SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO -
MỤC 3 Thánh Kinh - Articulus 3 De Sacra
Scriptura
CHRISTUS – UNICUM SACRAE SCRIPTURAE
VERBUM
101. Thiên Chúa, trong sự hạ cố do lòng nhân hậu của Ngài, để tự mạc
khải cho loài người, đã dùng ngôn ngữ phàm nhân mà nói với họ: “Các lời của
Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời
nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt
yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”[1].
102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời,
là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính
mình Ngài[2]:
“Anh em hãy nhớ rằng một Lời duy nhất
của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một Lời duy nhất vang
trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên Chúa hướng về Thiên
Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ thuộc thời gian”[3].
103. Vì lý do đó, Hội Thánh đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính
chính Thân Thể [Mình Thánh] Chúa. Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ
bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Thân Thể [Mình Thánh] Chúa Kitô mà trao ban
cho các tín hữu[4].
104. Hội Thánh không ngừng tìm thấy lương thực và sức mạnh cho mình
trong Thánh Kinh[5],vì nơi đó, Hội Thánh không chỉ tiếp
nhận một lời phàm nhân, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa[6].
“Quả thật, trong các sách thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò
chuyện với họ”[7].
DE INSPIRATIONE ET VERITATE SACRAE
SCRIPTURAE
105. Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh.“Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày,
đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”.
“Thật vậy, Hội Thánh, Mẹ thánh chúng ta,
nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân
Ước với tất cả các phần đoạn đều là sách thánh và được ghi vào bản thư quy
Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, các sách
ấy có tác giả là chính Thiên Chúa và được truyền lại cho chính Hội Thánh với tư
cách đó”[8].
106. Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả phàm nhân viết ra các sách
thánh. “Để viết ra các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng
họ trong tài năng và sức lực của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và
qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thật tất cả những gì Chúa muốn, và
chỉ những điều đó thôi”[9].
107. Các sách được linh hứng giảng dạy sự thật. “Vì phải xem mọi lời tác
giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần
xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung
thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại nhằm
cứu độ chúng ta”[10].
108. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Sách
vở”. Kitô giáo là tôn giáo của “Lời” Thiên Chúa: Lời đó “không phải là lời được
viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động”[11].
Cần thiết là phải có Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa hằng sống, nhờ
Chúa Thánh Thần, mở trí cho chúng ta, thì chúng ta mới hiểu được Thánh Kinh[12], nếu không thì các sách đó chỉ là văn tự chết.
SPIRITUS SANCTUS SCRIPTURAE
INTERPRES
109. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người theo cách thức loài
người. Vì vậy, để giải thích Thánh Kinh cho đúng, phải cẩn thận tìm hiểu điều
các tác giả phàm nhân thật sự có ý khẳng định và điều Thiên Chúa muốn tỏ bày
cho chúng ta qua lời lẽ của các ngài[13].
110. Để thấy được ý của các vị thánh sử, cần lưu ý đến các điều kiện về thời
đại và văn hoá của các ngài, đến các “văn thể” được dùng trong thời đó, đến
cách cảm nghĩ, nói năng và tường thuật, thường được dùng vào thời đại của thánh
sử. “Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể
văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác”[14].
111. Nhưng bởi vì Thánh Kinh được linh hứng, nên có một nguyên tắc khác
để giải thích cho đúng. Nguyên tắc này không kém quan trọng so với nguyên tắc
trên và nếu không có nguyên tắc này thì Thánh Kinh chỉ là văn tự chết: “Bởi vì
Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải
thích nhờ chính Thánh Thần”[15].
Công đồng Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn
để giải thích Thánh Kinh theo Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Thánh Kinh[16]:
112. 1) Phải
hết sức chú ý đến “nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh”. Mặc
dầu các sách hợp thành bộ Thánh Kinh có khác biệt nhau mấy đi nữa, Thánh Kinh
vẫn là một, bởi kế hoạch của Thiên Chúa chỉ có một và Đức Kitô Giêsu là trung
tâm và trái tim của kế hoạch ấy, một trái tim đã rộng mở sau cuộc Vượt Qua của
Người[17].
“Hình ảnh ‘Trái tim Đức Kitô’[18]được hiểu về Thánh Kinh, vì Thánh Kinh bộc lộ trái tim
của Người. Trước cuộc khổ nạn, trái tim này còn đóng kín, bởi vì Thánh Kinh còn
tối nghĩa. Nhưng sau cuộc khổ nạn, Thánh Kinh đã được mở ra, bởi vì từ lúc đó
những ai hiểu Thánh Kinh sẽ biết suy xét và phân định các sấm ngôn phải được
giải thích như thế nào”[19].
113. 2) Phải
đọc Thánh Kinh trong “Thánh Truyền sống động của Hội Thánh”. Theo
châm ngôn của các Giáo phụ, Thánh Kinh được viết chủ yếu trên trái tim của Hội
Thánh hơn là trên những vật liệu thể chất[20]. Thật
vậy, Hội Thánh lưu giữ ký ức sống động về Lời Thiên Chúa trong Thánh Truyền của
mình, và Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh khả năng giải thích Thánh Kinh theo
cách thiêng liêng (“theo nghĩa thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần ban cho Hội
Thánh”[21]).
114. 3)
Phải chú ý đến “tính tương hợp của đức tin”[22].Thuật ngữ
“tính tương hợp của đức tin” có nghĩa là sự liên hệ hài hoà giữa các chân lý
đức tin với nhau và trong toàn bộ chương trình mạc khải.
Các nghĩa của Thánh Kinh
115. Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa
của Thánh Kinh: nghĩa
văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng lại được chiathành
nghĩa ẩn dụ,
nghĩa luân lý
và nghĩa dẫn
đường. Sự hòa hợp sâu xa của bốn nghĩa này đem lại cho việc đọc
Thánh Kinh cách sống động trong Hội Thánh tất cả sự phong phú của nó.
116. Nghĩa văn tự: Đây là nghĩa được các lời của
Thánh Kinh nói lên và được khoa chú giải nhận ra dựa trên những quy tắc giải
thích đúng đắn. “Tất cả các nghĩa của Thánh Kinh đều đặt nền tảng trên nghĩa
văn tự”[23].
117. Nghĩa thiêng liêng: Vì tính thống nhất
của kế hoạch của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả những sự
việc và biến cố được bản văn nói tới, đều có thể là những dấu chỉ.
1) Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu biết
các biến cố một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô.
Thí dụ cuộc vượt qua Biển Đỏ là dấu chỉ cuộc chiến thắng của Đức Kitô, và do đó
cũng là dấu chỉ của bí tích Rửa Tội[24].
2) Nghĩa luân lý: Các biến cố được Thánh
Kinh thuật lại phải dẫn đưa chúng ta đến hành động chính trực. Các biến cố đó
được viết ra “để răn dạy chúng ta” (1 Cr 10,11)[25].
3) Nghĩa dẫn đường: Chúng ta cũng
có thể nhìn các sự việc và các biến cố trong ý nghĩa vĩnh cửu của chúng, theo
nghĩa chúng dẫn đường (tiếng Hy lạp: anagoge, nghĩa là dẫn đường)
cho chúng ta về Quê trời. Thí dụ Hội Thánh nơi trần thế là dấu chỉ Giêrusalem
thiên quốc[26].
118. Có một câu thơ thời Trung Cổ tóm tắt bốn nghĩa ấy như sau:
“Nghĩa văn tự dạy về biến cố,
nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin,
nghĩa luân lý dạy điều phải làm,
nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới”[27].
119. “Các nhà chú giải có nhiệm vụ dựa theo những quy tắc đó mà cố gắng
hiểu thấu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu sắc hơn, ngõ hầu nhờ sự học
hỏi có thể gọi là chuẩn bị đó, phán quyết của Hội Thánh được chín chắn. Quả
vậy, mọi điều liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh cuối cùng đều phải lệ
thuộc vào phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh đã nhận từ Thiên Chúa mệnh
lệnh và nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Lời Thiên Chúa”[28].
“Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu không có
quyền bính của Hội Thánh Công giáo thúc đẩy tôi”[29].
DE SCRIPTURARUM CANONE
120. Truyền Thống các Tông Đồ giúp Hội Thánh phân định những văn bản nào
phải được kể vào danh mục các Sách Thánh[30].
Danh mục đầy đủ này được gọi là “Thư quy” Thánh Kinh. Thánh Kinh gồm 46 bản văn
Cựu Ước (hoặc 45, nếu gom Giêrêmia và Ai Ca thành một) và 27 bản văn Tân Ước[31].
Đó là:
Phần Cựu Ước gồm các sách: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,
Giôsuê, Thủ Lãnh, Rút, l và 2 Samuen, l và 2 Các Vua, 1 và 2 Sử Biên Niên, Étra
và Nơkhemia, Tôbia, Giuđitha, Étte, l và 2 Macabê, Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn,
Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Isaia, Giêrêmia, Ai Ca, Barúc,
Êdêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Ôvađia, Giôna, Mikha, Nakhum, Khabacúc,
Xôphônia, Khácgai, Dacaria, Malakhi.
Phần Tân Ước gồm các sách: các sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, theo thánh
Máccô, theo thánh Luca, theo thánh Gioan, Công vụ Tông Đồ, Thư Rôma, Thư 1 và 2
Côrintô, Thư Galát, Thư Êphêxô, Thư Philípphê, Thư Côlôxê, Thư l và 2
Thêxalônica, Thư 1 và 2 Timôthê, Thư Titô, Thư Philêmôn, Thư Do thái, Thư thánh
Giacôbê, Thư l và 2 của thánh Phêrô, Thư 1, 2 và 3 của thánh Gioan, Thư thánh
Giuđa, Khải Huyền.
Cựu Ước
121. Cựu Ước là một phần không thể thiếu được của Thánh Kinh. Tất cả các
tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị trường tồn[32], bởi vì Giao Ước cũ không hề bị thu hồi.
122. Thật vậy, “Nhiệm cục Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là
để chuẩn bị cho ngày quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài”. Các sách
Cựu Ước, “tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ”, vẫn làm chứng về phương pháp giáo
dục của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: các sách ấy “diễn tả một cảm thức sâu
sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn
ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu;
sau cùng, trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta”[33].
123. Các Kitô hữu tôn kính Cựu Ước với tính cách Lời đích thực của Thiên
Chúa. Hội Thánh luôn cực lực chống lại ý kiến đòi gạt bỏ Cựu Ước, viện cớ là
Tân Ước đã làm cho Cựu Ước ra lỗi thời (chủ thuyết Marcion).
Tân Ước
124. “Trong các sách Tân Ước, Lời Thiên Chúa là quyền năng của Thiên
Chúa để cứu rỗi mọi tín hữu, được trình bày và biểu dương sức mạnh cách trổi
vượt”[34]. Các sách ấy trao cho chúng ta chân lý tối
hậu được Thiên Chúa mạc khải. Đối tượng trung tâm của Tân Ước là Chúa Giêsu
Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, các việc làm và giáo huấn của Người, cuộc khổ
nạn và việc tôn vinh Người, cũng như những bước đầu của Hội Thánh Người dưới
tác động của Chúa Thánh Thần[35]
125. Các sách Tin Mừng là tâm điểm của tất
cả các sách Thánh Kinh “vì là chứng tích chính yếu về đời sống và giáo huấn của
Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Chuộc chúng ta”[36].
126. Trong việc hình thành các sách Tin Mừng, người ta có thể phân biệt
ba giai đoạn:
1) Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu.
Hội Thánh quả quyết cách mạnh mẽ rằng bốn sách Tin Mừng “mà Hội Thánh không ngần
ngại khẳng định lịch sử tính, trung thành lưu truyền những gì Chúa Giêsu, Con
Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thật sự đã làm và đã dạy nhằm phần rỗi
đời đời của họ, cho tới ngày Người được đưa lên trời”.
2) Giáo huấn truyền khẩu. “Thật vậy, sau khi
Chúa lên trời, các Tông Đồ đã truyền lại cho những người nghe những điều Người
đã nói và đã làm với sự thông hiểu đầy đủ hơn mà chính các ngài có nhờ học được
từ các biến cố vinh hiển của Chúa Kitô và nhờ ánh sáng Thần chân lý dạy dỗ”.
3) Các sách Tin Mừng. “Vậy các thánh sử đã
viết bốn sách Tin Mừng: các ngài chọn một số trong nhiều điều đã được truyền
lại bằng miệng hay đã được chép ra rồi, tóm tắt hoặc giải thích một số điều tuỳ
theo tình trạng của các Giáo hội, sau cùng các ngài vẫn giữ hình thức lời
giảng, mà bao giờ cũng nhằm truyền đạt cho chúng ta những điều xác thực và chân
thành về Chúa Giêsu”[37].
127. Bốn sách Tin Mừng giữ một địa vị độc nhất trong Hội Thánh, như có
thể thấy được qua lòng tôn kính mà phụng vụ dành cho Tin Mừng và qua sức thu
hút không gì sánh bằng của Tin Mừng đối với các Thánh trong mọi thời đại.
“Không có giáo lý nào cao trọng hơn, tốt
hơn, quý hơn và sáng chói hơn bản văn Tin Mừng. Anh chị em hãy xem và hãy ghi
nhớ những gì Chúa và Thầy của chúng ta là Đức Kitô đã giảng dạy bằng lời nói và
thực hiện bằng gương sáng của Người”[38].
“Trên hết mọi sự, chính Tin Mừng nuôi
dưỡng tôi trong các kinh nguyện của tôi; nơi Tin Mừng tôi gặp được tất cả những
gì cần thiết cho linh hồn hèn mọn của tôi. Trong đó tôi luôn khám phá ra những
ánh sáng mới, những ý nghĩa còn ẩn giấu và huyền nhiệm”[39].
Tính thống nhất giữa Cựu và Tân Ước
128. Ngay từ thời các Tông Đồ[40] rồi sau đó
trong suốt Truyền Thống của mình, Hội Thánh luôn làm sáng tỏ tính thống nhất
của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước nhờ cách đọc tiên trưng (pertypologiam). Cách đọc này
nhận ra trong các công trình của Thiên Chúa dưới thời Cựu Ước những “hình ảnh
báo trước” điều Thiên Chúa sẽ thực hiện lúc thời gian đến hồi viên mãn, nơi
Người Con nhập thể của Ngài.
129. Do đó các Kitô hữu đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã
chết và sống lại. Cách đọc tiên trưng này làm tỏ hiện nội dung vô tận của Cựu
Ước. Tuy nhiên không được quên rằng Cựu Ước vẫn có giá trị riêng của nó trong
mạc khải, mà chính Chúa chúng ta đã xác nhận[41].Đàng
khác,Tân Ước cũng cần phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước. Việc dạy giáo lý
Kitô giáo thời sơ khai đã luôn trở về với Cựu Ước[42].
Theo một châm ngôn cổ, Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ
bày trong Tân Ước: “cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong
cái Mới”[43].
130. Cách đọc tiên trưng cho thấy tính năng động hướng tới việc hoàn
thành kế hoạch của Thiên Chúa, lúc “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1
Cr 15,28). Như vậy, thí dụ, việc kêu gọi các tổ phụ và cuộc Xuất Hành khỏi Ai
cập vẫn không mất đi giá trị riêng của chúng trong kế hoạch của Thiên Chúa, mặc
dầu đồng thời, chúng là những giai đoạn trung gian trong kế hoạch ấy.
DE SACRA SCRIPTURA IN ECCLESIAE VITA
131. “Trong Lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban
sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho
đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời
sống thiêng liêng”[44].Vì vậy, “lối vào Thánh Kinh cần
phải được rộng mở cho các Kitô hữu”[45].
132. “Việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là như linh hồn của khoa Thần học.
Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ Lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết
của các vị chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó
bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và
tăng cường sinh lực thánh thiện”[46].
133. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học
được ‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc
Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’”[47].
134. Toàn bộ Thánh Kinh là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất
ấy chính là Chúa Kitô, “bởi vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Chúa Kitô và toàn bộ
Thánh Kinh được hoàn tất trong Chúa Kitô”[48].
135. “Thánh Kinh chứa đựng Lời Thiên Chúa và vì được linh hứng nên thật
sự là Lời Thiên Chúa”[49].
136. Thiên Chúa là Tác giả của Thánh Kinh vì Ngài linh hứng các tác giả
phàm nhân; chính Ngài hành động trong họ và nhờ họ. Như vậy, Ngài bảo đảm rằng
các tác phẩm của họ giảng dạy chân lý cứu độ một cách không sai lầm[50].
137. Việc giải thích các Sách Thánh đã được linh hứng trước hết phải đạt
đến điều Thiên Chúa muốn mạc khải qua các thánh sử, để cứu độ chúng ta. Điều gì
đến từ Chúa Thánh Thần, chỉ được hiểu cách đầy đủ nhờ tác động của Chúa Thánh
Thần[51].
138. Hội Thánh lãnh nhận và tôn kính 46 sách của Cựu Ước và 27 sách của
Tân Ước, với tính cách là những sách được linh hứng.
139. Bốn sách Tin Mừng giữ một vị trí trung tâm, vì Chúa Kitô Giêsu là
tâm điểm của các sách đó.
140. Tính thống nhất của hai Giao Ước bắt nguồn từ sự duy nhất của kế
hoạch và mạc khải của Thiên Chúa. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước, còn Tân Ước làm
hoàn thành Cựu Ước; cả hai soi sáng cho nhau, cả hai đều thật sự là Lời Thiên
Chúa.
141. “Hội Thánh đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thân
Thể [Mình Thánh] Chúa”[52]:cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn bộ đời sống Kitô hữu. “Lời Chúa là
ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105)[53].
[1]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 13: AAS 58 (1966) 824.
[2]X. Dt 1,1-3.
[3]Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 103, 4, 1: CCL 40, 1521 (PL 37, 1378).
[4]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966)
827.
[5]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 24: AAS 58 (1966)
829.
[6]X. 1 Tx 2,13.
[7]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966) 827-828.
[8]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 11: AAS 58 (1966) 822-823.
[9]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 11: AAS 58 (1966) 823.
[10]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 11: AAS 58 (1966) 823.
[11]Thánh Bênađô Clairvaux, Homilia super “Missus est”, 4, 11: Opera, ed.
J. Leclercq-H. Rochais, v. 4 (Romae 1966) 57.
[12]X. Lc 24,45.
[13]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 12: AAS 58 (1966)
823.
[14]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 12: AAS 58 (1966) 823.
[15]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 12: AAS 58 (1966) 824.
[16]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 12: AAS 58 (1966)
824.
[17]X. Lc 24,25-27.44-46.
[18]X. Tv 22,15.
[19]Thánh Tôma Aquinô, Expositio in Psalmos, 21, 11: Opera omnia, v. 18 (Parisiis
1876) 350.
[20]X. Thánh Hilariô, Liber ad Constantium Imperatorem 9: CSEL 65, 204 (PL 10,
570); Thánh Giêrônimô, Commentarius in epistulam ad Galatas 1, 1, 11-12: PL 26,
347.
[21]Origiênê, Homiliae in Leviticum, 5, 5: SC 286, 228 (PG 12, 454).
[22]X. Rm 12,6.
[23]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, q.1, a.10, ad 1: Ed.
[24]X. 1 Cr 10,2.
[25]X. Dt 3-4,11.
[26]X. Kh 21,1-22,5.
[27]Augustinô de Dacia, Rotulus pugillaris I: ed. A. Walz:
Angelicum 6 (1929) 256.
[28]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 12: AAS 58 (1966) 824.
[29]Thánh Augustinô, Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, 5, 6:
CSEL 25, 197 (PL 42, 176).
[30]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 8: AAS 58 (1966)
821.
[31]X. Decretum
Damasi: DS 179-180; CĐ Florentinô, Decretum pro lacobitis: DS
1334-1336; CĐ Triđentinô, Sess. 4a, Decretum de Libris Sacris et de traditionibus
recipiendis: DS 1501-1504.
[32]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 14: AAS 58 (1966)
825.
[33]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 15: AAS 58 (1966) 825.
[34]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 17: AAS 58 (1966) 826.
[35]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 20: AAS 58 (1966)
827.
[36]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 18: AAS 58 (1966) 826.
[37]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 19: AAS 58 (1966) 826-827.
[38]Thánh Cêsaria Juniô, Epistula ad Richildam et Radegundem: SC
345, 480.
[39]Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Manuscrit A, 83v: Manuscrits
autobiographiques (
[40]X. 1 Cr 10,6.11; Dt 10,1; 1 Pr 3,21.
[41]X. Mc 12,29-31.
[42]X. 1 Cr 5,6-8; 10,1-11.
[43]Thánh Augustinô, Quaestiones in Heptateucum, 2, 73; CCL 33, 106 (PL 34, 623);
X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 16: AAS 58 (1966) 825.
[44]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 21: AAS 58 (1966) 828.
[45]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 22: AAS 58 (1966) 828.
[46]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 24: AAS 58 (1966) 829.
[47]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; X.
Thánh Hiêrônimô, Commentarii in Isaiam, Lời Tựa: CCL 73, 1 (PL 24, 17).
[48]Hugo de Sancto Victore, De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642; x. Ibid. 2, 9:
PL 176, 642-643.
[49]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 24: AAS 58 (1966) 829.
[50]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 11: AAS 58 (1966)
822-823.
[51]X. Origiênê, Homiliae in Exodum, 4, 5: SC 321, 128 (PG 12, 320).
[52]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 21: AAS 58 (1966) 827.
[53]X. Is 50,4.