SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO – MỤC 2 “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ, LÀ CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA, CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG TÔI” 

(giaolyductin.net - 05/08/13, 11:51 am)

Mục 2

“Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô,

là Con Một Đức Chúa Cha,

cùng là Chúa chúng tôi”

Articulus 2

“Et in Iesum Christum, Filium Eius unicum, Dominum nostrum”

I.   CHÚA GIÊSU

IESUS

430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[1]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.  

431. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không chỉ bằng lòng với việc giải thoát Israel khỏi “cảnh nô lệ” (Đnl 5,6) khi đưa họ ra khỏi Ai cập. Ngài còn cứu họ khỏi tội lỗi của họ nữa. Bởi vì tội luôn là một xúc phạm đến Thiên Chúa[2], nên chỉ mình Ngài mới có quyền tha tội[3]. Vì vậy, khi Israel càng ý thức rõ hơn về tính phổ quát của tội lỗi, họ càng không thể tìm kiếm ơn cứu độ ngoài việc khẩn cầu danh Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc[4].  

432. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài[5], Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ[6], và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người[7] đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12)[8].  

433. Thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ được vị thượng tế kêu cầu mỗi năm một lần để xin ơn xá tội cho Israel, khi ông lấy máu của hy lễ rảy lên bàn xá tội trong nơi Cực Thánh[9]. Bàn xá tội xưa là nơi Thiên Chúa hiện diện[10]. Khi thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3,25), ông muốn nói rằng trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (2 Cr 5,19).  

434. Việc phục sinh của Chúa Giêsu làm hiển vinh thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ[11], bởi vì từ lúc đó Danh Giêsu bày tỏ cách trọn vẹn quyền năng tối thượng của “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-l0). Các Thần dữ khiếp sợ Danh Người[12], và nhân Danh Người, các môn đệ Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ[13], bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha đều ban cho họ[14].  

435. Danh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của KinhKính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi miệng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc[15].  

II.   ĐỨC KITÔ

CHRISTUS 

436. Danh hiệu “Kitô” là một từ Hy Lạp, dịch từ “Messia” của tiếng Do thái, có nghĩa là “người được xức dầu”. Danh hiệu này trở thành tên riêng của Chúa Giêsu bởi vì Người đã chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ thần linh mà danh hiệu ấy bao hàm. Quả vậy, trong Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ Ngài giao phó, đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua[16], các tư tế[17] và đôi khi, các tiên tri[18]. Đó phải là, một cách tuyệt hảo, trường hợp của Đấng Messia, là người Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước của Ngài cách vĩnh viễn[19]. Đấng Messia phải được xức dầu bằng Thần Khí của Chúa[20] với tư cách là vua, đồng thời là tư tế[21], và cũng với tư cách là tiên tri. [22] Chúa Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Messia của Israel trong ba nhiệm vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế.  

437. Thiên thần đã loan báo cho các mục đồng việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu, với tính cách là việc ra đời của Đấng Messia đã được hứa ban cho Israel: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Ngay từ đầu, Chúa Giêsu là “Đấng Chúa Cha đã hiến thánh và sai đến thế gian” (Ga l0,36), với tư cách là “Đấng Thánh” (Lc 1,35) được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria[23]. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria vợ ông về, “vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), để Chúa Giêsu, “cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16), được sinh ra do vợ ông Giuse trong dòng tộc thiên sai (in generatione messianica) của vua Đavid. [24] 

438. Việc được thánh hiến làm Đấng Messia của Chúa Giêsu biểu lộ sứ vụ thần linh của Người. “Trong danh hiệu ‘Kitô’ bao gồm Đấng xức dầu, Đấng được xức dầu, và chính việc xức dầu: Đấng xức dầu là Chúa Cha, Đấng được xức dầu là Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, Đấng là Việc xức dầu”[25]. Việc xức dầu thánh hiến vĩnh cửu của Chúa Giêsu được mạc khải trong cuộc đời trần thế của Người khi Người chịu phép rửa bởi ông Gioan, khi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38) “để Người được tỏ ra cho dân Israel” (Ga l,3l) trong tư cách là Đấng Messia của Thiên Chúa. Những việc Người làm và những lời Người dạy giúp cho chúng ta nhận biết Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”[26].  

439. Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel[27]. Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia, Người có quyền làm như vậy[28], nhưng Người chấp nhận một cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu theo một quan niệm quá phàm trần[29], đặc biệt mang tính chất chính trị. [30] 

440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[31]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,l3)[32], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)[33]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá. [34] Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

III.  CON MỘT THIÊN CHÚA

FILIUS DEI UNICUS

441. Trong Cựu Ước “Con Thiên Chúa” là danh hiệu được ban cho các Thiên thần[35], cho dân Chúa chọn[36], cho con cái Israel[37], và cho các vua của họ[38]. Trong những trường hợp ấy, danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên việc Thiên Chúa nhận một số thụ tạo làm nghĩa tử, và việc này tạo nên những mối liên hệ thân tình đặc biệt giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Khi vị Vua Messia của lời hứa được gọi là “Con Thiên Chúa”[39], điều này, xét theo nghĩa văn tự của các bản văn nêu trên, không nhất thiết hàm ý rằng Người có bản tính vượt trổi phàm nhân. Những người đã gọi Chúa Giêsu là Đấng Messia của Israel[40] có lẽ cũng không có ý muốn nói gì hơn[41].  

442. Trường hợp thánh Phêrô thì khác, khi ông tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”[42], bởi vì Chúa Giêsu đã long trọng trả lời ông: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt l6,l7). Tương tự như vậy, khi đề cập đến cuộc hối cải của mình trên đường đi Đamas, thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại” (Gl 1,l5-16). “Lập tức, ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20). Ngay từ đầu[43], điều này đã là trung tâm của đức tin tông truyền[44], đức tin mà thánh Phêrô, với tư cách là nền tảng Hội Thánh, đã tuyên xưng trước hết[45].  

443. Nếu thánh Phêrô có thể nhận ra tính chất siêu việt trong tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu, Đấng Messia, thì đó là bởi vì chính Người đã nói lên điều đó cách rõ ràng. Trước Thượng Hội Đồng, khi những kẻ tố cáo hỏi Người: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”, Chúa Giêsu trả lời: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây” (Lc 22,70)[46]. Trước đó đã lâu, Chúa Giêsu đã tự xưng mình là “Con”, là người biết rõ Chúa Cha[47], là người phân biệt mình với các “tôi tớ” mà Thiên Chúa đã sai đến trước với dân Ngài[48], là người trổi vượt trên cả các Thiên thần[49]. Chúa Giêsu phân biệt tư cách làm “Con” của Người với tư cách làm con của các môn đệ Người vì không bao giờ Người nói “Cha chúng ta”[50], trừ lúc truyền dạy họ: “Anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con’” (Mt 6,9); và Người nhấn mạnh sự khác biệt giữa “Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).  

444. Vào hai thời điểm quan trọng, lúc Đức Kitô chịu Phép Rửa và lúc Người Hiển Dung, các sách Tin Mừng nhắc đến tiếng Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là “Con yêu dấu” của Ngài[51]. Chính Chúa Giêsu cũng tự xưng là “Con Một” của Thiên Chúa (Ga 3,16) và qua danh hiệu đó, xác quyết sự tiền hữu vĩnh cửu (aeternam praeexsistentiam) của mình[52]. Người đòi phải tin vào “danh Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,l8). Lời tuyên xưng này của Kitô giáo đã xuất hiện ngay từ tiếng kêu của viên đại đội trưởng trước mặt Chúa Giêsu trên thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc l5,39). Chỉ trong mầu nhiệm Vượt Qua, người tin tước hiệu “Con Thiên Chúa” mới có thể hiểu được ý nghĩa cao cả nhất của tước hiệu đó.  

445. Sau khi Người phục sinh, tư cách Con Thiên Chúa của Đức Kitô tỏ rạng trong quyền năng của nhân tính được tôn vinh của Người. “Từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4)[53]. Các Tông Đồ có thể tuyên xưng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).  

IV.  CHÚA

DOMINUS

446. Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen[54], được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa[55]

447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[56], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[57]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.  

448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[58]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[59]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).  

449. Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu[60] rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu[61], bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài[62].  

450. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử[63] cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa”[64]. Hội Thánh “tin rằng mình gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa và Thầy của mình”[65].  

451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).  

TÓM LƯỢC

452. Thánh Danh Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Hài nhi sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Giêsu”:“Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

453. Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, “Đấng Messia”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Người là “Đấng phải đến” (Lc 7,19), là đối tượng của niềm hy vọng của Israel[66].

454. Danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha[67] và là chính Thiên Chúa[68]. Ai muốn trở thành Kitô hữu, người ấy nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa[69].

455. Danh hiệu “Chúa” nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Chúa Giêsu là Chúa, là tin vào thần tính của Người. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).


[1]X. Lc 1,31.

[2]X. Tv 51,6.

[3]X. Tv 51,11.

[4]X. Tv 79,9.

[5]X. Cv 5,41; 3 Ga 7.

[6]X. Ga 3,18; Cv 2,21.

[7]X. Rm 10,6-13.

[8]X. Cv 9,14; Gc 2,7.

[9]X. Lv 16,15-16; Gv 50,22; Dt 9,7.

[10]X. Xh 25,22; Lv 16,2; Ds 7,89; Dt 9,5.

[11]X. Ga 12,28.

[12]X. Cv 16,16-18; 19,13-16.

[13]X. Mc 16,17.

[14]X. Ga l5,l6.

[15]X. La réhabilitation de Jeanne la Pucelle. L’enquête ordonnée par Charles VII en 1450 et le codicille de Guillaume Bouillé, ed. P. Doncoeur-Y. Lanhers (Paris 1956) 39. 45. 56.

[16]X. l Sm 9,16; 10,1; 16,1. 12-13; 1 V 1,39.

[17]X. Xh 29,7; Lv 8,12.

[18]X. 1V 19,16.

[19]X. Tv 2,2; Cv 4,26-27.

[20]X. Is 11,2.

[21]X. Zc 4,14; 6,13.

[22]X. Is 61,1; Lc 4,16-21.

[23]X. Lc 1,35.

[24]X. Rm l,3; 2 Tm 2,8; Kh 22,l6.

[25]Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 18, 3: SC 211, 350 (PG 7, 934).

[26]X. Mc l,24; Ga 6,69; Cv 3,l4.

[27]X. Mt 2,2; 9,27, 12,23; 15,22; 20,30; 21,9. 15.

[28]X. Ga 4,25-26; 11,27.

[29]X. Mt 22,41-46.

[30]X. Ga 6,l5; Lc 24,2l.

[31]X. Mt l6,l6-23.

[32]X. Ga 6,62; Đn 7,13.

[33]X. Is 53,10-12.

[34]X. Ga l9,19-22; Lc 23,39-43.

[35]X. Đnl (LXX) 32,8; G l,6.

[36]X. Xh 4,22; Os 11,1; Gr 3,l9; Gv 36,14; Kn l8,l3.

[37]X. Đnl l4,l; Os 2,l.

[38]X. 2 Sm 7,l4; Tv 82,6.

[39]X. 1 Sbn 17,13; Tv 2,7.

[40]X. Mt 27,54.

[41]X. Lc 23,47.

[42]X. Mt 16,16.

[43]X. 1 Tx 1,10.

[44]X. Ga 20,3l.

[45]X. Mt l6,l8.

[46]X. Mt 26,64; Mc 14,62.

[47]X. Mt 11,27; 21,37-38.

[48]X. Mt 21,34-36.

[49]X. Mt 24,36.

[50]X. Mt 5,48; 6,8; 7,21; Lc 11,13.

[51]X. Mt 3,17; 17,5.

[52]X. Ga 10,36.

[53]X. Cv 13,33.

[54]X. Xh 3,14.

[55]X. 1 Cr 2,8.

[56]X. Mt 22,41-46; Cv 2,34-36; Dt 1,13.

[57]X. Ga 13,13.

[58]X. Mt 8,2; 14,30; 15,22.

[59]X. Lc 1,43; 2,11.

[60]X. Cv 2,34-36.

[61]X. Rm 9,5; Tt 2,13; Kh 5,13.

[62]X. Rm 10,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,9-11.

[63]X. Kh 11,15.

[64]X. Mc 12,17; Cv 5,29.

[65]X. CĐVaticanô II, Hiến chếmục vụGaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966) 1033; x. Ibid. ,45: AAS 58 (1966) 1066.

[66]X. Cv 28,20.

[67]X. Ga 1,14. 18; 3,16. 18.

[68]X. Ga 1,1.

[69]X. Cv 8,37; 1 Ga 2,23.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo