Phần II – Bài 17

 

CÁC THƯ VÀ SÁCH KHẢI HUYỀN

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.      Một trong những lá thư yêu quý nhất tôi đã nhận được trong đời là…

2.      Một câu hỏi tôi có về sách Khải Huyền là…

 

CÁC THƯ

 

        Có lần một nhà truyền giáo kia đã nói:  “Người dễ trở lại đạo nhất giữa một bộ lạc ngoại giáo, đó chính là ông thầy lang chữa bệnh bằng bùa phép.”  Lý do tại sao?  Vì ông thầy lang đã có cái nhìn về thực tại rất sâu xa theo khía cạnh thiêng liêng.  Bạn chỉ cần thay đổi lại hướng nhìn ấy thôi.

        Lý luận trên cũng có thể giải thích tại sao chỉ trong sáu tuần lễ, Phao-lô đã có thể dạy đạo cho một nhóm người và giúp họ trở lại Công giáo.  Người ngày xưa có một cái nhìn về thực tại rất thiêng liêng.  Phao-lô chỉ cần đổi lại lối nhìn của họ.

        Khi Phao-lô rời bỏ một cộng đoàn để đi rao giảng Tin Mừng cho một nơi khác, ngài vẫn giữ liên lạc với cộng đoàn ấy qua những sứ giả (Pl 2:19).  Nếu cộng đoàn có vấn đề rắc rối, Phao-lô sẽ viết một lá thư để bàn về điều ấy.

        Người thời xưa thường dùng thư ký để viết thư.  Phao-lô cũng vậy.  Điều này rõ ràng trong những thư của ngài.  Thí dụ, ngài kết thúc thư thứ hai gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca như sau:  “Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết lời chào này.  Đó là chữ ký trong tất cả các thư của tôi.  Tôi viết như thế đó.”  Nói khác đi, từ đầu thư cho tới khúc này đều là do thư ký của ngài viết.  Còn bây giờ, Phao-lô cầm lấy cây viết từ tay thư ký và tự tay viết những lời chào hỏi anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

 

CÁC THƯ CỦA PHAO-LÔ

 

        Trong số hai mươi mốt Thư thuộc Tân Ước, có mười ba Thư được gán cho Phao-lô là tác giả.  Theo truyền thống, các Thư này chia làm bốn nhóm:

        Các Thư viết trước nhất: Thê-xa-lô-ni-ca (hai thư)

        Các Thư lớn:                        Ga-lát, Cô-rin-tô (hai thư), Rô-ma

        Các Thư viết từ trong tù: Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, Ê-phê-xô, Phi-lê-môn

        Các Thư mục vụ:          Ti-mô-thê (hai thư), Ti-tô.

 

Phao-lô viết hai Thư sớm nhất

 

        Khoảng mùa hè năm 50, Phao-lô giảng tại thành phố Thê-xa-lô-ni-ca.  Hai năm sau, ngài được tin tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca có vấn đề lộn xộn.  Họ có cảm tưởng là Đức Giê-su sắp trở lại.  Họ cũng có cảm tưởng là hết thảy tín hữu vẫn còn sống khi Đức Giê-su trở lại.  Cho nên khi một số qua đời thì họ đâm ra bối rối.  Điều này khiến Phao-lô phải viết cho họ.

        Lá thư thứ nhất của Phao-lô đã làm sáng tỏ những hiểu lầm về việc người ta chết trước khi Đức Giê-su trở lại.  Nhưng thư ấy vẫn chưa đánh tan được thắc mắc việc Đức Giê-su đến lần thứ hai có sắp xảy tới hay không.  Hơn nữa xem ra chính thư ấy lại làm cho họ hoang mang thêm.  Do đó Phao-lô viết thư thứ hai để sửa sai những lầm tưởng của họ.

 

Phao-lô viết bốn “Thư lớn”

 

        Sở dĩ gọi là “Thư lớn” vì chúng chứa đựng những giáo lý quan trọng.  Thư đầu tiên gửi cho Ki-tô hữu tại Ga-lát.  Được viết khoảng năm 54, thư nhắm tới những Ki-tô hữu gốc Do-thái thủ cựu.  Họ làm cho những tân tòng Dân ngoại (không phải gốc Do-thái) bối rối khi họ bảo những tân tòng này phải tuân chỉ luật Do-thái và phải chịu cắt bì.  Phao-lô đã sửa sai điều này, giải thích rằng luật Do-thái không còn bó buộc nữa.  Ki-tô giáo đã vượt trên lề luật ấy.

        Thư lớn thứ hai và thứ ba gửi cho Ki-tô hữu tại Cô-rin-tô, Hy-lạp.  Văn chương cổ Hy-lạp cho thấy những người Cô-rin-tô là những kẻ say sưa, đồi trụy và phá rối.  Theo hai Thư của Phao-lô cho thấy, một số tân tòng Cô-rin-tô mà Phao-lô đã giúp trở lại vẫn quen thói cũ và lại chứng nào tật nấy.  Phao-lô viết:  “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em…  Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?  Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.  Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.  Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 5:1;  6:19-20).

        Một vấn đề khác nơi cộng đoàn Cô-rin-tô là việc chia rẽ nội bộ (1 Cr 1:10-13).  Phao-lô thúc giục họ hãy chấm dứt ngay những chia rẽ này.  Ngài dùng hình ảnh sau đây để nói lên sự hiệp nhất họ phải có:  “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.  Thật thế, tất cả chúng ta, là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu một phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.  Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất…  Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12:12-13,27).

        Thư sau hết trong bốn Thư lớn được gửi cho tín hữu Rô-ma.  Khảo luận sâu sắc này về Ki-tô giáo là bức thư dài nhất của Phao-lô.  Thư viết theo dàn bài sau đây:

        Thế giới trước Đức Ki-tô                  1:18 – 3:20

        Thế giới sau Đức Ki-tô                    3:21 – 5:21

        Sự sống mới trong Đức Ki-tô                     6:1 – 8:39

        Kế hoạch của Thiên Chúa cho Ít-ra-en        9:1 – 11:36

        Chứng nhân cho Đức Ki-tô                       12:1 – 15:13

        Kết luận                                      15:14 – 16:27

 

Phao-lô viết bốn Thư từ trong tù

 

        Mối ưu tư của Phao-lô về những người cùng khổ trong xã hội thường đưa ngài tới cảnh đau khổ (Cv 16:16-24).  Hậu quả thường là ngài bị cầm tù (2 Cr 11:23).  Một cách để Phao-lô giết thì giờ trong tù là viết thư.

        Lá thư đầu tiên Phao-lô viết trong tù được gửi cho tín hữu Phi-líp-phê.  Thư chứa đựng một tổng luận thật thơ mộng về Tin Mừng:  Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy thân xác chúng ta, chịu đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời về với Chúa Cha.  Bức thư kết thúc tổng luận ấy như sau:  “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.  Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;  và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:  ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’” (Pl 2:9-11).

        Tổng luận này tuyệt diệu đến nỗi hầu hết các học giả Kinh Thánh đều nghĩ rằng đó chính là một ca vịnh của Ki-tô hữu sơ khai mà Phao-lô đã trích dẫn.  Dù sao đi nữa, Phao-lô cũng đã dùng nó như ngôi sao dẫn đường cho cả đời ngài, như ngài nói tới trong phần sau:  “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).

        Thư thứ hai Phao-lô viết trong tù gửi cho tín hữu Cô-lô-xê.  Thư cũng có một đoạn thật hay về Đức Giê-su.  Đây là một phần nhỏ:  “Thánh Tử (Giê-su) là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo…  Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.  Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1:15-18).

        Do đó, Phao-lô “tiếp tục sống kết hợp với Người, bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su” (Cl 2:6-7).

        Thư thứ ba trong tù Phao-lô gửi cho cộng đoàn Ki-tô hữu tại Ê-phê-xô.  Thư này cũng nói đến Đức Ki-tô là Đầu Nhiệm thể Hội Thánh:  “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình.  Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4:16).

        Phao-lô viết thư cuối cùng trong tù gửi cho một người tên là Phi-lê-môn.  Đây là thư ngắn nhất của Phao-lô, tỏ ra mối quan tâm tới một người nô lệ bỏ trốn tên là Ô-nê-xi-mô mà Phao-lô đã rửa tội cho tại Rô-ma.  Ô-nê-xi-mô trước kia thuộc chủ quyền của Phi-lê-môn, một tín hữu tân tòng tại Cô-lô-xê.  Phao-lô xin Phi-lê-môn hãy đón nhận Ô-nê-xi-mô trở lại, không phải như tên nô lệ mà là một người anh em trong Đức Ki-tô.

 

Phao-lô viết ba thư mục vụ

 

        Tựa như các bức tranh thường nói lên những giai đoạn trưởng thành của một họa sĩ, cũng thế, các thư của Phao-lô phản ảnh một sự trưởng thành về tư tưởng nơi ngài.  Sự trưởng thành rõ rệt tới độ có người nghĩ rằng những thư ấy là do một môn đệ của Phao-lô viết sau khi Phao-lô qua đời đã nhiều năm.  Nhiều người khác lại cho rằng những thư này chỉ phản ảnh đà phát triển của Phao-lô cũng như của Giáo Hội sơ khai.  Hai thư gửi cho Ti-mô-thê và một thư gửi cho Ti-tô.

        Đối với Phao-lô, Ti-mô-thê giống như con ruột của ngài.  Ti-mô-thê còn trẻ và sức khỏe mong manh (1 Tm 5:23).  Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê đừng để những điều ấy ảnh hưởng trên việc làm người chủ chăn tốt cho cộng đoàn mình (1 Tm 4:12).

        Còn Ti-tô cũng làm việc sát cánh với Phao-lô ((2 Cr 7:6).  Giống như hai thư gửi cho Ti-mô-thê, thư gửi cho Ti-tô nói về những vấn đề mục vụ và làm sao đối phó với những vấn đề ấy.

 

NHỮNG THƯ KHÁC

 

        Ngoài mười ba thư do Phao-lô viết, còn tám thư khác trong Kinh Thánh Tân Ước.  Những thư này chia làm hai loại:  một thư đặc biệt gửi cho người Do-thái và bảy thư còn lại được gọi là các Thư chung – gọi như vậy vì chúng không được viết cho một người hoặc một cộng đoàn riêng biệt nào, nhưng cho mọi người.

 

Thư gửi tín hữu Do-thái rất là độc đáo

 

        Chúng ta không biết rõ “những người Do-thái” là ai, nhưng một số học giả cho rằng đó là một nhóm tư tế Do-thái đã trở lại Ki-tô giáo và giờ đây đang chịu bách hại vì việc trở lại ấy.  Hoàn cảnh họ đúng như lời Đức Giê-su đã nói:  “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15:20).

        Thư này cổ võ người Do-thái hãy chống lại cơn cám dỗ lìa bỏ đức tin:  “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi.  Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16).

 

Bảy Thư chung

 

        Bảy Thư chung gồm có ba thư của Gio-an, hai thư của Phê-rô, một thư của Gia-cô-bê và một thư của Giu-đa.

        Ít có thư nào trong Tân Ước có thể sánh với phần mở đầu thật đẹp của Thư 1 Gio-an:  “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…  Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1:1,3).

        Thư còn tiếp tục nói rằng những thầy dạy giả mạo đã xâm nhập nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu.  Gio-an gọi họ là những “phản Ki-tô” (1 Ga 2:18), vì họ “chống lại Đức Ki-tô.”  Họ không nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế (1 Ga 2:22), là Con Thiên Chúa (1 Ga 2:23), là người (1 Ga 4:2).  Họ cũng cho là họ được Chúa ban cho sự hiểu biết đặc biệt (1 Ga 4:1-6).

        Hai thư sau của Gio-an gần giống như những điều ghi chú.  Một được gửi cho “Bà đã được Thiên Chúa tuyển chọn,” có lẽ là một giáo đoàn tại Tiểu Á;  còn thư kia gửi cho Gai-ô.  Thư trước kêu gọi các phần tử trong cộng đoàn hãy tiếp tục yêu thương nhau và coi chừng thầy dạy giả dối.  Thư sau ca tụng anh Gai-ô và nhắc nhở anh hãy đề phòng một người lãnh đạo bướng bỉnh trong cộng đoàn.

        Tiếp đến là hai thư của Phê-rô.  Thư thứ nhất gửi cho những Ki-tô hữu đang chịu bách hại vì đức tin.  Thư nhắm nâng đỡ tinh thần sa sút của họ:  “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2:21).

        Thư thứ hai của Phê-rô bàn về một số vấn đề, kể cả việc giải thích Kinh Thánh.  Khi nhắc đến những thư của Phao-lô, thư thứ hai của Phê-rô nói rằng có một số đoạn khó mà hiểu.  Rồi thư tiếp tục nói phải coi chừng những kẻ rao giảng bừa bãi, chuyên môn bẻ quặt ý nghĩa những đoạn Kinh Thánh này cho hợp với mục đích riêng của họ (2 Pr 3:16).

        Thư của Gia-cô-bê là một trong những thư thực dụng và cụ thể nhất Tân Ước.  Một đoạn hết sức quan trọng đề cập đến mối tương quan giữa đức tin và hành động:  “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2:17).

        Sau hết là thư của Giu-đa.  Thư này rất ngắn và khuyên người đọc hãy chống lại với “những kẻ vô luân đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô” (Gđ 4).

 

Các Thư là những bức gương

 

        Nhìn lại các Thư trong Tân Ước, chúng ta thấy phản ảnh qua đó không hẳn chỉ có những vấn đề của Giáo Hội sơ khai, nhưng còn chứa đựng tâm huyết của những vị lãnh đạo Giáo Hội.  Những thư này vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta qua mọi thế hệ với những lời lẽ như sau:  “Đừng đọc những Thư này chỉ cốt để biết về những vấn đề của Giáo Hội sơ khai.  Hãy đọc để biết về chính chúng ta nữa.  Hãy đọc để biết rằng chúng tôi đã có chính những vấn đề mà các bạn đang có.  Hãy đọc để biết  rằng chúng tôi đã phấn đấu để theo Chúa cũng như các bạn đang phấn đấu.”

 

SÁCH KHẢI HUYỀN

 

        Không có cuốn sách nào trong bộ Kinh Thánh đã bị hiểu sai hơn là sách Khải Huyền.  Lý do khiến người ta lẫn lộn là vì sách đầy những hình ảnh bí nhiệm.

        Thí dụ, có hai mãnh thú, một con mang số 666 (Kh 13:18).  Con số này thường được hiểu là Nê-rô, hoàng đế Rô-ma đầu tiên đã bách hại Ki-tô hữu.  (Người Rô-ma xác định giá trị theo thứ tự chữ trong vần abc).

        Những ai trong chúng ta hy vọng tìm ra ý nghĩa rõ ràng về mọi hình ảnh trong sách thì chỉ thêm thất vọng thôi.  Ngay đến những học giả cũng không thể hiểu hết.

        Hầu hết, sách Khải Huyền là một loạt những thị kiến được diễn tả bằng những hình ảnh khiến cho Ki-tô hữu ngày nay bị lẫn lộn, nhưng Ki-tô hữu ngày xưa thì có thể hiểu được.

 

Chúng ta giải thích sách Khải Huyền thế nào?

 

        Bí quyết để hiểu sách Khải Huyền là hãy luôn nhớ tới giai đoạn lịch sử mà sách đã được viết.  Gio-an đã viết vào một thời điểm khi các Ki-tô hữu đang bị bách hại khốc liệt vì đức tin.

        Từ nhiều thế kỷ đã có ba cách giải thích khác nhau về cuốn sách.  Có thể tóm tắt ba phương thức ấy như sau:

        Phương thức lịch sử sơ khởi chủ trương rằng độc giả chính của cuốn sách là những Ki-tô hữu bị bách hại thuộc thế kỷ thứ nhất tại Rô-ma.  Với những Ki-tô hữu này, sách Khải Huyền nói:  Cứ yên tâm trong thời đau khổ.  Đức Ki-tô đã chiến thắng;  anh chị em cũng vậy.

        Phương thức lịch sử bao quát chủ trương rằng độc giả chính của sách là Ki-tô hữu sống trong mọi thời.  Với họ, sách Khải Huyền dạy:  Luôn luôn có những buổi thử thách và đau khổ, nhưng cuối cùng việc tái tạo thế giới sẽ xảy đến theo kế hoạch của Thiên Chúa.

        Phương thức lịch sử kết thúc chủ trương rằng độc giả chính của sách là Ki-tô hữu sống trong những ngày cuối cùng.  Để mô tả ngày tận thế, sách dạy:  Khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra thì hãy ngửng đầu lên;  giờ vinh quang sau hết của các ngươi đã gần kề.

        Mỗi phương thức đều có giá trị riêng của nó.  Với phương thức thứ nhất, sách sẽ là kim chỉ nam cho Ki-tô hữu trong thời sơ khai, phương thức thứ hai cho Ki-tô hữu trong mọi thời và phương thức thứ ba cho Ki-tô hữu trong thời sau hết.

        Có lẽ cách tốt nhất để hiểu sách Khải Huyền đó là nhận thức sách muốn nói riêng với mỗi người trong số các độc giả trên với một cách thức độc đáo.

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  1 Cô-rin-tô 12:12-31          Thân thể Chúa Ki-tô

        2.  2 Cô-rin-tô 4:1-15                     Kho tàng giấu ẩn

        3.  Gia-cô-bê 2:14-26                     Chị em song sinh của đức tin

        4.  1 Gio-an 4:7-21                        Mọi sự vì tình yêu

        5.  Khải Huyền 1:1-20             Thị kiến của Gio-an

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Động lực nào khiến Phao-lô viết thư cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca?  Cho tín hữu Ga-lát?

        2.  Tại sao một số học giả đặt vấn đề không biết các Thư mục vụ có phải là của Phao-lô viết không?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Phao-lô viết trong 2 Cr 9:7:  “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.”  Bạn hãy chia sẻ về ý nghĩa của mỗi nhận xét dưới đây về việc dâng hiến, và nói tại sao bạn đồng ý hay không đồng ý.

        -  “Những gì bạn cho lúc mạnh khỏe là vàng;  những gì bạn cho lúc ốm đau là bạc;  những gì bạn cho lúc chết là chì.”  (Châm ngôn Do-thái)

        -  “Bác ái đích thực đâu cần để ý tới được miễn thuế hay không.” (Dan Bennett)

        -  “Ngay kẻ ăn xin sống nhờ của bố thí cũng cần phải biết bố thí.” (Talmud)

        -  “Người đời hỏi:  Ông ta cho bao nhiêu?  Còn Chúa Ki-tô hỏi:  Tại sao ông ta cho?” (John Raleigh Mott).

        2.  Nhân vật Charlie Brown trong hoạt họa Peanuts khoái dùng từ “Good grief!”  (Buồn nhưng lại tốt!)  Làm sao từ ngữ này phản ảnh ý nghĩa của những lời Phao-lô viết trong 2 Cr 7:10:  “Nỗi ưu phiền do ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ:  đó là điều không bao giờ phải hối tiếc;  còn nỗi ưu phiền của thế gian thì gây ra sự chết”?

        3.  Trong thị kiến thứ nhất, Gio-an được bảo hãy viết bảy lá thư cho bảy giáo hội.  Viết cho giáo hội Ê-phê-xô, thư nói rằng:  “Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi.  Nhưng Ta trách ngươi điều này:  ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.  Vậy ngươi hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu” (Kh 2:3-5).  Nếu Đức Giê-su viết một thư cho cộng đoàn của bạn, Ngài sẽ ca tụng điều gì?  Hoặc trách cứ điều gì?

        4.  Phao-lô viết trong Rm 8:28:  “Chúng ta biết rằng:  Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người.”  Bạn hãy nhớ lại một biến cố trong đời mình, bắt đầu là thánh giá, nhưng kết thúc là một ơn lành.

 

The Catholic Vision  II – 17

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà