SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO –
PHẦN THỨ NHẤT TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
PARS PRIMA PROFESSIO FIDEI
(giaolyductin.org)
ĐOẠN THỨ NHẤT
"TÔI TIN" - "CHÚNG TÔI TIN"
SECTIO PRIMA
"CREDO" - "CREDIMUS"
26. Khi tuyên xưng đức tin, chúng ta khởi đầu bằng thuật từ: “Tôi tin”
hoặc “Chúng tôi tin”. Trước khi trình bày đức tin của Hội Thánh, như được tuyên
xưng trong Tín biểu, được cử hành trong phụng vụ, được thể hiện trong cuộc sống
bằng việc tuân giữ các Điều Răn và bằng việc cầu nguyện, chúng ta hãy tự hỏi
xem “tin” nghĩa là gì. Đức tin là việc con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng tự
mạc khải và hiến mình cho con người, đồng thời ban ánh sáng chứa chan cho con
người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời mình. Do đó, trước hết chúng ta sẽ
bàn về cuộc tìm kiếm của con người (Chương I), kế đến bàn về mạc khải của
Thiên Chúa, qua đó Thiên Chúa đến với con người (Chương II), và cuối cùng, bàn
về việc con người đáp lại bằng đức tin (Chương III).
CON NGƯỜI "CÓ KHẢ NĂNG" ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA
CAPUT PRIMUM HOMO EST DEI 'CAPAX"
DE DESIDERIO DEI
27. Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người
bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên
Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa, con
người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm:
“Khía cạnh cao quý nhất của phẩm giá con
người là con ngườiđược kêu gọi hiệp thông với
Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với
Thiên Chúa: thật vậy, con người đã chẳng hiện hữu, nếu, một khi đã được Thiên
Chúa vì tình yêu mà tạo dựng, nó không được Thiên Chúa vì tình yêu mà luôn luôn
bảo tồn; và con người cũng chẳng sống theo chân lý cách trọn vẹn, nếu nó không
tự nguyện nhìn nhận tình yêu ấy và phó mình cho Đấng Tạo Hoá của mình”[1].
28. Trong lịch sử của mình mãi đến ngày nay, loài người đã diễn tả việc
tìm kiếm Thiên Chúa của mình bằng nhiều cách, qua các tín ngưỡng và các hành vi
tôn giáo (cầu kinh, tế lễ, phụng tự, suy niệm, v.v...). Các hình thức diễn tả
này, mặc dù có thể kéo theo chúng những nét hàm hồ, vẫn là rất phổ quát đến nỗi
con người có thể được gọi là một hữu thể có tôn giáo:
“Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã
tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Ngài đã vạch ra những
thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm
kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài, tuy rằng thật sự Ngài không
ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động
và hiện hữu” (Cv 17,26-28).
29. Tuy nhiên, “sự liên kết thân mật và sống động này với Thiên Chúa”[2] có thể bị con người bỏ quên, sao lãng và thậm chí minh
nhiên gạt bỏ. Những thái độ như thế có thể phát xuất do những nguyên nhân rất
khác nhau[3]: do bất mãn trước sự dữ trên thế giới, do
không hiểu biết hoặc thờ ơ về tôn giáo, do lo toan về thế gian và tiền của[4], do gương xấu của các tín hữu, do những trào lưu tư
tưởng chống tôn giáo, cuối cùng là do thái độ của con người tội lỗi, vì sợ hãi
mà lẩn tránh Thiên Chúa[5]và chạy trốn khi nghe tiếng
gọi của Ngài[6].
30. “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỉ!” (Tv l05,3). Dù con
người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa vẫn không
ngừng kêu gọi mọi người tìm kiếm Ngài để họ được sống và đạt được hạnh phúc.
Nhưng việc tìm kiếm này đòi hỏi con người phải có nỗ lực của trí tuệ, sự ngay
thẳng của ý chí, “một tấm lòng thành”, và phải có cả chứng từ của những người
khác để dạy con người tìm kiếm Thiên Chúa.
“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và rất đáng ca
tụng: quyền năng của Chúa cao cả và sự khôn ngoan của Chúa thật khôn lường. Và
con người, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa, con người trong thân
phận phải chết, mang nơi mình chứng tích của tội lỗi mình và chứng tích việc
Chúa chống lại kẻ kiêu căng: vậy mà con người như vậy, một phần nhỏ bé trong
các thụ tạo của Chúa, muốn ca tụng Chúa. Chính Chúa thúc giục để con người vui
thích ca tụng Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn
chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”[7].
DE VIIS, QUIBUS AD DEUM COGNOSCENDUM
HABETUR ACCESSUS
31. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi nhận biết và
yêu mến Thiên Chúa, con người tìm kiếm Thiên Chúa sẽ khám phá ra một số “con
đường” giúp nhận biết Ngài. Những con đường này còn được gọi là “những lý chứng
về sự hiện hữu của Thiên Chúa”, nhưng không theo nghĩa lý chứng của các khoa
học tự nhiên, mà theo nghĩa những “lý chứng đồng quy và có sức thuyết phục”,
giúp con người đạt tới những sự chắc chắn thật sự.
Những “con đường” để đến với Thiên Chúa
như thế có khởi điểm là các thụ tạo: thế giới vật chất và con người.
32. Vũ trụ: Thiên Chúa có thể được nhận biết như
là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, căn cứ vào sự vận hành và chuyển biến của
vũ trụ, vào tính cách bất tất, vào trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ.
Về người ngoại giáo, thánh Phaolô khẳng
định: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước
mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không
thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của
Ngài, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn
thấy được qua những công trình của Ngài” (Rm 1,19-20)[8].
Còn thánh Augustinô thì nói: “Bạn hãy
hỏi vẻ đẹp của trái đất, hãy hỏi vẻ đẹp của biển khơi, hãy hỏi vẻ đẹp của không
khí đang dãn nở và lan tỏa, hãy hỏi vẻ đẹp của bầu trời, … hãy hỏi những thực
tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: Này bạn xem, chúng tôi quả là đẹp. Vẻ đẹp của
chúng là lời tuyên xưng của chúng. Ai đã làm nên những vẻ đẹp có thể thay đổi
đó, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ thay đổi?”[9]
33. Con người:với sự cởi mở đón nhận chân lý
và vẻ đẹp, với lương tri, với sự tự do và tiếng nói của lương tâm, với niềm
khát vọng sự vô biên và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên
Chúa. Nhìn vào tất cả những điều kể trên, con người nhận ra những dấu chỉ của
linh hồn thiêng liêng của mình. Là “hạt giống của sự vĩnh cửu mà con người mang
nơi mình, và không thể giản lược vào vật chất mà thôi”[10],
nên linh hồn con người không thể có một nguồn gốc nào khác ngoài một mình Thiên
Chúa.
34. Vũ trụ và con người minh chứng rằng chúng không phải là nguyên lý
tiên khởi và cứu cánh tối hậu của chính mình, nhưng thông phần với “Hữu Thể Tự
Tại”, vô thủy vô chung. Như vậy, qua những “con đường”khác nhau đó, con người
có thể đạt tới việc nhận biết sự hiện hữu của một thực tại là nguyên lý tiên
khởi và là cứu cánh tối hậu của mọi sự, “mà mọi người gọi là Thiên Chúa”[11].
35. Các tài năng của con người làm cho con người có thể nhận biết sự
hiện hữu của một Thiên Chúa có ngôi vị. Nhưng để con người có thể tiến đến chỗ
thân mật với Ngài, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình Ngài cho con người và
ban cho họ ân sủng để nhờ đó họ có thể đón nhận mạc khải này trong đức tin. Tuy
nhiên, các “lý chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa” có thể chuẩn bị cho đức tin
và giúp người ta thấy rằng đức tin không đối nghịch với lý trí của con người.
DE DEI COGNITIONE SECUNDUM ECCLESIA
36. “Mẹ Hội Thánh khẳng định và dạy rằng: Từ những loài thụ tạo, nhờ
ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, con người có thể nhận biết cách chắc
chắn về Thiên Chúa như là nguyên lý và cùng đích của mọi loài”[12]. Không có khả năng này, con người không thể đón nhận
mạc khải của Thiên Chúa. Con người có được khả năng đó là vì đã được tạo dựng
“theo hình ảnh Thiên Chúa”(St 1,27).
37. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh lịch sử mà con người đã trải qua,
con người gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa nếu chỉ dựa vào
ánh sáng của lý trí.
“Nói một cách đơn giản, mặc dầu lý trí
con người, nhờ sức lực và ánh sáng tự nhiên của mình, thật sự có thể đạt tới sự
nhận biết đích thực và chắc chắn về một Thiên Chúa có ngôi vị, Đấng bảo vệ và
cai quản vũ trụ bằng sự quan phòng của Ngài, cũng như nhận biết một luật tự
nhiên được Đấng Tạo Hoá đặt trong tâm hồn chúng ta, nhưng có không ít những
chướng ngại vật ngăn cản lý trí sử dụng khả năng bẩm sinh đó của nó một cách
hữu hiệu. Vì những chân lý liên quan đến Thiên Chúa, liên quan đến mối liên hệ
giữa Thiên Chúa và con người, là những điều hoàn toàn vượt quá lãnh vực những
sự vật hữu hình, và khi những chân lý đó được diễn ra bằng hành động và tác
động đến đời sống thì chúng đòi con người phải hiến thân và từ bỏ mình. Để đạt
được những chân lý như vậy, trí tuệ con người phải làm việc một cách khó khăn,
một đàng vì sự thúc đẩy của các giác quan và trí tưởng tượng, đàng khác vì
những dục vọng do nguyên tội gây nên. Cho nên trong những vấn đề đó, con người
dễ cho là dối trá hoặc ít nhất là mơ hồ, những điều họ không muốn đó là những
sự thật”[13].
38. Vì lý do đó, con người cần được mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn,
không những trong những gì vượt quá trí khôn, mà cả trong “những chân lý tôn
giáo và luân lý tự chúngvốn không vượt quá khả năng lý trí, để trong tình trạng
hiện thời của nhân loại, mọi người có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn và
không lẫn lộn sai lầm”[14].
QUOMODO DE DEO LOQUENDUM?
39. Khi bênh vực khả năng của lý trí con người trong việc nhận biết
Thiên Chúa, Hội Thánh tin tưởng rằng mình có thể nói về Thiên Chúacho mọi người
và với mọi người. Niềm xác tínnày là khởi điểm cho việc đối thoại của Hội Thánh
vớicác tôn giáo khác, với triết học và khoa học, và cả với những người vô tín
ngưỡng và những người vô thần.
40. Vì sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa có giới hạn, nên ngôn
ngữ chúng ta dùng để nói về Thiên Chúa cũng bị giới hạn. Chúng ta chỉ có thể
nói về Thiên Chúa dựa vào những gì chúng ta biết về các thụ tạo và theo cách
hiểu biết và suy nghĩ hạn hẹp của loài người chúng ta.
41. Mọi thụ tạo đều có một nét nào đó giống Thiên Chúa, đặc biệt là con
người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Nhiều điều hoàn hảo
của các thụ tạo (tính chân, thiện, mỹ của chúng) phản chiếu sự hoàn hảo vô biên
của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta có thể nói về Thiên Chúa từ những sự hoàn hảo
nơi các thụ tạo của Ngài, “vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp
nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,5).
42. Thiên Chúa siêu việt trên mọi thụ tạo. Vì vậy chúng ta phải không
ngừng thanh luyện ngôn ngữ của chúng ta khỏi những gì là hạn hẹp, lệ thuộc vào
hình ảnh, và bất toàn, để Thiên Chúa, Đấng loài người “không thể diễn tả được,
không thể hiểu thấu được, không thể nhìn thấy được, không thể suy tới được”[15],không bị lẫn lộn với những kiểu trình bày phàm nhân
của chúng ta. Ngôn ngữ phàm nhân của chúng ta không bao giờ có thể diễn tả đầy
đủ mầu nhiệm vô tận của Thiên Chúa.
43. Khi nói như vậy về Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta diễn đạt theo
cách phàm nhân, nhưng thật sự đạt tới chính Thiên Chúa, dù không thể diễn tả
được Ngài trong tính đơn thuần vô biên của Ngài. Chúng ta phải nhớ rằng “giữa
Đấng Tạo Hoá và thụ tạo, không thể ghi nhận sự giống nhau, mà không bao hàm
rằng sự khác nhau còn lớn hơn nhiều”[16]; hơn nữa,
“chúng ta không thể nắm bắt được Thiên Chúa là gì,nhưng chỉ có thể biết được
Ngài không phải là gì, và các hữu thể khác liên hệ với Ngài như thế nào”[17].
44. Tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo. Vì
phát sinh từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa, con người chỉ sống cuộc
sống nhân linh một cách đầy đủ khi tự nguyện sống liên kết với Thiên Chúa.
45. Con người được tạo dựng để sống hiệp thông với Thiên Chúa. Nơi
Ngài, họ tìm được hạnh phúc. “Khi con gắn bó hết mình với Chúa, con sẽ không
bao giờ còn phải đau đớn và vất vả nữa, và được tràn đầy Chúa, đời con sẽ trở
nên sống động”[18].
46. Khi lắng nghe sứ điệp của các thụ tạo và tiếng nói của lương tâm,
con người có thể đạt đến việc nhận biết chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên
Chúa, là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự.
47. Hội Thánh dạy rằng, con người có thể nhận biết cách chắc chắn về
Thiên Chúa duy nhất và chân thật, là Đấng Tạo Hóa và Chúa của chúng ta, qua các
công trình của Ngài, nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí con người[19].
48. Chúng ta thật sự có thể nói về Thiên Chúa dựa trên những nét hoàn
hảo đa dạng của các thụ tạo, vì đó là những điểm giống với sự hoàn hảo vô biên
của Thiên Chúa, mặc dầu ngôn ngữ hạn hẹp của chúng ta không diễn tả được hết
mầu nhiệm của Ngài.
49. “Các thụ tạo tan biến nếu không có Đấng Tạo Hoá”[20]. Vì thế, tín hữu
biết rằng mình được tình yêu Chúa Kitô thúc bách phải mang ánh sáng của Thiên
Chúa hằng sống đến cho những ai không biết Ngài hoặc chối từ Ngài.
[1]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19: AAS 58 (1966)
1038-1039.
[2]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19: AAS 58 (1966)
1039.
[3]X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19-21: AAS 58
(1966) 1038-1042.
[4]X. Mt 13,22.
[5]X. St 3,8-10.
[6]X. Ga 1,3.
[7]Thánh Augustinô, Confessiones, 1, 1, 1: CCL 27, 1 (PL 32, 659-661).
[8]X. Cv 14,15-17; 17,27-28; Kn 13,1-9.
[9]Thánh Augustinô, Sermo 241, 2: PL 38, 1134.
[10]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 18: AAS 58 (1966)
1038; x. Ibid.,
14: AAS 58 (1966) 1036.
[11]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, q. 2, a. 3, c: Ed.
[12]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 2: DS 3004; X. Ibid., De
Revelatione, canon 2: DS 3026; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum,
6: AAS 58 (1966) 819.
[13]ĐGH Piô XII, Thông điệp Humani generis: DS 3875.
[14]Ibid.: DS 3876. X. CĐ Vaticanô I, Hiến chế
tín lý Dei
Filius, c. 2: DS 3005; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum,
6: AAS 58 (1966) 819-820; Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, q. 1, a. 1, c: Ed.
Leon. 4, 6.
[15]Phụng vụ Byzantin. Anaphora sancti Ioannis Chrysostomi:Liturgies
Eastern and Western, ed. F.E. Brightman (Oxford 1896) p. 384 (PG
63, 915).
[16]CĐ Latêranô IV, Cap. 2. De errore abbatis Ioachim: DS 806.
[17]Thánh Tôma Aquinô, Summa contra gentiles, 1, 30: Ed. Leon. 13, 92.
[18]Thánh Augustinô, Confessiones, 10, 28, 39: CCL 27, 175 (PL 32, 795).
[19]X. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De revelatione,
canon 2: DS 3026.
[20]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 36: AAS 58 (1966)
1054.