SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - TIẾT 5: TRỜI VÀ ĐẤT

(giaolyductin.org - 08/05/13, 4:07 pm)

Tiết 5
Trời và đất

Paragraphus 5

Caelum et terra

325. Tín biểu của các Tông Đồ tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng “dựng nên trời đất”[1] ; và tín biểu Nicêa-Constantinôpôli giải thích thêm: “muôn vật hữu hình và vô hình”[2] .

326. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “trời đất” có nghĩa là tất cả những gì hiện hữu, là toàn bộ công trình tạo dựng. Kiểu nói này cũng nêu lên mối liên hệ, trong công trình tạo dựng, vừa kết hợp vừa phân biệt trời với đất: “Đất” là thế giới của con người[3]. “Trời” hoặc “các tầng trời” có thể chỉ bầu trời[4],nhưng cũng có thể chỉ “nơi” riêng của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Đấng “ngự trên trời” (Mt 5, 16)[5] ; và do đó, “trời” cũng chỉ vinh quang cánh chung. Sau hết, “trời” chỉ “nơi” của các thụ tạo thiêng liêng – tức là các Thiên thần – là những vị hầu cận Thiên Chúa.

327. Bản tuyên xưng đức tin của Công đồng Latêranô IV khẳng định: Thiên Chúa “ngay vào lúc khởi đầu thời gian, đã cùng một lúc tạo dựng từ hư vô cả hai loài thụ tạo, thiêng liêng và vật chất, nghĩa là Thiên thần và trần gian, và sau cùng là con người, được tạo dựng vừa tinh thần vừa thể xác”.[6]

I. CÁC THIÊN THẦN

ANGELI

Sự hiện hữu của các Thiên thần là một chân lý đức tin

328. Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như sự nhất trí của Thánh Truyền.

Các Thiên thần là ai ?

329. Thánh Augustinô nói về các vị đó: “‘Thiên thần’ là tên gọi chỉ chức vụ chứ không chỉ bản chất. Nếu bạn tìm tên gọi chỉ bản chất của vị này, thì đó là thiêng liêng; nếu bạn tìm tên chỉ chức vụ, thì đó là Thiên thần; vị ấy là gì, thì là thiêng liêng, vị ấy làm gì, thì là Thiên thần”[7]. Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài “không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10), nên các ngài là những vị “thực hiện Lời Chúa, luôn sẵn sàng phụng lệnh Ngài” (Tv 103,20).

330. Vì là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, các Thiên thần có trí tuệ và ý chí: các ngài là những thụ tạo có ngôi vị[8], và bất tử[9]. Các ngài trổi vượt hơn mọi thụ tạo hữu hình về mặt hoàn hảo. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy[10].

Đức Kitô “với tất cả các Thiên thần của Người”

331. Đức Kitô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các vị đều là sứ giả của Người: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…” (Mt 25,31). Các Thiên thần là của Đức Kitô, bởi vì các vị ấy đã được tạo dựng nhờ Người và trong Người: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Các vị còn thuộc về Người hơn nữa, bởi vì Người đã dùng các vị làm sứ giả của kế hoạch cứu độ của Người: “Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?” (Dt 1,14).

332. Khởi từ lúc tạo dựng[11] và suốt dòng lịch sử cứu độ, các Thiên thần có mặt để hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ơn cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa. Các Thiên thần đóng cửa vườn địa đàng[12], bảo vệ ông Lót[13], cứu bà Agar và con trai bà[14] , chặn tay ông Abraham[15]. Lề Luật được truyền thông qua thừa tác vụ của các Thiên thần[16] , các ngài hướng dẫn dân Chúa[17], loan báo những cuộc chào đời[18], và những ơn kêu gọi[19], trợ giúp các Tiên tri[20], đó là chúng ta chỉ nêu lên một số thí dụ. Cuối cùng, thiên thần Gabriel loan báo việc chào đời của vị Tiền hô và của chính Chúa Giêsu[21].

333. Từ cuộc Nhập Thể cho tới cuộc Thăng Thiên, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người’” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần khi Đức Kitô giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa…” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giêsu khi Người còn thơ ấu[22],phục vụ Người trong hoang địa[23], an ủi Người trong cơn hấp hối[24], khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay kẻ thù[25], như dân Israel xưa[26]. Các Thiên thần cũng rao giảng Tin Mừng”[27]  khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể[28] và về việc Phục Sinh của Đức Kitô[29]. Các ngài loan báo việc Đức Kitô lại đến[30], và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người[31].  

Các Thiên thần trong đời sống Hội Thánh 

334. Từ đó, toàn bộ đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các Thiên thần[32].

335. Trong phụng vụ, Hội Thánh kết hợp mình với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ba lần thánh[33]; Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp (như trong kinh In Paradisum deducant te angeli, Xin các Thiên thần Chúa dẫn đưa bạn về thiên đàng của phụng vụ cầu cho các tín hữu qua đời[34] , hoặc trong “Thánh thi Cherubim” của phụng vụ Byzantin[35]); đặc biệt hơn, Hội Thánh cử hành việc kính nhớ một số Thiên thần (thánh Micae, thánh Gabriel, thánh Raphael, các Thiên thần Hộ thủ).

336. Cuộc đời con người, từ lúc khởi đầu[36] cho đến lúc chết[37], đều được bao bọc bằng sự bảo vệ[38] và lời chuyển cầu[39] của các Thiên thần. “Bên cạnh mỗi tín hữu đều có một Thiên thần làm Đấng bảo trợ và mục tử, hướng dẫn họ đến sự sống”[40]. Đời sống Kitô hữu, ngay tại trần gian này, đã được tham dự trong đức tin vào cộng đoàn vinh phúc của các Thiên thần và của những người đã được hợp nhất trong Thiên Chúa.

II. THẾ GIỚI HỮU HÌNH

MUNDUS VISIBILIS

337. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới hữu hình trong toàn bộ sự phong phú, đa dạng và trật tự của nó. Thánh Kinh trình bày công trình của Đấng Tạo Hoá một cách biểu tượng như một chuỗi sáu ngày “làm việc” của Thiên Chúa, kết thúc với sự “nghỉ ngơi” vào ngày thứ bảy[41]. Liên quan đến công trình tạo dựng, Thánh Kinh dạy những chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải vì ơn cứu độ chúng ta[42], giúp chúng ta “nhận ra bản chất sâu xa, giá trị và trật tự của toàn thể thụ tạo để ca ngợi Thiên Chúa”[43].

338. Không có gì hiện hữu mà không mắc nợ Thiên Chúa Tạo Hoá về sự hiện hữu của mình. Trần gian bắt đầu khi nó được dựng nên từ hư vô nhờ Lời Thiên Chúa. Tất cả mọi hữu thể hiện hữu, toàn bộ thiên nhiên, toàn bộ lịch sử nhân loại đều bắt nguồn từ biến cố đầu tiên đó: quả vậy, đây là khởi điểm, qua đó trần gian được hình thành và bắt đầu thời gian[44].

339. Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng của nó. Về mỗi công trình của “sáu ngày”, Sách Thánh đều viết: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. “Chính nhờ việc tạo dựng, mà mọi sự vật được thiết lập với sự bền vững, chân thật và tốt lành riêng, và theo những định luật và trật tự riêng”[45]. Các thụ tạo khác nhau, trong bản chất riêng của mình, mỗi thụ tạo một cách, đều phản chiếu một tia sáng của sự khôn ngoan vô biên và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Chính vì vậy con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo, tránh không sử dụng các sự vật một cách vô trật tự, vì làm như vậy là coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo những hậu quả nguy hại cho con người và cho môi trường của con người.

340. Thiên Chúa muốn các thụ tạo lệ thuộc lẫn nhau. Mặt trời, mặt trăng, cây sến và bông hoa nhỏ, phượng hoàng và chim sẻ: cảnh thiên hình vạn trạng của các sự vật lớn nhỏ khác nhau nói lên rằng không thụ tạo nào có thể tự túc. Chúng chỉ hiện hữu trong sự lệ thuộc lẫn nhau, để bổ túc cho nhau trong việc phục vụ lẫn nhau.

341. Vẻ đẹp của trần gian: Trật tự và sự hài hòa của thế giới thụ tạo là kết quả do sự đa dạng của các sự vật và sự đa dạng của các liên hệ giữa chúng với nhau. Con người dần dần khám phá ra các mối liên hệ ấy như các định luật của thiên nhiên. Chúng khiến cho các nhà bác học phải thán phục. Vẻ đẹp của công trình tạo dựng phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Đấng Tạo Hoá. Vẻ đẹp này phải gợi lên nơi trí tuệ và ý chí con người sự tôn kính và quy phục.

342. Phẩm trật các thụ tạo được diễn tả qua thứ tự “sáu ngày”, từ bậc kém hoàn hảo tới bậc hoàn hảo hơn. Thiên Chúa yêu thương tất cả các thụ tạo của Ngài[46], và chăm sóc chúng, cả đến những con chim sẻ. Tuy nhiên Chúa Giêsu nói: “Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12,6-7), hoặc chỗ khác: “Người thì quý hơn chiên biết mấy!” (Mt 12,12).

343. Con người là tột đỉnh của công trình tạo dựng. Trình thuật của Sách Thánh diễn tả điều này khi phân biệt rõ ràng việc tạo dựng loài người với việc tạo dựng các loài khác[47].

344.  sự liên đới với nhau giữa mọi thụ tạo vì tất cả đều có chung một Đấng Tạo Hoá, và tất cả đều quy hướng về vinh quang của Ngài:

“Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, cùng với tất cả các thụ tạo của Chúa, đặc biệt là với anh Mặt Trời, anh ấy là ngày, và Chúa dùng anh ấy để soi sáng chúng con. Anh ấy đẹp và toả chiếu ánh huy hoàng rực rỡ; anh ấy là một tín hiệu chỉ về Chúa, lạy Đấng Tối Cao….

Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, vì chị Nước, chị ấy hữu ích và khiêm nhường, quý giá và thanh khiết….

Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con, vì chị Đất là mẹ chúng con, mẹ nâng đỡ và quản lý chúng con, mẹ sản xuất đủ loại trái cây, với muôn hoa sặc sỡ và cây cỏ….

Các bạn hãy chúc tụng và ngợi khen Chúa của tôi, hãy tạ ơn và hết sức khiêm tốn phục vụ Ngài”[48].

345. Ngày sabat kết thúc “sáu ngày” làm việc. Sách Thánh nói: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Ngài làm”, và như vậy “trời đất đã hoàn tất”; và ngày thứ bảy Thiên Chúa “nghỉ ngơi”, Ngài “ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó” (St 2,1-3). Những lời được linh hứng này chứa đựng rất nhiều giáo huấn bổ ích.

346. Trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt một nền móng và những định luật vững bền[49], tín hữu có thể dựa vào đó một cách tin tưởng. Chúng sẽ là dấu chỉ và bảo chứng của sự trung thành không hề lay chuyển của Giao Ước của Thiên Chúa[50]. Về phần mình, con người phải trung thành với nền móng này và tôn trọng những định luật mà Đấng Tạo Hoá đã khắc ghi trên đó.

347. Công trình tạo dựng đã được thực hiện hướng về ngày sabat, tức là hướng đến việc phụng tự và tôn thờ Thiên Chúa. Việc phụng tự đã được khắc ghi trong trật tự của công trình tạo dựng[51]. Luật dòng thánh Bênêđictô dạy: “Không được đặt việc gì lên trên việc thờ phượng Thiên Chúa”[52], như vậy là nêu rõ trật tự đúng đắn cho những điều con người phải quan tâm.

348. Ngày sabat nằm ở trung tâm của Lề Luật Israel. Tuân giữ các giới răn là sống phù hợp với sự khôn ngoan và ý muốn của Thiên Chúa đã được diễn tả trong công trình tạo dựng của Ngài.

349. Ngày thứ tám. Nhưng đối với chúng ta, đã bừng lên một ngày mới: ngày Đức Kitô sống lại. Ngày thứ bảy hoàn tất công trình tạo dựng thứ nhất. Ngày thứ tám khởi đầu một công trình tạo dựng mới. Như vậy, công trình tạo dựng đạt tới tột đỉnh nơi công trình cao cả nhất, là công trình Cứu chuộc. Công trình tạo dựng thứ nhất gặp được ý nghĩa và tột đỉnh của nó trong công trình tạo dựng mới nơi Đức Kitô, sự huy hoàng của cuộc tạo dựng mới này vượt xa sự huy hoàng của cuộc tạo dựng thứ nhất[53].

TÓM LƯỢC

350. Thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, không ngừng tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ các kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với các thụ tạo khác: “Các Thiên thần cộng tác vào mọi điều thiện hảo của chúng ta”[54].

351. Các Thiên thần hầu cận Đức Kitô, là Chúa của mình. Các ngài phục vụ Người, đặc biệt trong việc thực hiện sứ vụ cứu độ của Người đối với nhân loại.

352. Hội Thánh tôn kính các Thiên thần, là những vị trợ giúp Hội Thánh trong cuộc lữ hành trần thế, và là những vị bảo vệ mọi hữu thể nhân linh.

353. Thiên Chúa đã muốn các thụ tạo của Ngài có sự đa dạng, mỗi loài có sự tốt lành riêng, tất cả lệ thuộc lẫn nhau và tuân theo trật tự của mình. Ngài đã định cho tất cả các thụ tạo vật chất phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Con người, và nhờ họ, toàn bộ công trình tạo dựng, đều được quy hướng về vinh quang Thiên Chúa.

354. Tôn trọng những lề luật đã được khắc ghi trong công trình tạo dựng và những mối tương quan xuất phát từ bản chất của mọi vật, là một nguyên tắc khôn ngoan và là một nền tảng của luân lý.


[1] DS 30.

[2] DS 150.

[3] X. Tv 115,16.

[4] X. 19,2.

[5] X. Tv 115,16.

[6] CĐLatêranô IV, Cap. I, De Fide catholica: DS 800; CĐVaticanô I, Hiến chếtín lý Dei Filius, c. 1: DS 3002; ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 8: AAS 60 (1968) 436.

[7] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 103, 1, 15: CCL 40, 1488 (PL 37, 1348-1349).

[8] X. ĐGH Piô XII, Thông điệp Humani generis: DS 3891.

[9] X. Lc 20,36.

[10] X. Đn 10,9-12.

[11] X. G 38,7.

[12] X. St 3,24.

[13] X. St 19.

[14] X. St 21,17.

[15] X. St 22,11.

[16] X. Cv 7,53.

[17] X. Xh 23,20-23.

[18] X. Tl 13.

[19] X. Tl 6,11-24; Is 6,6.

[20] X. 1 V 19,5.

[21] X. Lc 1,11. 26.

[22] X. Mt 1,20; 2,13. 19.

[23] X. Mc 1,13; Mt 4,11.

[24] X. Lc 22,43.

[25] X. Mt 26,53.

[26] X. 2 Mcb 10,29-30; 11,8.

[27] X. Lc 2,10.

[28] X. Lc 2,8-14.

[29] X. Mc 16,5-7.

[30] X. Cv 1,10-11.

[31] X. Mt 13,41; 24,31; Lc 12,8-9.

[32] X. Cv 5,18-20; 8,26-29; 10,3-8; 12,6-11; 27,23-25.

[33] X. Kinh “Thánh, Thánh, Thánh”: Sách LễRôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 392.

[34] Nghi thức an táng, 50, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1969) 23.

[35] Liturgia Byzantina sancti Ioannis Chrysotomi, Hymnus cherubinorum: Liturgies Eastern and Western, ed. F. E. Brightman (Oxford 1896) 377.

[36] X. Mt 18,10.

[37] X. Lc 16,22.

[38] X. Tv 34,8; 91,10-13.

[39] X. G 33,23-24; Dc 1,12; Tb 12,12.

[40] Thánh Basiliô, Adversus Eunomium, 3, 1: SC 305, 148 (PG 29, 656).

[41] X. St 1,1-2,4.

[42] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 11: AAS 58 (1966) 823.

[43] CĐ Vaticanô II, Hiến chếtín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.

[44] X. Thánh Augustinô, De Genesi contra Manichaeos, 1, 2, 4: PL 36, 175.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chếmục vụGaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966) 1054.

[46] X. Tv 145,9.

[47] X. St 1,26.

[48] Thánh Phanxicô Assisi, Canticum Fratris Solis: Opuscula sancti Patris Francisci Assisiensis, ed. C. Esser (Grottaferrata 1978) 84-86.

[49] X. Dt 4,3-4.

[50] X. Gr 31,35-37; 33,19-26.

[51] X. St 1,14.

[52] Thánh Bênêđictô, Regula, 43, 3: CSEL 75, 106 (PL 66, 675).

[53] X. Canh thức Vượt qua, Lời nguyện sau bài đọc thứnhất: Sách LễRôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 276.

[54] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, 114, 3, ad 3: Ed. Leon. 5, 535.

 

 


Sách Giáo Lý Công Giáo