Phần IV – Bài 29

 

QUYẾT ĐỊNH LUÂN LÝ

 

 

        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:

1.   Có một lần tôi đã bối rối không biết đâu là điều theo luân lý tôi phải làm,   đó là khi...

2.   Khi tôi không rõ một điều tôi định làm có đúng hay là sai, thì tôi thường giải quyết bằng cách...

 

LÀM QUYẾT ĐỊNH

 

        Một ông chủ trại già cả mướn một em nhỏ để lựa khoai tây ra từng cỡ.  Ông bảo em phải chia làm ba đống khác nhau theo từng cỡ:  nhỏ, trung bình và lớn.  Rồi ông già vào nhà kho làm việc khác.

        Hai tiếng sau, thằng bé chạy vào kho.  Trán nó đẫm mồ hôi và có vẻ bực bội.  Ông chủ trại hỏi:  “Gì vậy?”  Thằng nhỏ lắp bắp:  “Cháu không lựa được nữa.”  Ông già hỏi:  “Việc đó nặng quá à?”  Thằng nhỏ trả lời:  “Dạ không phải.  Công việc chẳng có gì mệt, nhưng cháu không quyết định được củ khoai nào thuộc cỡ nào.”

 

Làm quyết định không phải dễ

 

        Làm quyết định là việc khó.  Lại đặc biệt khó khi những quyết định ấy là những quyết định luân lý, tức là quyết định điều gì là phải, điều gì là sai.  Về việc này, trong luân lý Ki-tô giáo, chúng ta có thể phân biệt bốn loại quyết định.  Nói cho đơn giản, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ thường ngày để gọi chúng như sau:

                *  những quyết định luân lý rõ ràng,

                *  những quyết định luân lý không rõ ràng,

                *  những quyết định luân lý gây tranh luận, và

                *  những quyết định luân lý đối nghịch.

        Mỗi thứ quyết định này đều khó.  Muốn rõ, mỗi thứ đều có ba bước quan trọng để giúp chúng ta quyết định, đó là:

                *  tìm hiểu vấn đề luân lý ấy, đặc biệt theo giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề ấy.

                *  cân nhắc vấn đề dưới ánh sáng của lời Đức Giê-su mời gọi hãy sống và yêu thương như Ngài đã sống và yêu thương.

                *  xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta quyết định đúng.

 

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH LUÂN LÝ RÕ RÀNG

 

        Cuốn phim A Man for All Seasons được thực hiện dựa trên cuộc đời thánh Thomas More.  Ngài nổi danh sau khi được vua Henry VIII bổ nhiệm làm thủ tướng Anh-quốc năm 1529.  Nhưng thảm cảnh sắp xảy tới cho ngài.

        Vua Henry ly dị hoàng hậu và tái hôn.  Để quyết tâm bảo vệ cho việc tái hôn về phương diện luật đời cũng như luật đạo, vua Henry ra lệnh cho các viên chức cao cấp nhà nước phải ký vào một tài liệu thề rằng hôn nhân sau này là thành sự.  Henry còn bắn tiếng với họ là nếu không chịu ký thì họ sẽ bị xử là phản bội.

        Một cảnh rất cảm động là khi Huân tước Norfolk trình tài liệu cho Thomas More.  Thomas từ chối không chịu ký.  Norfolk nài nỉ Thomas hãy suy nghĩ lại, vì yêu thương gia đình và bạn bè.

        Nhưng Thomas biết rằng có một tình yêu khác quan trọng hơn hết, đó là yêu mến Thiên Chúa.  Ngài không thể nhân danh Chúa mà thề một điều ngài biết rõ là không đúng.

        Ít lâu sau Thomas bị bắt, bị đưa ra tòa, bị buộc tội và bị hành quyết vì tội phản bội.

 

Những quyết định luân lý rõ ràng đòi chúng ta phải can đảm

 

        Quyết định Thomas More phải đương đầu là rõ ràng và khó khăn.  Ngài ý thức những dữ kiện của trường hợp.  Ngài biết giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề ấy.  Ngài biết những gì lòng yêu mến Chúa mời gọi ngài hãy làm.  Điều thánh nhân cần nhất, đó là lòng can đảm để làm những gì lương tâm bảo ngài phải làm.

        Cầu nguyện đóng vai trò quan trọng trong quyết định của thánh Thomas More và được biết qua bức thư ngài viết cho ái nữ là Meg.  Khi nói về những gì người ta sẽ làm nếu chỉ vì sợ hãi, ngài viết:

        “Cha sẽ nhớ lại thánh Phê-rô, vừa lúc có cơn gió mạnh ngài đã bắt đầu chìm xuống nước vì thiếu lòng tin, thì cha cũng sẽ làm như ngài, nghĩa là kêu Chúa Ki-tô và cầu xin Người giúp đỡ.  Rồi cha tin Chúa sẽ đặt bàn tay thánh thiện của Người trên cha và giữa sóng gió biển cả Người sẽ giữ cho cha khỏi bị chìm.  Cho nên, hỡi con gái yêu quý của cha, đừng để cho tâm hồn con bị xao động.”

        Cho dù thánh nhân đã biết phải quyết định thế nào, ngài cũng vẫn cần đến lòng can đảm để làm quyết định ấy.  Cầu nguyện đã đem lại can đảm cho ngài.

 

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH KHÔNG RÕ RÀNG

 

        Hãy tưởng tượng bạn là cha của ba đứa nhỏ, sáu, chín và mười một tuổi.  Bà nội của bạn đã tám mươi tư tuổi đang sống với bạn.  Bà cụ bị phong thấp nặng và cần được giúp đỡ.  An-Mỹ, vợ của bạn, chăm sóc cho bà cụ.

        Một ngày kia, sau khi cảm thấy quá vất vả, An-Mỹ ngần ngại đề nghị đưa bà nội vào viện dưỡng lão.  Thế là bạn phải đối phó với một quyết định luân lý không rõ ràng.  Bạn muốn làm điều gì là phải, nhưng bạn không chắc chắn được đó là điều nào.

 

Những vấn đề không rõ ràng thì chưa sáng tỏ tức khắc được

 

        Một vấn đề luân lý chưa rõ ràng là vấn đề chưa thể cho chúng ta một quyết định đúng rõ rệt ngay lập tức được.  Đó là vấn đề đòi phải cân nhắc cẩn thận giữa những lý do thuận và nghịch.  Vấn đề ấy cần phải hội ý người khác thật kỹ lưỡng.  Đó cũng là vấn đề thường phải tham vấn đặc biệt với những chuyên viên như bác sĩ hoặc linh mục.

        Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là một quyết định mà chính chúng ta phải làm sau khi đã (1)  tham vấn những người cần phải hỏi họ, (2) tự hỏi tình yêu nào mời gọi chúng ta làm, và (3) cầu nguyện xin ơn soi sáng.

        Nếu đã đi theo những bước này, chúng ta sẽ thẳng thắn chọn lựa với một lương tâm trong sáng bất cứ đường lối hành động nào Chúa Thánh Thần chỉ dạy cho chúng ta.

 

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH GÂY TRANH LUẬN

 

        Khi những đạo quân của Hitler bắt đầu tung hoành khắp Âu-châu thời thế chiến thứ hai, Franz Jagerstatter còn là một nông dân trẻ trung.  Anh có vợ và hai con.  Anh cũng được vinh dự là người duy nhất trong làng đi bầu chống lại việc sát nhập nước Áo với Đức- quốc-xã.

        Tháng Hai 1943, Franz được lệnh phải trình diện làm nghĩa vụ quân sự trong quân đội Đức.  Anh phải đối phó với một tình huống khó xử.  Làm sao anh có thể chiến đấu trong một cuộc chiến anh đã coi như là vô luân khởi xướng do một chính quyền vô luân?

        Franz hỏi ý linh mục giáo xứ và giám mục của anh.  Cả hai đều khuyên anh hãy phục vụ trong đoàn y tế để anh khỏi phải cầm súng.  Nhưng anh từ chối, nói rằng mang quân phục đã là dấu chỉ anh đồng lòng với chính phủ và chiến tranh rồi.

        Khi một luật sư do chính phủ chỉ định hỏi Franz tại sao anh thấy trở ngại đối với nghĩa vụ quân sự trong khi hằng triệu Ki-tô hữu Đức-quốc không thấy, thì anh trả lời:  “Tôi nghĩ là họ không có ơn sủng để nhìn thấy vấn đề.  Còn tôi, tôi có ơn sủng ấy, nên tôi không thể phục vụ trong quân đội.”

 

Anh Jagerstatter quyết định

 

        Cuối cùng, sau khi cân nhắc các sự kiện, suy nghĩ xem tình yêu nào mời gọi anh quyết định, và cầu nguyện xin ơn soi sáng, Franz đã làm một quyết định gây tranh luận.  Anh theo lương tâm mình hơn là theo lời khuyên của những Ki-tô hữu tốt và những vị lãnh đạo trong Giáo Hội.

        Ngày 9 tháng 8 năm 1943, Franz bị hành quyết.  Lịch sử đã tôn vinh anh như là ngôn sứ và anh hùng.

        Tóm lại, một quyết định luân lý gây tranh luận là sau khi đã theo từng bước của việc quyết định, chúng ta cảm thấy phải theo lương tâm mình thay vì theo những đề nghị của những Ki-tô hữu tốt khác.

 

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH ĐỐI NGHỊCH

 

        Sau hết là quyết định luân lý đối nghịch.  Đó là quyết định đi ngược lại giáo huấn chính thức của Giáo Hội.  Đây là quyết định luân lý trầm trọng nhất một Ki-tô hữu có thể làm.

        Để thấy được tính cách trầm trọng ấy, chúng ta hãy lắng nghe Đức Giê-su nói với các môn đệ:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ..., dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20).

        Chúng ta cũng lắng nghe những lời Đức Giê-su nói với Phê-rô:  “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...  Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời:  dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;  dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:18-19).

        Sau cùng, chúng ta hãy nghe những lời Đức Giê-su nói với môn đệ ngay trước khi Ngài về với Chúa Cha:  “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em.  Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.  Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:12-13).

        Ba giáo huấn này của Đức Giê-su đưa ra hai chân lý quan trọng:

                *  Đức Giê-su ban quyền cho Giáo Hội được dạy dỗ nhân danh Ngài;

                *  Đức Giê-su bảo đảm với Giáo Hội là Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt Giáo Hội trong vai trò giảng dạy.

        Tuy nói như thế, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Giáo Hội gồm những con người phàm trần, nên việc Chúa Thánh Thần dẫn dắt cũng còn tùy nghi.  Điều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần không qua mặt trí khôn, suy nghĩ và kiến thức của con người.

        Như vậy, Giáo Hội thường được ơn nhìn thấy rõ ràng những vấn đề luân lý và đức tin một cách từ từ và theo từng giai đoạn, đó là nhờ (1) mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và (2) tùy mức độ phức tạp của vấn đề.

 

Giáo Hội giảng dạy ở hai cấp độ

 

        Vì không thấy được chắc chắn về một số vấn đề thuộc luân lý và đức tin, nên Giáo Hội giảng dạy ở hai cấp độ khác nhau:

        Ở cấp độ thứ nhất, Giáo Hội dạy về một vấn đề như là chắc chắn tuyệt đối.  Thí dụ, khi dạy rằng Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình Thánh Chúa Ki-tô, Giáo Hội dạy với sự chắc chắn tuyệt đối.  Do đó, đối với giáo huấn này chúng ta phải hoàn toàn “chấp nhận vì đức tin”.  Nếu không chấp nhận, chúng ta sẽ không còn là người Công giáo nữa.

        Ở cấp độ thứ hai, Giáo Hội dạy về một vấn đề như là không chắn chắn tuyệt đối.

        Một thí dụ trích dẫn từ Thư 1 Cô-rin-tô cho thấy việc giảng dạy ở cấp độ thứ hai khi thánh Phao-lô viết:  “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em tới tư cách là người – nhờ Chúa thương – đáng được anh em tín nhiệm” (1 Cr 7:25).

        Hoặc một thí dụ ngày nay cho thấy việc giảng dạy ở cấp độ thứ hai khi Giáo Hội hiện thời dạy về việc ngừa thai nhân tạo, đó là thông điệp Humanae vitae (Sự sống con người).

        Dù không nói lên sự chắc chắn rõ ràng về vấn đề gây nhức nhối này, Giáo Hội vẫn cảm thấy có bổn phận phải hướng dẫn về vấn đề ấy, cũng như thánh Phao-lô đã cảm thấy có bổn phận hướng dẫn tín hữu Cô-rin-tô về một vấn đề làm cho họ khó chịu.

        Rồi khi đã nghiên cứu và cầu nguyện, huấn quyền của Giáo Hội (quyền Giáo Hội hành xử việc giảng dạy) theo truyền thống đã dạy và còn tiếp tục dạy rằng việc ngừa thai nhân tạo là trái luân lý cách nặng.

        Tuy nhiên, vì Giáo Hội chưa chắc chắn hoàn toàn về vấn đề nên đòi chúng ta phải “chấp nhận vì lòng đạo đức” thay vì “chấp nhận vì đức tin.”

        Điều ấy có nghĩa là gì?

        Có nghĩa là chúng ta chấp nhận tư thế đáng tin cậy của giáo huấn do Giáo Hội về vấn đề ấy là vì (1) Đức Giê-su đã ban quyền cho Giáo Hội giảng dạy nhân danh Ngài, và (2) Đức Giê-su đã bảo đảm với chúng ta rằng Thánh Thần sẽ dẫn dắt Giáo Hội trong vai trò giảng dạy.  Vì hai lý do đạo đức này nên chúng ta chấp nhận tính cách đáng tin cậy của giáo huấn ấy.  Bởi đó mới có từ ngữ “chấp nhận vì lòng đạo đức.”

 

Làm quyết định đối nghịch như thế nào?

 

        Đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai nhân tạo là một điều nặng, vì nó có nghĩa là chúng ta hành động ngược lại những người Đức Giê-su đã ủy thác và ban quyền giảng dạy nhân danh Ngài.

        Đó cũng là một điều nặng vì thực quá dễ dàng để chúng ta bị đánh lừa,  chỉ tin những gì chúng ta muốn tin mà thôi.  Thánh Augustinô đã nghĩ về điều này khi ngài viết:

        “Nếu bạn chỉ tin những gì bạn muốn tin và từ chối những gì bạn không thích, thì không phải là bạn tin vào Tin Mừng đâu, mà là tin vào chính bạn đó.”

        Nhưng ở thời điểm hiện tại, vì không dạy về vấn đề này theo cách không thể sai lầm, Giáo Hội để cho người Công giáo cơ hội xét vấn đề theo lương tâm của mình, miễn là họ:

                *  có một lý do xứng đáng để làm như vậy,

                *  đã suy xét giáo huấn của Giáo Hội và những lý do để làm,

                *  đã cố gắng tìm mọi cách giải quyết vấn đề mà không thành công,

                *  đã chuyên cần cầu nguyện xin ơn soi sáng.

        Vậy có thể sau khi đã theo những bước tiến này một cách trung thành, đôi vợ chồng Công giáo thành thực nhận thấy mình đang ở trong một tình trạng xung đột về bổn phận (thí dụ, dung hòa tình yêu vợ chồng với trách vụ làm cha mẹ, với việc cho con cái học hành, hoặc với sức khỏe của người mẹ).  Lo lắng cho đôi vợ chồng như thế, các giám mục Gia-nã-đại đã viết:

        “Để cho phù hợp với những nguyên tắc thần học luân lý đã được chấp nhận, nếu những người này đã chân thành cố gắng sống theo những tiêu chuẩn hướng dẫn được đưa ra [tức là giáo huấn của Giáo Hội] nhưng không thành công, thì họ có thể chắc chắn rằng khi một người thành thực chọn phương thức hành động xem ra đúng cho họ thì người ấy đã làm theo lương tâm ngay lành rồi.”

        Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lại tuyên ngôn của các giám mục Gia-nã-đại, thì phát ngôn viên của ngài cho các giám mục biết là Đức Thánh Cha hài lòng với cách giải thích ấy.

 

TÓM TẮT

 

        Quyết định luân lý là quyết đinh những gì là đúng theo luân lý trong một tình huống.  Chúng ta có thể phân biệt bốn loại quyết định luân lý:

        *  những quyết định rõ ràng, thí dụ quyết định của thánh Thomas More;

        *  những quyết định không rõ ràng, thí dụ mọât gia đình với bà nội có vấn đề;

        *  những quyết định gây tranh luận, như anh Franz Jagerstatter đã làm;

        *  những quyết định đối nghịch, như một cặp vợ chồng Công giáo phải đối phó.

        Mỗi quyết định ấy đều nhức nhối và khó khăn.  Để làm mỗi quyết định ấy, chúng ta cần học hỏi, sống tình yêu Ki-tô và cầu nguyện để biết nhận định.

 

 

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH

 

        1.   Quyết định rõ ràng                   1 Cô-rin-tô 5

        2.   Quyết định không rõ ràng           2 Cô-rin-tô 9

        3.   Quyết định gây tranh luận          Rô-ma 14

        4.   Hoãn lại việc quyết định                     Công vụ Tông Đồ 5:27-39

        5.   Diễn tiến việc quyết định                    Công vụ Tông Đồ 15:1-31

 

THẢO LUẬN

 

        1.   Bốn loại quyết định luân lý thường gặp trong đời sống Ki-tô hữu luôn được xét dưới ánh sáng giáo huấn Giáo Hội, lời Đức Ki-tô và dẫn dắt của Thánh Thần.  Điều này Ki-tô hữu có thường làm không?  Họ gặp khó khăn nào?  Giải đáp những khó khăn ấy ra sao?

        2.   Ki-tô hữu hôm nay gặp khó khăn nhiều nhất, đó là khi phải quyết định luân lý gây tranh luận.  Hoàn cảnh xã hội ngày nay đã nảy sinh những vấn đề luân lý mới nào đáng kể?  Ki-tô hữu phải được chuẩn bị như thế nào để quyết định đúng?

        3.   Tại sao một quyết định luân lý đi ngược với giáo huấn Giáo Hội lại là một điều nặng?

 

CHIA SẺ

 

        1.   Thảo luận những tư tưởng sau đây:

                *  “Lý trí thường sai lầm, nhưng lương tâm thì không bao giờ.”

                                                                (Josh Billings)

                *  “Đó là một cuộc chiến cả đời người – một bên là đám đông ồn ào và một bên là tiếng lương tâm của bạn.”  (Đại tướng Douglas MacArthur, trong dịp mừng thượng thọ 84 tuổi)

                *  “Chúng ta là chính những lựa chọn của mình.” (Jean-Paul Sartre)

        2.   Nhớ lại bốn loại quyết định luân lý, bạn hãy xếp những sự kiện sau đây vào loại quyết định luân lý nào:  (a) án tử hình, (b) phá thai, (c) vũ khí hạch nhân, (d) ăn cắp ở siêu thị, (e) nạn đói tại Phi-châu, (f) sử dụng kích thích tố để tranh đua thể thao.

        3.   Bạn có ba con nhỏ, năm, bảy và chín tuổi.  Đứa lớn nhất quá nhút nhát và cần được nâng đỡ.  Chồng bạn phải làm việc mười tiếng mỗi ngày tại văn phòng và lương cũng chỉ vừa đủ chi dụng gia đình.  Người ta cho bạn việc làm bốn mươi tiếng một tuần và lương cũng khá.  Bạn phải quyết định thế nào?

        4.   Bạn sống trong một thành phố nhỏ.  Trường tiểu học tại đó có chương trình định nhận vào học ba em nhỏ nhiễm bệnh AIDS.  Vì một số lý do nào đó, phụ huynh học sinh cực lực chống lại chương trình này.  Một ủy ban gồm năm người, trong đó có vợ của ông chủ sở làm của bạn đến nhà bạn để xin bạn ký vào đơn khiếu nại chống lại chương trình ấy.  Bạn sẽ làm gì?

 

 

The Catholic Vision  IV – 29

Mark Link, S.J.

Chuyển ngữ:  Lm Trần đình Nhi


Về Trang Mục Lục
Trở về trang Giáo Lý Công Giáo
Trở Về Trang Nhà