SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHƯƠNG 2 THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI CAPUT SECUNDUM DEUS HOMINI OCCURRIT

 

 

50. Con người có thể dùng lý trí tự nhiên để nhận biết Thiên Chúa một cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Ngài. Nhưng còn có một lãnh vực nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của mình, đó là lãnh vực của Mạc khải thần linh[1]. Thiên Chúa, bằng một quyết định hoàn toàn tự do, tự mạc khải và ban chính mình Ngài cho con người. Thiên Chúa làm điều đó khi mạc khải cho mọi người mầu nhiệm của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài vốn đã có từ muôn thuở trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn kế hoạch của Ngài khi sai Con chí ái của Ngài, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và sai Chúa Thánh Thần.

 

 

Mục 1: Mạc khải của Thiên Chúa

Articulus 1: De revelatione Dei

 
I. THIÊN CHÚA MẠC KHẢI “KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG” CỦA NGÀI

DEUS SUUM REVELAT “BENEVOLUM CONSILIUM”

 

51. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài; nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”[2].

 

52. Thiên Chúa, Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16), muốn truyền thông sự sống thần linh của Ngài cho loài người mà Ngài đã tự ý tạo dựng, để cho họ được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Ngài[3]. Khi tự mạc khải, Thiên Chúa muốn làm cho loài người có khả năng đáp lại Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài vượt quá những gì họ có thể làm được tự sức mình.

 

53. Kế hoạch của Thiên Chúa về Mạc Khải được thể hiện cùng một lúc “bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau”[4], và soi sáng cho nhau. Kế hoạch đó bao hàm “một đường lối sư phạm thần linh” đặc biệt: Thiên Chúa truyền thông chính mình cho con người một cách tiệm tiến. Ngài chuẩn bị con người qua nhiều giai đoạn để đón nhận mạc khải siêu nhiên về chính bản thân Ngài. Mạc khải này sẽ đạt tới tột đỉnh nơi Ngôi Vị và nơi sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể, là Chúa Giêsu Kitô.

Thánh lrênê thường nói về đường lối sư phạm này của Thiên Chúa dưới hình ảnh Thiên Chúa và con người dần dần làm quen với nhau: “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã ở giữa loài người và trở thành Con Người, để làm cho con người quen dần với việc đón nhận Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa quen dần với việc ngự trong con người, theo ý muốn của Chúa Cha”[5].

 
 
II.    CÁC GIAI ĐOẠN MẠC KHẢI

REVELATIONIS PERIODI

 

Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa tự mạc khải cho con người

 

54. “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo; hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thuỷ, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết”[6]. Ngài đã mời gọi nguyên tổ của chúng ta sống hiệp thông thân mật với Ngài, khi ban cho họ ân sủng và đức công chính rạng ngời.

 

55. Mạc khải này không bị tội nguyên tổ làm gián đoạn. Quả vậy, “sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành”[7].

 

“Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người”[8].

 

Giao ước với ông Nôê

 

56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[9] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[10].

 

57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[11], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[12], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[13]. Nhưng vì tội lỗi[14], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.

 

58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[15], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhâncủa “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[16], ông này là hình bóng của Đức Kitô[17], hoặc các người công chính “Nôê, Đanielvà Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mứcđộ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản máckhắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

 

Thiên Chúa chọn ông Abraham

 

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[18].

 

60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[19], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[20]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[21].

 

61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.

 

Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài

 

62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[22].

 

63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[23], được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy”[24], dân của “những người làm anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[25].

 

64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[26], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[27]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[28], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[29]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[30]sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[31].

 
 
III.  CHÚA GIÊSU KITÔ – “ĐẤNG TRUNG GIAN VÀ ĐỒNG THỜI LÀ SỰ VIÊN MÃN CỦA TOÀN BỘ MẠC KHẢI”[32]

CHRISTUS IESUS - “MEDIATOR SIMUL ET PLENITUDO TOTIUS REVELATIONIS”

 

Thiên Chúa đã phán dạy mọi sự trong Ngôi Lời của Ngài

 

5. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông ta qua các tiên tri ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn hảo và cao cả nhất của Chúa Cha. Nơi Người, Thiên Chúa đã nói tất cả, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó. Sau bao vị khác, thánh Gioan Thánh giá đã diễn tả điều này một cách rõ ràng, khi chú giải câu Dt 1,1-2:

 

“Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa. Những gì trước kia Ngài chỉ nói từng phần qua các tiên tri, thì nay Ngài đã nói hết trong Đấng mà Ngài đã trao ban trọn vẹn cho chúng ta, tức là Con của Ngài. Do đó, bây giờ mà có ai còn muốn hỏi Thiên Chúa điều gì hoặc nài xin Ngài một thị kiến hay mạc khải nào nữa, thì người ấy chẳng những làm một chuyện điên rồ, mà xem ra còn xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi không chăm chú nhìn vào Đức Kitô mà lại tìm kiếm một cái gì khác hoặc một điều mới lạ ngoài Đức Kitô”[33].

 

Sẽ không có mạc khải nào khác nữa

 

66. “Vậy nhiệm cục Kitô giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh cửu. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang”[34]. Tuy nhiên, mặc dù mạc khải đã hoàn tất, nhưng nó vẫn chưa được giải thích trọn vẹn; vì thế đức tin Kitô giáo còn phải dần dần, qua dòng thời gian, tìm hiểu tất cả sự cao siêu của mạc khải.

 

67. Theo dòng lịch sử, đã xuất hiện những điều gọi là “mạc khải tư”, một số trong đó được thẩm quyền Hội Thánh công nhận. Tuy vậy, những mạc khải đó không thuộc kho tàng đức tin. Chức năng của chúng không phải là “cải thiện” hoặc “bổ sung” mạc khải vĩnh viễn của Đức Kitô, nhưng để giúp người ta, vào một thời điểm lịch sử nào đó, sống mạc khải của Đức Kitô cách trọn vẹn hơn. Cảm thức đức tin của các tín hữu, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội Thánh, có khả năng phân định và đón nhận trong các mạc khải đó những gì là lời khuyến dụ đích thực của Đức Kitô hoặc của các Thánh gởi đến cho Hội Thánh.

 

Đức tin Kitô giáo không thể tiếp nhận “những mạc khải” nào muốn vượt cao hơn hay sửa đổi mạc khải đã được hoàn tất trong Đức Kitô. Một số tôn giáo ngoài Kitô giáo và một số giáo phái được sáng lập gần đây đặt nền tảng trên “những mạc khải” như thế.

 
 
TÓM LƯỢC

 

68. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã tự mạc khải và ban chính mình Ngài cho con người. Qua đó, Ngài mang lại lời giải đáp vĩnh viễn và dư đầy cho những vấn nạn mà con người tự đặt ra cho mình về ý nghĩa và cùng đích cuộc đời họ.

 

69. Thiên Chúa đã tự mạc khải cho con người, bằng việc dần dần dùng lời nói và việc làm mà truyền thông mầu nhiệm riêng của Ngài.

 

70. Ngoài những chứng từ mà Thiên Chúa nêu lên về chính mình Ngài qua các thụ tạo, Thiên Chúa còn đích thân tỏ mình cho nguyên tổ chúng ta. Ngài đã nói với các vị, và sau khi các vị sa ngã, Ngài đã hứa ơn cứu độ[35]và ban Giao Ứơc của Ngài cho các vị.

 

71. Thiên Chúa lập với ông Nôê một giao ước vĩnh cửu giữa Ngài và mọi sinh linh[36]. Giao ước này sẽ tồn tại bao lâu thế gian còn tồn tại.

 

72. Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Abraham và đề xướng một giao ước với ông và dòng dõi ông. Từ đó, Thiên Chúa thiết lập dân Ngài và mạc khải LềLuật của Ngài cho họ qua ông Môisen. Nhờ các tiên tri, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân ấy đón nhận ơn cứu độ dành cho toàn thể nhân loại.

 

73. Thiên Chúa đã tự mạc khải trọn vẹn khi sai chính Con Ngài đến trần gian; nơi Chúa Con, Thiên Chúa đã thiết lập Giao ước của Ngài đến muôn đời. Con Thiên Chúa là Lời tối hậu của Chúa Cha nói với nhân loại, sau Người, không còn một mạc khải nào khác.

 

 



[1]X. CĐVaticanô I, Hiến chếtín lý Dei Filius, c.4: DS 3015.

[2]CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966) 818.

[3]X. Ep 1,4-5.

[4]CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966) 818.

[5]Thánh Irênê, Adversus haereses 3, 20, 2: SC 211, 392 (PG 7, 944); x. exempli gratia, Ibid.3, 17, 1: SC 211, 330 (PG 7, 929); Ibid. 4, 12, 4: SC 100, 518 (PG 7, 1006); Ibid. 4, 21, 3: SC 100, 684 (PG 7, 1046).

[6]CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 3: AAS 58 (1966) 818.

[7]CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 3: AAS 58 (1966) 818.

[8]Kinh nguyện Thánh ThểIV: Sách LễRôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 467.

[9]X. St 9,9.

[10]X. St 10,20-31.

[11]X. Cv 17,26-27.

[12]X. Kn 10,5.

[13]X. St 11,4-6.

[14]X. Rm 1,18-25.

[15]X. Lc 21,24.

[16]X. St 14,18.

[17]X. Dt 7,3.

[18]X. Gl 3,8.

[19]X. Rm 11,28.

[20]X. Ga 11,52; 10,16.

[21]X. Rm 11,17-18.24.

[22]X. CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 3: AAS 58 (1966) 818.

[23]X. Xh 19,6.

[24]Thứ Sáu Tuần Thánh, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.

[25]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội đường Do thái ở Rôma, (ngày 13/4/1986) 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX 1, 1027.

[26]X. Is 2,2-4.

[27]X. Gr 31,31-34; Dt 10,16.

[28]X. Ed 36.

[29]X. Is 49,5-6; 53,11.

[30]X. Sp 2,3.

[31]X. Lc 1,38.

[32]CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966) 818.

[33]Thánh Gioan Thánh giá, Subida del monte Carmelo, 2, 22, 3-5: Biblioteca Mistica Carmelitana, v. 11 (Burgos 1929) 184.

[34]CĐVaticanô II, Hiến chếtín lý Dei Verbum, 4: AAS 58 (1966) 819.

[35]X. St 3,15.

[36]X. St 9,16.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo