PHẦN THỨ HAI
CỬ HÀNH
MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO
PARS SECUNDA
MYSTERII CHRISTIANI CELEBRATIO
Tại sao có phụng vụ?
1066. Trong Tín biểu, Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi và “thiên ý nhiệm mầu là kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) của Ngài đối với
tất cả các thụ tạo: Chúa Cha hoàn tất “thiên ý nhiệm mầu” của Ngài khi ban Con
yêu dấu và Thánh Thần Ngài để cứu độ trần gian và để tôn vinh Danh Ngài. Đó là
mầu nhiệm của Đức Kitô[1] được
mạc khải và thực hiện trong lịch sử, theo một kế hoạch, một “sự an bài” được tổ
chức cách khôn ngoan mà thánh Phaolô gọi là “mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài”
(Ep 3,9) và truyền thống giáo phụ gọi là “Nhiệm cục của Ngôi Lời Nhập Thể” hay
“Nhiệm cục cứu độ”.
1067. “Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách
trọn hảo này, đã được tiên báo trong Cựu Ước qua những công trình vĩ đại của
Chúa, nay được Đức Kitô thực hiện, đặc biệt bằng mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là
bằng cuộc tử nạn hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của
Người; qua đó, ‘Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để
tái lập sự sống’. Chính từ cạnh sườn Đức Kitô an nghỉ trên thập giá mà bí tích
kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được phát sinh”[2].
Vì vậy, trong phụng vụ, Hội Thánh chủ yếu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, qua mầu
nhiệm đó Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta.
1068. Hội Thánh loan báo và cử hành mầu nhiệm này của Đức Kitô
trong phụng vụ của mình, để các tín hữu được sống nhờ mầu nhiệm đó và làm chứng
cho mầu nhiệm đó trong trần gian:
“Nhờ phụng vụ, nhất
là trong hy tế Thánh Thể của Chúa, ‘công trình cứu chuộc chúng ta được thực
hiện’. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu, qua cuộc sống mình,
diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản chất đích thực của
Hội Thánh”[3].
Thuật ngữ “phụng vụ” nghĩa là gì ?
1069. Thuật ngữ “phụng vụ” (“liturgia”), theo gốc chữ, có nghĩa là “công
vụ”, “việc phục vụ nhân danh dân cho dân”. Trong truyền thống Kitô giáo, thuật
ngữ này có nghĩa là dân Thiên Chúa dự phần vào “công việc của Thiên Chúa”[4].
Qua phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công
trình cứu chuộc chúng ta trong Hội Thánh, với Hội Thánh và nhờ Hội Thánh của
Người.
1070. Thuật ngữ “phụng vụ” trong Tân Ước được dùng để chỉ không những
việc cử hành phụng tự thần linh[5],
mà còn cả việc loan báo Tin Mừng[6] và
việc thực thi bác ái[7].
Trong tất cả những trường hợp này, vấn đề là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con
người. Trong cử hành phụng vụ, Hội Thánh là người phục vụ, theo hình ảnh Chúa
mình, là Đấng duy nhất “lo việc tế tự”[8],
Hội Thánh được tham dự vào chức tư tế (phụng tự), tiên tri (loan báo) và vương
đế (phục vụ bác ái) của Người:
“Vì thế, phụng vụ
đáng được xem là việc thực thi trách vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô; trong đó,
công cuộc thánh hóa con người được biểu thị bằng những dấu chỉ khả giác và được
thực hiện cách riêng biệt theo từng dấu chỉ, và trong đó phụng tự công cộng vẹn
toàn được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là bởi Đấng là Đầu cùng
với các chi thể của Người. Do đó, mọi cử hành phụng vụ, vì là công trình của
Đức Kitô tư tế và của Thân Thể Người là Hội Thánh, đều là hành động thánh
thiêng tuyệt hảo, không có một hành động nào khác của Hội Thánh hữu hiệu bằng,
xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp”[9].
Phụng vụ xét như nguồn mạch sự sống
1071. Phụng vụ, là công trình của Đức Kitô, cũng là hành động
của Hội Thánh Người. Phụng vụ thực hiện và biểu thị Hội Thánh
như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ Đức
Kitô. Phụng vụ dẫn các tín hữu vào sự sống mới của cộng đoàn. Phụng vụ đòi buộc
mọi người phải tham dự “một cách ý thức, tích cực và có kết quả”[10].
1072. “Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh”[11]:
việc rao giảng Tin Mừng, đức tin và sự hối cải phải đi trước phụng vụ; lúc đó
phụng vụ mới có thể mang lại hoa trái của mình trong đời sống các tín hữu: đời
sống mới theo Chúa Thánh Thần, việc dấn thân vào sứ vụ của Hội Thánh và việc
phục vụ cho sự hợp nhất của Hội Thánh.
Kinh nguyện và phụng vụ
1073. Phụng vụ còn là tham dự vào kinh nguyện của Đức Kitô dâng lên
Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Mọi kinh nguyện Kitô giáo đều bắt nguồn và kết
thúc trong phụng vụ. Nhờ phụng vụ, con người nội tâm được bén rễ sâu và đặt nền
tảng[12] trên
tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4) trong Con yêu
dấu của Ngài. Đây chính là “công trình kỳ diệu của Thiên Chúa”, là đời sống
được hướng dẫn và được nội tâm hóa bởi mọi lời cầu nguyện, “mọi lúc trong Thần
Khí” (Ep 6,18).
Việc dạy giáo lý và phụng vụ
1074. “Phụng vụ là chóp đỉnh mà hoạt động của Hội Thánh vươn tới,
đồng thời là nguồn mạch tuôn trào tất cả sức mạnh của Hội Thánh”[13].
Do đó, phụng vụ là chỗ rất đặc biệt để dạy giáo lý cho dân Thiên Chúa. “Dạy
giáo lý, tự bản chất, gắn liền với mọi cử hành phụng vụ và bí tích, vì chính
trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Giêsu hành động cách
sung mãn để biến đổi con người”[14].
1075. Việc dạy giáo lý trong phụng vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm
Đức Kitô (mystagon), dẫn từ hữu hình đến vô hình, từ dấu chỉ đến thực tại, từ
“các bí tích” tới “các mầu nhiệm”. Việc trình bày như vậy là trách nhiệm của
các sách địa phương và miền. Còn Sách này, nhằm phục vụ toàn thể Hội Thánh,
trong đó có nhiều khác biệt về nghi thức và văn hóa[15],
nên chỉ trình bày những gì là căn bản và chung cho toàn thể Hội Thánh liên quan
tới phụng vụ xét như là mầu nhiệm và việc cử hành (Đoạn 1), rồi
đến bảy bí tích và các á bí tích (Đoạn 2).
*******
ĐOẠN THỨ NHẤT
NHIỆM CỤC BÍ TÍCH
SECTIO PRIMA
OECONOMIA SACRAMENTALIS
1076. Ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Hội
Thánh được biểu lộ cho trần gian[16].
Hồng ân của Thần Khí khai mở một thời đại mới trong “việc phân phát các mầu
nhiệm”: đó là thời đại của Hội Thánh, trong thời gian kéo dài này, Đức Kitô,
nhờ phụng vụ của Hội Thánh Người, biểu lộ, làm hiện diện và truyền thông công
trình cứu độ của Người “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26). Trong thời đại này
của Hội Thánh, Đức Kitô từ nay sống và hành động trong và với Hội Thánh Người
một cách mới, riêng cho thời đại mới này. Người hành động qua các bí tích;
truyền thống chung của Hội Thánh, Đông phương cũng như Tây phương, gọi đó là
“Nhiệm cục bí tích”: nhiệm cục này cốt tại việc truyền thông (hoặc “phân phát”)
hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong việc cử hành phụng vụ “bí
tích” của Hội Thánh.
Do đó, trước hết,
cần phải trình bày “việc phân phát bí tích” (Chương một). Nhờ
đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và những khía cạnh cốt yếu của việc cử
hành phụng vụ (Chương hai).
Nguồn: http://giaolyductin.net
[1] X. Ep 3,4.
[2] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 5: AAS 56 (1964) 99.
[3] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 2: AAS 56 (1964) 97-98.
[4] X. Ga 17,4.
[5] X. Cv 13,2; Lc 1,23.
[6] X. Rm 15,16; Pl 2,14-17.30.
[7] X. Rm 15,27; 2 Cr 9,12; Pl 2,25.
[8] X. Dt 8,2.6.
[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 7: AAS 56 (1964) 101.
[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 11: AAS 56 (1964) 103.
[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 9: AAS 56 (1964) 101.
[12] X. Ep 3,16-17.
[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 10: AAS 56 (1964) 102.
[14] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi
tradendae, 23: AAS 71 (1979) 1296.
[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 3-4: AAS 56 (1964) 98.
[16] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum
Concilium, 6: AAS 56 (1964) 100; Id., Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 2: AAS 57 (1965) 6.