SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - MỤC
5 CHÚA GIÊSU KITÔ “XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG, NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG
LẠI” (giaolyductin.net
29/10/13, 9:31 am)
Articulus 5
Iesus Christus
“descendit ad inferos,
tertia die
resurrexit a mortuis”
631. Chúa Giêsu “đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất. Đấng đã xuống,
cũng chính là Đấng đã lên” (Ep 4,9-10). Tín biểu của các Tông Đồ tuyên xưng
trong cùng một mục, việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông và việc ngày thứ ba Người
bởi trong kẻ chết mà sống lại, bởi vì trong cuộc Vượt Qua của Người, chính từ
trong lòng cái chết mà Người làm vọt lên sự sống:
“Đức Kitô, Con yêu quý
của Cha,
Đấng đã từ cõi âm ty trở lại,
đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân,
Người hằng sống hiển trị muôn đời. Amen”[1].
Paragraphus 1
Christus descendit
ad inferos
632. Những xác quyết thường xuyên của Tân Ước, theo đó Chúa Giêsu “trỗi dậy
từ cõi chết” (1 Cr 15,20)[2], giả thiết là, trước khi Người sống lại, Người đã
ở nơi của những người chết[3]. Lời rao giảng của các Tông Đồ về việc Chúa Giêsu
xuống ngục tổ tông có ý nghĩa đầu tiên này: Chúa Giêsu đã chết giống như mọi
người, và linh hồn Người đã xuống với họ, ở nơi của những người chết. Nhưng Người
xuống đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị
cầm giữ ở đó[4].
633. Thánh Kinh gọi nơi ở của những người chết, mà Đức Kitô khi chết đã xuống,
là âm phủ,Sheol
(tiếng Do thái) hoặcHades (tiếng Hy lạp)[5],
bởi vì những kẻ ở đó không được nhìn thấy Thiên Chúa[6].
Thật vậy, tình trạng của mọi người đã chết, dù họ công chính hay xấu xa, đều như
vậy, trong khi mong đợi Đấng Cứu Chuộc[7], điều này không
có nghĩa là số phận của họ đều như nhau, như Chúa Giêsu cho thấy trong dụ ngôn
anh Lazarô nghèo khổ được đem “vào lòng ông Abraham”[8].
“Khi xuống ngục tổ tông, Chúa Kitô đã giải thoát linh hồn những người công chính
đang ở trong lòng ông Abraham mà mong đợi Đấng Cứu Độ”[9].
Chúa Giêsu không xuống ngục tổ tông để giải thoát những kẻ đã bị kết án[10] hoặc để
phá hủy địa ngục đọa đày[11], nhưng để giải thoát những
người công chính đã đi trước Người[12].
634. “Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết” (1 Pr 4,6). Việc
xuống ngục tổ tông là sự hoàn thành, một cách sung mãn, việc loan báo Tin Mừng
cứu độ. Đây là chặng cuối cùng trong sứ vụ làm Đấng Messia của Chúa Giêsu, trong
một thời gian ngắn ngủi, nhưng trong một ý nghĩa thật hết sức rộng lớn của việc
mở rộng công trình cứu chuộc cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi, bởi vì
tất cả những ai được cứu độ đều được tham dự vào công trình Cứu Chuộc.
635. Vì vậy, Đức Kitô đã xuống cõi thâm sâu của sự chết[13] để “các
kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, ai nghe thì sẽ được sống” (Ga 5,25). Chúa
Giêsu, “Đấng khơi nguồn sự sống”[14], đã “nhờ cái chết
của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và
đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt
2,14-l5). Từ nay, Đức Kitô phục sinh “nắm giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh
1,18) và “khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10).
“Hôm nay mặt đất hoàn
toàn thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn cô quạnh; hoàn toàn thinh
lặng vì Đức Vua an giấc; trái đất đã sợ hãi rồi yên tĩnh, vì Thiên Chúa đang
ngủ trong xác phàm, và Người đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời…. Chắc chắn
Người đi tìm nguyên tổ như tìm con chiên lạc. Người muốn đến thăm tất cả những
ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết; Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa
là con cháu của nguyên tổ đến để giải thoát ông Ađam đang bị cầm giữ cùng với
bà Evà bị cầm giữ khỏi những sự đau buồn. Ta là Thiên Chúa của ngươi, nhưng vì
ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi…. Hãy trỗi dậy, hỡi người ngủ mê: vì Ta dựng
nên ngươi không phải để cho ngươi ở lại đây trong gông cùm âm phủ. Hãy trỗi dậy
từ cõi chết; Ta là Sự Sống của những kẻ đã chết”[15].
636. Bằng kiểu nói “Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông”, Tín biểu tuyên xưng Chúa
Giêsu thật sự đã chết và nhờ cái Chết của Người vì chúng ta, Người đã chiến
thắng cả sự chết lẫn ma quỷ, “tên lãnh chúa gây ra sự chết” (Dt 2,14).
637. Đức Kitô đã chết, với linh hồn được kết hợp cùng Ngôi Vị thần linh,
Người đã xuống nơi ở của những kẻ chết. Người đã mở cửa trời cho những người công
chính đã đi trước Người.
Paragraphus 2
Tertia die
resurrexit a mortuis
638. “Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa
hứa với cha ông chúng ta, thì Ngài đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các
ông, khi làm cho Chúa Giêsusống lại” (Cv l3,32-33). Sự Sống Lại của Chúa
Giêsu là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô, với tính cách
là một chân lý trung tâm đã được tin và thể hiện trong cuộc sống bởi cộng đoàn
Kitô giáo tiên khởi, đã được lưu truyền bởi Thánh Truyền như chân lý nền tảng,
đã được xác lập bởi các văn kiện của Tân Ước, và được rao giảng, đồng thời cùng
với thập giá, như là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt Qua:
“Đức Kitô đã sống lại
từ cõi chết,
Nhờ cái Chết của Người, Người đã chiến thắng sự chết,
Người đã ban sự sống cho những kẻ đã chết”[16].
EVENTUS HISTORICUS
ET TRANSCENDENS
639. Mầu nhiệm của sự Sống lại của Đức Kitô là một biến cố có thật, với những
cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng theo lịch sử, như Tân Ước làm chứng. Khoảng năm
56, thánh Phaolô đã có thể viết cho tín hữu Côrintô: “Trước hết, tôi đã truyền
lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội
lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ
ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi
với nhóm Mười Hai” (1 Cr l5,3-4). Ở đây vị Tông Đồ nói đến truyền thống sống động về sự Sống lại mà ngài đã học được sau cuộc hối
cải của ngài ở cổng thành Đamas[17].
Ngôi mộ trống
640. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa,
nhưng đã sống lại rồi” (Lc 24,5-6). Trong các biến cố Vượt Qua, yếu tố đầu tiên
mà ta gặp là ngôi mộ trống. Tự nó, điều này không phải là một bằng chứng trực
tiếp. Việc thân thể Đức Kitô không còn trong mộ có thể được giải thích cách
khác[18]. Dầu vậy, ngôi mộ trống vẫn là một dấu chỉ căn
bản đối với mọi người. Việc phát hiện ngôi mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ
đến việc nhìn nhận chính sự kiện Sống lại. Trước hết đó là trường hợp của các
phụ nữ thánh thiện[19], rồi đến ông Phêrô[20]. Người môn đệ “Chúa Giêsu thương mến” (Ga 20,2), khi vào
trong mộ và thấy “những băng vải để ở đó” (Ga 20,6), khẳng định rằng ông đã thấy
và đã tin[21]. Điều này giả thiết rằng khi thấy ngôi mộ
trống[22] ông
đã nhận ra rằng việc thân thể Chúa Giêsu không còn đó không phải là một việc do
người phàm và Chúa Giêsu đã không đơn thuần trở lại cuộc sống trần thế như trường
hợp anh Lazarô[23].
Những lần hiện ra của
Đấng Phục Sinh
641. Bà Maria Magđalêna và các phụ nữ thánh thiện, những người đã đến để
hoàn thành việc xức dầu cho thân thể của Chúa Giêsu[24],
vốn được mai táng cách vội vã vào chiều ngày Thứ Sáu vì đã đến ngày sabat[25], là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh[26]. Như vậy, các phụ nữ là những sứ giả đầu tiên loan báo
sự sống lại của Đức Kitô cho chính các Tông Đồ[27]. Sau
đó Chúa Giêsu hiện ra với các ông, trước hết là với ông Phêrô, sau đó với nhóm
Mười Hai[28]. Vì vậy ông Phêrô, người đã được kêu gọi
để củng cố đức tin của các anh em mình[29], đã thấy Đấng
Phục Sinh trước các anh em và dựa trên chứng từ của ông mà cộng đoàn kêu lên:
“Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34).
642. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Vượt Qua đó, đòi buộc
mỗi vị Tông Đồ, đặc biệt là ông Phêrô, xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đã
bắt đầu từ sáng ngày Vượt Qua. Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh,
các ngài mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh Người. Đức tin của cộng
đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ
thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. “Những
chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô”[30] trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai,
nhưng không chỉ có các vị ấy: ông Phaolô nói đến hơn năm trăm người đã được
Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ[31].
643. Trước những lời chứng đó, không thể giải thích rằng sự phục sinh
của Đức Kitô nằm bên ngoài trật tự thể lý, và không thể không công nhận sự phục
sinh đó có tính cách là một sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện, người ta thấy rõ là
đức tin của các môn đệ đã bị lung lay tận gốc do cuộc khổ nạn và cái Chết trên
thập giá của Thầy họ, mà chính Người đã báo trước[32]. Sự
chấn động tâm hồn do cuộc khổ nạn gây nên là mạnh mẽ đến nỗi các môn đệ (hoặc
ít nhất một số người trong họ) không tin ngay lời loan báo về việc Sống Lại.
Các sách Tin Mừng không hề trình bày cho chúng ta thấy một cộng đoàn đầy hứng
khởi thần bí; nhưng cho chúng ta thấy những môn đệ mất tinh thần (“buồn rầu”:
Lc 24,17) và hoảng sợ[33]. Vì vậy họ đã không tin các
phụ nữ thánh thiện từ ngôi mộ trở về, và những lời của các bà, họ “cho là chuyện
vớ vẩn” (Lc 24,11)[34]. Khi Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm
Mười Một chiều ngày Vượt Qua, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng,
bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người sống
lại” (Mc 16,14).
644. Các môn đệ, cả khi đứng trước thực tại Chúa Giêsu phục sinh, vẫn còn
nghi ngờ[35]; đối với các ông, coi như không thể nào có
việc ấy: họ tưởng là thấy ma[36], “các ông còn chưa tin
vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng” (Lc 24,41). Ông Tôma cũng đã nghi ngờ như
vậy[37], và trong dịp hiện ra lần cuối cùng mà sách
Matthêu thuật lại, “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Vì vậy, giả thuyết
cho rằng sự Phục Sinh là “sản phẩm” của lòng tin (hay sự dễ tin) của các Tông
Đồ, không có cơ sở. Hoàn toàn trái lại, đức tin của các ông vào sự Phục Sinh
phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại Chúa Giêsu sống lại, dưới tác
động của ân sủng của Thiên Chúa.
Trạng thái nhân tính
đã phục sinh của Đức Kitô
645. Chúa Giêsu phục sinh liên hệ trực tiếp với các môn đệ của Người qua
đụng chạm[38] và
qua việc chia sẻ thực phẩm[39]. Như vậy, Người mời gọi họ
nhìn nhận Người không phải là ma[40], nhưng nhất là để
các ông thấy rõ rằng thân thể phục sinh của Người đang hiện diện với các ông,
chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thân thể
đó vẫn còn mang các dấu vết của cuộc khổ nạn của Người[41].
Tuy nhiên, thân thể đích thực và hiện thực này đồng thời có những đặc tính mới của
một thân thể vinh hiển: thân thể đó không còn bị ràng buộc trong không gian và
thời gian nữa, nhưng có thể tự do hiện diện ở đâu và lúc nào Người muốn[42], bởi vì nhân tính của Người không còn có thể bị ràng buộc
ở trần thế nữa và chỉ thuộc về quyền năng thần linh của Chúa Cha[43]. Cũng vì vậy, Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn tự do để
hiện ra như Người muốn: dưới hình dạng một người làm vườn[44] hoặc “dưới một hình dạng khác” (Mc 16,12),
không giống hình dạng các môn đệ đã quen, chính là để khơi dậy đức tin của các
ông[45].
646. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần
thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt
Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là
những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng
của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường”. Một lúc nào
đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân
thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống
khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục
Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống
thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể
nói Đức Kitô là một người thiên giới[46].
Sự Phục Sinh xét như
một biến cố siêu việt
647. Thánh thi Exultet trong đêm Canh thức Vượt Qua hát: “Ôi!
Đêm thật diễm phúc, đêm duy nhất biết được thời giờ Đức Kitô từ cõi chết phục
sinh”[47]. Thật vậy, không ai chứng kiến tận mắt chính biến
cố Phục Sinh và không một tác giả sách Tin Mừng nào mô tả biến cố đó. Không ai
có thể nói sự Phục Sinh đã xảy ra về mặt thể lý như thế nào. Bản chất thâm sâu
nhất của biến cố đó, tức là sự chuyển qua một cuộc sống khác, lại càng khó nhận
biết bằng giác quan. Sự Phục Sinh, một biến cố lịch sử có thể được xác nhận
bằng dấu chỉ là ngôi mộ trống và bằng thực tại là những lần gặp gỡ của các Tông
Đồ với Đức Kitô phục sinh, vẫn mãi nằm trong trung tâm của mầu nhiệm đức tin,
vì biến cố đó siêu việt và vượt hẳn trên lịch sử. Chính vì vậy, Đức Kitô phục
sinh không tỏ mình ra cho thế gian[48], nhưng cho các
môn đệ của Người, “những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây
chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân” (Cv 13,31).
RESURRECTIO –
SANCTISSIMAE TRINITATIS OPUS
648. Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng của đức tin, vì đó là sự can
thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử.
Trong biến cố này, Ba Ngôi Thiên Chúa vừa cùng hoạt động chung, vừa biểu lộ tính
cách riêng biệt của mỗi Ngôi. Sự Phục Sinh được thực hiện do quyền năng của
Chúa Cha, Đấng “đã làm sống lại” (Cv 2,24) Đức Kitô, Con của Ngài, và bằng cách
đó, Chúa Cha đưa nhân tính của Người, cùng với thân thể của Người, vào Ba Ngôi
một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu được mạc khải một cách vĩnh viễn là “Đấng đã từ
cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất
cả quyền năng” (Rm 1,4). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa biểu lộ quyền
năng[49] qua
hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nhân tính đã chết của Chúa Giêsu được
sống lại và kêu gọi nhân tính đó vào trạng thái vinh hiển của Chúa.
649. Về phần Chúa Con, Người thực hiện việc Phục Sinh của chính mình bằng
sức mạnh của quyền năng thần linh của mình. Chúa Giêsu loan báo rằng Con Người
sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết rồi sống lại (động từ với nghĩa chủ động[50]). Nơi khác, Người xác quyết cách minh nhiên: “Tôi hy sinh
mạng sống mình để rồi lấy lại…. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng
sống ấy” (Ga 10,17-18). “Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại”
(1 Tx 4,14).
650. Các Giáo phụ chiêm ngắm sự Phục Sinh, khởi từ Ngôi Vị thần linh của
Đức Kitô, Ngôi Vị này vẫn kết hợp với linh hồn Người và thân thể Người, khi hai
phần đã bị tách biệt bởi cái chết: “Nhờ sự duy nhất của bản tính Thiên Chúa hiện
diện ở cả hai phần của con người, nên hai phần bị chia lìa và tách biệt, lại
được tái hợp và liên kết với nhau. Như vậy sự chết là do sự tách rời những phần
vốn kết hợp, còn sự Phục Sinh là do sự kết hợp các phần bị tách rời”[51].
SENSUS ET MOMENTUM
RESURRECTIONIS SALVIFICUM
651. “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống
rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Trước hết, sự
Phục Sinh tạo nên việc xác nhận tất cả những gì chính Đức Kitô đã làm và đã giảng
dạy. Tất cả các chân lý, kể cả những chân lý mà tâm trí nhân loại không thể đạt
tới, đều được biện minh, một khi Đức Kitô phục sinh đưa ra lý chứng tối hậu, mà
Người đã hứa, về thẩm quyền thần linh của Người.
652. Sự phục sinh của Đức Kitô là việc hoàn thành những lời
hứa của Cựu Ước[52] và của chính
Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Người[53]. Kiểu
nói “đúng như lời Thánh Kinh”[54] nêu rõ rằng sự phục sinh của Đức Kitô đã
hoàn thành các lời tiên báo này.
653. Chân lý về thần tính của Chúa Giêsu được xác nhận bằng sự phục sinh của Người. Người đã nói: “Khi các ông
giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28).
Sự phục sinh của Đấng bị đóng đinh chứng minh rằng Người thật sự là “Đấng Hằng
Hữu”, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã có thể tuyên bố
với người Do thái: “Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên
Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Ngài đã thực hiện cho chúng ta là con cháu
các ngài, khi làm cho Chúa Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh
vịnh thứ hai: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13,32-33)[55]. Sự Phục Sinh của Đức Kitô được liên kết chặt chẽ với
mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Sự phục sinh là việc hoàn thành mầu
nhiệm này theo kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa.
654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của
Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường
cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng
của Thiên Chúa[56], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại
từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống
mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào
ân sủng[57]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em
của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của
Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[58]. Anh
em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm
nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống
đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.
655. Cuối cùng, sự phục sinh của Đức Kitô – và chính Đức Kitô phục sinh –
là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại:
“Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu....
Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với
Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,20-22). Trong khi mong đợi
việc hoàn thành này, Đức Kitô phục sinh sống trong trái tim các tín hữu của
Người. Nơi Người, các Kitô hữu được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai”
(Dt 6,5) và đời sống của họ được Đức Kitô lôi cuốn vào trong lòng đời sống
thần linh[59], “để những ai đang sống, không còn sống
cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr
5,15).
656. Đức tin vào sự phục sinh có đối tượng là một biến cố, vừa được xác nhận
theo lịch sử bằng lời chứng của các môn đệ, những người đã thật sự gặp Đấng
Phục Sinh, đồng thời vừa có tính siêu việt một cách bí nhiệm, xét như là việc
nhân tính của Đức Kitô tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa.
657. Ngôi mộ trống và những băng vải xếp ở đó tự chúng nói lên rằng, thân
thể của Đức Kitô, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, đã thoát khỏi xiềng xích của sự
chết và sự hư nát. Những dấu chỉ đó chuẩn bị các môn đệ để họ gặp gỡ Đấng Phục
Sinh.
658.Đức Kitô, “trưởng tử trong số những người từ
cõi chết” (Cl 1,18), là nguyên lý của sự sống lại của chính chúng ta, ngay
bây giờ nhờ sự công chính hóa linh hồn chúng ta[60],và sau này
nhờ sự làm cho thân thể chúng ta được sống[61].
[1]Canh thức Vượt qua, Công
bố Tin mừng Phục sinh (“Exsultet”): Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis
Vaticanis 1970) 273 et 275.
[2]X. Cv 3,15; Rm 8,11.
[3]X. Dt 13,20.
[4]X. 1 Pr 3,18-19.
[5]X. Pl 2,10; Cv 2,24; Kh 1,18; Ep 4,9.
[6]X. Tv 6,6; 88,11-13.
[7]X. Tv 89,49; 1 Sm 28,19; Ed 32,17-32.
[8]X. Lc 16,22-26.
[9]Catechismus Romanus, 1, 6, 3: ed. Rodriguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 71.
[10]X. CĐ Rôma (năm 745), De descensu Christi ad inferos: DS 587.
[11]X. ĐGH Bênêđictô XII, Libellus Cum dudum (năm 1341), 18: DS 1011; ĐGH Clêmentê
VI, Epistula Super quibusdam (năm 1351), c. 15, 13: DS 1077.
[12]X. CĐ Tôlêđô IV (năm 633), Capitulum, 1: DS 485; Mt 27,52-53.
[13]X. Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9.
[14]X. Cv 3,15.
[15]Antiqua homilia in sancto et magno
Sabbato: PG 43, 440. 452. 461.
[16]Phụng vụ Byznatin, Troparium in die Paschatis: Pentekostarion (Romae 1884) 6.
[17]X. Cv 9,3-18.
[18]X. Ga 20,13; Mt 28,11-15.
[19]X. Lc 24,3.22-23.
[20]X. Lc 24,12.
[21]X. Ga 20,8.
[22]X. Ga 20,5-7.
[23]X. Ga 11,44.
[24]X. Mc 16,1; Lc 24,1.
[25]X. Ga 19,31.42.
[26]Mt 28,9-10; Ga 20,11-18.
[27]X. Lc 24,9-10.
[28]X. 1 Cr 15,5.
[29]X. Lc 22,31-32.
[30]X. Cv 1,22.
[31]X. 1 Cr 15,4-8.
[32]X. Lc 22,31-32.
[33]X. Ga 20,19.
[34]X. Mc 16,11.13.
[35]X. Lc 24,38.
[36]X. Lc 24,39.
[37]X. Ga 20,24-27.
[38]X. Lc 24,39; Ga 20,27.
[39]X. Lc 24,30.41-43; Ga 21,9.13-15.
[40]X. Lc 24,39.
[41]X. Lc 24,40; Ga 20,20.27.
[42]X. Mt 28,9.16-17; Lc 24,15.36; Ga
20,14.19.26; 21,4.
[43]X. Ga 20,17.
[44]X. Ga 20,14-15.
[45]X. Ga 20,14.16; 21,4.7.
[46]X. 1 Cr 15,35-50.
[47]Canh thức Vượt qua, Công bố Tin Mừng Phục
Sinh (“Exsultet”): Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis
Vaticanis 1970) 272.
[48]X. Ga 14,22.
[49]X. Rm 6,4; 2 Cr 13,4; Pl 3,10; Ep
1,19-22; Dt 7,16.
[50]X. Mc 8,31; 9,9.31; 10,34.
[51]Thánh Grêgôriô Nyssênô, De tridui inter mortem et ressurectionem Domini
nostri Iesu Christi spatio: Gregorii Nysseni opera,
ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 9 (
[52]X. Lc 24,26-27.44-48.
[53]X. Mt 28,6; Mc 16,7; Lc 24,6-7.
[54]X. 1 Cr 15,3-4; Tín biểu
Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[55]X. Tv 2,7.
[56]X. Rm 4,25.
[57]X. Ep 2,4-5; 1 Pr 1,3.
[58]X. Ga 20,17.
[59]X. Cl 3,1-3.
[60]X. Rm 6,4.
[61]X. Rm 8,11.
[62]X. Lc 24,31; Ga 20,19.26.
[63]X. Cv 10,41.
[64]X. Cv 1,3.
[65]X. Mc 16,12; Lc 24,15; Ga 20,14-15;
21,4.
[66]X. Cv 1,9; Lc 9,34-35; Xh 13,22.
[67]X. Lc 24,51.
[68]X. Mc 16,19; Cv 2,33; 7,56; Tv 110,1.
[69]X. 1 Cr 9,1; Ga 1,16.
[70]X. Ga 16,28.
[71]X. Ep 4,8-10.
[72]X. Ga 14,2.
[73]Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Thăng Thiên, I: Sách Lễ Rôma,
editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 410.
[74]X. Kh 4,6-11.
[75]Thánh Gioan Đamascênô, Expositio fidei, 75 [De fide orthodoxa,
4, 2]: PTS 12, 173 (PG 94, 1104).
[76]X. Tín biểu
Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.
[77]X. Cv 1,11.
[78]X. Cl 3,3.
[79]X. Ep 4,10; 1 Cr 15,24.27-28.
[80]X. Ep 1,10.
[81]X. Ep 1,22.
[82]X. Ep 4,11-13.
[83]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.
[84]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.
[85]X. 1 Pr 4,7.
[86]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.
[87]X. Mc 16,17-18.
[88]X. Mc 16,20.
[89]X. Mt 25,31.
[90]X. 2 Tx 2,7.
[91]X. 1 Cr 15,28.
[92]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.
[93]X. 1 Cr 11,26.
[94]X. 2 Pr 3,11-12.
[95]X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.
[96]X. Cv 1,6-7.
[97]X. Is 11,1-9.
[98]X. Cv 1,8.
[99]X. 1 Cr 7,26.
[100]X. Ep 5,16.
[101]X. 1 Pr 4,17.
[102]X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.
[103]X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.
[104]X. Kh 22,20.
[105]X. Mc 13,32.
[106]X. Mt 24,44; 1 Tx 5,2.
[107]X. 2 Tx 2,3-12.
[108]X. Rm 11,31.
[109]X. Rm 11,26; Mt 23,39.
[110]X. Rm 11,25.
[111]X. Rm 11,12.
[112]X. Rm 11,25; Lc 21,24.
[113]X. Lc 18,8; Mt 24,12.
[114]X. Lc 21,12; Ga 15,19-20.
[115]X. 2 Tx 2,4-12; 1 Tx 5,2-3; 2 Ga 7; 1 Ga
2,18.22.
[116]X. Sanctum Officium, Decretum de millenarismo (19-7-1944): DS 3839.
[117]X. ĐGH Piô XI, Thông điệp Divini Redemptoris (19-3-1937): AAS 29. (1937) 65-106; CĐ
Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 20-21: AAS 58 (1966) 1040-1042.
[118]X. Kh 19,1-9.
[119]X. Kh 13,8.
[120]X. Kh 20,7-10.
[121]X. Kh 21,2-4.
[122]X. Kh 20,12.
[123]X. 2 Pr 3,12-13.
[124]X. Đn 7,10; Ge 3,4; Ml 3,19.
[125]X. Mt 3,7-12.
[126]X. Mc 12,38-40.
[127]X. Lc 12,1-3; Ga 3,20-21; Rm 2,16; 1 Cr
4,5.
[128]X. Mt 11,20-24; 12,41-42.
[129]X. Mt 5,22; 7,1-5.
[130]X. Ga 5,27; Mt 25,31; Cv 10,42; 17,31; 2
Tm 4,1.
[131]X. Ga 3,17.
[132]X. Ga 5,26.
[133]X. Ga 3,18;12,48.
[134]X. 1 Cr 3,12-15.
[135]X. Mt 12,32; Dt 6,4-6; 10,26-31.