là chén Máu Ta”.

Rõ ràng chữ “này” chỉ bánh và chỉ rượu. Bánh là Mình Thánh Chúa, rượu là Máu Thánh Chúa. Nhưng khi gọi bánh là thân thể Ngài, rượu là máu của Ngài, chắc chắn Đức Giêsu muốn nhắc lại cử chỉ bẻ bánh và cử chỉ rót rượu. Bánh đã được Ngài bẻ ra, và rượu đã được Ngài rót ra. Bánh và rượïu không chỉ là thịt và máu của Đức Giêsu theo nghĩa thuần túy vật chất, mà là thân mình tự hiến, thân mình chịu nộp và hy sinh trên thập giá, là máu đổ ra cho nhiều người được tha tội. Trong Bữa Tiệc Ly, cũng như trên thập giá, Đức Giêsu không những là Thượng Tế, mà còn là “của lễ hy sinh vô tỳ tích” (Dt 9,14).

MÀ NHỚ ĐẾN TA

Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cử hành Thánh Thể mà nhớ đến Ngài. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch giới từ hy lạp eis (eis) bằng chữ “mà”. Chữ mà rất mơ hồ, nhưng cũng rất hay. Đó là một chữ đệm, vừa để nối kết, vừa có thể hiểu ngầm nhiều ý. Có lẽ ý tưởng quan trọng hơn hết trong câu “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” là ý tưởng chỉ “mục tiêu”, kèm theo sắc thái “chỉ nghĩa” (caractère signifiant). “việc này” chỉ về Ta, nói về Ta, cho nên “làm việc này” là “hướng về Ta”, hướng về mầu nhiệm trọng tâm của Lịch sửû cứu độ là “Tử nạn và Phục Sinh”. Hay, nói rõ hơn là “loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại”.

Chữ “nhớ” trong tiếng Việt có lẽ hay hơn nhiều thứ tiếng khác, vì nó không những liên hệ với quá khứ, mà còn có tương quan với cả hiện tại và tương lai.

Nhớ không chỉ là “hồi tưởng”, là ôn lại trong ký ức những gì đã xảy ra với tư cách là quá khứ, ví dụ nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu. Nếu muốn nhấn mạnh quá khứ, tiếng Việt dùng chữ “nhớ lại”, “ôn lại”, chứ không dùng chữ “nhớ” suông hay “nhớ đến”.

Một ý nghĩa quan trọng của chữ “nhớ” trong tiếng Việt là “nhớ thương”, “nhớ thích”, có liên hệ tới quá khứ, nhưng hiện tại quan trọng hơn nhiều ; yếu tố quá khứ chỉ là khởi đầu dẫn vào hiện tại để rồi đưa đến tương lai.

Quan trọng hơn nữa, nhớ là “nhớ đến”, như bản dịch tiếng Việt của cha Nguyễn Thế Thuấn : “nhớ đến Ta”. Ví dụ : Tôi đang nhớ một người bạn, càng nhớ nhiều tôi càng yêu nhiều ; càng yêu nhiều tôi càng nhớ nhiều. Người bạn ấy hiện diện trong tôi, là hạnh phúc của đời tôi ; tôi sống nhờ người bạn ấy.

Như vậy, nhớ là nghĩ tới, không những bằng trí tuệ, mà bằng cả trái tim, và cứ sự thường, trái tim quan trọng hơn. Tôi có thể nghĩ tới quá khứ, cũng có thể nghĩ tới hiện tại và tương lai. Nhưng hiện tại bao giờ cũng làm cho tôi gắn bó hơn cả. Cái nhớ của tôi xây nền tảng trên hiện thực, vì có đối tượng là hiện thực.

Max Thurian, trong tác phẩm L’Eucharistie, trình bày chi tiết các loại nghi lễ “tưởng nhớ” (mémorial) trong Cựu Ước để nỗ lực giải thích lệnh truyền “Tưởng Nhớ” của Chúa.

Trước hết “Tưởng Nhớ”, đối với Dân Chúa là nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa, mà quan trọng hơn cả là biến cố Xuất Hành giải thoát Dân ra khỏi Ai-cập. Và “nhớ” trong một nghi lễ “tưởng nhớ” như lễ Vượït Qua không chỉ là nhớ lại, mà chủ yếu là nhớ đến, nhớ đến Tình Yêu cao cả của Thiên Chúa, Tình Yêu Toàn Năng biểu lộ rõ ràng nhất trong biến cố Vượt Qua. Tình Yêu ấy không chỉ là quá khứ mà là hiện tại. Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không chỉ là quá khứ mà là hiện tại.

Một loại nghi lễ “tưởng nhớ” thứ hai là : “Xin Thiên Chúa hãy nhớ”. Dân Thiên Chúa như nhắc cho Thiên Chúa nhớ đến Giao Ước của Người, mà biểu lộ lòng thương xót và ban ơn tha thứ. Tưởng nhớ ở đây là nhắc lại, đúng hơn là “nhắc đến” Tình Thương của Thiên Chúa và hy vọng vào sự “trung thành” của Người (hesed), xin Người đáp cứu. Cũng có thể là nhắc cho Thiên Chúa nhớ đến những nhân vật mà người đã thương yêu, tuyển chọn để thực hiện chương trình cứùu độ của Người (Abraham, Isaac, Yacob, Môsê, Đavít).

Một ví dụ khá rõ trong Cựu Ước là “bánh trưng hiến” (pains de proposition). Đó là 12 cái bánh không men (tượng trưng 12 chi tộc) được đặt trước mắt Giavê Thiên Chúa thành hai hàng, mỗi hàng 6 cái (Lv 24,5-6 ; 1 Sm 21,5 ; 1 V 7,48). Bánh này được thay mới mỗi sáng thứ bảy (sabbat) ; bấy giờ các thầy tư tế mới được ăn (Lv 6,16). Trên bánh có hương thơm ngào ngạt bay lên trước tôn nhan Thiên Chúa, trướùc hết là để tôn vinh, chúc tụng Người, sau là để nhắc Người nhớ đến Giao Ước, đồng thời như tuyên thệ trung thành :

“Đoạn ngươi sẽ để trên mỗi chồng hương tinh chất : hương sẽ là phần kỷ niệm, hỏa tế dâng kính Giavê. Ngày hưu lễ, mỗi ngày hưu lễ, người ta sẽ soạn bánh thuẫn trước nhan Giavê, luôn mãi do tựï con cái Israel dâng : giao-ước vĩnh cửu. Đó là phần của Aharôn và các con nó, chúng sẽ ăn bánh thuẫn ở một nơi thánh, vì đó là vật cực thánh đối với nó, phần của hỏa tế của Giavê : luật điều vĩnh viễn” (Lv 24, 7-9).

Khi thay bánh trưng hiến, người ta đọc các thánh vịnh tưởng nhớ, ví dụ Tv 38 và Tv 70. Những thánh vịnh này cũng là những thánh vịnh cầu cứu :

“Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát tôi,

lạy Giavê, xin mau mau cứu giúp tôi !” (Tv 70/ 69,2)

hay là những thánh vịnh thống hối, giãi bày tâm sự biểu lộ lòng trông cậy và xin cứùu giúp :

“Xin chớ bỏ tôi, lạy Giavê,

lạy Thiên Chúa tôi, xin chớ ở xa tôi !” (Tv 38/ 37,22)

Nghi lễ “dâng hiến” (sacrifice d’oblation) cũng vậy : một phần bột tinh, một phần dầu và hương thơm được đốt lên ; phần ấy được gọi là phần “tưởng nhớ” (Lv 2,1-3). Tưởng nhớ ở đây có nghĩa là “tuyên xưng” sự hiện diện của Thiên Chúa, nhắc đến Tình Yêu trung thành của Người, nhắc đến các việc Người làm cho dân. Phần ấy còn là dấu hiệu cho Thiên Chúa biết của lễ và ý nguyện của người dâng của lễ. (Mar Thurian, L’Eucharistie, Delachaux et Niestlé S.A, Suisse 1959, p. 56).

Lệnh truyền “… mà nhớ đến Ta” của Chúa chắc chắn không chỉ nhằm quá khứ. Cử hành bí tích Thánh Thể theo lệnh truyền của Chúa là nhớ đến Chúa. Chúa không chỉ là quá khứ, mà là quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là một. Nhớù đến Chúa là nhớ đến Tình Yêu của Ngài : Tình Yêu lớn nhất, Tình Yêu thí mạng sống cho kẻ mình yêu, Tình Yêu đã biểu lộ qua cái chết thập giá nhưng là Tình Yêu bất diệt, Tình Yêu hằng sống, Tình Yêu chiến thắng sự chết và làm cho sống lại.

Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là loan truyền việc Chúa chịu chết biểu lộ Tình Yêu tự hiến của Ngài, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, vì Tình Yêu chiến thắng sự chết.

“Tưởng nhớ” trong bí tích Thánh Thể có đối tượng là hiện thực, là Biến cố cứùu độ bao trùm mọi biến cố, là thập giá cứùu độ vượt không gian và thời gian.

Nếu, một cách nào đó, biến cố Xuất Hành trở thành “hiện thực” trong việc “tưởng nhớ” của dân Chúa trong Cựu Ước, đặc biệt là trong lễ Vượt Qua, thì Thập Giá Cứùu Độ càng trở nên “hiện thực” hơn nữa đối với Giáo Hội, là Israel Mới. Sự hiện thực còn được bảo đảm là hiện tại, chứ không thuần túy là quá khứ, vì sự sống lại của Chúa. Chúa Kitô đang sống và Ngài đang đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Hơn thế nữa, so với Cựu Ướùc, nghi lễ “Tưởng Nhớ” ơn cứu chuộc là bí tích (không những là dấu chỉ mà còn là “hữu hiệu”, Mémorial efficace).

Nhớ đến Chúa còn có nghĩa là nhắc đến Chúa, là cầu nguyện với Chúa Cha bằng cách nhắc đến Con của Người chịu chết và sống lại, mà dâng lên Cha “Bánh Hằng sống” và “Chén Cứùu Độ” để tạ ơn Chúa Cha (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

Chúa Kitô như “bánh trưng hiến” Hội Thánh dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa để xin Người thương đến Hội Thánh, thương những người còn sống, thương những kẻ đã qua đời : “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

Chúa Kitô như “của lễ hòa giải” được dâng lên Thiên Chúa để Người “ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Điều đáng lưu ý khác là nghi lễ “Tưởng Nhớ” không những vượt thời gian, vì thập giá cứùu độ vượt thời gian, mà còn vượt không gian : thập giá cứùu độ vượt không gian xứù Palestine mà hiện diện cách mầu nhiệm, vì Vị Chúa bị đóng đinh nay đã sống lại. Điều này cần phải lưu ý, để khỏi thắc mắc như Calvin là Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, làm sao có thể hiện diện thựïc giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể ?

Khi đề cập tới không gian, điều đáng lưu ý nữa là sự có mặt hay vắng mặt. Tôi nhớ tới một người đang vắng mặt, chứ không nhớ tới người đang có mặt, mà là đối diện, là ở với, ở giữa những người có mặt. Chúa Kitô ra lệnh : “… mà nhớ đến Ta”, phải chăng vì Ngài không có mặt ? Ngài vẫn sống, Ngài đang sống nhưng Ngài đang ở trên trời ? Chúa Kitô ra lệnh cho các môn đệ, cho Hội Thánh “hãy nhớ đến” Ngài, vì Hội Thánh không thấy Ngài bằng mắt phàm, mà thấy Ngài bằng đức tin, thấy Ngài bằng lòng mến. Một lần nữa, cần nhắc lại, “nhớ tớùi” là yêu, là tin, là gắn bó, và yêu ởû đây là yêu Ngài có mặt dù mắt phàm không thấy, vì thế mà vẫn cần dấu chỉ bánh và rượu (với tư cách là “sacramentum tantum” theo kiểu nói kinh viện).

Cuối cùng, nhớ đến Chúa còn là nhớ đến cuộc sống của Ngài, nhớ đến sứ điệp của Ngài. Sứ điệp ấy được đúc kết trong mầu nhiệm thập giá, cô đọng trong mầu nhiệm Thánh Thể. Nhớ đến Ngài là sống sứù điệp của Ngài, là đón nhận Tình Yêu và Sự Sống của Ngài và đem ra chia sẻ cho tha nhân. Nhớ đến Ngài là vượt qua với Ngài và tự hiến như Ngài. Nhớ đến Ngài là “tháp nhập vào với Ngài” trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Đây là con đường thiêng liêng dành cho mọi ki-tô-hữu (linh đạo Thánh Thể). Hay nói theo kiểu cha Manaranche, nền luân lý ki-tô-giáo là một nền luân lý Thánh Thể (éthique eucharistique), (x. “Ceci est mon Corps”, Seuil Paris, p. 119-176).

V. Đức Kitô HIỆN DIỆN

thực hiện lời Chúa truyền dạy, trải qua gần 2000 năm, không ngày nào mà Giáo Hội không cử hành việc bẻ bánh. Không ngày nào mà Giáo Hội không tưởng nhớ Chúa Kitô Tử Nạn - Phục Sinh.

“Tưởng Nhớ” trong bí tích Thánh Thể không là nhớ đến người vắng mặt, mà là nhớ đến Đấng có mặt. Nhớ tới Đấng đang đến. Vì thế, chúng ta phải bổ sung chữ “Tưởng Nhớ” bằng chữ “đón tiếp”, vì bất cứ từ ngữ nào cũng đều có giới hạn trước “Mầu Nhiệm Đức Tin” vô cùng trọng đại.

Quả thực, khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, có thể đón Chúa Kitô đang đến với chúng ta. Chúng ta tin Chúa Kitô Tử Nạn Phục Sinh đang đến với chúng ta. Cử hành Thánh Thể là tuyên xưng “Chúa đang đến” (Maranatha, Le Seigneur vient), và chúng ta vui mừng đi đón Chúa.

Nếu Chúa không đến, thì Ngài không hiện diện. Và nếu Ngài không hiện diện, chúng ta không thể thông phần với Ngài. Chúng ta có thể ăn bánh và uống chén, nhưng vẫn không thông phần đích thực với Mình và Máu Ngài, và không thể trở nên Một Thân Mình với Ngài.

Vậy Ngài đến từ đâu và đến như thế nào, để chúng ta có thể đón Ngài ?

Ngài đã đến trần gian cách đây 2000 năm, ở một nơi nhất định là xứ Palestine. Ngài đã hạ mình chấp nhận mọi giới hạn không gian và thời gian, Ngài đã mặc xác phàm, trở thành một “cá nhân được định vị”. Nếu dừng lại đây, thì ngày nay chúng ta chỉ có thể “tưởng niệm” Ngài theo nghĩa thông thường, nhớ lại một nhân vật lịch sử đáng yêu, với những lời nói và hành động làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng, với một sứ điệp yêu thương làm cảm động lòng người, và cuối cùng chết bi thảm khiến cho nhiều người phải khóc. Chúng ta nhớ lại Gương mặt Đức Giêsu và chúng ta ngưỡng mộ con người Đức Giêsu, dù vậy chúng ta không thể đón tiếp Ngài ngày hôm nay.

Nhưng ngày hôm nay Giáo Hội vẫn không ngừng đón tiếp Chúa Kitô, và sung sướùng hạnh phúc khi đón tiếp Ngài, vì Giáo Hội tin Ngài đã Phục Sinh, Ngài là Đấng Chúa đang đến. Ngài đã ra đi về cùng Chúa Cha bằng cái chết thập giá của Ngài. Mặc dù Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh có đặc tính không gian để diễn tả sự Siêu Thăng của Ngài (lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha), hành trình về với Cha của Ngài không mang tính không gian, trái lại còn vượt không gian và thờøi gian.

Về với Cha hay đến với Cha cũng là đến với nhân loại, đến với Hội Thánh, để ởû cùng Hội Thánh “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đức Kitô Tử Nạn - Phục Sinh vẫn là Đấng Emmanuel và càng là Đấng Emmanuel hơn nữa : Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23).

Ngài là Ngôi Lời đã làm người, và mãi mãi là người, vĩnh viễn là người, là con người viên mãn, là Ađam cánh chung, vì đã phục sinh. Ađam cánh chung không còn là xác khí huyết, mà là Thần Khí Tác Sinh (1 Cr 15,45), nên Ngài có thể đến với chúng ta hôm nay trong Thần Khí. Thực ra, từ khi Ngài chịu đóng đinh thập giá và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại (Cv 2,23-24 ; 3,13-15 ; 4,10-11), Ngài không ngừng đến với nhân loại chúng ta. (résurrection parousiaque ; x. DURRWELL, La résurrection de Jésus, mystère du salut, Cerf 1976).

Ngài chỉ có thể đến với nhân loại trọn vẹn khi Ngài đã “vượït qua thế gian”. Thế gian luôn luôn là lằn ranh ngăn cản sự hiệp thông trọn vẹn giữa Ngài với chúng ta. Chỉ khi nào về cùng Cha, Ngài mớùi đến với chúng ta cách trọn vẹn, và chúng ta sẽ xem thấy Ngài :

“Một ít nữa, các ngươi sẽ không còn trông thấy Ta,

và lại một ít nữa, các ngươi sẽ xem thấy Ta…

và : vì Ta đi đến cùng Cha” (Ga 16,16. 17).

Vượït Qua đi về cùng Cha là đi đến với nhân loại chúng ta trong Thần Khí, do đó Đức Kitô hiện diện với chúng ta trong Thần Khí ; một sự hiện diện mà mắt phàm không thấy được, nên phải cần dấu chỉ. Sự hiện diện trong Thần Khí nhờ dấu chỉ hữu hình được thần học gọi là “hiện diện nhiệm tích” (présence sacramentelle).

Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cũng là đón Đức Kitô Vượt Qua đến với chúng ta, là cử hành sự hiện diện của Ngài, là mừøng Ngài có mặt giữa chúng ta, để chúng ta cùng Vượt Qua với Ngài.

Thông điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI nhắc nhở cho chúng ta đặc tính hiện thực của sự hiện diện này. Đó là sự hiện diện bí tích và là sự hiện diện bản thể.

Nhưng dù là hiện diện nhiệm tích, đồng thời là hiện diện bản thể, sự hiện diện của Chúa Kitô vẫn là hiện diện trong Thần Khí. Chính Thần Khí làm cho Ngài hiện diện bản thể cách bí tích. Trong khi cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội cùng với Chúa Thánh Thần loan báo Chúa Kitô đến. Trước hết, Chúa Thánh Thần loan báo Chúa Kitô qua việc công bố Lời Chúa của Giáo Hội. Một cách nào đó, Chúa Kitô đến và hiện diện qua Lời Chúa. Nhưng cao điểm của loan báo là “làm cho bản thân Đức Kitô hiện diện”, hay, nếu dùng từ ngữ của Công Đồng Trentô mà Đứùc Phaolô VI lập lại là : “Làm cho Đức Kitô hiện diện bản thể”.

Chúa Thánh Thần Kitô-hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, khi linh mục, thừa tác viên của Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô đọc lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến.

Lời Truyền Phép chính là Lời của Chúa Kitô, Lờøi mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên “lời truyền phép” của Ngài. Trong câu truyền phép, trên bình diện ngôn ngữ, có một sự đồng hóa nào đó giữa Chúa Kitô và vị linh mục, vì linh mục dùng một đại danh từ số ít, vừa chỉ mình, vừa chỉ Chúa Kitô : “Này là Mình Ta” (tôi) - “Này là Máu Ta” (tôi).

Có thể cho rằng Chúa Kitô đảm nhận lời đọc của linh mục, dù không lẫn lộn với linh mục. Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa linh mục và Đức Kitô, khiến lời truyền phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của lời trở thành hiện thực (langage performatif). Nói cách khác đơn giản hơn, sau khi Truyền Phép, bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi ; sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể” (conversio eucharistica : transubstantiatio). Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứù không là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thứùc điều đó, Giáo Hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục truyền phép :

“Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà, thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. (Kinh Nguyện Thánh  Thể II).

“Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Lời khẩn cầu trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV rõ ràng hơn cả :

“Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con”.

Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự ở giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, ví dụ hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo Hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hay ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là : Đức Kitô không đồng hóa với Lời Kinh Thánh, Lờøi Kinh Thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô ; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói trong diễn từ về phán xét cánh chung : “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…” (Mt 25,35-36).

Trái lại, nơi bí tích Thánh Thể, sau lời truyền phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong bí tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thựïc và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi (conversio eucharistica) mà Công Đồng Trentô cho rằng từ ngữ “biến thể” (transubstantiatio) phù hợp nhất để diễn tả. Tác động thay đổi này, chính là công việc Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc lời Truyền Phép.

Trong thập niên 60-70, có một số nhà thần học, thời danh nhất là Schillebeeckx, tung ra những từ ngữ như “biến nghĩa” (transignificatio), “biến đích” (transfinalisatio) để chỉ sự thay đổi này. Và Đứùc Thánh Cha Phaolô VI đã lên tiếng, không phải để lên án hay dẹp bỏ, nhưng là để lưu ý coi chừng các từ ngữ ấy, tự chúng không diễn tả được hết ý nghĩa của sự thay đổi bản thể. Có thể chấp nhận những từ ngữ ấy, với điều kiện chấp nhận là có “biến thể” trước, rồi sự thay đổi ý nghĩa hay mục đích mớùi có (MF 46).

Nói cách khác, tiên vàn phải công nhận rằng sau lời Truyền Phép, bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu, dù bên ngoài, mắt chúng ta vẫn thấy hình bánh hình rượu, sau đó mới có thể khai triển những chiều kích khác, những ý nghĩa khác bổ sung vào, để cho con người ngày nay dễ hiểu và dễ sống mầu nhiệm Thánh Thể hơn (MF 48).

Như vậy là phải công nhận, theo như từ ngữ Thông điệp Mys terium Fidei lấy lại của Công Đồng Trentô, sau khi linh mục truyền phép bánh và rượu, Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện đích thực (vere), hiện diện thực tế (realiter), hiện diện bản thể (substantialiter) trên bàn thờ (MF 45).

Để tránh mọi sai lạc, phải tuyên tín lại như Bérenger đã làm theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Grégoire VII : “Tôi tin thật lòng và tuyên xưng ngoài miệng rằng bánh và rượu trên bàn thờ, bởi kinh nguyện thánh hiến và các lời lẽ của Đấng Cứu Thế, đã thay đổi bản thể, trở nên thịt đích thực (véritable), riêng (propre), và sống động (vivifiant), và máu của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô ; và sau truyền phép, là thân xác Đức Kitô sinh bởi Trinh Nữ, đã tự hiến để cứùu độ thế gian, đã bị treo trên thập giá và hiện nay ngự bên hữu Chúa Cha ; là máu Đức Kitô chảy ra từ cạnh sườøn Người. Đức Kitô không những hiện diện qua dấu chỉ và hiệu năng của bí tích, mà còn hiện diện trong bản tính riêng và trong bản thể thực sự của mình. (MF 52).

Nhà thần học Schillebeeckx thì cho rằng phải biết phân biệt tín điều của Công Đồng Trentô về sự hiện diện thực (présence réelle) của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể làm bốn bình diện khác nhau :

- Thứ nhất là “khẳng định” của Mạc Khải trong Kinh Thánh về sự hiện diện thực của Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể ;

- Thứ hai là khẳng định sự thay đổi bản thể bánh và rượu (conversio totius entis) trở thành Mình và Máu Đức Kitô ;

- Thứ ba là cách trình bày tín điều của thời bấy giờ, dùng triết học kinh viện để diễn tả ;

- Thứ bốn là chính từ ngữ được dùng : chữ “transubstantiatio” được dùng lần đầu vào khoảng năm 1140, lúc bấy giờ chưa được giải thích theo nghĩa triết học Aristote. Vả lại Công Đồng Trentô cũng chỉ đánh giá từ ngữ này là “rất phù hợp” : “Có một sự biến đổi kỳ diệu (conversio mirabiliosa) tất cả bản thể bánh trở nên Mình Đức Kitô, và bản thể rượu thành Máu Đức Kitô. Cái còn lại được gọi là “dạng” (species). Dùng từ ngữ “transubstantiatio” để chỉ sự biến đổi này thì rất phù hợp” (D 1652).

Như vậy, đối với Schillebeeckx, vẫn có quyền trình bày tín điều bằng một loại ngôn ngữ khác, tựa vào một thứ triết học khác phù hợp với thời đại hơn.

Như đã khảo sát, Thông điệp Mysterium Fidei có hơi dè dặt và lưu ý chúng ta phải cẩn thận. Điều đó hợp lý và cần thiết, vì Mầu Nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm trọng tâm của đời sống Giáo Hội, không thể suy tư vội vã chỉ vì lý do làm sao cho hợp thời. Nhưng Thông điệp cũng không hoàn toàn đóng cửa, cấm những suy tư mớùi, ngay cả những suy tư mà Giáo Hội cho là “bất túc” (transfinalisatio, transignificatio). Thông điệp chỉ lưu ý là nên dựa vào Mạc Khải và Truyền Thống muôn đời của Giáo Hội nhiều hơn là những suy tư thuần túy nhân loại.

Thông điệp còn có ưu điểm là nhắc lại những cách hiện diện khác của Chúa Kitô trong Giáo Hội cũng là hiện diện thực, điều đó chứùng tỏ quan điểm của Thông điệp không hoàn toàn “đóng khung” hay “cứùng ngắc” :

- Đức Kitô hiện diện sống động và đích thực trong Giáo Hội cầu nguyện (MF 35)

- Đức Kitô hiện diện thực sự trong Giáo Hội tổ chức và thực hành bác ái (MF 35)

- Đức Kitô hiện diện thực sự trong Giáo Hội loan báo Tin Mừng (MF 36)

- Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội hướng dẫn và điều hành công việc mục vụ (MF 37).

Mục tiêu của việc nhắc lại này nhằm làm nổi bật tính “đặc biệt” của sự hiện diện của Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể. Sự so sánh này làm cho chúng ta tránh được “tư tưởng mơ hồ” về bí tích Thánh Thể, đồng thời không giảm giá trị các thứù sinh hoạt khác trong Giáo Hội. Các sinh hoạt ấy càng có giá trị, khi quy hướng về Mầu Nhiệm Thánh Thể là “Nguồn Mạch và là Chóp Đỉnh” của đờøi sống Giáo Hội, như Công Đồng Vaticanô II khẳng định.

Thông điệp có một khuyết điểm là hơi thiếu “chiều kích Ba Ngôi”, không đặt nặng đủ vai trò của Chúa Thánh Thần, nên còn nhiều chỗ không có sức thuyết phục. Điều này cũng dễ hiểu, vì sắc thái “quy-Kitô” của thần học của Đức Phaolô VI. Thần học này còn phải được bổ sung, nhờ sự tiếp xúc nhiều hơn với Giáo Hội Đông Phương, mà kết quả hiện nay chúng ta đang gặt hái.

Các khuynh hướng thần học mà Thông điệp nhắc tới, đã phản ánh được não trạng của thời đại, nhưng thời bấy giờø vẫn chưa rõ, chưa đạt chất lượng cao. Theo thiển ý của chúng tôi, nếu so sánh xưa với nay, thì ngày xưa người ta nhấn mạnh nhiều đến yếu tố “sacramentum et res” của bí tích Thánh Thể, ngày nay, người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố “res tantum” (do ảnh hưởng sâu xa của Vatican II).

Khi nói tới ý nghĩa, mục đích của Bánh Thánh Thể, nên định vị suy tư thần học trong phần bàn về “res tantum”, nghĩa là sự sống của người kitô-hữu, đời sống Giáo Hội, để khỏi lẫn lộn và đề ra những khẳng định hàm hồ. Còn vấn đề “biến thể”, trên bình diện thần học, có liên hệ nhiều hơn với yếu tố “sacramentum et res”, nghĩa là chính thực tại Mình và Máu Đức Kitô.

Ngày hôm nay, nếu muốn khai triển nhiều về sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, phải trình bày theo chiều hướng chủ vị nhiều hơn. Sự hiện diện của Chúa Kitô là sự hiện diện chủ vị (présence personnelle), hiện diện của Đấng là Tình Yêu tự hiến : “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì anh em ; …Máu Tân Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”.

Chúa Kitô hiện diện với chúng ta là những người tin vào Ngài. Ngài đến với chúng ta, và chúng ta đón Ngài trong đức tin (trong Thần Khí). Nếu chúng ta không đón Ngài trong Thần Khí, mà vẫn dừng lại xác phàm, chúng ta không gặp gỡ được Ngài, vì chính Ngài, sau khi đã khẳng định : “Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53), cũng đã tuyên bố : “Thần Khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì” (Ga 6,63).

Nếu thần học trong hai thập niên 60-70 và 70-80 nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố thứ ba (res tantum) trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, thì thần học hôm nay, sắp bước sang năm 2000, với sự hồi sinh của tôn giáo nhiều nơi trên thế giới, phải mạnh dạn trở về với yếu tố thứ hai (res et sacramentum), hãy mạnh dạn giới thiệu, mạnh dạn loan báo Đức Kitô Thánh Thể cho con người hiện đại, để tự họ, họ có thể múc lấy sự sống mà họ luôn khao khát. Hãy mạnh dạn tuyên xưng và làm chứng cho sự hiện diện thực của Chúa Kitô ở giữa lòng thế giới, phải hỗ trợ cho lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II : “Hãy mở cửa cho Đấng Cứu Thế”.

Việc làm này sẽ sâu sắc hơn, nếu được lồng vào thần học về Chúa Ba Ngôi, nhất là Thánh-Linh-Học. Nhân loại hôm nay đang cần gặp Đức Kitô Cứu Thế, nhờ Thần Khí và trong Thần Khí. Đối với người tín hữu, tấm bánh bẻ ra là bằng chứng cho Tình Yêu bao la nhất và cụ thể nhất của Thiên Chúa, mạc khải nơi Đức Kitô, Đấng trở thành lương thực hằng ngày cho mỗi một người chúng ta, lương thực cần thiết để kiến tạo một thế giới mới.

VI. ĐỨC KITÔ, BÁNH HẰNG SỐNG VÀ CHÉN CỨU ĐỘ

Có người cho rằng một xã hội còn thiếu thốn thì nghĩ nhiều, nói nhiều đến lương thực. Của ăn, của uống là điều thực tế, gần gũi và cần thiết nhất cho con người. Thiên Đàng cũng chỉ là nơi con người được ăn uống đầy đủ, được no thỏa.

Trong Cựu Ước, hạnh phúc sau cùng của Dân Chúa được diễn tả bằng hình ảnh bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc mà Thiên Chúa Giavê tổ chức trên Núi Thánh, bữa tiệc đầy thịt, đầy rượu. Bữa tiệc  mà Thiên Chúa ban cho nhưng-không, mời gọi mọi người đến tham dự, uống rượu uống sữa thỏa thuê, không phải trả tiền. Bữa tiệc hoan lạc, khi Thiên Chúa cất khăn tang bao trùm mặt đất ; không ai còn phải khóc phải than, mọi người vui mừng hớn hở vì được hạnh phúc dư đầy (Is 25,6-10).

Vì sự gần gũi, thực tế của bữa ăn trong đời sống con người, vì sự no thỏa và niềm hoan lạc mà nó đưa tới, bữa ăn hay được sử dụng như một biểu tượng cho sự kết hiệp giữa Thiên Chúa với Dân của Người, tổ chứùc trên Núi Thánh hay trong Đền Thờ. Sự kết hiệp với Khôn Ngoan của Giavê cũng được diễn tả bằng hình ảnh ăn và uống. Trong sách Cách Ngôn, “Khôn Ngoan” dọn tiệc và mời gọi mọi người : “Hãy đến ! Hãy ăn bánh của Ta, hãy uống rượu Ta đã hãm” (Cn 9,5).

Đối với Đức Kitô, Đấng là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa, bữa ăn cũng mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống và sứ vụ của Ngài :

- Bữa ăn là “hình ảnh niềm vui thời Thiên Sai”, Đức Kitô tự ví mình như “Tân lang” (giống Giavê trong Cựu Ước) đang hiện diện ở giữa Dân Ngài. (Mc 2,18-19).

Đức Kitô thường dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi ; dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngài. Ngài đến thế gian để cứu chuộc những người tội lỗi. Những người Do-thái, nhất là giới biệt phái và luật sĩ không thể hiểu và chấp nhận cách cư xử của Ngài (Lc 7,33-35).

- Nước Trời thường được Ngài ví như bữa tiệc dành cho mọi hạng người (Lc 14,15-24).

Giáo Hội thì có thể được ví như Ngôi Nhà của Khôn Ngoan, nơi người ta phân phát bánh và rượu, dấu chỉ sự sống thần linh.

Nguồn gốc khởi đầu của việc cử hành bí tích Thánh Thể có lẽ là “bữa ăn phượng tự” (repas cultuel), nơi đó người ta “bẻ bánh”, trao cho nhau để tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể là “Bàn ăn của Chúa”, là “Bữa tối của Chúa” (Cena Domini), là “Bánh bẻ ra”. Bí tích Thánh Thể được cử hành dưới hình thái bữa ăn, vì hình thái này rất phù hợp để biểu lộ sự hiệp thông sâu xa nhất. Chính vì bữa ăn cùng bàn ăn biểu lộ sự chia sẻ tình yêu và số phận, mà Đức Giêsu vô cùng đau đớùn khi nghĩ tới sự phản bội của Giuđa, người môn đệ cùng với các môn đệ khác đồng bàn với Ngài, cùng ăn cùng uống với Ngài : “Sẽ nộp Ta, một người cùng ăn với Ta” (Mc 14,18 ; Ga 13,21-22).

Bàn Tiệc Ly, không phải tự dưng mà có, nhưng đã được chuẩn bị từ lâu. Đức Giêsu đã kêu gọi mười hai môn đồ, để họ ở với Ngài (Mc 3,14), cùng ăn và cùng uống với Ngài. Bữa ăn chung, dù là đơn sơ, là môi trường tạo ra tình yêu, là sự “ấm cúng” của tình yêu, là hạnh phúc cho những người yêu thương nhau chân thựïc. Theo Tin Mừøng Luca, một người biệt phái đồng bàn với Chúa Giêsu, vì thích chí đã thốt lên : “Phúc cho kẻ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).

Tất cả thần học của Phaolô về bí tích Thánh Thể xoay quanh hai chủ đề có quan hệ mật thiết với nhau : bánh và chén - bàn tiệc của Chúa : “Chén chúc tụng ta cầm lên mà đội ơn, lại không phải là thông phần Máu Đức Kitô sao ? Bánh ta bẻ ra, lại không phải là thông phần Thân Mình Đức Kitô sao ?”  (1 Cr 10,16).

Đó là những từ rất quen thuộc đối với người kitô-hữu gốc Do-thái. Chén chúc tụng là chén mà người Do-thái cầm lên vào cuối bữa tiệc để chúc tụng và đội ơn Thiên Chúa. Theo Jérémias, đó là chén thứ ba trong bữa tiệc Vượt qua, sau phần chíng của bữa. Và đó cũng là chén rượu mà Chúa đã cầm lên, đọc lời chúc tụng và trao cho các môn đệ mà phán : “Này là chén Máu Ta…”. Những lời chúc tụng ấy là lời chúc tụng trong bữa ăn, đại loại như sau :

- “Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, là Vua vũ trụ, là Đấng nuôi dưỡõng toàn thể nhân loại bởi lòng tốt, ân sủng và sự thương xót của Ngài”.

- “Chúng con tạ ơn Ngài, ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, vì Ngài đã ban phát cho chúng con một xứ sở tốt đẹp và rộng rãi”.

- “Xin thương xót, lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, xin thương Israel Dân Chúa, Giêrusalem thành đô của Chúa, Sion, nơi cư ngụ của uy phong Ngài, là Đền Thờ và là Bàn Thờ của Ngài. Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa, Đấng đã xây dựng Thành Giêrusalem”. Amen.

Những người kitô-hữu đã dùng những lời chúc tụng tương tự có phần giống, có phần khác ; phần khác chủ yếu là những lời nói tớùi Đức Giêsu Kitô, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Những kitô-hữu, hợp nhau lại cầu nguyện, cử hành Thánh Thể, được thông phần chén ấy. Và khi uống từ chén rượu ấy là được thông phần với Máu Đức Kitô.

Bánh cũng thế. Trong bữa tiệc Do-thái, người chủ tiệc, sau khi uống chén rượu thứ nhất, cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho những người ngồi gần, để họ chuyền đi cho mọi người trong bàn tiệc, mỗi người một miếng, bấy giờ chủ tiệc mới đọc lời tạ ơn, đại loại như sau :

“Xin chúc tụng Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Đấng làm phát sinh ra bánh từ trái đất”. Amen. 

Những người kitô-hữu khi cử hành Thánh Thể, cũng được thông phần cùng một bánh mà vị chủ sự bẻ ra và trao cho từng người. Ăn bánh bẻ ra, đó là thông phần Thân Mình Đức Kitô.

Sự thông phần cùng một bánh này, nối kết mọi người kitô-hữu nên một Thân Mình, vì mọi người đều cùng ăn một bánh, chia sẻ cùng một sự sống, được nuôi dưỡng bằng cùng một của ăn duy nhất.

Việc ăn bánh và uống chén ở đây, chắc chắn hiểu là việc cử hành bí tích Thánh Thể, vì rõ ràng mang màu sắc phượng tự. Cả văn mạch từ câu 14 đến hết câu 22 của đoạn X, đều đầy màu sắc phượng tự từ đầu chí cuối. Nhưng việc phượng tự biểu lộ bằng việc ăn uống :

“Tôi không muốn anh em thông phần với ma quỉ ! Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỉ ! Anh em không thể chia phần vừa nơi bàn tiệc của Chúa, vừa nơi bàn tiệc của ma quỉ !” (1 Cr 10,20-21).

Ăn bánh và uống chén là thông phần Mình Máu Chúa Kitô, kết hiệp mật thiết với Ngài, sống bằng sự sống của Ngài, và điều đó, đối với người kitô-hữu là quan trọng hơn cả, có thể nói, là cốt yếu nữa.

Hiệp thông với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể là hiệp thông với cuộc Tử Nạn của Ngài, với Hy Tế Thập Giá của Ngài, là thông phần với Máu Giao Ước đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Hiệp thông với Chúa Kitô là ăn “của lễ” mà Ngài hiến dâng cho Chúa Cha, cũng chính là thân mình Ngài. Đó là của lễ mà Giáo Hội dâng lên cho Chúa Cha, để tạ ơn Cha :

“Chúng con dâng lên Cha lễ tế hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Cha”.

Chúng con nài xin Cha đoái nhìn lễ vật Hội Thánh dâng lên Cha, và khi nhận ra đó là của lễ mà Cha muốn hiến tế để đẹp lòng Cha, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Cha, cũng được tràn đầy Chúa Thánh Thần, hầu trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể cũng là thông phần sự sống của Đấng Chúa Phục Sinh, và vì thế được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Sau lời Truyền Phép, bánh đã trở thành Bánh Hằng Sống, vì là Mình Thánh Chúa Kitô, và chén trở thành Chén Cứùu Độ, vì đó là Máu Thánh Chúa Kitô. Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Bánh Hằng Sống và Chén Cứùu Độ để tạ ơn Người. Nhưng liền sau đó lại nài xin Thiên Chúa cho được thông phần Mình và Máu Đức Kitô để được hợp nhất với nhau nhờø Chúa Thánh Thần. (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

Bí tích Thánh Thể là bữa ăn : ăn Bánh và uống Chén để được thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là điều tối quan trọng. Nhưng không là một bữa ăn phàm tục như mọi bữa khác, mà là “bữa tối của Chúa”. Do đó thói tục ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Côrintô, tụ họp nhau lại, ăn uống vui vẻ, và cuối bữa ăn mới “bẻ bánh thánh”, ngay từ thời Phaolô đã được yêu cầu dẹp bỏ, vì người ta hay lạm dụng :

“Cứù như cách anh em hội hiệp cùng nhau một chỗ, thì không phải còn là để ăn tối của Chúa. Vì mỗi người lo đánh bữa riêng của mình trước và người thì đói, kẻ lại say mèm. Bởi anh em không có nhà mà ăn uống sao ?” (1 Cr 11,20-22).

Không thể đặt việc ăn Bánh và uống Chén trong bí tích Thánh Thể ngang hàng với một bữa tiệc thường :

“Vì mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội với Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11,26-27).

Đây là một bữa ăn tưởng nhớ sự chết của Chúa, nơi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu của Chúa, sự sống mà Chúa ban cho nhờ cái chết của Ngài. Chính vì thế, ăn Bánh và uống Chén là loan báo, “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.

Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể với tư cách là của ăn và của uống, là lương thực thần linh mà Chúa Cha ban cho chúng ta. Không nên tách rời hai yếu tố hiện diện và lương thực dưỡng nuôi. Nếu chỉ giữ lại yếu tố thứ hai, thì đó chỉ là biểu tượng, chỉ là hình ảnh Tình Yêu của Chúa đối với ta và tình yêu của ta đối với Ngài ; nếu chỉ giữ lại yếu tố thứ nhất, thì sự hiện diện của Ngài hóa ra vô nghĩa, không mang lại sự sống gì cho chúng ta, và cuối cùng không khác gì những cách thức hiện diện khác của Ngài, có khi còn kém hơn, vì Lờøi Chúa cũng là của ăn dưỡng nuôi tâm hồn ta.

Được hiệp thông với Chúa, chúng ta sống bằng sự sống của Chúa. Chúa Phục Sinh là Thần Khí như Phaolô nói, nên có sự sống của Ngài là có Thần Khí. Phụng vụ không ngừng nhấn mạnh việc lãnh nhận Thần Khí trong Mình và Máu Chúa Kitô. Hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta trở nên con người đầy Thánh Thần như Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần vừa là mối dây hiệp thông, vừa là hoa quả đẹp nhất của Hiệp Thông bí tích. Sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận cũng là sự sống thần linh mà Chúa Cha ban cho Ngài. Như chính Chúa Kitô đã nói : “Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta” (Ga 6,57).

Bí tích Thánh Thể biểu lộ Tình Yêu bao la vô hạn của Chúa Kitô và Thiên Chúa ở chỗ chúng ta được thông phần, được sống bằng cùng sự sống với Chúa Kitô. Trong bức họa của Rublev, “Chén” đặt trên bàn, ởû giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là Chén Hiệp Thông, chứùa đựng sự sống thần linh, chứa đựng tình yêu tự hiến của Cha và của Con cho nhau. Chén ấy được Ngôi Hai Thiên Chúa mang xuống trần gian, trở thành Chén Cứùu Độ trần gian, mà mọi người được kêu gọi thông phần.

Mầu Nhiệm Thánh Thể đâm rễ sâu vào Mầu Nhiệm Ba Ngôi, xây dựng trên tình yêu Ba Ngôi, mang lại sự sống Ba Ngôi, biểu lộ Tình Yêu Ba Ngôi, và cuối cùng đưa chúng ta vào quỹ đạo tình Yêu Ba Ngôi.

Hiệp thông Thánh Thể còn một hoa quả nữa là sự kết hiệp mật thiết giữa những người kitô-hữu : “Chỉ có một bánh, nên ta tuy là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình” (1 Cr 10,17).

Dây liên kết chúng ta với Đức Kitô cũng sẽ liên kết chúng ta với nhau là Chúa Thánh Thần. Nhờ nên một với Chúa Kitô, mà chúng ta nên một với nhau. Bí tích Thánh Thể, trước khi là bữa ăn huynh đệ, phải là “Bữa tối của Chúa” (Cena Domini). Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta hiệp thông với Đức Kitô Trưởng Tử, trở nên anh em với nhau và con cùng một Cha trên trời. Nhưng xét về phương diện khác, sự hiệp thông đức ái với nhau là điều kiện mà Đức Kitô đòi hỏi để dâng của lễ :

“Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều gì bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến dâng lễ vật của ngươi” (MT 6,23-24).


Mục Lục