SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO -
TIẾT 7: SỰ SA NGÃ
(giaolyductin.org29/05/13, 6:55 pm)
Paragraphus 7
Lapsus
385. Thiên Chúa vô cùng tốt lành và mọi công trình của Ngài đều tốt đẹp.
Tuy nhiên, không ai thoát được kinh nghiệm về đau khổ, về những sự dữ trong
thiên nhiên – những sự dữ coi như gắn liền với những giới hạn riêng của các thụ
tạo –, và nhất là vấn nạn về sự dữ luân lý. Sự dữ từ đâu đến? Thánh Augustinô
nói: “Tôi đã tìm xem sự dữ từ đâu và không thấy câu giải đáp”[1],
và cuộc tìm kiếm đau thương riêng của thánh nhân chỉ tìm được câu giải đáp lúc
ngài hối cải trở về với Thiên Chúa hằng sống. Bởi vì “mầu nhiệm của sự gian ác”
(2 Tx 2,7) chỉ được sáng tỏ dưới ánh sáng của mầu nhiệm đạo thánh[2]. Việc mạc khải tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô
đã biểu lộ tình trạng lan tràn của sự dữ và đồng thời sự đầy tràn chan chứa của
ân sủng[3]. Vì vậy chúng ta phải xem xét vấn nạn về
nguồn gốc của sự dữ với cái nhìn đức tin hướng về Đấng duy nhất đã chiến thắng
sự dữ[4].
UBI ABUNDAVIT
PECCATUM, SUPERABUNDAVIT GRATIA
Thực tại của tội lỗi
386. Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người: Thật là vô ích khi tìm
cách làm ngơ hoặc gán những cái tên khác cho thực tại tăm tối đó. Muốn hiểu tội
là gì, trước hết phải nhận biết mối liên hệ thâm sâu của
con người với Thiên Chúa, bởi
vì ngoài mối tương quan đó, chúng ta không thể khám phá ra ác tính của tội lỗi
trong căn tính đích thực của nó, là chối bỏ và chống đối Thiên Chúa, cho dù tội
lỗi vẫn đè nặng trên đời sống con người và trên lịch sử.
387. Thực tại của tội lỗi, và cách riêng của tội tổ tông, chỉ được làm
sáng tỏ dưới ánh sáng của mạc khải Thiên Chúa. Không nhận biết điều mạc khải
đem lại cho chúng ta về Thiên Chúa, chúng ta không thể biết rõ tội lỗi là gì,
và bị cám dỗ muốn giải thích tội lỗi như một khiếm khuyết trong quá trình tăng
trưởng, như một yếu kém về tâm lý, một sai lầm, một hậu quả tất yếu của một cơ
cấu xã hội thoái hoá, v. v…. Chỉ khi nào nhận biết được kế hoạch của Thiên Chúa
về con người, người ta mới hiểu rằng tội lỗi là lạm dụng sự tự do, vốn được
Thiên Chúa ban cho các ngôi vị được tạo dựng để họ có thể yêu mến Ngài và yêu
mến nhau.
Tội tổ tông - một
chân lý căn bản của đức tin
388. Thực tại của tội lỗi cũng được làm sáng tỏ cùng với sự tiến triển
của mạc khải. Mặc dầu dân Thiên Chúa thời Cựu Ước đã biết đến thân phận đau
thương của con người dưới ánh sáng của việc sa ngã được thuật lại trong sách
Sáng Thế, họ vẫn không thể nắm bắt được ý nghĩa tối hậu của việc sa ngã đó, ý
nghĩa tối hậu này chỉ được biểu lộ dưới ánh sáng của cái Chết và sự Sống lại
của Chúa Giêsu Kitô[5]. Cần phải nhận biết Đức Kitô là
nguồn mạch của ân sủng, thì mới nhận ra ông Ađam là nguồn gốc của tội lỗi. Thần
Khí bào chữa, do Đức Kitô phục sinh sai đến, đã đến tố cáo “thế gian sai lầm về
tội lỗi” (Ga l6,8), khi Ngài mạc khải Đức Kitô là Đấng cứu chuộc trần gian.
389. Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là “mặt trái” của Tin Mừng
này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn cứu
độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô. Hội Thánh, người có cảm
thức về Đức Kitô[6] , biết rằng không thể công kích mạc
khải về tội tổ tông mà không xúc phạm đến mầu nhiệm Đức Kitô.
Để hiểu trình thuật
về sự sa ngã
390. Trình thuật về sự sa ngã (St 3) sử dụng kiểu nói hình tượng, nhưng
xác quyết một sự kiện thuở đầu, đã xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử
nhân loại[7]. Mạc khải cho chúng ta sự chắc
chắn của đức tin rằng toàn bộ lịch sử nhân loại đều mang dấu tích của tội tổ
tông, do nguyên tổ chúng ta đã phạm một cách tự do[8].
ANGELORUM LAPSUS
391. Đàng sau sự lựa chọn bất tuân của nguyên tổ chúng ta, có một tiếng
nói dụ dỗ, chống lại Thiên Chúa[9], đã vì ghen tương mà
làm cho nguyên tổ sa vào cõi chết[10]. Thánh Kinh và
Truyền thống của Hội Thánh coi hữu thể này là một thiên thần sa ngã, gọi là
Satan hay ma quỷ[11]. Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu đó
là một Thiên thần tốt lành do Thiên Chúa tạo dựng. “Chắc chắn ma quỷ và các
thần dữ khác được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính
chúng đã làm cho mình nên ác xấu”[12].
392. Thánh Kinh có nói đến tội của các thiên thần này[13]. Sự “sa ngã” đó cốt tại một lựa chọn tự do của các
thụ tạo thiêng liêng này, họ chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài một cách
triệt để và không thể thay đổi. Chúng ta thấy được sự phản ánh của cuộc nổi loạn
này trong những lời Tên Cám Dỗ nói với các nguyên tổ chúng ta: “Các người sẽ
trở nên như Thiên Chúa” (St 3,5). “Ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu” (1 Ga 3,8);
“nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
393. Tính cách không thể thay đổi của sự lựa chọn của các thiên thần,
chứ không phải vì thiếu lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, làm cho tội của
chúng không thể được tha thứ. “Quả vậy, sau khi sa ngã, chính chúng không chút
thống hối, cũng như con người sau khi chết”[14].
394. Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là “tên
sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi
trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha[15].
“Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (l Ga 3,8).
Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ
dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.
395. Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một
thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là thụ
tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu Satan
hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài trong
Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại nghiêm
trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách gián
tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa quan
phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và
dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn
lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho
những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
PECCATUM ORIGINALE
Thử thách sự tự do
396. Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và cho họ sống
trong tình bằng hữu với Ngài. Là một thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể
sống trong tình bằng hữu đó bằng cách tự do suy phục Thiên Chúa. Điều đó được
diễn tả trong lệnh cấm con người không được ăn trái của cây cho biết điều
thiện, điều ác, “vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17).
“Cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,17) là một biểu tượng diễn tả ranh giới
không thể vượt qua mà con người, trong tư cách là thụ tạo, phải nhìn nhận một
cách tự do và tôn trọng một cách tin tưởng. Con người lệ thuộc Đấng Tạo Hoá; nó
phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy
định việc sử dụng sự tự do.
Tội đầu tiên của con
người
397. Con người, bị ma quỷ cám dỗ, đã dập tắt trong trái tim mình lòng
tin tưởng đối với Đấng Tạo Hoá của mình[16], và lạm
dụng sự tự do của mình, đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội
đầu tiên của con người[17]. Mọi tội lỗi sau đó đều là
bất tuân Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài.
398. Trong tội này, con người đã chọn mình hơn Thiên Chúa và qua đó đã khinh thường
Thiên Chúa: con người đã chọn chính bản thân chống lại Thiên Chúa, chống lại
những đòi buộc của thân phận thụ tạo của mình, và do đó chống lại cả lợi ích
riêng của mình. Con người, được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện, được
Thiên Chúa nhắm cho nó được “thần hóa” trọn vẹn trong vinh quang. Do ma quỷ cám
dỗ, con người đã muốn trở nên “như Thiên Chúa”[18] mà “không
cần Thiên Chúa, vượt qua Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa”[19].
399. Thánh Kinh cho thấy những hậu quả bi đát của sự bất tuân đầu tiên
đó. Ông Ađam và bà Evà đã lập tức đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy[20]. Họ đâm ra sợ hãi Thiên Chúa[21],
vì họ đã tạo ra một hình ảnh sai lầm về Ngài, hình ảnh của một vị Thần ham hố
các đặc quyền của mình[22].
400. Sự hài hoà mà tổ tông đang hưởng nhờ sự công chính nguyên thuỷ, đã
bị phá hủy; quyền điều khiển của các khả năng tinh thần của linh hồn trên thể
xác đã bị đập tan[23]; sự kết hợp của người nam và
người nữ trở nên căng thẳng[24]; những liên hệ giữa họ
bị đánh dấu bằng ham muốn và thống trị[25]. Sự hài hòa
với công trình tạo dựng bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù
nghịch với con người[26]. Vì con người, muôn loài đã
phải lệ thuộc vào cảnh hư nát[27]. Cuối cùng, hậu quả
đã được báo trước cách minh nhiên đối với tội bất tuân[28],
nay thành hiện thực: con người từ tro bụi sẽ trở về bụi tro[29]
. Sự chết
đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại[30].
401. Sau tội đầu tiên này, một “cuộc xâm lăng” thật sự của tội lỗi tràn
ngập trần gian: Cain giết em là Abel[31], sự sa đoạ lan
rộng khắp nơi như là hậu quả của tội lỗi[32]; trong
lịch sử Israel, tội lỗi cũng thường được biểu lộ một cách đặc biệt như sự bất
trung đối với Thiên Chúa của Giao Ước và như sự vi phạm luật Môisen. Ngay cả
sau việc Cứu Chuộc của Đức Kitô, giữa các Kitô hữu, tội lỗi còn xuất hiện bằng
nhiều cách khác nhau[33]. Thánh Kinh và Truyền Thống
Hội Thánh không ngừng nhắc đến sự hiện diện và tính phổ quát của tội lỗi trong lịch sử loài người:
“Những điều mạc khải
cho biết, kinh nghiệm riêng của chúng ta cũng xác nhận. Khi nhìn vào trong
lòng, con người thấy mình bị lôi kéo về những điều sai trái, và ngụp lặn trong
muôn vàn sự dữ, vốn là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành.
Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của mình, con người cũng
đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ
sự hòa hợp của mình đối với chính bản thân, đối với những người khác và đối với
mọi loài thụ tạo”[34].
402. Mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam. Thánh Phaolô khẳng định: “Vì
một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân”
(Rm 5,19), muôn người ở đây có nghĩa là mọi người: “Vì một người duy nhất, mà
tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã
lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Đối lại tính
phổ quát của tội lỗi và sự chết, thánh Tông Đồ nêu lên tính phổ quát của ơn cứu
độ trong Đức Kitô: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị
Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi
người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”
(Rm 5,18).
403. Noi theo thánh Phaolô, Hội Thánh luôn dạy rằng tình trạng cùng khốn
đang đè nặng lên con người, cũng như việc họ hướng chiều về sự dữ và về sự chết
là những điều không thể hiểu được, nếu không xét đến mối liên hệ của chúng với
tội Ađam và với việc ông đã truyền lại cho chúng ta một tội mà mọi người chúng
ta phải mang lấy từ khi sinh ra, và tội này là “cái chết của linh hồn”[35]. Dựa trên sự chắc chắn này của đức tin, Hội Thánh ban
phép Rửa Tội để tha tội cho cả những trẻ em chưa từng phạm tội riêng[36].
404. Tội Ađam đã trở nên tội của tất cả dòng dõi của ông như thế nào?
Toàn thể nhân loại đều ở trong Ađam “như một thân thể duy nhất của một con
người duy nhất”[37]. Do “tính thống nhất” này của nhân
loại, mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam, cũng như mọi người đều được thông
phần vào sự công chính của Đức Kitô. Dẫu sao, việc lưu truyền tội tổ tông là
một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu cách đầy đủ. Nhưng nhờ mạc khải, chúng
ta biết ông Ađam đã nhận được sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ không
phải chỉ cho riêng ông, nhưng cho toàn thể bản tính nhân loại: Khi nghe theo
Tên Cám Dỗ, ông Ađam và bà Evà đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản tính nhân loại, một bản tính mà họ sẽ lưu truyền trong tình trạng đã sa ngã[38]. Đó là một tội được lưu truyền cho toàn thể nhân loại qua
việc sinh sản, nghĩa là qua việc lưu truyền một bản tính nhân loại đã mất sự
thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Do đó, tội tổ tông được gọi là “tội”
theo nghĩa loại suy: đó là một thứ tội con người bị “nhiễm” chứ không phải đã “phạm”;
một tình trạng, chứ không phải một hành vi.
405. Tội tổ tông, mặc dầu truyền đến mỗi người[39],
nhưng không hề mang tính cách một tội của bản thân nơi bất kỳ ai trong con cháu
ông Ađam. Không còn sự thánh thiện và sự công chính nguyên thuỷ, nhưng bản tính
nhân loại không hoàn toàn bị huỷ hoại: bản tính nhân loại bị thương tật trong
các sức lực tự nhiên riêng của mình, u mê dốt nát, phải chịu đau khổ, bị sự
chết thống trị, và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều về điều xấu được gọi
là dục vọng: concupiscentia). Bí tích Rửa Tội, khi ban cho con người đời sống
ân sủng của Chúa Kitô, xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên
Chúa, nhưng những hậu quả của tội tổ tông trên bản tính, đã bị suy yếu và hướng
chiều về điều xấu, vẫn tồn tại nơi con người và kêu gọi con người vào cuộc
chiến đấu thiêng liêng.
406. Giáo lý của Hội Thánh về sự lưu truyền tội tổ tông đã được xác định
cách đặc biệt vào thế kỷ V, chủ yếu là dưới ảnh hưởng sự quan tâm của thánh
Augustinô chống lại chủ thuyết của ông Pêlagiô, và vào thế kỷ XVI, chống lại
cuộc Cải Cách của những người thệ phản. Ông Pêlagiô chủ trương rằng, bằng sức
mạnh tự nhiên của ý chí tự do, không cần sự trợ giúp của ân sủng, con người vẫn
có thể sống tốt lành về mặt luân lý; như vậy, ông này giản lược ảnh hưởng của
tội Ađam thành ảnh hưởng của một gương xấu. Trái lại, những nhà Cải Cách thệ
phản đầu tiên chủ trương rằng, vì tội tổ tông, con người đã bị hư hỏng hoàn
toàn và con người không còn sự tự do; họ đồng hóa tội mà mỗi người lãnh nhận do
lưu truyền với sự nghiêng chiều về sự dữ (dục vọng), một sự nghiêng chiều không
thể cưỡng lại được. Hội Thánh đã tuyên bố về ý nghĩa của mạc khải liên quan đến
tội tổ tông, đặc biệt tại Công đồng Arausicanô II năm 529[40],
và tại Công đồng Triđentinô năm 1546[41].
Một cuộc chiến cam
go
407. Giáo lý về tội tổ tông, gắn liền với giáo lý về ơn Cứu chuộc nhờ
Đức Kitô, mang lại cho ta một cái nhìn để phân định sáng suốt về tình trạng của
con người và hành động của họ ở trần gian. Vì tội tổ tông, ma quỷ đã có được
một quyền thống trị nào đó trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Tội
tổ tông khiến con người “bị cầm giữ dưới quyền của kẻ nắm quyền thống trị của
sự chết, tức là ma quỷ”[42]. Nếu không biết rằng bản
tính nhân loại đã bị tổn thương, bị nghiêng chiều về sự dữ, người ta có thể mắc
những sai lầm nghiêm trọng trong các lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã
hội[43] và luân lý.
408. Các hậu quả của tội tổ tông và của tất cả các tội cá nhân của con
người đã đưa trần gian, trong tổng thể của nó, vào một tình trạng tội lỗi mà
thánh Gioan đã gọi bằng kiểu nói: “tội trần gian” (Ga l,29). Kiểu nói này cũng
được dùng để nêu lên ảnh hưởng tiêu cực mà các thoả thuận tập thể và các cơ cấu
xã hội, là hoa trái của tội lỗi con người, áp đặt lên các nhân vị[44].
409. Hoàn cảnh bi đát như vậy của trần gian, đang “nằm dưới ách thống
trị của Ác thần” (1 Ga 5,19)[45] làm cho đời sống con
người trở thành một cuộc chiến đấu:
“Toàn bộ lịch sử của
nhân loại là lịch sử của cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của sự dữ, khởi
đầu ngay từ lúc bình minh của lịch sử và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời
Chúa phán. Nằm giữa cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn
bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn
Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm”[46].
“NON DERELIQUISTI
EUM IN MORTIS IMPERIO”
410. Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại,
Thiên Chúa gọi con người[47] và, một cách bí nhiệm, loan báo cho
con người cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy[48]. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng” bởi vì đó
là lời loan báo đầu tiên về Đấng Messia Cứu Chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con
rắn và Người Nữ, và về chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ Người Nữ này.
411. Truyền thống Kitô giáo nhận ra trong đoạn này lời tiên báo một vị “Ađam
mới”[49], Đấng đã lấy sự “vâng lời cho đến chết… trên
thập giá” (Pl 2,8) của mình, mà sửa lại một cách đầy tràn chan chứa tội bất
tuân của ông Ađam[50]. Đàng khác, nơi Người Nữ được
tiên báo trong Tiền Tin Mừng, nhiều Giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh nhận ra Đức
Maria, Mẹ Đức Kitô, như là một bà “Evà mới”. Đức Maria là người đầu tiên và
theo một cách thế độc nhất vô nhị, được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô
trên tội lỗi: Bà được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội tổ tông[51] và trong suốt cuộc đời trần thế của mình, nhờ ân sủng
đặc biệt của Thiên Chúa, Bà đã không hề phạm một tội nào[52].
412. Nhưng tại sao Thiên Chúa không ngăn cản con người đầu tiên phạm tội? Thánh Lêô Cả trả lời: “Điều chúng ta nhận được nhờ ân sủng khôn
tả của Đức Kitô cao cả hơn điều chúng ta bị mất vì sự ghen tương của ma quỷ”[53] . Và thánh Tôma Aquinô nói: “Không có gì ngăn cản bản
tính loài người, sau tội lỗi, lại được nâng lên một mức cao hơn: thật vậy,
Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra để từ đó Ngài rút ra một điều thiện hảo hơn.
Do đó, thánh Phaolô đã nói trong Rm 5,20: ‘Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân
sủng càng chứa chan gấp bội’; và do đó, trong bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh có
câu: ‘Ôi tội hồng phúc (felix culpa), nhờ có tội, ta mới có được Đấng Cứu Chuộc
cao cả dường này!’”[54].
413. “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu
vong…. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn
1,13; 2,24).
414. Satan hoặc ma quỷ và các ác thần khác là những thiên thần sa ngã
bởi vì chúng đã tự do khước từ phục vụ Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài. Lựa
chọn của chúng là một lựa chọn dứt khoát chống lại Thiên Chúa. Chúng ra sức lôi
kéo con người vào cuộc nổi loạn của chúng chống lại Thiên Chúa.
415. “Được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng công chính, nhưng con
người, bị ma quỷ dụ dỗ, ngay từ khởi đầu lịch sử, đã lạm dụng sự tự do của
mình, nâng mình lên chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình
ngoài Thiên Chúa”[55].
416. Ông Ađam, với tư cách là con người đầu tiên, vì tội của mình, đã
đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy mà ông đã lãnh nhận từ Thiên
Chúa, không phải cho riêng mình ông nhưng cho tất cả mọi người.
417. Vì tội đầu tiên của họ, ông Ađam và bà Evà đã lưu truyền cho hậu
duệ một bản tính nhân loại đã bị thương tật, nên đã mất đi sự thánh thiện và sự
công chính nguyên thủy. Sự mất mát đó được gọi là “tội tổ tông”.
418. Hậu quả của tội tổ tông là bản tính nhân loại bị suy yếu trong các
sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và
hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều này được gọi là “dục vọng”).
419. “Cùng với Công đồng Triđentinô, chúng tôi xác quyết rằng tội tổ
tông được lưu truyền lại cùng với bản tính loài người, ‘không phải do bắt
chước, nhưng qua truyền sinh’ và tội ấy ‘thuộc về riêng mỗi người’”[56].
420. Chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi đã ban cho chúng ta những
điều thiện hảo cao quý hơn những gì tội lỗi đã lấy mất của chúng ta: “Ở đâu tội
lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
421. “Các Kitô hữu tin rằng trần gian này đã được dựng nên và bảo tồn
bởi tình yêu của Đấng Tạo Hoá, quả thật nó đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng
đã được giải thoát bởi Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh và phục sinh để đập tan
quyền lực của Ác thần”[57].
[1] Thánh Augustinô, Confessiones, 7, 7, 11: CCL 27, 99 (PL 32,
739).
[2] X. 1 Tm 3,16.
[3] X. Rm 5,20.
[4] X. Lc 11,21-22; Ga 16,11; 1 Ga 3,8.
[5] X. Rm 5,12-21.
[6] X. 1 Cr 2,16.
[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 13: AAS 58 (1966) 1034-1035.
[8] CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 3: DS 1513; ĐGH Piô XII, Thông
điệp Humani generis: DS 3897; ĐGH Phaolô VI, Diễn văn (ngày 11/7/1966): AAS 58 (1966) 649-655.
[10] X. Kn 2,24.
[11] X. Ga 8,44; Kh 12,9.
[12] CĐ Latêranô IV (năm 1215), Cap. 1, De fide catholica: DS 800.
[13] X. 2 Pr 2,4.
[14] Thánh Gioan Đamasênô, Expositio fidei 18 [De fide orthodoxa 2,4] : PTS 12, 50 (PG 94, 877).
[15] X. Mt 4,1-11.
[17] X. Rm 5,19.
[18] St 3,5.
[19] Thánh Maximô Hiển tu, Ambiguorum liber: PG 91, 1156.
[20] X. Rm 3,23.
[27] X. Rm 8,20.
[30] X. Rm 5,l2.
[33] X. 1 Cr 1-6; Kh 2-3.
[34] CĐ Vaticanô II, Hiến chếmục vụGaudium et Spes, l3: AAS 58 (1966) 1035.
[35] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 2: DS 1512.
[36] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 4: DS 1514.
[37] Thánh Tôma Aquinô, Quaestiones disputatae de malo, 4, 1, c. : Ed.
[38] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canones 1-2: DS 1511-1512.
[39] X. CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali,
canon 3: DS 1513.
[40] CĐ Arausicanô II, Canones 1-2: DS 371-372.
[41] CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali: DS 1510-1516.
[42] CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 1: DS 1511; x. Dt 2,14.
[43] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 25: AAS 83 (1991) 823-824.
[44] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 16: AAS 77 (1985)
213-217.
[45] X. 1 Pr 5,8.
[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chếmục vụ Gaudium et Spes, 37: AAS 58 (1966) 1055.
[49] X. 1 Cr 15,21-22. 45.
[50] X. Rm 5,19-20.
[51] X. ĐGH Piô IX, Tông sắcIneffabilis
Deus:
DS 2803.
[52] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 23: DS 1573.
[53] Thánh Lêô Cả, Sermo 73, 4: CCL 88A, 453 (PL
54, 151).
[54] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 1, a. 3, ad
3: Ed.
[55] CĐ Vaticanô II, Hiến chếmục vụ Gaudium et Spes, 13: AAS 58 (1966) 1034-1035.
[56] ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 16: AAS 60 (1968) 439.
[57] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 2: AAS 58 (1966) 1026.