Phần II – Bài 14

 

ĐỨC GIÊ-SU THI HÀNH SỨ VỤ

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Theo tôi nghĩ, lý do chính để Đức Giê-su làm phép lạ, đó là…

2.      Theo tôi nghĩ, lý do chính để Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà dạy người ta, đó là…

 

NHỮNG PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIÊ-SU

 

        Nhạc sĩ dương cầm Marta-Korwin Rhodes có mặt tại Warsaw khi quân đội Đức quốc xã chiếm thành phố.  Thay vì chạy trốn, bà đã ở lại để giúp đỡ những người bị thương.  Tối kia bà trông thấy một người lính bị thương rúc đầu xuống một cái gối.  Anh ta rên rỉ và kêu khóc.  Bà muốn giúp anh ta nhưng không biết làm thế nào.  Rồi một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt đến.  “Nếu tôi có thể chuyển hòa âm qua những phím đàn thì tại sao tôi không thể chuyển qua những ngón tay của tôi?”  Với những ý tưởng ấy, bà lấy tay nâng đầu anh lính lên.  Bà cầu xin sự hòa hài của vũ trụ hãy chuyển qua những ngón tay của bà để đi vào đầu anh lính và giúp anh ta dịu cơn đau đớn.  Lập tức anh ta ngừng khóc và ngủ thiếp đi.

        Ngày nay sử dụng việc cầu nguyện để chữa bệnh đang được người ta chú ý tới.

        Đức Giê-su thường dùng lời cầu nguyện để chữa lành người ta.  Thí dụ, một ngày kia có người đem tới cho Ngài một người bị câm điếc.  Đức Giê-su “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh;  rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói:  “Ep-pha-tha,” nghĩa là:  hãy mở ra!” (Mc 7:33-34).  Lập tức người ấy được chữa lành.

        Chúng ta thường cho những việc chữa lành như thế là những phép lạ.

 

Phép lạ là gì?

 

        Kinh Thánh Tân Ước dùng ba từ ngữ để chỉ về những phép lạ của Đức Giê-su:  teras, dynamis, và semeion.  Mỗi từ Hy-lạp này (Tân Ước được viết bằng Hy-ngữ) đều cho chúng ta một ý nghĩa khác nhau về phép lạ.

        Teras nghĩa là “một sự kinh ngạc.”  Một phép lạ làm cho chúng ta kinh ngạc.  Nó khiến chúng ta sững sờ.  Chúng ta không biết làm sao lại xảy ra như vậy.

        Dynamis nghĩa là “một quyền lực.”  Danh từ chất nổ (dynamite) từ đó mà có.  Phép lạ là một cái gì nổ tung và đầy sức mạnh.  Nó có thể phục hồi thính giác cho một người điếc.

        Semeion nghĩa là “một dấu chỉ.”  Phép lạ giống như một cái đèn hiệu.  Điều quan trọng không phải là nó phát ra ánh sáng, nhưng là ý nghĩa của nó.  Cũng thế, điều quan trọng về phép lạ của Đức Giê-su là những ý nghĩa nào Ngài muốn những phép lạ ấy nói lên.

        Semeion là từ ngữ Tin Mừng Gio-an sử dụng.  Đối với Gio-an, những phép lạ của Chúa Giê-su có hai cấp độ:

                *  cấp độ giác quan (những gì được chứng kiến)

                *  cấp độ dấu chỉ (những gì phép lạ ấy nói lên ý nghĩa).

 

Tại sao Đức Giê-su làm phép lạ?

 

        Đức Giê-su đã chữa lành người ta, có phải vì Ngài thương xót họ không?  Có phải vì người ta nài xin Ngài giúp họ hết đau đớn không?

        Rõ ràng Đức Giê-su đã làm phép lạ vì cả hai lý do trên.  Nhưng có những lý do khác sâu xa hơn.

        Trước hết Đức Giê-su đã muốn những phép lạ Ngài làm phải là những dấu chỉ để cho thấy rằng:

                *  Ngài là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa hứa ban

                *  Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa.

        Tiếp đến, Đức Giê-su đã muốn những phép lạ Ngài làm trở thành những lời mời gọi người ta

                *  hãy tin vào Ngài

                *  hãy trở nên những phần tử của Nước Thiên Chúa.

 

PHÉP LẠ NHƯ NHỮNG DẤU CHỈ

 

        Một số bạn hữu của Gio-an Tẩy giả đã đến với Đức Giê-su và thưa:  “Ông Gio-an Tẩy giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy:  “Thầy có thật là ‘Đấng phải đến’ không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:20).  Đức Giê-su trả lời:  “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:  người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22).

 

Phép lạ là những dấu chỉ về Đấng Cứu Thế

 

        Để hiểu được câu trả lời của Đức Giê-su cho môn đệ của Gio-an, chúng ta phải suy nghĩ về những điều các ngôn sứ Do-thái đã tiên báo về Đấng Cứu Thế.  Thí dụ ngôn sứ I-sai-a đã nói rằng việc Đấng Cứu Thế đến sẽ kèm theo những dấu chỉ:

        “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.  Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35: 5-6).

        Câu trả lời của Đức Giê-su cho môn đệ của Gio-an rõ ràng:  những dấu chỉ I-sai-a tiên báo giờ đây đang xảy ra.  Những phép lạ Đức Giê-su làm là những dấu chỉ hiển nhiên minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế đã được hứa ban.

        Nhưng những phép lạ của Đức Giê-su còn là những dấu chỉ của một điều gì khác hơn nữa.

 

Phép lạ là những dấu chỉ về Triều đại Thiên Chúa

 

        Cuốn phim Người trừ quỷ (The Exorcist) nói về một người trẻ bị quỷ ám.  Phim dựa trên một câu truyện có thật về một cô gái 14 tuổi sống tại Mount Rainier, Maryland, vào năm 1949.  Cuộc đời cô gái này khổ sở cho tới khi quyền lực của ma quỷ đã được khu trừ.

        Mặc dù việc khu trừ quyền lực ma quỷ ngày nay hiếm có, nhưng lại thường gặp trong thời Kinh Thánh.  Thí dụ một ngày kia khi Đức Giê-su đang giảng dạy trong hội đường tại Ca-phác-na-um, thì:

“Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:  “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi:  ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”  Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó:  “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.  Nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người.” (Lc 4:33-36).

Khi dân chúng rời hội đường, họ hỏi nhau:  “Thế nghĩa là gì?”

Sau đó ít lâu, Đức Giê-su trả lời câu hỏi của họ.  Ngài trả lời khi có một người tố cáo rằng Ngài đã dùng quyền của “quỷ vương” mà trừ quỷ.  Đức Giê-su nói:  “Vậy nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”  (Lc 11:20)

Câu trả lời của Đức Giê-su đã làm sáng tỏ rằng không những phép lạ là những dấu chỉ cho thấy Ngài là Đấng Cứu Thế, mà còn là những dấu chỉ nói lên Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa trên mặt đất này.

 

Triều Đại Thiên Chúa là gì?

 

        Khi Đức Giê-su nói Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa, thì Ngài có ý nói rằng thời điểm người ta chờ đợi Thiên Chúa thay thế vương quốc của Sa-tan bằng vương quốc của Ngài đã đến rồi.  Việc khai mạc Triều Đại Thiên Chúa là việc tái tạo thế giới đã bị tội lỗi phá hủy.

        Tuy nhiên Đức Giê-su cho thấy rõ là việc tái tạo thế giới sẽ không xảy ra trong khoảnh khắc.  Vương quốc của Xa-tan sẽ chỉ cáo chung sau một cuộc chiến.  Đức Giê-su đã so sánh việc Triều Đại Thiên Chúa đến giống như việc gieo hạt giống.  Sau khi được gieo xuống, hạt giống phải có một thời gian để nảy mầm, lớn lên rồi sinh hoa trái (Mc 4:26-29).  Triều Đại Thiên Chúa cũng vậy.

 

PHÉP LẠ NHƯ NHỮNG LỜI MỜI GỌI

 

        Bruce Marshall viết một câu truyện hài ước và giả tưởng về một người cầu xin một phép lạ thật lớn để cho người ta không còn nghi ngờ những chân lý về Thiên Chúa và đạo giáo nữa.  Phép lạ – và đây là phần hài ước – xảy ra là cả một hộp đêm tội lỗi bị bứng lên và bị đem tới một hải đảo hoang vu ngoài bờ biển Cốt-len.

        Phép lạ đã xảy ra.  Nhưng thay vì làm cho người ta hối cải thì kết quả lại trái ngược.  Những người chủ của hộp đêm đã lợi dụng tất cả những gì đã xảy ra để quảng cáo rầm rộ hơn.  Câu truyện kết thúc bằng việc chính người cầu nguyện xin phép lạ đã ý thức rằng thật ra kết quả còn tai hại hơn cả một phép lạ muốn đem người ta trở về với đức tin.

        Có thể Marshall đã được gợi ý từ một đoạn Tin Mừng Gio-an.  Một ngày kia, Đức Giê-su lấy bùn xức lên mắt một người mù và bảo anh hãy đi đến hồ nước Si-lô-am mà rửa.  Người mù đã làm như vậy và anh đã được sáng mắt.  Một số người nghe biết việc này và họ không tin là Đức Giê-su chữa lành anh mù.  Họ còn chối rằng đó không phải là cùng một người (Ga 9:1-11).

        Hai câu truyện trên hiển nhiên cho thấy niềm tin vào Đức Giê-su quan trọng hơn là nhìn thấy dấu lạ hoặc nghe lời giảng.  Cần nhất là biết mở lòng trước những gì chúng ta thấy hoặc nghe.

 

Phép lạ mời gọi người ta hãy tin

 

        Việc Đức Giê-su chữa lành người mù, người điếc, cho con gái ông Gia-ia sống lại (Lc 8:55) đã xảy ra, nhưng không có phép lạ nào tồn tại mãi.  Người mù rồi cũng mắt mờ khi tuổi về già.  Tai của người điếc được khỏi sẽ lãng dần.  Con gái ông Gia-ia sau này cũng chết.

        Những phép lạ của Đức Giê-su cũng chỉ giới hạn ở một số ít người.  Ngài không chữa lành hết mọi người mù hoặc điếc trên thế giới này.  Nhưng Ngài muốn những phép lạ Ngài làm sẽ có một mục đích quan trọng hơn cả việc cứu giúp một số người qua cơn ngặt nghèo.  Chúng ta đã thấy một trong những mục đích của phép lạ Đức Giê-su làm, đó là để chứng tỏ:

                *  Ngài là Đấng Cứu Thế

                *  Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa.

        Đức Giê-su cũng muốn phép lạ Ngài làm trở thành những lời mời gọi người ta:

                *  hãy tin vào Ngài

                *  hãy trở nên những phần tử của Triều Đại Thiên Chúa.

        Đức Giê-su muốn phép lạ có ích không phải cho một số ít người, nhưng là cho mọi người trong mọi thời.  Việc chữa lành người mù là lời mời gọi mọi người hãy mở mắt ra để nhận biết những gì Đức Giê-su đang làm.  Việc chữa lành người điếc là lời mời gọi mọi người hãy mở tai để đón nhận những gì Đức Giê-su đang nói.  Việc cho người chết sống lại là lời mời gọi mọi người hãy tin vào Đức Giê-su và hãy chỗi dậy để sống đời sống mới như những phần tử của Triều Đại Thiên Chúa.

        Cũng như cánh thiệp mời, phép lạ của Đức Giê-su có đính kèm một thiệp trả lời.  Các phép lạ chờ đợi người ta đáp trả.

        Để thấy được những phương thức đáp lại lời mời gọi của phép lạ Đức Giê-su, chúng ta hãy xét tới những dụ ngôn của Ngài.

 

DỤ NGÔN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

 

        Nông dân Pha-lét-tin gieo hạt giống trên mặt đất trước, rồi mới cầy đất phủ lên.  Thường thường có một ít hạt rơi trên những đường nhỏ chạy chung quanh ruộng lúa.  Cũng có một số hạt rơi vào những bụi gai dầy được trồng làm hàng rào ngăn ngừa thú vật.  Một số hạt rơi vào chỗ đất mỏng mà bên dưới là sỏi đá.  Đức Giê-su dùng hình ảnh quen thuộc này để làm bối cảnh cho dụ ngôn người gieo hạt giống.

        Ngày kia có bác nông phu đi gieo hạt giống.  Có hạt rơi trên đường đi và chim chóc đến ăn liền.  Có hạt rơi trên đất mỏng nên chết cháy khi mặt trời làm cho đất khô.  Có hạt rơi vào bụi gai và bị chết ngạt.  Những hạt khác rơi vào đất tốt, bén rễ và sinh hoa trái.

 

Hạt giống rơi trên đường đi là những người từ chối lời Đức Giê-su mời gọi

 

        Ông Kenneth Clark là người điều hành chương trình truyền hình của Anh-quốc, đã viết về kinh nghiệm sống đạo khi ông đến nhà thờ thánh Lô-ren-xô, tại nước Ý.  Kinh nghiệm ấy mạnh mẽ đến nỗi ông coi như nó đã thay đổi sâu xa cuộc đời ông.  Tuy nhiên, sau khi kinh nghiệm qua rồi, ông đã quyết định làm ngược lại, lý luận rằng mình đã “bị sa lầy trong trần gian quá sâu nên không còn thay đổi được nữa,”

        Quyết định của Clark nhắc nhớ chúng ta về những hạt giống rơi trên đường đi.  Đức Giê-su nói rằng chúng ám chỉ về những người nghe lời Chúa, “nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ” (Lc 8:12).

 

Hạt giống rơi trên sỏi đá là những người bỏ mặc lời Đức Giê-su mời gọi

 

        Clarence và Robert Jordan là hai anh em.  Họ đã xả thân vì Đức Giê-su khi họ còn trẻ tuổi.  Clarence lớn lên và trở thành một người hoạt động cho dân quyền tại miền Nam vào thập niên 60.  Robert thì trở thành một luật sư đầy tham vọng chính trị.  Một ngày kia Clarence xin Robert giúp làm cố vấn luật pháp trong một vụ án về dân quyền.  Robert từ chối, nói rằng làm như thế sẽ có hại cho con đường chính trị của anh.  Khi Clarence nhắc đến việc dấn thân cho Đức Ki-tô thì Robert thú nhận rằng anh phải dẹp qua một bên vì ý đồ chính trị của anh.

        Tình trạng của Robert có thể ví như những hạt giống rơi trên sỏi đá.  Đức Giê-su nói chúng chỉ về những người nghe lời Chúa và “khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ.  Họ tin nhất thời, và trong thử thách, họ bỏ cuộc” (Lc 8:13).

 

Hạt giống rơi vào bụi gai là những người quên đi lời mời gọi của Đức Giê-su

 

        Một nữ sinh trung học ở Philadelphia đã ghi trong tập bài làm của cô như sau:  “Cuối năm ngoái, tôi đã có một cuộc gặp gỡ thật tốt với bà cố vấn của tôi.  Bà giúp tôi nhận ra thật nhiều điều và tôi đã chọn một số quyết định cho năm nay.  Rồi ngày hôm qua tôi thấy choáng váng.  Tôi chẳng giữ một quyết định nào cả.  Những lo âu và vui chơi của đời học sinh trung học đã làm tôi quên sạch.”

        Những điều cô nữ sinh viết nhắc nhớ chúng ta về những hạt giống rơi vào bụi gai.  Đức Giê-su nói chúng ám chỉ những người bỏ cuộc vì “bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành” (Lc 8:14).

 

Hạt giống rơi vào đất tốt là những người chấp nhận lời mời gọi của Đức Giê-su

 

John R. Stott là tác giả cuốn Căn bản Ki-tô giáo (Basic Christianity).  Trong sách này ông kể rằng hồi còn trẻ, một đêm kia ông đã quỳ gối và tận hiến cuộc đời cho Đức Giê-su.  Khi nhìn lại quyết định này, Stott nói rằng đó là khúc quẹo trong cuộc đời ông.  Nó cho đời ông một mục đích và một hướng đi để tiếp tục sống mỗi ngày.

Stott hiến thân vì Đức Ki-tô có thể ví như hạt giống rơi vào đất tốt.  Đức Giê-su nói hạt giống ấy ám chỉ những người nghe lời Chúa “với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8:15).

 

Chúng ta thuộc loại người nào?

 

        Những phép lạ của Đức Giê-su có một ý nghĩa sâu xa hơn là chúng ta tưởng bề ngoài.  Chúng truyền đạt ý nghĩa một cách gián tiếp.  Kết quả là chúng cho chúng ta được tự do chấp nhận hay từ chối.  Như vậy chúng được sử dụng đề làm một loại trắc nghiệm, cho thấy chúng ta có mở lòng cho những gì Đức Ki-tô muốn nói với chúng ta qua những phép lạ ấy hay không.

        Những dụ ngôn của Đức Giê-su cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn là chúng ta nghĩ.  Chúng gián tiếp nêu lên một quan điểm dứt khoát.  Dụ ngôn người gieo hạt giống là thí dụ điển hình.  Dụ ngôn được sử dụng như một “tấm gương” để nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy chúng ta thực sự là ai:

                *  người trên đường đi

                *  người trên sỏi đá

                *  người trong bụi gai

                *  người trên đất tốt.

        Chúng ta được tự do để chấp nhận hay từ chối những gì chúng ta nhận thấy.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Mác-cô 8:22-26                Tôi thấy cây đang đi

        2.  Lu-ca 8:40-48          Ai là người đã sờ vào tôi?

        3.  Mát-thêu 13:10-17            Những dụ ngôn biểu lộ tâm hồn

        4.  Mát-thêu 13:54-58            Ông ta không phải là con bác thợ sao?

        5.  Gio-an 9                 Còn mù lòa hơn cả kẻ mù

 

THẢO LUẬN

 

1.  Bạn hiểu thế nào về quyền năng chữa lành của Đức Giê-su?

        2.  Đức Giê-su còn tiếp tục “làm phép lạ” không?  Những phép lạ trong đời tôi là những phép lạ nào và mang ý nghĩ gì?

        3.  Một dụ ngôn thích hợp nhất cho đời tôi là dụ ngôn nào?

 

CHIA SẺ

 

        1.  “Thật hiếm thấy trong lịch sử nhân loại có người nào trong đời lại vừa cứng rắn như đá lại vừa mềm mại như sương mai.”  (Carl Sandburg)

        2.  Bạn hãy tưởng tượng Đức Giê-su đã xuống trần hôm nay tại Hoa-kỳ này, chứ không phải vào thế kỷ I tại Pha-lét-tin.  Bạn nghĩ là Ngài sẽ giảng dạy nhiều nhất ở những nơi nào sau đây:  (a) trong nhà thờ, (b) trung tâm thương mại, (c) trên đài phát thanh và truyền hình, (d) nơi hòa nhạc rock, (e) các khu đại học?  Tại sao?

        3.  “Nếu tôi có quyền lực như quyền lực của Đức Giê-su được nói đến trong Tân Ước, thì tôi sẽ không chữa lành một người nào cho khỏi mù, nhưng tôi sẽ làm cho sự mù lòa không thể xảy ra được nữa.” (Joseph Lewis)

        Tại sao bạn đồng ý hoặc không đồng ý với Lewis?

        4.  “Tin Mừng là một vũ khí lợi hại hơn hẳn cái nhìn về thế giới theo Mác-xít rất nhiều.  Tuy nhiên, chính chúng tôi sẽ chinh phục được các anh vào giờ chót…  Ai mà tin được giá trị siêu việt của Tin Mừng này nếu các anh không sống nó, nếu các anh không gieo rắc nó, nếu các anh không chịu hy sinh thời giờ và tiền bạc để làm những công việc ấy?”  Bạn trả lời thế nào về lời tố cáo trên trích trong tạp chí Paix et Liberté (Hòa bình và tự do)?

5.  Dựa theo hình ảnh dụ ngôn của Đức Giê-su về người gieo hạt giống, bạn là loại người bụi gai hay loại người sỏi đá?  Làm sao bạn có thể trở thành loại người đất tốt?

 

The Catholic Vision  II – 14

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà