Phần III - Bài 22

 

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

 

 

        Trước khi đọc thêm, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu hỏi sau:

1.      Một trong những buổi phụng tự đáng nhớ nhất mà tôi đã tham dự là…

2.      Điều làm cho đáng nhớ, đó là…

 

THÁNH THỂ

 

        Cha Walter Ciszek bị băét tại Nga-sô hồi đệ nhị thế chiến.  Ngài bị giam trong tù hai mươi ba năm.  Sau khi được thả, ngài viết cuốn sách nhan đề là Người đã dẫn dắt tôi (He Leadeth Me).  Ngài mô tả một cộng đoàn tù nhân Công Giáo bé nhỏ thường bí mật tụ họp nhau mỗi khi có thể để cử hành Thánh Thể.

        Vào thời đó, người Công Giáo nhịn ăn uống từ sau nửa đêm để được rước lễ ngày hôm sau.  Trong những Thánh lễ bí mật này, cộng đoàn thường để dành Mình Thánh lại để đem cho những tù nhân Công Giáo khác không thể tham dự.  Cha Ciszek viết:  “Đôi khi chúng tôi chỉ gặp được họ khi chúng tôi trở về nhà giam vào buổi tối trước bữa ăn.  Thế mà những người này vẫn nhịn đói cả ngày và lao động quần quật không một miếng bỏ bụng từ tối hôm trước, chỉ vì họ muốn được rước Thánh Thể.  Vậy mới biết Bí tích Thánh Thể đối với họ quý trọng dường nào.”

        Đối với người Công Giáo, không có Bí tích nào quý trọng hơn là Bí tích Thánh Thể.

 

BỮA TIỆC THÁNH THỂ

 

        Có lẽ cách đơn giản nhất để hiểu Phụng vụ Thánh Thể là hãy nhớ lại thánh sử Lu-ca mô tả Phụng vụ ấy vào bữa Tiệc Ly:

        “Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người…  Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:  ‘Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em.  Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’  Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói:  ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.’” (Lc 22:14,19-20).

        Mô tả của thánh Lu-ca cho thấy ba sự kiện quan trọng về Thánh Thể, đó là:

                -  một bữa ăn tưởng niệm,

-  một bữa ăn hiến tế, và

                -  một bữa ăn giao ước.

 

Thánh Thể là một bữa ăn tưởng niệm

 

        Khi nói:  “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy,” thì Chúa Giê-su đã có một ý nghĩ độc đáo và đặc biệt.

        Ý niệm tưởng nhớ trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa súc tích hơn là ý niệm tưởng nhớ hiện thời.  Đối với người Do-thái, tưởng nhớ không chỉ có nghĩa là nhớ lại một biến cố quá khứ.  Nhưng tưởng nhớ là đem một biến cố quá khứ đưa vào hiện tại và sống lại biến cố ấy.  Thí dụ, khi người Do-thái cử hành (tưởng nhớ) biến cố Vượt qua thì họ tin rằng nhờ đức tin, họ đã đem biến cố ấy về hiện tại và sống lại biến cố đó.  Họ tham dự vào biến cố tựa như là đích thân hiện diện trong chính biến cố xảy ra lúc ban đầu.

        Chính phương cách tưởng nhớ đặc biệt này Đức Giê-su đã muốn khi Ngài nói với cộng đoàn môn đệ của Ngài:  “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”

        Trong Thánh lễ, chúng ta tưởng nhớ cuộc sống, sự chết và sống lại của Đức Giê-su.  Chúng ta tin rằng nhờ đức tin chúng ta đưa những biến cố này vào hiện tại, để chúng ta có thể tham dự vào những biến cố ấy thực sự như các tông đồ đã tham dự trong bữa Tiệc Ly.

 

Thánh Thể là một bữa ăn hiến tế

 

        Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói:  “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em” và “Đây là… máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.”  Cả hai cách nói, “hy sinh vì anh em” và “đổ ra vì anh em” đều ám chỉ về một hy tế.  Toàn thể khung cảnh bữa Tiệc Ly mang đặc tính hiến tế và trực tiếp liên hệ với cái chết hy sinh của Đức Giê-su trên thập giá vào ngày hôm sau.

        Khi cử hành Thánh Thể, cộng đồng Công Giáo tham dự vào hy tế của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha.  Thánh Phao-lô làm sáng tỏ điều này khi ngài nói:  “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư?  Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10:16).

        Hy tế Thánh lễ không phải là một hy tế mới.  Đó là cùng một hy tế Đức Giê-su đã mở đầu tại bữa Tiệc Ly và hoàn tất ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.  Chúng ta tham dự vào hy tế ấy như các tông đồ đã tham dự trong bữa Tiệc Ly và như các môn đệ Đức Giê-su đã tham dự khi đứng dưới chân thập giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

 

Thánh Thể là một bữa ăn giao ước

 

        Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su nói:  “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy.”  Chúng ta nhận thấy hai điểm ở đây:

        Trước hết, những lời của Đức Giê-su nhắc lại giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ít-ra-en tại chân núi Si-nai.  Giao ước ấy được đóng ấn bằng máu những con vật được dâng hiến.  Nói đến việc “đóng ấn” này, sách Xuất Hành viết:  “Ông Mô-sê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe.  Họ thưa:  ‘Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.’  Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói:  ‘Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24:7-8).  Còn giao ước mới thì được “đóng ấn” bằng chính máu của Đức Giê-su.

        Thứ đến, những lời của Đức Giê-su “Chén này là giao ước mới” cũng nhắc lại lời Thiên Chúa hứa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a:  “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới…  Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta.  Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta…  Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:31-34).  Đây là giao ước mới Đức Giê-su đã khai mạc trong bữa Tiệc Ly.  Đó cũng là giao ước mới mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ.  Chúng ta cử hành một thực tại không thể tin được, đó là qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã trở thành Cha chúng ta và chúng ta được trở nên con cái Người.

 

Chúng ta làm những gì Đức Giê-su đã làm

 

        Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông (tông đồ) và nói:  ‘Đây là mình Thầy…’  Tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy.”  Đây cũng chính là những gì chúng ta làm trong Phụng vụ Thánh Thể.

        Linh mục, hành động như người đại diện cho toàn thể cộng đoàn, nhận lấy bánh và rượu rồi chuẩn bị dâng lên.  Chúng ta gọi đó là phần Tiến lễ.

        Tiếp đến, linh mục làm phép bánh và rượu.  Chúng ta gọi phần này là Kinh Tạ ơn.

        Sau hết, linh mục trao bánh và rượu (giờ đây đã trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô) cho cộng đoàn.  Chúng ta gọi phần này là Hiệp lễ.

        Những gì Đức Giê-su đã làm trong bữa Tiệc Ly đều phù hợp với ba phần chính của Phụng vụ Thánh Thể:

        Trong bữa Tiệc Ly                 Trong Phụng vụ Thánh Thể

        Đức Giê-su cầm lấy                        Tiến lễ

        Đức Giê-su làm phép                      Kinh Tạ ơn

        Đức Giê-su trao cho                       Hiệp lễ

 

PHẦN TIẾN LỄ

 

        Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với việc rước Sách Thánh lên cung thánh.  Phụng vụ Thánh Thể cũng bắt đầu với việc rước đem của lễ (bánh và rượu) lên Bàn Tiệc của Chúa (bàn thờ).

        Sau khi đặt của lễ trên bàn thờ, linh mục chuẩn bị của lễ khi đọc lời nguyện trên bánh.  Lời nguyện dựa theo một lời nguyện ở bàn ăn của người Do-thái:

        “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con.”Cũng cùng một cách như thế, linh mục cầu nguyện trên rượu. 

Thánh Lu-ca nói rằng sau khi Đức Giê-su đã chuẩn bị của lễ, Ngài đọc lời chúc lành trên của lễ.  Ngày nay việc chúc lành này được gọi là Kinh Tạ ơn.

 

KINH TẠ ƠN

 

        Để giản dị hơn, chúng ta có thể chia Kinh Tạ ơn ra làm ba phần:

                Lời Tiền tụng,

                Trình thuật bữa Tiệc Ly, và

                Kết thúc.

 

Lời Tiền tụng giới thiệu Kinh Tạ ơn

 

        Linh mục bắt đầu lời Tiền tụng bằng cách mời gọi mọi người hãy “nâng cao” tâm hồn để “tạ ơn Chúa.”  Rồi tùy theo từng mùa, linh mục đọc những lời như sau:

        “Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, khi Đức Ki-tô tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con.  Chính Người là Chiên thật đã xóa tội trần gian.  Người đã chết để diệt trừ sự chết nơi chúng con, và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.”

        Lời Tiền tụng kết thúc với việc giáo dân cầu nguyện rằng:

        “Thánh! Thánh! Chí Thánh!  Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh.  Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.  Hoan hô Chúa trên các tầng trời.  Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.  Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”

        Những lời “Thánh! Thánh! Chí Thánh!” trích từ sách ngôn sứ I-sai-a khi ngài kể lại thị kiến về các tạo vật trên trời đứng trước nhan thánh Chúa và hô lên “Thánh! Thánh! Chí Thánh!”

        Lời “Hoan hô” (Hosanna) gặêp thấy đôi chỗ trong Kinh Thánh.  Đầu tiên, Hosanna là lời kêu xin Thiên Chúa tới cứu giúp.  Sau này, nó biến thành lời chúc tụng Thiên Chúa và được sử dụng trong lời Tiền tụng theo ý nghĩa đó.

 

Trình thuật bữa Tiệc Ly tiếp tục kinh Tạ ơn

 

        Tiếp đến, linh mục sang phần chính của Kinh Tạ ơn là phần thuật lại bữa Tiệc Ly, nói về Đức Giê-su:

        “Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn Cha, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói:  ‘Tất cả các con cầm lấy mà ăn:  Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.’

        “Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:  ‘Tất cả các con cầm lấy mà uống:  Này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.  Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’”

 

Kết thúc Kinh Tạ ơn

 

        Linh mục kết thúc Kinh Tạ ơn bằng cách gợi lại sự chết và sống lại của Đức Giê-su.  Rồi linh mục dâng lên Chúa Cha mình và máu Đức Giê-su với những lời sau đây:

        “Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hiệp nhâát với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời.”

        Cộng đoàn đồng thanh đáp lại với lời “A-men”.  Từ thời xưa, lời đáp này đã được gọi là “Amen trọng thể.”  Ở nhiều nhà thờ người ta đệm nhạc rộn ràng khi hát lời đáp này.

 

PHẦN HIỆP LỄ

 

        Linh mục mở đầu phần hiệp lễ bằng cách mời cộng đoàn cùng đọc kinh Lạy Cha.  Những lời “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” mang ý nghĩa đặc biệt trong lúc này.  Bởi vì một lát nữa các phần tử trong cộng đoàn sẽ lãnh nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô là “bánh ban sự sống” (Ga 6:35).

        Tiếp theo kinh Lạy Cha là nghi thức chúc bình an.  Lúc này linh mục mời cộng đoàn chúc bình an cho nhau.  Thường thường chúc bình an bằng cách bắt tay hoặc ôm hôn kèm theo lời “Bình an Chúa Ki-tô ở cùng…”

        Từ bình an trong tiếng Do-thái là Shalom.  Khó mà dịch ra cho đúng nghĩa, nhưng nói chung là chúng ta chúc cho nhau được đầy tràn mọi điều tốt lành do Đức Giê-su đem tới, tức là sự tha thứ, tình yêu thương và sự vui mừng.

 

Linh mục bẻ bánh

 

        Tiếp theo nghi thức chúc bình an là “bẻ bánh.”  Thời xưa, việc bẻ bánh mất nhiều thì giờ hơn vì người ta dùng các ổ bánh mì trong Thánh lễ.  Điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao người ta hát kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa.”  Trong khi chờ đợi đang bẻ bánh thì người ta hát kinh này.  Ngày nay, chúng ta vẫn còn hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, nhưng bánh lễ là những tấm bánh nhỏ, thay vì dùng cả ổ bánh lớn.

 

Bữa Tiệc Thánh Thể

 

        Thánh Phao-lô viết:  “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:17).  Bữa ăn Thánh Thể là cao điểm trong Thánh lễ.  Đó là nguồn cội và biểu lộ sự hiệp nhất của cộng đoàn trong Chúa Ki-tô.

        Bữa Tiệc Thánh Thể ngược lại với bữa ăn hằng ngày.  Trong bữa ăn hằng ngày, nhũng gì chúng ta ăn sẽ biến thành một phần của con người chúng ta.  Còn trong Bữa Tiệc Thánh Thể, chúng ta trở thành một phần của những gì chúng ta ăn, đó là thân mình Chúa Ki-tô.

        Cách thức chúng ta thường làm khi rước lễ là để cho thừa tác viên Thánh Thể đặt Mình Thánh vào miệng chúng ta hoặc vào lòng bàn tay chúng ta.  Khi làm như thế, thừa tác viên sẽ nói:  “Mình Thánh Chúa Ki-tô.”  Chúng ta sẽ đáp lại:  “A-men.”  Nếu đôi khi có cho rước Máu Thánh Chúa, thì thừa tác viên sẽ đưa chén cho chúng ta và nói:  “Máu Thánh Chúa Ki-tô.”  Chúng ta cũng đáp lại:  “A-men,” rồi cầm lấy chén và uống.

        Phần Hiệp lễ kết thúc với một phút thinh lặng và lời nguyện do linh mục đọc.

 

KẾT LỄ

 

        Thánh lễ kết thúc với việc linh mục giải tán cộng đoàn.  Có người đã nói về lúc này như sau:  “Lúc thánh thiện nhất của phụng vụ là khi dân Chúa, sau khi đã được Lời Chúa và Thánh Thể ban cho sức mạnh, thì bước ra khỏi cửa nhà thờ mà đi vào thế giới để đích thực làm Giáo Hội.”  Sứ mệnh của cộng đoàn là đáp lại Lời Chúa.  Việc giải tán gồm hai động tác ngắn.

        Trước hết, linh mục chúc lành cho dân chúng, ngài nói:  “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.”

        Tiếp đến, để sai dân chúng đi làm Giáo Hội, linh mục nói:  “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về trong bình an và yêu thương để phụng sự Chúa.”  Cộng đoàn đáp:  “Tạ ơn Chúa.”

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.  Hình bóng về Bí tích Thánh Thể            Gio-an 2:1-12              

        2.  Lời hứa về Bí tích Thánh Thể               Gio-an 6:35-59             

        3.  Thiết lập Bí tích Thánh Thể          Lu-ca 22:14-20            

        4.  Cử hành Bí tích Thánh Thể          Lu-ca 24:13-35            

        5.  Thánh Phao-lô với Bí tích Thánh Thể      1 Cô-rin-tô 11:17-29

 

THẢO LUẬN

 

        1.  Ôn lại những ý nghĩa Thánh Thể là một bữa ăn:  tưởng niệm, hiến tế và giao ước.

        2.  Ba phần chính của Kinh Tạ Ơn.

        3.  Giải tán sau khi Thánh lễ kết thúc là giây phút “thánh thiện” được hiểu thế nào?

 

CHIA SẺ

 

        1.  Một phụ nữ Tin Lành viết trong một tạp chí quốc gia:  “Những người bạn Công Giáo của tôi làm cho tôi thắc mắc.  Họ nói rằng Thánh lễ thực sự cùng là Bữa Tiệc Ly, thực sự cùng là Hy tế Thập giá…  Vậy, nếu tôi tin Chúa Ki-tô hiện diện trên bàn thờ, thì tại sao tôi lại không có mặt ở đó mỗi ngày?”  Bạn trả lời người ấy thế nào?

2.  Cha Ciszek viết trong cuốn Người đã dẫn dắt tôi :  “Chúng tôi đã dâng Thánh lễ trong những kho chứa đồ, hoặc tụm lại giữa chỗ bùn lầy hoặc tuyết tan của một góc nền nhà sắp xây…  Vậy mà trong những hoàn cảnh thô sơ ấy, Thánh lễ đã đưa chúng tôi đến gần Chúa hơn là người ta tưởng.”  Tại sao?  Điều gì đã làm cho Thánh lễ thành một kinh nghiệm đầy ý nghĩa và một biểu lộ đức tin của cộng đoàn như Đức Giê-su đã muốn?

3.  Trong cuốn Chuyển hướng (Turning), Emilie Griffin viết:  “Việc sùng kính Bí tích Thánh Thể - tức là tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô -  đã đưa tôi đến với những nhà thờ Công giáo…  Riêng tôi, càng sùng kính Bí tích Thánh Thể, tôi càng bị lôi cuốn tới đạo Công giáo hơn.”  Bà muốn nói gì khi nhắc đến việc “tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô”?  Bí tích Thánh Thể có tầm quan trọng nào trong việc lôi cuốn bạn tới Giáo Hội Công Giáo?

 

 

The Catholic Vision  III – 22

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà